Tông Thiên Thai lấy kinh này làm giáo pháp căn bản. Bộ kinh này chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Đại thừa Phật giáo, đó là giáo pháp về sự chuyển hóa của Phật tính và khả năng giải thoát. Về thời điểm, theo Ngũ thời thuyết giáo, kinh Pháp Hoa và Niết Bàn được Đức Phật thuyết giảng vào 8 năm cuối cùng của cuộc đời Ngài (Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật / A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát / Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm / Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên) và được kết tập vào khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch.
Kinh Pháp Hoa được Đức Phật thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá cho vô số các vị Đại Tỳ kheo, Đại Bồ tát, các chúng Thiên long Bát bộ cùng với hoàng hậu Vi Đề Hi, vua A Xà Thế và mấy trăm ngàn tùy thuộc.
Cốt yếu kinh Pháp Hoa là nói về Nhất thừa. Chính vì vậy, Pháp Hoa không công nhận La hán (hay Duyên giác) là cứu cánh. Pháp Hoa ra đời nhằm mục đích giáo hóa hàng Bồ tát thành Phật. Pháp Hoa tuyên bố đạo Phật chỉ có Nhất thừa là Phật thừa và chư Phật ra đời là để mở đường, chỉ lối cho chúng sanh giác ngộ để nhập vào sự hiểu biết của Phật (khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến). Trong kinh có 5.000 vị đệ tử vì cống cao ngã mạn nên rời khỏi pháp hội, những vị còn lại đều được Phật thọ ký thành Phật sau này.
Mặc dù kinh Pháp Hoa kết tập vào đầu kỷ nguyên Tây lịch tại Ấn Độ, nhưng đến giữa thế kỷ thứ III Tây lịch (năm 256), kinh Pháp Hoa đã được truyền bá đến xứ Giao Châu qua bản dịch Pháp Hoa Tam Muội (6 quyển) của ngài Chi Cương Lương - đó là chưa kể việc ngài Khương Tăng Hội đã từng trích dịch phẩm “Thí dụ” trước đó với tên “Phật thuyết tam xa dụ kinh”. Đến hậu bán thế kỷ thứ III (năm 286), tại Trung Hoa, ngài Trúc Pháp Hộ mới dịch kinh Pháp Hoa ra bản tiếng Hán. Như vậy, Việt Nam có lịch sử truyền thừa kinh Pháp Hoa lâu đời hơn Trung Quốc. Kinh Pháp Hoa đã có dịp truyền bá sâu rộng trong quần chúng nhân dân Việt Nam.
Sự ảnh hưởng sâu rộng này có thể được nhìn thấy rõ qua những lá thư của ngài Đạo Cao gửi cho Lý Miễu năm 450, bàn về sự có mặt của Đức Phật tại Linh Sơn. Vì vậy, Pháp Hoa là bộ kinh được trưng dẫn sớm nhất mà chúng ta hiện biết được qua tài liệu văn - sử học Việt Nam. Đến đời Lý, sử liệu cũng cho thấy rằng kinh Pháp Hoa đã từng được Nhị tổ thiền phái Trúc Lâm, ngài Pháp Loa (1284-1330), soạn thành “khoa sớ” với tên gọi Pháp Hoa kinh khoa sớ. Bản kinh này cũng được ngài Minh Châu Hương Hải (1628-1715) chú giải, là bản chú giải bằng tiếng Việt sớm nhất của Việt Nam. Đến thượng bán thế kỷ XIX, việc nghiên cứu kinh Pháp Hoa đã trở thành cao trào mà điển hình là tác phẩm Pháp Hoa kinh giải của ngài Thanh Đàm, đặc biệt là bản dịch bằng thơ Pháp Hoa quốc ngữ kinh của ngài Pháp Liên, in năm 1856.
Ngày nay, hầu hết các chùa tại Việt Nam đều thọ trì kinh Pháp Hoa; nhiều đạo tràng chuyên tu Pháp Hoa cũng ra đời. Kinh Pháp Hoa đã có dịp đến gần với cuộc sống của giới tu sĩ và cư sĩ hơn bao giờ hết.
Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.
