PG Hà Nội năng động phát triển xứng tầm đất văn hiến

GN - Thăng Long - Hà Nội là đất ngàn năm văn hiến của dân tộc VN. Mảnh đất có bề dày lịch sử này đã ghi nhận những biến cố cũng như thăng trầm của Phật giáo VN, trong suốt chiều dài song hành dựng nước và giữ nước. GHPGVN TP.Hà Nội hiện nay có 30 đơn vị Phật giáo quận huyện - là đơn vị tỉnh thành có số lượng Ban Trị sự (BTS) Phật giáo cấp quận huyện nhiều nhất cả nước. Phật giáo Hà Nội có 1.696 ngôi tự viện, trong đó có nhiều danh lam cổ tự nổi tiếng…
DSC_0191.JPG
Cung nghinh chư tôn đức giới sư tại Đại giới đàn Hà Nội, 2017 - Ảnh: Chùa Bằng

Kiện toàn nhân sự điều hành Giáo hội

Kiện toàn tổ chức nhân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà BTS đặt ra trong quá trình quản lý và điều hành Giáo hội. Vì công tác ấy quyết định sự thành công trong công tác Phật sự của Phật giáo TP.Hà Nội. GHPGVN TP.Hà Nội hiện nay là sự sáp nhập của 2 đơn vị Hà Nội và Hà Tây, vì thế công tác nhân sự luôn được chư tôn đức quan tâm. Nhân sự BTS TP.Hà Nội nhiệm kỳ VII đã suy cử 77 thành viên với 47 chư tôn đức là ủy viên chính thức, trong đó 19 vị thuộc Thường trực BTS.

Với đặc thù là một địa bàn lớn và có số lượng BTS quận huyện lớn như vậy, Thường trực BTS đã thành lập 6 tổ công tác, mỗi tổ đặc trách 5 đơn vị quận huyện. Việc phân chia phụ trách này nhằm hướng dẫn BTS Phật giáo quận huyện giải quyết tốt các công việc Phật sự; đồng thời nắm bắt thông tin sát thực tế, giúp Thường trực BTS có những giải pháp kịp thời, thực thi hiệu quả kế hoạch công tác đề ra. Trong đó phải kể đến sự phân công quản lý cũng như phân nhiệm, phối hợp của 2 cơ sở văn phòng BTS: một đặt tại chùa Bà Đá (phụ trách các quận huyện phía Đông Hà Nội) và một đặt tại chùa Mộ Lao (phụ trách các quận huyện phía Tây Hà Nội). Việc tiếp nhận, chỉ thị hay đề xuất công việc đều phối hợp với các ban ngành trực thuộc, nhằm kịp thời giải quyết, tham mưu cho lãnh đạo BTS trong mọi lĩnh vực công tác Phật sự.

Trong quá trình hoạt động Phật sự, nhân sự BTS cũng có những vị trí khuyết nhiệm. Sự tách đơn vị hành chính huyện Từ Liêm của phía nhà nước, dẫn đến sự tách BTS Phật giáo huyện Từ Liêm theo yêu cầu quản lý, thành 2 BTS Nam Từ Liêm và BTS Bắc Từ Liêm. Để ổn định nhân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, Thường trực BTS đã kịp thời suy cử bổ sung chư tôn đức vào các vị trí khuyết nhiệm ấy. Riêng việc chia tách BTS Phật giáo huyện Từ Liêm, Thường trực BTS đã kịp thời bổ nhiệm và kiện toàn nhân sự 2 BTS để đảm bảo thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành chung.

Thực hiện hướng dẫn của HĐTS GHPGVN về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện NK 2016-2021, Thường trực BTS đã căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo BTS quận huyện tổ chức đại hội. Việc chỉ đạo này đã giúp kế hoạch đại hội 30 quận huyện đúng thời hạn quy định, qua đó kiện toàn hệ thống lãnh đạo tổ chức và tăng cường hiệu năng hoạt động.

Quản lý thông tin Tăng Ni - tự viện bằng công nghệ

Sau Đại hội NK VII, Thường trực BTS đã tổ chức hai Hội nghị chuyên đề về công tác Tăng sự tại hai cơ sở văn phòng của BTS - tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm) năm 2013 và tại chùa Mộ Lao (TP.Hà Đông) năm 2015. Các hội nghị này nhằm thảo luận và thống nhất các vấn đề về Tăng sự trong phạm vi thành phố: quy định về việc tiếp nhận người xuất gia, tiêu chuẩn thụ giới, điều kiện bổ nhiệm - kiêm nhiệm - công nhận trụ trì, thuyên chuyển - tiếp nhận Tăng Ni, an cư, thuyết giới, thời khóa tu tập trong mùa an cư…

Để rà soát lại số lượng Tăng Ni và tự viện, BTS TP.Hà Nội đã hướng dẫn các BTS quận huyện thống kê trong toàn thành phố. Ban Tăng sự cũng đã tiến hành lập phần mềm quản lý Tăng Ni - tự viện. Về cơ bản đã nhập xong dữ liệu của Tăng Ni - tự viện trong 30 đơn vị PG quận huyện. Việc cập nhật người xuất gia mới, thụ giới mới, bổ nhiệm, thuyên chuyển… luôn được bám sát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và tra cứu thông tin.

