Pháp sư Thánh Nghiêm nói về bí mật của tình yêu

GN - Trong cuộc sống hàng ngày, ngoại trừ chất dinh dưỡng của thức ăn và nước uống, thì con người còn cần tăng thêm sự nuôi dưỡng của tinh thần, và tình cảm được xem là một liều thuốc nuôi dưỡng tinh thần tốt nhất.

Có thể nói, cảm xúc và cuộc sống có một quan hệ mật thiết với nhau. Mặc dù tình cảm mang lại cho con người rất nhiều ấm áp, nhưng cũng khiến cho con người tràn ngập khổ đau.

HTThanhNghiem.jpg


Pháp sư Thánh Nghiêm

Những người yêu nhau, tình cảm của họ sâu đậm và mãnh liệt, gắn bó keo sơn không thể tách rời, một khi tình yêu đã đi qua, hoặc mất đi người mình thương, thì cũng trở nên đau khổ rồi.

Cũng có một số người cho rằng chỉ cần không có cảm xúc với tình yêu, thì họ sẽ không bị tình yêu làm cho đau khổ. Đây có lẽ là một cách suy nghĩ thiếu đúng đắn, bởi vì tình yêu và cuộc sống có liên quan mật thiết với nhau, nếu như chúng ta phủ nhận nó hoặc cương quyết cắt bỏ tình cảm ấy, tức là không phù hợp với quy luật nhân quả, cũng không phù hợp với đạo lý con người.

Mặc dù, Phật giáo khuyến khích mọi người nên học cách buông bỏ hết vạn duyên, không dính mắc vào tình cảm, nhưng không vì thế mà con người phải sống vô tình. Bởi vì, con người vốn là một chúng sinh có tình cảm.

Gặp phải tình yêu không như ý

Tình cảm giữa nam nữ thường không tự mình kiểm soát được sự mong chờ. Giả như, nếu có một ngày, bạn gái hoặc bạn trai của bạn đột nhiên nói với bạn rằng: “Tôi xin lỗi! Tôi đã gặp được một người phù hợp hơn rồi, tôi xin bạn sau này đừng đến tìm tôi nữa”. Bạn có cảm thấy như nghe một tin sét đánh hay không? Có cảm thấy mình đã bị người khác phản bội hay bị lừa dối không? Từng có một bạn nam, bởi vì yêu một người mà người đó không yêu mình, nên anh ta rất đau khổ, sau đó đến nhờ tôi giúp đỡ. Anh ta nói: “Nếu như, là tôi chia tay cô ấy, có lẽ tôi không phải đau khổ đến như vậy, không ngờ cô ấy lại muốn chia tay, nhưng tôi thì không muốn chia tay cô ấy, cho nên tôi giống như bị kết án tử hình vậy”. Người thất tình thường nhìn đời đầy bi thảm, cảm giác sống cũng như chết:

“Ngay cả người tôi yêu nhất cũng không còn yêu tôi, vậy tôi sống để làm gì?”.

“Ừ! Bạn không cần tôi, tôi vốn dĩ cũng không cần bạn nữa rồi”.

“Thật là có mắt như mù!”.

Có những lúc, chúng tôi có thể nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông, có một số người vì chuyện tình cảm mà xem nhẹ sự sống, tự mình muốn kết liễu cuộc đời; cũng có một số người vì tình cảm mà giết người, mang tâm lý cực đoan nói rằng: “Bạn làm cho tôi đau khổ như vậy, tôi cũng không khiến bạn hạnh phúc”, hoặc là “tôi không thể lấy được bạn, thì mọi người trên thế gian này cũng không ai lấy được bạn”, rồi giết chết người kia, thậm chí sau khi giết chết người đó, tự mình cũng kết liễu.

Hầu hết mọi người đều biết rằng, tình yêu là sự đồng cảm từ hai bên. Trong trường hợp đó, nếu đối phương không yêu bạn, thì bạn cũng đừng cố gắng theo đuổi, và nên chia tay một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, có một số người cứ nghĩ tình cảm đã chết rồi, điều này không chỉ mang lại rắc rối cho đối phương mà còn tự chuốc lấy hoàn cảnh khó khăn cho bản thân. Nói như vậy, xét cho cùng, con người chứ không phải cây cỏ thực vật, ai có thể vô tình? Người bình thường vẫn thường mắc phải tình cảm, có thể thấy rằng thực ra không dễ dàng gì buông bỏ được tình cảm.

