Có những thông tin được đăng tải hôm nay và vài hôm sau đã nhận được những phản hồi chí lý từ bạn đọc. Tôi nhớ về một đề tài được Ban Biên tập xem là "nóng" mà mình viết khi mới vào Giác Ngộ, tiêu đề "Anh một đạo, em một đạo và mình xa nhau" đã nhận được khá nhiều phản hồi. Có phản hồi đến từ Canada khi bạn đọc xem bài báo qua trang nhà của Giác Ngộ Online (GNO) với những chia sẻ thấm tình người khi nhìn nhận vấn đề tôn giáo và tình yêu, hôn nhân với những rào cản vô hình kia là không nên, thiếu nhân văn. Trong thông tin phản hồi, có đoạn: "Tôn giáo ra đời nhằm mục đích tối thượng là làm cho con người sống tốt hơn, giúp họ có hạnh phúc. Thế thì tại sao lại tạo ra rào cản tình yêu chỉ vì những giáo điều ràng buộc?". Tôi nhận e-mail ấy và tự xem đó là một ý kiến để mình củng cố quan điểm về hôn nhân khác đạo, vốn là một sự thật làm đau lòng nhiều người, nhất là với các bậc sinh thành Phật tử. Nhiều bạn đọc còn nhắc lại lời dạy của một bậc thầy Phật giáo về gốc rễ tâm linh hài hòa với đời sống văn hóa, đại ý rằng: con người đừng nên từ bỏ gốc rễ tâm linh mà hãy hòa hợp trên tinh thần lắng nghe tiếng nói chung, tôn trọng quyền con người… Hiệu ứng của bài báo này tôi cho rằng nó nằm ở tính chất đồng cảm với những nỗi buồn ngăn cách chỉ vì con người quá giáo điều mà thiếu một cái nhìn cảm thông, hòa hợp. Đồng thời, hiệu ứng ấy còn bắt nguồn từ phương tiện hỗ trợ là internet, công nghệ thông tin giúp cho sản phẩm của người làm báo truyền tải nhanh, rộng hơn. Một kỷ niệm khác, đến từ những tin "Mở rộng lòng từ" mà tôi cùng đồng nghiệp thực hiện. Đây là một tiểu mục mang tính chất cộng đồng, nhịp cầu nối giữa bạn đọc thiện tâm và những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Tính chất cầu nối của mục này đã giúp cho rất nhiều nhân vật là bệnh nhân và người rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo nhận được sự hỗ trợ chí tình từ những bạn đọc Giác Ngộ. Nhiều bạn đọc gọi điện cảm ơn phóng viên đã cho chúng tôi một nguồn thông tin ấy, vì đã giúp họ vượt qua những nghi ngại về cảnh thật - giả lẫn lộn đầy nhiễu nhương. Những người được giúp đỡ có thể là một bà cụ ở tận Đồng Tháp hoặc một em bé ở Quảng Nam, Nghệ An… cầu cứu ở Ban Từ thiện, xã hội và ai khi được nhận những món quà, chút tiền đầy tình cảm ấm áp của bạn đọc cũng cảm động, mừng mừng tủi tủi. Một bệnh nhân nghèo ở Quảng Nam được giúp đỡ đã tâm sự: "Khi đã cùng đường, ai chỉ đâu đi đó, đến với Giác Ngộ chúng tôi an tâm vì tin vào lòng nhân ái của người tu, Phật tử. Và thật vậy, khi đến và trình bày sự việc của mình, chúng tôi đã được đón tiếp nồng hậu và được giúp đỡ tận tình". Tâm sự ấy dường như không phải của riêng một người mà của rất nhiều người, điều đó cũng mang lại một niềm vui, là động lực để những phóng viên trẻ như tôi gắn bó và luôn cân nhắc tìm hiểu thật kỹ các thông tin sẽ giới thiệu trên mặt báo.