1. Hỏa trạch dụ (phẩm Thí dụ): Đây là câu chuyện dụ về một ngôi nhà lớn đang cháy. Chủ nhà là một trưởng giả, trở vào cứu thoát bầy con. Nhưng dù trưởng giả cắt nghĩa và đốc thúc đến mấy, lũ con cũng vẫn ham chơi, không có ý thức chạy thoát. Trưởng giả biết sức mình có thể gom chúng lại ôm và chạy ra, nhưng do ham chơi, ý thức chạy thoát không có, chúng có thể kháng cự, rơi lại, và bị đốt cháy, nên chủ nhà phải dùng mưu chước. Biết đứa nào cũng thích xe và đồ chơi, ông bảo có 3 loại xe để sẵn ở ngoài, với đủ mọi đồ chơi, hãy chạy gấp ra mà lấy. Nghe nói đúng sở thích, chúng tranh nhau chạy ra và thoát khỏi nhà lửa. Nhưng rồi chủ nhà giàu có nên đứa nào ông cũng cho loại xe lớn và đẹp nhất.
Ở đây, kinh dùng một thí dụ để giải thích tại sao chỉ có một con đường Phật đạo, mà trước kia Phật dạy có tới ba. Trong thí dụ này, ta có thể hiểu rằng: ông nhà giàu là Phật, những đứa con là chúng sanh; lửa cháy, sự mục nát, rắn rít,... chỉ cảnh khổ của chúng sanh là sanh, già, bệnh, chết, sầu não, mê muội; ba xe chỉ cho ba thừa hay ba bậc tu hành: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Còn cỗ xe lớn chính là Nhất thừa hay Phật thừa. Những đứa con của trưởng giả ra khỏi nhà lửa, chỉ chúng sanh, nhờ sự dụ dẫn của Tam thừa, ra khỏi tam giới, được an ổn và khoái lạc, chính là Niết bàn.
Ở trên đã nói, ông nhà giàu là dụ cho Phật, mà Phật cũng chính là Tâm. Vậy câu: “ông trưởng giả giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là Tâm đầy đủ mọi công đức (Đức tạng), mọi pháp (Pháp tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều kiện để đạt đến quả vị cuối cùng là Phật quả. Điều cần yếu là mỗi người phải tự biết mình có sẵn kho tàng quý báu vô song đó và phải biết khai thác, diệu dụng. Đó chính là mục đích của Phật giáo Đại thừa.
2. Cùng tử dụ (phẩm Tín giải): Ví như có người tuổi nhỏ, bỏ cha trốn đi xứ khác đến 50 năm. Gặp cảnh nghèo khốn, người con phải bôn ba kiếm tìm cơm áo, lần hồi đến đô thành cha ở. Cha cùng tử giàu sang, có tư thế rất lớn. Xa con hơn 50 năm mà ông vẫn thương nhớ khôn nguôi. Ông lo nghĩ khi mình chết, tài sản không biết sẽ giao cho ai. Người con đến nhằm lâu đài của cha, nghĩ đây là chỗ sang trọng, không phải nơi mình có thể kiếm ăn. Vì vậy, cùng tử quyết đi đến xóm nghèo làm thuê kiếm sống, nghĩ xong liền bỏ chạy. Người cha sai người hầu chạy theo dẫn con về. Người con sợ quá, tưởng phen này bị bắt tội, liền ngất đi. Người cha thấy vậy, biết con mình thấp kém nghèo hèn, sợ ngay chính cả sự giàu sang của cha, bèn kín đáo sai vài kẻ bần cùng, xấu xí đi dụ con về, nói ông muốn thuê người dọn đồ dơ bẩn, trả giá gấp đôi. Sau đó, ông từ từ cất nhắc con lên. Rồi nhận thấy tâm tánh con mình đã bớt phần hạ liệt, ông bèn giao những công việc quan trọng hơn. Cuối cùng, ông tuyên bố với mọi người rằng đây chính là con ông và tất cả những tài sản mà ông có chính là tài sản của cùng tử...
Kinh Hán văn gọi anh chàng bỏ nhà, bỏ cha trốn đi là “cùng tử”, nghĩa là đứa con bần cùng. Trong thí dụ này, ta dễ dàng nhận thấy đứa con bỏ nhà, bỏ cha ra đi, là trước kia cha con đã cùng ở chung một chỗ. Chỗ đó là “Phật độ viên giác, thanh tịnh”. Không riêng gì Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên... mà tất cả chúng ta và Phật đều cùng nguyên quán, đều cùng ở một chỗ là nơi hoàn toàn sáng suốt (viên giác) và trong sạch (thanh tịnh). Nhưng khi “vô minh bất giác” nổi lên, bèn quên cả nguồn gốc cao quý của mình, đến nỗi bỏ nhà viên giác thanh tịnh mà ra đi, dấn thân vào cảnh phàm phu, làm đứa con hoang, làm anh chàng cùng tử, một mảnh trí huệ quý báu không có, thành phải chịu phiền não luân hồi. Người cha nhớ thương con, bỏ xứ đi tìm, dụ cho việc Phật xuất thế hạ trần, sống hòa trần trong cảnh ngũ trược để độ chúng sanh. Nhưng cha thì giàu tột bậc (Phật đầy đủ đức tướng) còn con thì bần cùng khổ sở (chúng sanh phước mỏng tội dày), nên đứa con không dám nghĩ rằng mình cũng vốn có sẵn đức tánh cao quý như cha. Cũng vậy, chúng sanh đều có tánh giác, lại tự thấy mình quá hèn kém, không dám nhận mình là con Phật, không dám nghĩ mình có thể thừa hưởng gia tài quý báu của Như Lai. Chúng ta quen với những thứ tầm thường, dơ bẩn, bỗng nhiên một hôm Đức Phật tuyên bố rằng mỗi chúng ta đều là những vị Phật sẽ thành, thì ngơ ngác hoảng sợ. Phật phải dùng nhiều phương tiện dẫn dụ mới có thể khiến chúng ta tin và biết được nguồn gốc của mình, mới vui mừng nghĩ rằng: không cầu mà có, tự nhiên mà đến.
