Phẩm Phân biệt công đức thứ 17

Phẩm Phân biệt công đức thứ 17
Mở đầu, Đức Phật dạy một câu hàm chứa nhiều nghĩa lý sâu xa mà chúng ta cần suy nghĩ: “Bấy giờ Đức Phật bảo Di Lặc Bồ tát khi Ngài diễn nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai thì có vô số Bồ tát không thể tính đếm chứng được Vô sanh Pháp nhẫn, hoặc Văn trì đà la ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển được pháp luân bất thối và phát đại tâm cầu Vô thượng đạo”.

Đức Phật nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai nghĩa là Ngài giới thiệu cho chúng ta Đức Phật vĩnh hằng bất tử; vì người ta thường nghĩ rằng Đức Phật sinh ra trên cuộc đời này và Ngài nhập diệt là hết. Những người chấp vào Phật sinh diệt và tu trên sinh diệt, hay còn gọi là tu trong chiêm bao, tức vướng mắc với thân tứ đại và tài sản này, thì dù có làm bất cứ việc gì và làm nhiều đến đâu, đến khi chết, thân tứ đại và tài sản cũng bỏ lại. Giống như chúng ta nằm mơ thấy mình bố thí thật nhiều, nhưng thức dậy chúng ta cũng vẫn là người nghèo khổ. Người nghèo này là con người thực của chúng ta trên cuộc đời; nhưng con người thực trên cuộc đời này lại là con người chiêm bao trên chân tánh, vì chúng ta mê trên chân tánh, mới bị nghiệp lực dắt dẫn vào thế giới sinh tử. Có thể ví cuộc đời này là đại mộng, cho nên nhắm mắt lìa đời thì chỉ nắm tay không mà đi và giấc chiêm bao của chúng ta có thể ví là tiểu mộng, thức dậy, mọi việc trong chiêm bao liền hoàn không. Cả hai cùng là giấc mộng, chỉ khác nhau là giấc mộng dài, hay giấc mộng ngắn mà thôi.

Kinh Pháp Hoa dạy chúng ta tu trên con người bất tử, tức tu trên chân tánh của chúng ta, đó là tu trên tỉnh giác, không phải tu trên mê. Tu trên mê thì làm việc này việc nọ, rồi tưởng là có công đức, nhưng thực tế ít người được công đức. Chính vì vậy mà Tổ Đạt Ma nói thẳng với vua Lương Võ Đế rằng ông xây 72 ngôi chùa kết thành quả báo đáng vào địa ngục vô gián. Vì ông cúng dường bố thí nhiều mà tạo thành lớp người lợi dụng chiếc áo tu để làm việc sai trái. Có những việc chúng ta cho rằng tốt, nhưng lại phản tác dụng, trở thành xấu; tu không có công đức là vậy.

Trở lại thực tế, việc tu hành của chúng ta phải nương theo lời dạy của Đức Phật để tìm về Đức Phật vĩnh hằng bất tử. Theo kinh Pháp Hoa, bước vào thế giới chân thật, chúng ta không làm trên chiêm bao nữa, mà giữa ta và Đức Phật cùng Thánh chúng có mối tương thông sâu sắc. Thế giới siêu hình này không thấy bằng mắt, nhưng cảm tâm được với điều kiện tâm chúng ta thanh tịnh mới thấy Phật thọ mạng dài lâu; nếu không chúng ta thấy toàn là những điều chán nản, thì dễ rời bỏ ngôi nhà Phật pháp.

Khi Đức Phật nói thọ mạng dài lâu là thế giới thật của Ngài, là sự giáo hóa thật của Ngài, thì có vô số Bồ tát chứng Vô sanh pháp nhẫn, tức xa lìa trần cấu, không bị thế giới vật chất chi phối; tuy còn mang thân người, nhưng tâm hồn họ hoàn toàn trong sáng, ở hoàn cảnh nào họ cũng an vui tự tại. Vì họ đang sống với con người thật, giữa họ và Đức Phật cùng Thánh chúng có mối tương quan mật thiết với nhau, cho nên họ không bận tâm đến con người sinh diệt.
Chứng Vô sanh pháp nhẫn, đã xa rời mọi ràng buộc của cuộc đời, tiến sang bước thứ hai được Văn trì đà la ni, nghĩa là Đức Phật nói gì, người nghe nhớ không sót, nhờ ghi nhận bằng tâm thanh tịnh. Còn đa số chúng sinh tâm điên đảo vọng tưởng, trong đầu đầy ắp dữ kiện, trần cấu quá nặng, cho nên không tiếp nhận được Phật pháp. Văn trì đà la ni rất cần thiết, nghe một lần và nghe bao nhiêu pháp Phật cũng nhớ đủ, rất dễ tiến tu.

