GN - Trên cơ sở phát huy truyền thống “Phụng đạo yêu nước”, và nguyên tắc “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, từ đó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN (BTS) tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo và kết hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để Tăng Ni, Ban Hộ tự các chùa trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hoạt động Phật sự trên nhiều lĩnh vực.
Nhờ vậy, mọi hoạt động Phật sự đều đảm bảo đúng quy định pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong khi thực hiện các công tác ở các cấp cơ sở, tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tín đồ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Lễ bế mạc khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm Hoằng pháp các tỉnh phía Bắc 2014 - Ảnh: Hoàng Tuấn
Ổn định sinh hoạt tại cơ sở
Theo TT.Thích Nguyên Thành, UV HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh, trong nhiệm kỳ III (2012 -2017) BTS đã tổ chức thống kê số lượng các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh với số lượng 180 cơ sở, phân bổ trên địa bàn 2 thành phố và 7 huyện của tỉnh, với số lượng Tăng Ni hiện nay khoảng 50 vị. Thường trực BTS đã ra quyết định bổ nhiệm cho 15 vị về đảm nhiệm trụ trì các chùa và đang từng bước hướng dẫn các Ban Hộ tự ở các chùa làm tốt chức trách của mình, giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa, hướng dẫn tín đồ sống tốt đời đẹp đạo.
Để Tăng Ni trong tỉnh có điều kiện trau dồi giới hạnh, tu tập oai nghi tế hạnh, BTS đã mở được 5 khóa an cư tập trung cho chư Tăng Ni của tỉnh về an cư trong 3 tháng. Thông qua các khóa hạ, ngoài các buổi họp Kinh-Luật, BTS cũng đã kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, UBMTTQVN tỉnh tham gia thuyết giảng các chuyên đề, chủ chương, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của Trung ương và của tỉnh.
Nhằm bồi dưỡng kiến thức Phật học cho thế hệ Tăng Ni kế cận trong điều kiện BTS tỉnh chưa thành lập được trường trung cấp Phật học, BTS đã liên hệ và giới thiệu 15 Tăng Ni theo học các trường Phật học trong và ngoài nước. Trong số này đã có vị ra trường và trở về đảm nhận các công việc tại địa phương. Ngoài ra BTS còn giới thiệu Tăng Ni theo học các lớp chuyên sâu về Phật học, tham gia các diễn đàn hội thảo khoa học như hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo Việt Nam truyền thống và hiện đại” do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam.
Thái Nguyên là một tỉnh với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó số lượng tín đồ Phật tử trên 80 ngàn. Với số lượng tín đồ đông như vậy, BTS đã chỉ đạo Ban Hướng dẫn Phật tử phối hợp với các chùa có Tăng Ni trụ trì để thành lập các Hội quy Phật tử sinh hoạt theo nền nếp, thường xuyên phối hợp với Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ tổ chức hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hàng nghìn Phật tử tại các chùa trên địa bàn tỉnh tham dự. Ngoài ra, Ban Hoằng pháp còn hướng dẫn Phật tử bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, không đốt vàng mã... trong các buổi thuyết giảng tại các lớp giáo lý, đạo tràng tu học tại các chùa.