3. Dược thảo dụ (cũng gọi là Vân vũ dụ - phẩm Dược thảo dụ): Dụ này nói rằng đại thiên thế giới, núi đồi hang rãnh và ruộng đất mọc lên cây cối và cỏ thuốc, với bao nhiêu chủng loại mà tên gọi và màu sắc không hề giống nhau. Nhưng mây dày nổi lên và mưa bủa giăng xuống khắp cả đại thiên thế giới ấy; mưa xuống một cách đồng thời và đồng đều, thấm nhuần tất cả. Tất cả cây thuốc rễ nhỏ, nhánh nhỏ, thân nhỏ, lá nhỏ; cây thuốc rễ vừa, nhánh vừa, thân vừa; cây thuốc rễ lớn, nhánh lớn, thân lớn, lá lớn... tùy theo tính chất mà được hấp thụ đủ cả. Một trận mưa lớn, xứng hết với các mầm, nên thứ nào cũng được sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt. Cùng một đất mọc lên, một mưa thấm xuống, nhưng các cây cối và cỏ thuốc vẫn có khác nhau.
Ở đây, dược thảo (cỏ thuốc) dụ cho căn tánh của chúng sanh trong 3 thừa. Cỏ có 3 loại: cỏ nhỏ, cỏ vừa, cỏ lớn, theo thứ tự mà thí dụ cho Nhân - Thiên là cỏ thuốc nhỏ, Thanh văn - Duyên giác là cỏ thuốc vừa và Bồ tát là cỏ thuốc lớn. Cùng mọc từ đất, cùng thấm nước mưa, nhưng mọi cây cỏ phát triển đều khác nhau mà không thứ nào tự biết như vậy. Qua âm thanh duy nhất của Phật, như trận mưa pháp lớn, qua việc Phật thường xuyên tạo yếu tố cho bước tới Nhất thừa, tất cả cùng nghe pháp đồng nhất, nhưng mỗi người tu nhân và nhận quả khác nhau mà không ai tự biết. Chỉ có Phật biết rõ mà thuyết pháp cho. Do đó, ví dụ cây cỏ (hay mưa lớn) này cho thấy Ngũ thừa hay Tam thừa cùng xuất từ Nhất thừa mà vẫn khác nhau.
4. Hóa thành dụ (phẩm Hóa thành dụ): Đức Phật kể câu chuyện: Có một con đường hiểm ác dài đến 500 do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông, chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường mệt mỏi, lười biếng, muốn thối lui. Vị hướng dẫn có lắm phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, biến hóa ra một thành quách lớn, bảo mọi người có thể vào nghỉ. Đoàn người rất vui mừng, nghĩ rằng mình đã thoát con đường hiểm ác, có thể ngơi nghỉ an toàn, tưởng đã đến đích. Nhưng khi mọi người hết mệt, vị hướng dẫn biến mất thành, bảo mọi người hãy nên đi tới, chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành đó chỉ là do người hướng dẫn hóa ra mà thôi.
Ở đây, Đức Phật dùng thí dụ hóa thành để chỉ rõ nhân tố khiến Nhất thừa hiện ra Tam thừa, đó là do ý chí cầu giải thoát quá yếu kém của chúng sanh. Thế Tôn phải nương vào ý chí, giới hạnh đó mà dẫn dắt chúng sanh đến chỗ giải thoát tối hậu. Ngài bèn phương tiện chỉ bày giáo lý Tứ đế (giải thoát) qua từng chặng để tránh các phản ứng không thuận lợi do tâm lý mệt mỏi của các hàng đệ tử với nhiều căn cơ bất đồng. Vì thế, Thế Tôn thoạt đầu đầu mở ra lộ trình đầu tiên đi ra khỏi tham, sân si - đi ra khỏi sinh tử luân hồi - với bốn Thánh quả. Về sau, với căn trí nhạy bén của đệ tử, Thế Tôn mới dạy chặng đường đến Phật trí.