Nghe thọ mạng dài lâu của Phật, vào thế giới Phật, hành giả cũng được Nhạo thuyết biện tài, nhờ Phật huệ rọi, tất cả pháp cần giảng dạy tuôn chảy không cùng như dòng thác, thuyết pháp suốt cuộc đời cũng không hết ý. Và hành giả chuyển được pháp luân bất thối, tương đương với đệ bát địa theo kinh Hoa Nghiêm. Người tu đạt được chuyển pháp luân bất thoái chuyển là không phải chỉ mình được bất thoái chuyển, nhưng làm cho người khác phát tâm tu không thoái chuyển.
Đức Phật vừa nói dứt lời thì trời mưa hoa cùng bột chiên đàn và các thiên y, bảo ngọc như ý, trân châu ma ni để cúng dường Phật và hàng tứ chúng. Điều này muốn nói rằng người nghe pháp, tu hành, an trụ trong Chánh pháp có được niềm vui kỳ diệu cũng như người giàu sang sung sướng nhất trên cuộc đời tiêu biểu bằng hoa trời và hương trời, áo trời, ngọc ma ni, v.v..., tức có đầy đủ tất cả những gì tốt nhất. Mặc dù người tu còn mang thân tứ đại và cuộc sống đạm bạc, nhưng tâm họ cảm nhận sự hoan hỷ cùng tột trong hoàn cảnh sống cao quý của pháp Phật. Họ không còn cảm thấy thiếu thốn thứ gì cả, vì đã thâm nhập Phật huệ, sở đắc pháp vô thượng của Phật giúp họ thoát khỏi sinh tử trong sáu nẻo luân hồi; đó là của báu quý nhất đối với người tu.
Hạng người thứ nhất nghe thọ mạng dài lâu của Đức Phật và thâm nhập được thì có công đức như vậy. Nhưng hạng người thứ hai không được như vậy, họ chỉ có một niệm tín giải thì Đức Phật dạy như sau.
“Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ tát: Chúng sinh nào nghe thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai mà sanh một niệm tín giải sẽ được công đức vô lượng vô biên nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na do tha kiếp. Nếu hiểu ý nghĩa thọ lượng Như Lai thì có thể phát sanh Phật huệ Nhứt thiết chủng trí, lại có thể thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thuyết pháp giáo hóa chúng đại Bồ tát và thấy thế giới Thật báo của Lô Xá Na. Nếu thấy như thế thì không cần xây chùa tháp cúng dường, mà chính người ấy đã đến đạo tràng, trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo Trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật”.
Đức Phật dạy rằng người bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và Thiền định, trừ trí tuệ ba la mật, nghĩa là tu năm pháp ba la mật, nhưng trí tuệ chưa phát sinh thì dù người đó có trải qua vô số kiếp tu hành, công đức của họ cũng không bằng công đức của người chỉ có một niệm tín giải kinh Pháp Hoa. Tại sao một niệm tín giải mà được công đức lớn lao đến như vậy.