Đặc biệt năm 2014, BTS tỉnh đã phối hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức thành công khóa bồi dưỡng hoằng pháp và tập huấn hoằng pháp viên khu vực phía Bắc tại địa điểm Khu du lịch sinh thái quốc gia Hồ Núi Cốc. Khóa bồi dưỡng với sự tham dự của 500 chư Tăng Ni và hơn 15 ngàn Phật tử trong và ngoài tỉnh về tham dự. Ngoài ra, Ban Hoằng pháp cũng cử Tăng Ni, Phật tử tham dự các khóa bồi dưỡng hoằng pháp viên tại các tỉnh.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mang tính nhân bản, đạo đức nhân văn trong thời kỳ phát triển kinh tế, Thường trực BTS đã chỉ đạo cho các Tăng Ni, Ban Hộ tự các chùa khôi phục, trùng tu lại các chùa cảnh ngày một trang nghiêm như: chùa Phù Liễu, chùa Phố Hương, chùa Từ Quang, chùa Hương Sơn (TP.Thái Nguyên), chùa Sơn Dược (Đại Từ), chùa Tân Quang, chùa Cải Đan(TP.Sông Công), chùa Hang, chùa Huống (huyện Đồng Hỷ)... Một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh đang tiến hành trùng tu, xây dựng mới trong đó có một số chùa là trung tâm văn hóa, tu học, du lịch tâm linh của tỉnh với kinh phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh các công tác Phật sự thì BTS tỉnh Thái Nguyên cùng với các chùa trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội tại địa phương. Nhiều chương trình hoạt động thiết thực hướng tới người nghèo như tham gia xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ xây dựng nhà đoàn kết, ủng hộ đồng bào thiên tai bão lũ, người khuyết tật, chăm lo cho người già neo đơn, xây dựng đường nông thôn, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo với kinh phí trên 30 tỷ đồng trong nhiệm kỳ qua.
Phát huy thế mạnh trên cơ sở thành tựu đạt được
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ III, BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên cũng đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2017-2022 với nhiều chương trình hoạt động trên cơ sở phát huy những thành quả, các tiền đề trong nhiệm kỳ mới.
Tổ chức kiện toàn lại các ban ngành và phân công nhân sự phụ trách chuyên ban, để qua đó phát huy hơn nữa công tác lãnh đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Tăng Ni nắm giữ những vị trí lãnh đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà BTS GHPGVN tỉnh giao. Hỗ trợ Tăng Ni đã đăng ký sinh hoạt tôn giáo tại một số chùa trên địa bàn tỉnh về thủ tục pháp lý, để sớm có Tăng Ni trụ trì và nhân sự cho BTS tỉnh; tăng cường giúp đỡ một số Ban Hộ tự chùa còn non yếu về hoạt động Phật sự, xã hội.
Giao cho Ban Tăng sự tiến hành công tác kiểm tra, thống kê số lượng Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh. Qua đó tiến hành bổ nhiệm trụ trì cho các tự viện có đủ điều kiện, pháp lý; hướng dẫn các thủ tục xuất gia cho các thiện nam, tín nữ Phật tử có tâm nguyện xuất gia. Tăng cường hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa còn yếu về nghiệp vụ trong các hoạt động Phật sự, hoạt động xã hội.
Đại lễ Phật đản tại Thái Nguyên - Ảnh: Hoàng Tuấn
BTS tiếp tục duy trì và phát triển các lớp giáo lý cho Phật tử trong các ngày lễ lớn như Vu lan, Phật đản, các ngày lễ vía tại các chùa… Tổ chức các khóa tu tập hướng dẫn cho Phật tử sinh hoạt, thông qua đó kết hợp với các Ban Nghi lễ, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội… quan tâm hơn tới Phật tử vùng sâu. Hướng dẫn đồng bào có tín ngưỡng đạo Phật sinh hoạt theo con đường Chính pháp, thiết lập và duy trì các tổ quy Phật tại các chùa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Ổn định sinh hoạt văn hóa tại các chùa, tiến hành trùng tu, tôn tạo cảnh chùa theo đúng nét văn hóa cổ truyền dân tộc địa phương; cũng như giữ gìn, bảo quản các di tích bị xuống cấp. Đối với những cơ sở nào đang trùng tu, xây dựng, sửa chữa cần tập trung hoàn thiện sớm đưa vào phục vụ tín đồ, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con Phật tử địa phương.
Ngoài ra, BTS tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng của tỉnh và huyện thị giải quyết kịp thời các công việc liên quan đến hoạt động Phật sự. Đồng thời qua đó thống nhất giải quyết những vụ việc phát sinh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đó là những tiền đề để BTS Phật giáo tỉnh Thái Nguyên có những bước phát triển tốt hơn trong thời gian tới.