5. Y châu dụ (hay Hệ châu dụ - phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký): Có kẻ đến nhà bạn thân, say rượu nằm ngủ. Người bạn sắp đi việc công, nên đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của người ấy. Người ấy ngủ say, không hay biết gì cả. Tỉnh dậy thì lang thang đến xứ khác, làm ăn rất cực nhọc, và kiếm được chút ít tự cho là đủ. Về sau người bạn gặp lại, thấy mà phải kêu lên, sao anh đến nông nỗi này. Trước đây muốn cho anh vui thú nên tôi đã đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của anh, nay đang còn kia. Sao anh không biết để phải tự kiếm sống khó nhọc. Anh thật khờ dại, hãy đem viên ngọc ấy đổi lấy những thứ cần dùng, thì không còn thiếu thốn gì nữa.
Đức Thế Tôn cũng vậy. Khi Ngài làm Bồ tát, đã gieo vào mỗi chúng ta chí nguyện tối thượng, chí nguyện cầu tuệ giác của Bậc Toàn giác. Nhưng chúng ta quên ngay, không hay biết gì hết. Được tuệ giác La hán là tự cho đã Niết bàn, như kẻ kiếm sống cực nhọc, có được chút ít tự cho là đủ. Trong khi đó chí nguyện nói trên vẫn còn y nguyên. Đến khi được Đức Thế Tôn thức tỉnh, chúng ta mới hay rằng cái mà chư vị Thanh văn, Duyên giác, ngay cả Bồ tát đạt được cũng chưa phải là Niết bàn. Nhưng qua đó, chúng ta cũng nhận ra rằng trong mỗi chúng sanh đều có tánh giác, đều có hạt châu vô giá, đó chính là Phật tâm, là sự sáng suốt vô ngại.
6. Kế châu dụ (hay Đảnh châu dụ - phẩm An lạc hạnh): Vị luân vương hùng cường nọ muốn sử dụng uy thế làm cho các nước khác thuần phục. Nhưng các quân vương không tuân lịnh. Luân vương phải động binh chinh phạt. Thấy chiến sĩ ai có công thì luân vương mừng, tùy công mà thưởng bằng cách ban cho đủ thứ cần dùng và hiếm có. Chỉ viên ngọc sáng trong búi tóc thì không đem cho, vì chỉ trên đỉnh đầu của luân vương mới nên có viên ngọc sáng ấy. Cho đến khi chiến sĩ lập được chiến công vô cùng hiển hách, nhà vua lúc bấy giờ mới đem viên minh châu trên đầu mình mà ban tặng.
Đức Như Lai cũng như vậy. Nhờ sức mạnh của thiền định và trí tuệ, Như Lai làm vua “nước pháp”, thống trị ba cõi. Vì ma vương không quy phục nên Như Lai mới dùng Hiền Thánh làm tướng để đánh ma vương. Đối với các bậc hữu công trong trận chiến này, Pháp vương Như Lai ban cho cái quý báu của thiền định, giải thoát, vô lậu, ban cho thành quách Niết bàn để dẫn dắt tâm họ, khiến mọi người hoan hỷ, nhưng Như Lai chưa vì họ mà nói kinh Pháp Hoa. Chỉ đến khi “quân đội” Hiền Thánh dẹp trừ được ma năm ấm, ma não phiền, ma ba độc, phá lưới ma ba cõi... Pháp vương mới ban cho kinh Pháp Hoa, là lời thuyết giáo cao cả nhất của Đức Như Lai.