Hàng năm, BTS đều có chỉ đạo về an cư đúng theo tinh thần giới luật và thông tư hướng dẫn về an cư của TƯGH. Trong 30 đơn vị Phật giáo toàn TP.Hà Nội, BTS đã tổ chức và duy trì 19 trường hạ an cư tập trung. Trong đó, có 9 trường hạ phía Đông Hà Nội và 10 trường hạ phía Tây Hà Nội. Số lượng Tăng Ni hành giả tham gia an cư mỗi năm đều tăng, năm sau nhiều hơn năm trước.

Đáp ứng yêu cầu thọ giới tu học của Tăng Ni và để trang nghiêm ngôi Tam bảo, BTS TP.Hà Nội đều đặn 2 năm xin phép TƯGH và chính quyền tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho đàn hậu học. Nhiệm kỳ VII đã tổ chức được 3 Đại giới đàn với tổng số giới tử 698 vị Tăng Ni cho các giới pháp truyền thọ. Do số lượng giới tử ngày một đông nên việc xét hồ sơ và khảo hạch giới tử về giới luật, giáo lý, nghi thức tụng niệm… luôn được quan tâm kỹ lưỡng.

Tuy là một phân ban mới thành lập nhưng Phân ban đặc trách Ni giới cũng đã làm được một số công tác. Về công tác giáo dục, đã tổ chức được khóa bồi dưỡng Luật học cho Ni chúng năm 2014. Việc giáo dục tại các cơ sở tự viện của Ni chúng được quan tâm, các lớp gia giáo theo truyền thống được gìn giữ, làm nền tảng cho việc giáo dục cơ bản chốn thiền môn trước khi theo học các chương trình đào tạo của Giáo hội. Năm 2016, Phân ban đã tổ chức tọa đàm về công tác Ni giới tại chùa Bằng. Buổi tọa đàm nhằm thảo luận về những vấn đề trong công tác Ni giới. Khóa bồi dưỡng Luật học cho Ni giới các tỉnh phía Bắc năm nay cũng được tổ đình Bồ Đề đăng cai tổ chức.

Đa dạng cách thức hoằng pháp lợi sinh

Nhằm đưa giáo lý của Đức Phật đến với quảng đại quần sinh, Ban Hoằng pháp đã căn cứ vào chương trình hoạt động đề ra, từng bước triển khai các hình thức hoạt động phù hợp. Thông qua đó, các chương trình thuyết giảng cho lớp giáo lý cơ bản và nâng cao định kỳ hàng tuần tại hai cơ sở văn phòng Bà Đá và Mộ Lao, cũng như các tự viện lớn được duy trì đều đặn. Bên cạnh đó, sự cải tiến đổi mới về nội dung và phương pháp diễn giảng đã thu hút được đông đảo Phật tử đến nghe pháp. Toàn thành phố hiện có 30 giảng đường tổ chức các hình thức hoằng pháp: thuyết pháp, tu tập Bát quan trai, niệm Phật… Đặc biệt nhiều nơi tổ chức các khóa tu đa dạng về hình thức: khóa tu tuổi trẻ, khóa tu sinh viên, khóa tu báo hiếu, khóa tu cho những bệnh nhân… Thông qua những cách thức hoằng pháp, khóa tu đã nâng cao được trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật cho các Phật tử cũng như người muốn học Phật, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín; thể hiện tinh thần nhập thế của đạo Phật với cộng đồng.

Để đáp ứng được nhu cầu hoằng pháp lớn như thế, Ban Hoằng pháp luôn chú trọng đến việc kiện toàn nhân sự của ban, trong đó việc phân công các thành viên đến thuyết giảng tại các đạo tràng, giảng đường, các khóa tu luôn được chú trọng. Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức và khả năng chuyên môn thuyết giảng của các giảng sư nhằm đáp ứng yêu cầu hoằng pháp thời nay là một đòi hỏi lớn, cần phải được cập nhật và học tập. Để đáp ứng yêu cầu đó, Ban Hoằng pháp luôn chủ động tổ chức cho các thành viên giảng sư tham dự các khóa bồi dưỡng, hội thảo… để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm.

dh 6.jpg


Khóa tu dành cho tuổi trẻ tại chùa Bằng, năm 2017 - Ảnh: Chùa Bằng

Ban Hoằng pháp cũng đã kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức Hội nghị chuyên đề về hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử. Hội nghị nhằm kết nối và chia sẻ những hoạt động trong công tác hoằng pháp với các tổ chức Phật tử. Khóa tập huấn Hoằng pháp viên cho 125 cư sĩ Phật tử là chúng trưởng, chúng phó các đạo tràng, các Phật tử đã hoàn thành khóa học lớp giáo lý nâng cao… Đây là những nhân tố giúp cho Ban Hoằng pháp mở rộng những nhân sự không chuyên từ phía các Phật tử, giúp cho ban có những hoạt động hoằng pháp sâu rộng hơn trong cộng đồng.