Một niệm tín giải
“Tín” là tin. Người không trồng căn lành với Phật, không thể tin Phật, không thể tin giáo pháp Phật dạy; vì họ chỉ sống với thế giới vật chất hữu hình, tin vào thế giới tâm linh siêu hình rất khó.
Sở dĩ tu năm pháp ba la mật trong vô số kiếp mà công đức không bằng tu một niệm tín giải, bởi đó là tu mù, vì đã trừ Bát nhã ba la mật. Có thể thấy rõ rằng tu sáu pháp ba la mật cũng phải khởi điểm từ Bát nhã. Thật vậy, người bố thí không có trí tuệ dễ sinh nghiệp hơn là phước. Chính vì trí tuệ là điều kiện quan trọng nhất, có tính cách quyết định việc đúng hay sai của năm pháp: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, cho nên Đức Phật đã khẳng định rằng tu năm pháp “Trừ trí tuệ ba la mật”, công đức rất ít so với một niệm tín giải.
Có trí tuệ mới lý giải được niềm tin. “Tin” mà không lý giải được là mê tín. “Giải” mà thiếu niềm tin thì chỉ là người nghiên cứu nói Phật pháp suông. “Giải” không phải là giải thích từng chữ, cũng không phải là giải thích theo triết học. Tự trong lòng chúng ta cảm nhận được và chỉ bằng Bồ đề tâm của chúng ta mới giải được. Hành giả khác với học giả ở điểm này.
Đối với người đệ tử Phật, tu Bát nhã ba la mật, tức trí tuệ là chính yếu. Tuy nhiên, khi chưa có trí Bát nhã, chưa giải được mọi việc đúng đắn, phải nương tựa thiện tri thức, nhờ họ khai ngộ để có thể áp dụng cốt lõi của Phật dạy vào cuộc sống, công đức mới sinh ra. Nương theo thiện tri thức; nhưng quan trọng phải phát huy trí tuệ của ta để khi không có thiện tri thức, ta cũng biết được người đáng độ, việc đáng làm, mới sinh ra công đức. Ý này được Đức Phật nhắc rằng nếu tu năm pháp, mà trừ Bát nhã, tức trí tuệ, thì cũng không được gì cả.
Trở lại tầm quan trọng của một niệm tín giải trong kinh Pháp Hoa, nếu có được thì công đức bất khả tư nghì. Nhưng tín giải về cái gì và tín giải như thế nào?
Tín giải của chúng ta là tin Phật, hiểu Phật. Tin mà không hiểu Phật dễ trở thành hủy báng Phật. Tội này nặng lắm, Nhật Liên Thánh nhân gọi đó là phá pháp tội chướng. Nhiều người tu khổ cực, nhưng quả báo xấu không lường, vì họ phạm sai lầm này, rồi đổ thừa rằng tụng kinh Pháp Hoa bị nghiệp khảo, nghiệp đổ. Tụng kinh Pháp Hoa đúng thì nghiệp không đổ, mà công đức sinh ra, trải đường đi cho hành giả. Sở dĩ nghiệp đổ vì tin Phật, nhưng không hiểu Phật, hoặc hiểu mà không tin Phật; cả hai đều sai.
Tất cả chúng ta đương nhiên tin Phật, tin rằng Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên thế gian này ở nước Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ. Ngài đã viên tịch, nên người ta tạc tượng tôn thờ và kính lễ Ngài. Nếu chỉ tin như vậy mà không giải được thì niềm tin này dễ trở thành mê tín. Giải được nghĩa là chúng ta ý thức rằng Đức Phật Thích Ca ứng hiện trên cuộc đời và hiện thân trong loài người. Như Đức Phật đã nói trong phẩm Như Lai thọ lượng, Ngài có thiên bá ức hóa thân, không phải chỉ có một thân Phật Thích Ca ở Ấn Độ.

Đức Phật xuất hiện ở cõi Ta bà, nhưng chúng ta không biết Ngài ở đâu, tìm được chỗ thường trụ của Đức Phật là việc rất khó. Thiền ví như tìm trâu bằng cách đi tìm dấu chân trâu gọi là Tích môn. Tìm dấu vết Đức Phật để lại cuộc đời để biết Đức Phật ở đâu là cách tu từ Tích môn vào Bổn môn. Đức Phật từ thế giới vĩnh hằng của Ngài đi khắp tam thiên đại thiên thế giới giáo hóa, chúng ta phải tìm về cội gốc để gặp Đức Phật. Thiền diễn tả ý này là nương vào ngón tay chỉ mặt trăng dưới nước để hình dung ra mặt trăng trên trời. Và từ một mặt trăng trên bầu trời rọi xuống, có bao nhiêu dòng sông thì có bấy nhiêu mặt trăng xuất hiện trong đó (Thiên gian hữu thủy thiên gian nguyệt). Cũng vậy, từ một Đức Phật gốc hằng hữu, nhưng ở Ta bà có bao nhiêu chúng sinh có căn lành và niềm tin sâu sắc về Phật, thì có bấy nhiêu Phật xuất hiện đầy đủ trong tâm của họ.
Từ đó, phát khởi niềm tin về Phật, thì niềm tin ta và Phật gắn liền với nhau mật thiết sẽ nhận ra Đức Phật vẫn hằng hữu tại nơi đây, ngày trong Ta bà này. Chỉ vì chúng ta cuồng si, không nhận ra Đức Phật thọ mạng vô cùng, bất sinh bất diệt, nên Ngài dùng phương tiện nói rằng Phật đã Niết bàn.
Trên bước đường tu, nương theo phương tiện hình thức ở giai đoạn đầu để dần thâm nhập thế giới Phật. Và có được niệm tín giải là nhận chân được Đức Phật bất sinh bất diệt, từ đây hướng về Đức Phật bất tử này mà tu hành bằng tâm thanh tịnh của chúng ta. Tu từ bản tâm thanh tịnh, chúng ta mới ngang qua Đức Phật thường trú. Được như vậy, trở về hiện tượng giới này, chúng ta hiện hữu như một phần của pháp thân Phật để cứu giúp chúng sinh thoát khỏi mọi trói buộc khổ đau và thăng hoa tri thức. Chỉ có niềm tin về Đức Phật hằng hữu như vậy đã được công đức vô lượng.