7. Y sư dụ (hay Y tử dụ - phẩm Như Lai thọ lượng): Thí như vị thầy thuốc hay, trí tuệ thông đạt, luyện rành các phương thuốc. Ông thầy thuốc đó có nhiều con. Vì có duyên sự, ông đi sang nước khác, những đứa con của ông ở nhà uống phải thứ thuốc độc làm cho tâm sầu muộn, mê man, rối loạn, vật vã trên đất. Bấy giờ người cha từ nước khác trở về, thấy những đứa con bị trúng độc, có đứa mất cả bản tâm, có đứa không mất bản tâm, thấy cha về thì mừng rỡ, xin cha cứu giúp. Người cha thương con, bèn chế thuốc hay đưa cho các con uống. Những đứa không mất bản tâm, nghe lời cha uống thuốc thì được bình phục. Còn những đứa mất bản tâm, tuy thấy cha đến cũng biết thưa hỏi, cũng muốn chữa bệnh, nhưng khi cha đưa thuốc lại không chịu uống. Bởi lẽ chất độc đã ngấm sâu, làm mất bản tâm, cho nên đối với những thứ thuốc hay, chúng không cho là tốt. Vị lương y bèn nghĩ ra phương tiện giúp các con uống những thứ thuốc hay đó, bèn bảo: Ta đã già rồi, ngày chết sắp đến nơi, thứ thuốc hay đó ta nay để đây các ngươi tự lấy uống, chớ lo không lành. Xong, ông trở về nước khác, sai sứ trở về bảo rằng cha các người đã chết. Những người con nghe vậy thương nhớ vô hạn, nghĩ đến tấm lòng và phương thuốc của cha cho, liền lấy ra uống và lập tức khỏi bệnh. Người cha biết các con đã chịu uống thuốc và lành bệnh, liền trở về cho chúng thấy mặt.
Ở đây, vị lương y chính là Phật, các người con điên đảo chỉ cho chúng sanh. Như Lai thành Phật đến nay đã vô lượng kiếp, chỉ vì cứu độ chúng sanh mà phương tiện tuyên bố nhập diệt. Nhưng không phải Như Lai nói dối. Phật thấy biết chúng sanh ai đang đi theo đường chánh và ai đang lạc vào nẻo tà, nên biết tùy trường hợp mà hóa độ. Nhờ vậy mà Đức Phật có thể cứu độ chúng sanh. Đó chính là phương tiện thuyết pháp và hóa độ của Như Lai, rằng Như Lai nhập diệt nhưng kỳ thực không phải nhập diệt.
Xuyên suốt những thí dụ trên là những lời giáo huấn tha thiết của Đức Như Lai. Tất cả phương tiện thiện xảo của Ngài mục đích cũng là để cho chúng sanh thấy tam giới là nhà lửa, chúng sanh, thậm chí là hàng Thanh văn, Duyên giác là những kẻ cùng tử, những kẻ có chút ít tự cho là đủ. Chúng sanh dù căn cơ siêu việt hay thấp kém, hạ liệt cũng đều từ một cõi đất mà ra, cũng đều có cùng một quê hương xứ sở. Nhưng chúng sanh hầu như quên mất nguồn gốc cao quý của mình, lang thang trong ba cõi khổ đau bất tận. Một trận mưa pháp của Như Lai rưới xuống thấm nhuần một vị giải thoát, nhưng tùy theo căn tánh mà mỗi người tiếp nhận khác nhau. Chúng sanh nói chung cũng như hàng Thanh văn, Duyên giác, đang tiến lên trên con đường giác ngộ trở về bảo sở dài dằng dặc. Dường như ai nấy cũng đều mệt mỏi. Đức Thế Tôn bèn phương tiện hóa ra thành quách cho mọi người nghỉ ngơi. Vậy mà không ít kẻ tự nghĩ rằng mình đã đến được nơi cần đến, đã đạt được mục đích tối hậu. Trong mắt của Như Lai, chúng sanh thật đáng thương. Chúng sanh là những kẻ có sẵn châu ngọc mà không biết đem ra sử dụng. Đức Phật là đấng cha lành, là một vị lương y cho thuốc hay, có thể cứu chúng sanh thoát khỏi tam độc hành hạ đau khổ. Mặc dù có vị thuốc hay Như Lai ban tặng, nhưng chúng sanh không phải ai cũng chịu uống; kẻ đánh mất bản tâm, không biết đây là vị thuốc hay nên không chịu uống đã đành, ngược lại, có kẻ tuy biết thuốc hay nhưng còn mê muội, lười biếng mà không chịu uống. Những ai tinh tấn diệt trừ được ma chướng một cách oanh liệt, tiếp nhận và tu tập giáo pháp Như Lai để đạt được mục đích tối hậu, những người đó mới xứng đáng nhận viên minh châu vô giá của Đức Như Lai.
Rõ ràng, Đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta một điều: cần phải có niềm tin cho con đường giải thoát; nhưng không phải niềm tin thông thường, mà tin vào mình, vào chính khả năng thành Phật của mình để tự tin vứt bỏ tấm áo kẻ hốt phân, khoác vào mình tấm áo trưởng giả với một gia tài đồ sộ - gia tài Chánh pháp của Như Lai. Có như vậy chúng ta mới không hổ thẹn khi tự xưng mình là Thích tử.