Lấy giáo lý nhân duyên mà hóa giải hận thù của tình yêu

Vì tình yêu mà sanh oán, sanh hận là điều rất đáng tiếc. Theo quan điểm của đạo Phật, đây đều là những hành vi dại dột, bởi vì tình yêu chân chính đòi hỏi hai bên cần phải có tình cảm với nhau, có nhân có duyên thì mới thành tựu, chứ không phải tự mình muốn là được. Đã biết rõ đối phương muốn chấm dứt tình cảm với mình mà lại còn cố hết sức tìm mọi biện pháp níu kéo, mong muốn đối phương quay trở lại, thì chẳng khác gì “người thua cá độ”, trong tâm họ không chịu khuất phục và luôn muốn kiếm lại tiền đã thua, nếu tiền đánh thua hết thì nghĩ ngay tới biện pháp vay mượn, cứ như vậy thì ngày càng lún sâu vào cạm bẫy, không thể tự mình rút ra được.

Đã biết không thể quay lại được, thì không nên lún sâu hơn, nên gấp nhanh chóng rút lui, thì xem như đây là một lời cảnh báo, ít nhất bạn cũng sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, như vậy cũng là tự mình thương lấy bản thân mình. Tình thương không phải chỉ là yêu thương người khác, trên thực tế, cũng là nên tự bảo vệ chính bản thân mình.

Có lần, tôi gặp một cô gái bị bạn trai bỏ rơi, cô ta mong muốn có thể chết cùng với bạn trai. Sau đó, cô ta biết bạn trai đã có tình yêu mới, xác định không thể quay trở lại yêu cô ta được nữa nên cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã nghĩ thông suốt rồi: “Nhân duyên đã như vậy rồi, muốn sau này có cuộc sống tốt hơn, thì tôi không nên căm hận anh ấy cả đời nữa!”.

Đang lúc tình yêu bị đổ vỡ, bạn nên cố gắng hóa giải những giận hờn, bất bình trong lòng. “Nhân duyên” mà cô gái này đã trải qua, đó là khái niệm “tính Không” trong Phật giáo, là cách tốt nhất giúp con người thoát khỏi nỗi đau. Chỉ cần chúng ta coi sự tập hợp và phân tán của tình yêu là sự thay đổi của nhân và duyên, và hiểu được nguyên lý “phân ly nhân duyên và nguyên tắc tập hợp nhân duyên”, thì yêu và ghét có thể được chuyển biến và hóa giải chỉ trong một niệm sanh khởi.

Lún sâu vào cạm bẫy của tình yêu

Có lần, một đệ tử người Mỹ của tôi đến nhờ tôi giúp đỡ.

Anh ta nói: “Tôi có bạn gái rồi”.

Tôi hỏi anh ta: “Có bạn gái rồi nên hạnh phúc lắm phải không?”.

Nhưng, anh ta nói rằng bạn gái anh ta yêu anh ta rất nhiều. “Điều này không tốt lắm sao? Đó không phải là tình yêu mà bạn mong muốn sao?”.

“Không tốt một chút nào! Như vậy thì khiến tôi và cô ấy cùng đang cảm thấy rất đau khổ”. Anh ta không biết nói thế nào cho đúng.

“Rốt cuộc, bạn có yêu cô gái này không?”. Tôi không nhịn được liền hỏi anh ta.

 “Tôi rất yêu cô ấy, nhưng tôi cảm thấy giống như bị ràng buộc vậy, bị nhốt lại và không được tự do”.

“Tại sao tình yêu muốn giam cầm con người như vậy?”. Rất nhiều cặp đôi thường hay nói: “Anh yêu em đến chết!”, hay họ thích nói: “Em là một nửa của anh, còn anh là một nửa của em!”. Rõ ràng họ là hai người khác nhau, nhưng họ yêu cầu đối phương trở thành một phần của chính mình. Loại tình yêu này đều hy vọng sẽ nắm bắt được con người của nhau, cũng muốn khóa chặt trái tim của đối phương, kiểm soát hành động và kiểm soát cả trái tim của nhau.

Cái gọi là “ràng buộc” của tình yêu, trên thực tế là sự chiếm hữu, là đem tự ngã bản thân đi trói buộc người khác. Tình yêu giữa nam và nữ là một loại sở hữu lẫn nhau. Nếu bạn muốn chiếm hữu anh ta, anh ta cũng muốn chiếm hữu bạn, bởi vì họ đều muốn chiếm hữu lẫn nhau, vì vậy họ không thể tách rời nhau. “Yêu” như vậy, rốt cuộc chỉ khiến đối phương càng muốn trốn tránh mà thôi.