Hiểu ý nghĩa thọ lượng của Như Lai
Hiểu ý nghĩa thọ lượng của Như Lai là thấy được con người thật của Đức Phật kết tinh bằng phước đức vô lượng và trí tuệ vô cùng, đó chính là Báo thân Phật hằng hữu. Sanh thân của Đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng Báo thân của Ngài vẫn tồn tại và còn lớn thêm nữa. Thật vậy, sau khi Phật nhập diệt, chùa tháp kính thờ Phật nhiều hơn, Tăng Ni và Phật tử khắp năm châu đông hơn. Chính Báo thân Phật, hay phước đức trí tuệ của Phật đã duy trì tất cả mọi sinh hoạt của Phật pháp. Không có Đức Phật hằng hữu thì chắc chắn thọ mạng Phật pháp không còn. Vì vậy, thấy phước đức trí tuệ của Phật là thấy thế giới Thật báo lô xá na, tức thế giới chân thật của Đức Phật, dù Đức Phật tại thế hay nhập diệt thì thế giới chân thật này vẫn còn nguyên, chỉ khác là chúng ta không vào được. Thực tế những nơi nào sử dụng được phước đức và trí tuệ theo Phật, Phật pháp nơi đó hưng thạnh; nơi nào không phát triển được Báo thân Phật, nơi đó đạo Phật suy đồi.
Kết phẩm này, Đức Phật nói: “Nếu thấy như thế thì không cần xây chùa tháp cúng dường, mà chính người đó đã đến đạo tràng. Trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo Trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật”. Nghĩa là thấy được thân phước đức trí tuệ của Phật và sử dụng được thân này và sống được với thế giới Phật thì việc của họ làm là Phật làm, tất nhiên không cần xây chùa tháp nữa. Vì chùa không có vị chân tu thì cũng không hơn gì chùa hoang. Có vị cao Tăng đức hạnh ở, chùa mới tỏa ra sức sống thanh tịnh cho mọi người nương tựa thăng hoa tri thức và đạo đức, tức nuôi lớn Báo thân của mọi người.
Điều này kinh Pháp Hoa muốn nhắc nhở chúng ta tu hành ngộ đạo là chính yếu, không phải lo xây  dựng cơ sở vật chất. Nói như vậy không có nghĩa là không xây dựng chùa, nhưng không phải nhứt thiết lao tâm nhọc sức với việc xây dựng để tâm bị phiền não, thân bệnh hoạn, chắc chắn đó không phải là ý của Đức Phật dạy. Bước theo dấu chân Phật, tùy duyên làm đạo, gặp việc đáng làm mới làm, sẽ loại trừ được quả báo xấu. Thực tế cho thấy nhiều người tha thiết làm, nhưng gánh hậu quả không tốt; vì làm nhiều nhưng làm không đúng.

Đọc phẩm Phân biệt công đức, thấy có sự khác lạ đối với cuộc sống chúng ta; vì phẩm này nói cho người đã thâm nhập giới đàn vô tướng và tu trên Bổn môn, nên thành tựu công đức lớn lao vô cùng. Và từ giới đàn vô tướng trở lại cuộc đời giáo hóa độ sinh, những pháp mà họ chứng đắc cũng thể hiện trong cuộc sống thực tế, chứ không phải chỉ nói suông. Tu Pháp Hoa, phải kết hợp được pháp tu và thực tế cuộc sống, vì nói và làm phải tương ưng với nhau. Điển hình như Ngài Trí Giả đại sư trụ trong Thiền định thấy trong đầm sình lầy xuất hiện ngôi chùa tráng lệ. Từ cái thấy trong tư duy, trong đạo tràng vô tướng có chùa như vậy, thì sau đó trở về thực tế, Tấn Dương Quảng thống nhất đất nước Trung Hoa, lên ngôi, lấy tên là Tùy Dạng Đế. Và ông đã đưa quân đến vùng sình lầy đó để xây chùa Ngọc Tuyền rất đồ sộ.
Nói cách khác, xây dựng được ngôi chùa trong tâm linh bằng công đức thì ngôi chùa vật chất tự động hình thành; đó là thành tựu công đức. Còn thấy trong Thiền định mà thực tế không có gì, phải biết đó là hoang tưởng.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.