PG Bắc Giang: Phát triển giáo dục, ổn định sinh hoạt

GN - Bắc Giang là tỉnh miền núi, cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc. Hiện nay, Bắc Giang có 9 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao (Sơn Động). Tại thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 900 cơ sở tự viện, với 112 Tăng Ni.

Ổn định sinh hoạt văn hóa - giáo dục

Được tách ra từ tỉnh Hà Bắc cũ vào năm 1996, sau hơn 20 năm tái thành lập và trải qua 4 nhiệm kỳ, với đội ngũ nhân sự còn khá khiêm tốn, Ban Trị sự (BTS) Phật giáo tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của TƯGH cùng các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh. Sự chỉ đạo này tạo tiền đề vững chắc cho BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang cùng các ban ngành trực thuộc như: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội đạt được nhiều kết quả; đó là khẳng định của TT.Thích Thiện Văn, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang.

c7.jpg
TT.Thích Thiện Văn thay mặt BTS GHPGVN tỉnh đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm

Nhiệm kỳ 2012-2017, BTS GHPGVN tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tôn chỉ, mục đích Giáo hội đề ra: tích cực hưởng ứng và tham gia các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ủng hộ quỹ từ thiện…; nhiều ngôi chùa được sửa chữa, trùng tu từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà và một số ngôi chùa khác...

Trên địa bàn tỉnh, hầu hết các chùa đều có bề dày lịch sử, nhưng trải qua thời gian bị tàn phá xuống cấp, nhiều ngôi chùa chỉ còn lưu lại dấu vết nền móng cũ. Trước thực trạng đó, BTS kết hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh tập trung tu sửa, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, chùa Đại Giáp... Trong đó có nhiều chùa được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, Di tích quốc gia, đặc biệt như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên). Bên cạnh đó, các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh đều gắn với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mang tính tôn giáo như lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Xương Giang tại TP.Bắc Giang được BTS kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức một cách long trọng với nhiều chương trình mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo đồng bào đến tham dự.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, BTS tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực hoàn thành tốt các công tác Phật sự, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện xã hội, nghi lễ... Những thành quả tốt đẹp đó đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng đất nước; đồng thời một lần nữa khẳng định niềm tin của Tăng Ni, Phật tử vào đường lối của Giáo hội và Nhà nước đề ra, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Nhiệm kỳ 2012-2017, BTS tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và phát triển Phật giáo tỉnh nhà trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục sẵn có tại địa phương. Qua đó thực hiện nhiệm vụ: hoằng dương Chính pháp, phối hợp hướng dẫn Phật tử, văn hóa, nghi lễ… Tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển giáo dục; đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ đủ đạo hạnh, năng lực, trình độ, biết vận dụng Chính pháp trong truyền bá Phật pháp, phụng sự chúng sinh và làm lợi ích cho xã hội, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Đặc biệt, tuy là một tỉnh có số lượng Tăng Ni ít nhưng BTS đã thành lập được trường trung cấp Phật học của tỉnh. Ban Giáo dục đã được kiện toàn về mặt tổ chức, xin phép Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh chiêu sinh khóa II (chiêu sinh được 23 Tăng Ni sinh). Hiện trường đang hoàn thiện hết chương trình khóa học, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp Phật học cho các Tăng Ni sinh đạt đủ tiêu chuẩn đề ra.

Ngoài ra, BTS tỉnh còn tạo điều kiện cho các Tăng Ni được đi học các khóa tập huấn giảng sư, tham gia các hội nghị phổ biến chính sách về tín ngưỡng tôn giáo do các cấp tổ chức. Thường trực BTS tỉnh đã liên hệ với Học viện Phật giáo Hà Nội để xin cho Tăng Ni sinh được thi tuyển theo học, đến nay được 87 vị.

Phát huy thế mạnh truyền thống

Trên tinh thần những thành quả đạt được trong thời gian qua, BTS tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo qua nhiều thế hệ, sống “Tốt đời đẹp đạo”; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên BTS, giữa BTS tỉnh với các BTS cấp huyện cũng như với chính quyền và ban ngành, đoàn thể các cấp để các hoạt động được phối hợp nhịp nhàng.