Nhu cầu hoằng pháp bằng các hình thức mạng xã hội cũng được chư tôn đức lưu tâm. Đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trong thời đại thông tin kỹ thuật, trang web www.hoangphaphanoi.com đã được thành lập và đưa vào hoạt động. Trang web này không những đã cập nhật các thông tin hoạt động Phật sự thường xuyên của Phật giáo TP.Hà Nội, mà còn là nơi chia sẻ, trao đổi các vấn đề Phật pháp của các Phật tử biết sử dụng công nghệ. Trang web đã đáp ứng được nhu cầu của một tầng lớp mới trong công việc nghiên cứu, học hỏi, thảo luận về Phật pháp.

Bảo tồn các giá trị văn hóa Phật giáo

Là một trong những vùng đất có bề dày lịch sử Phật giáo lâu đời, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là một thế mạnh của Phật giáo thủ đô. Nhận thức được những giá trị vô giá đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tính đạo đức nhân văn của Phật giáo được phát huy. Ban Văn hóa đã hướng dẫn các tự viện, các vị trụ trì duy trì và tổ chức các hình thức lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa, tính Phật giáo. Các lễ hội này thu hút được đông đảo Phật tử, người dân đến tham dự, chiêm bái. Qua đó, để lại cho những người tham dự một dấu ấn về tâm linh cũng như các giá trị giáo dục văn hóa, nhân văn.

Công tác bảo tồn, trùng tu cổ tự là một hình thức bảo tồn các giá trị vật thể - phi vật thể mà tiền nhân để lại. Giữ được các giá trị vật thể và phi vật thể ấy, thì đòi hỏi phải có những con người có tầm hiểu biết và có tâm bảo tồn. Ban Văn hóa khuyến khích các vị Tăng Ni trụ trì các ngôi cổ tự lưu tâm các giá trị kiến trúc chùa tháp, tượng pháp... khi trùng tu lại chùa. Trong những năm qua, công tác trùng tu hàng trăm cơ sở tự viện, tổ đình được thực hiện, không chỉ góp phần làm trang nghiêm các danh lam thắng tích, mà vẫn đảm bảo cảnh quan, kiến trúc văn hóa cổ xưa.

Ngoài ra, Ban Văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo như: Triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Chùa Việt” tại Lễ hội xuân Quý Tỵ chùa Hương, đêm nhạc “Hương sen mầu nhiệm” tại Học viện Âm nhạc quốc gia, tọa đàm “Phật giáo thủ đô - 35 năm một chặng đường”…

Hợp sức Tăng Ni vì một Phật giáo thủ đô văn hiến

thichbaonghiem.jpg

HT.Thích Bảo Nghiêm

“Có thể nói, thành quả của nhiệm kỳ vừa qua là sự hợp nhất được 2 đơn vị Phật giáo là Hà Nội và Hà Tây. Để đạt được sự hợp nhất đó thì công tác Tăng sự, nhân sự được chúng tôi quan tâm chỉ đạo trực tiếp và sát sao. Đó không chỉ là nhiệm vụ về mặt tổ chức, mà còn là sự gắn kết Tăng Ni lại, tạo một sự đồng lòng hợp sức, nhằm hoàn thành tốt mọi công tác Phật sự không chỉ cho riêng Phật giáo thủ đô mà còn là góp phần cho TƯGH.

Chúng tôi thiết nghĩ, sự đoàn kết của Tăng Ni luôn là yếu tố để đẩy mạnh hoạt động Phật sự, cũng như đạt hiệu quả tối ưu. Qua đó, nhiệm kỳ VII, các ban ngành đều thành tựu như kế hoạch đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Tăng sự phần lớn đã thống kê và sao lưu bằng công nghệ số lượng, thông tin của Tăng Ni, tự viện. Giáo dục với 2 cơ sở đào tạo trung cấp Phật học vẫn hoạt động tuyển sinh, giảng dạy đạt kết quả tốt và chất lượng. Các lớp sơ cấp Phật học cũng được các quận huyện quan tâm duy trì tổ chức.

Hoằng pháp cũng đi sâu vào các hình thức khóa tu, thuyết giảng không chỉ cho người lớn tuổi, mà còn thu hút rất nhiều các bạn trẻ ở các đạo tràng dành cho đối tượng là người trẻ. Nhìn chung, những ban ngành đều hoạt động nhịp nhàng, liên kết và có những thành tựu đáng kể. Điều đó là thành quả của một sự làm việc nghiêm túc, vì cái chung, vì sự phát triển của GHPGVN TP.Hà Nội nói riêng và GHPGVN nói chung”.

HT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS,
Trưởng BTS GHPGVN TP.Hà Nội

* Tin, bài liên quan: Giữ lửa cho mai sau || Hôm nay, 2-7, bắt đầu Đại hội Phật giáo TP.Hà Nội ||

Pháp Đăng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.