Ngoài ra, khi yêu, nhiều người luôn muốn tìm cho bản thân một chỗ dựa, tức là tìm một chỗ dựa vững chắc. Tôi phải dựa vào bạn trai, bạn gái, chồng và vợ của tôi... Lúc đầu, khi mới dựa dẫm vào nhau, họ có thể cảm nhận được hương vị ấm áp của tình yêu. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian dài, đối phương có thể nghĩ rằng “tại sao em dựa dẫm vào anh lâu vậy? Anh quá mệt mỏi rồi!”. Đôi khi ít dựa nhau thì cảm thấy ngọt ngào, nhưng lâu ngày sẽ trở thành sự phiền hà và làm gánh nặng cho nhau.

Ngay cả trong thế giới tình yêu, mỗi người đều là một bản thể độc lập, dù là nam hay nữ, ai cũng sợ người khác trở thành gánh nặng của chính mình. Nếu không thể tự lập, chỉ muốn dựa dẫm hoặc trông chờ vào nửa kia, thì chính bạn sẽ trở thành gánh nặng cho “nửa kia”.

Yêu thương bằng sự tôn trọng

Một người vợ từng than thở với tôi: “Tình yêu phải là hy sinh bản thân và hiến tặng cho người khác. Mặc dù chồng tôi nói rằng anh ấy yêu tôi, nhưng anh ấy không bao giờ hiến tặng bản thân mà chỉ muốn tôi hiến tặng cho anh ấy. Tôi nghĩ, vì anh ấy không yêu tôi. Vậy thì, tôi cũng không muốn yêu anh ấy”.

Tại sao tình yêu phải hiến tặng, lại còn yêu cầu thêm những điều kiện để đáp lại tình yêu? Nói theo đạo lý thì tình yêu chơn chánh phải là sự cho đi vị tha, nhưng hầu hết tình yêu vẫn bắt đầu từ sự chiếm hữu và kiểm soát. Điều này dẫn đến đến sự bất an cho con người. Vì vậy, yêu cầu người yêu hiến tặng hết mình e rằng đó là điều rất khó thực hiện. Do đó, tình yêu ngọt ngào thì thường kèm theo đau khổ. Mong đợi, yêu cầu, ước muốn đối phương đối xử và đáp trả lại mình một cách “chân thành”, nhưng tấm lòng của mình liệu có thật “chân thành”?

Có một đoạn trong kinh Kim cương,  Đức Phật nói rằng “tất cả tâm đều không phải là tâm, thì chúng được gọi là tâm”. “Tất cả tâm” ở đây chỉ những hoạt động tâm lý khác nhau của mỗi chúng sinh, tất cả đều là huyễn hóa, hư vọng. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ cần bạn có lòng, thì không phải thật lòng, nên nói “tâm vô sở trụ”, vô vật, vô tâm mới là “chân tâm”. Cho nên nói, tâm chiếm hữu, tâm dựa dẫm, tâm mong chờ đều không thể gọi là “chân tâm”, mà là “tâm phiền não”.

Người xưa nói “tương kính như tân”, mới đầu nghe tuy có vẻ là lời sáo rỗng nhàm tai, nhưng đích thực đó mới là sự khôn ngoan để duy trì tình yêu lâu dài. Nếu bạn muốn tránh những cuộc cãi vã, những sự hiểu lầm hoặc muốn xóa tan những kỳ vọng và đòi hỏi liên tục, thì khi gặp phải những vấn đề như vậy, bạn cũng có thể đối mặt và giải quyết những vướng mắc trong lòng với sự tôn trọng, thuyết phục, vui vẻ và bình tĩnh. Trong thực tế, chúng có thể được giải quyết ngay lập tức.

Mối quan hệ trong tình yêu không phải là sự ràng buộc, vướng mắc hay là sự chiếm hữu lẫn nhau, mà là sự hiến tặng cho nhau, cùng nhau nâng đỡ, phát triển và học hỏi. Chỉ khi, bạn có thể quan tâm, chăm sóc, bao dung, không so đo tính toán, không nghi ngờ, đồng thời kết nối với người kia nhiều hơn và tin tưởng lẫn nhau, thì họ mới có thể trở thành “Bồ-tát bạn lữ” mãi mãi của nhau.

Phạm Đỗ Quỳnh Châu dịch / Báo Giác Ngộ số 1066

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.