Là một tỉnh vốn có truyền thống văn hóa lâu đời với số lượng cơ sở tự viện lớn nhưng chỉ có vỏn vẹn hơn 110 Tăng Ni, phần nhiều là các chư tôn túc cao niên, do đó việc hướng dẫn và thuyết giảng giáo lý có phần hạn chế. Vì thế, BTS đã lên lịch giảng giáo lý cho Phật tử theo từng tháng, nhất là trong 3 tháng an cư cũng như trong các dịp lễ, Tết. Nội dung thuyết giảng thường được đề cập đến các vấn đề về hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn… dần tạo được niềm tin cho đồng bào Phật tử địa phương, hạn chế mê tín dị đoan trong các tầng lớp đồng bào Phật tử địa phương.

Thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương với sự chung tay góp sức của Tăng Ni, Phật tử, BTS đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình văn hóa, xã hội tại địa phương, nhất là trong công tác từ thiện xã hội. BTS kết hợp với UBMTTQVN tỉnh tiến hành vận động các cơ sở tự viện, chư Tăng Ni, Phật tử cùng các nhà hảo tâm xây dựng các quỹ từ thiện, ủng hộ đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, tham gia xây dựng quỹ khuyến học.

Đi đầu trong các công tác từ thiện là HT.Thích Thanh Dũng. Hòa thượng đã kêu gọi các cá nhân chia sẻ với bà con nghèo địa phương đón Tết Nguyên đán hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chùa trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhận nuôi dưỡng và chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn như chùa Hoàng Mai (H.Việt Yên), chùa Song Khê (TP.Bắc Giang)… đã nhận 10 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng. Một số chùa nhận phụng dưỡng người già có công với cách mạng, mở các phòng thuốc Nam từ thiện chữa bệnh cho người nghèo.

BTS tỉnh tập trung xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo Tăng Ni, tăng cường chất lượng giảng dạy tại các trường hạ trên địa bàn tỉnh; mở lớp bồi dưỡng giáo lý cho Phật tử tại các chùa, phát triển quỹ bảo trợ học đường Phật giáo tỉnh nhằm hỗ trợ kinh phí cho công tác giáo dục đạt được kết quả tốt. Việc kết hợp với Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội cho Tăng Ni của tỉnh theo học vừa xây dựng một thế hệ Tăng Ni trẻ kế cận có trình độ, vừa đáp ứng giảng sư cho nhu cầu tu học ngày càng tăng của đồng bào Phật tử. Song song đó, BTS tổ chức cho Tăng Ni và Phật tử tham gia vào các hoạt động Phật sự của tỉnh và thông qua sự hướng dẫn của các ban chuyên ngành Hoằng pháp, Văn hóa, Hướng dẫn nam nữ Phật tử nhằm mang lại một nếp sống văn hóa lành mạnh, trong sáng, hướng thiện.

TT.Thích Thiện Văn cũng cho biết, BTS cũng đề ra chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ mới (2017-2022) trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, gắn bó đạo pháp với dân tộc mà chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trong tỉnh đã dành nhiều tâm lực, trí lực để hoàn thành công tác Phật sự kể từ ngày thành lập BTS tỉnh đến nay.

BTS tổ chức kiện toàn nhân sự các BTS tại các huyện chưa thành lập BTS tỉnh cũng như hướng dẫn các cơ sở tự viện thực hiện tốt các chính sách pháp luật tại địa phương, phối hợp với các ban chuyên ngành như Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Nghi lễ nhằm xây dựng niềm tin, nếp sống đạo trong Phật tử. Nghiên cứu tổ chức các lớp bồi dưỡng trụ trì tại văn phòng BTS. Hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm trụ trì cho các tự viện theo luật định, tiếp tục nâng cao các chương trình thuyết giảng tại các giảng đường, các lớp giáo lý, khóa tu Bát quan trai... Đưa giáo lý tới đồng bào có đạo ở vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của bà con Phật tử nơi ấy.

* Tin liên quan: Trọng thể khai mạc Đại hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.