Ồn ào quá

Ồn ào quá

GN - Vô bếp là có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Từ chỗ hàn huyên bước sang ồn ào. 

Nếu ai thường tham gia nấu cơm chay từ thiện, hoặc vô chùa nấu nướng công quả vào những ngày lễ, thì sẽ thấy nơi ồn ào nhất chính là… cái bếp. Không ít nơi, cái bếp gần như thành cái chợ từ đầu đến cuối…

Bếp là nơi tập trung phụ nữ, mà phụ nữ không nói chuyện là họ chịu không nổi. Và khi vô bếp, tay lặt rau, tay xắt gọt củ quả, một công việc không cần quá nhiều sự tập trung của bộ não, thành ra họ có dư thời gian, dư đầu óc để nói chuyện. Nói đủ thứ. Chuyện nhà cửa, chồng con, cơ quan, sang đến chuyện nhà hàng xóm, bạn bè… Rồi chuyện giựt gân mới đọc trên báo, hoặc mới nghe đồn. Mấy em trẻ trẻ thì hay cười ré lên. Mấy chị trung niên thì hay to giọng, bức xúc hồi nào không hay, thậm chí giọng ghen tuông y như là đang đi bắt quả tang chồng hôm tuần rồi. Chuyện quá khứ, chuyện hiện tại, chuyện tương lai… ôi thôi nhiều vô kể, to tiếng vô kể, ồn ào vô kể. Đôi khi ngồi trong bếp mà nhức đầu đến lạ!

Thực ra, tôi có hơn gì họ. Hồi còn trẻ, tôi cũng mắc cái tật y như họ. Vô bếp là có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Từ chỗ hàn huyên bước sang ồn ào. Nhưng lại cho vậy là vui, là quên thời gian, làm không thấy mệt. Lại cho đó là năng động, cởi mở, sung sức. Nói là chùa chứ thực tình không yên tịnh chút nào, mỗi khi có lễ hoặc đám là mấy bà mấy cô như chúng tôi biến bếp chùa thành một nơi thị phi, thành nơi điên đảo, kể chuyện nhau nghe một hồi thấy bức xúc, giận dữ, ganh tị, trề nhún đủ thứ…

May sao, từ lúc học được thuyết “chánh niệm” của Hòa thượng Nhất Hạnh, rồi tiếp thu một chút phương pháp thiền Nguyên thủy của quý thầy cô đi Myanmar về chỉ dạy, tôi cố gắng bỏ đi tật xấu đó. Vô bếp, lặt rau thì chú tâm lặt rau, gọt củ thì chú tâm mà gọt. Cái tâm mình nó quen thói chạy lăng xăng vọng niệm, khi nhận ra là tôi kéo nó về. Sau này tôi thường trì chú, nên khi ngồi xuống xắt gọt là bài chú tự nhảy ra trong đầu. Thế là tôi tranh thủ luôn, làm bếp từ thiện mấy tiếng đồng hồ tha hồ mà trì. Tôi thường đến sớm để làm sớm, chỉ có một mình, yên tĩnh vô cùng, tay xắt gọt, đầu trì chú, mà việc vẫn hoàn thành, vẫn chu đáo. Thích ơi là thích. Chỉ đến khi mọi người đến đông thì tôi thôi trì nữa.

Chợt nhớ chùa Linh Bửu ở quận 4, TP.HCM. Vô bếp thấy mấy chục cô tiểu, sư cô và Phật tử cùng làm bếp, nhưng hầu như im ru, chỉ có vài lời cất lên mỗi khi sư cô cần hỏi gì đó. Một đạo tràng hơn 200 người tham dự, thì cái bếp phải đông tới cỡ nào mới đủ sức phục vụ, vậy mà vẫn yên tĩnh. Ngày thường cũng vậy, quý cô đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói nhỏ nhẹ, dù có 60 vị cùng trú ngụ mà chùa cũng không chút ồn ào. Hỏi ra, mới biết sư bà trụ trì dạy chúng và dạy Phật tử như thế. Chỉ cần sư bà bước xuống bếp, nói: “ồn quá” là mọi người quay về chánh niệm. Tất nhiên, cũng có những lúc hỏi han qua lại nhưng đều trong sự nhỏ nhẹ, tránh thị phi điên đảo.

Vậy có nghĩa là, quý thầy, quý cô hoàn toàn dạy dỗ được đệ tử và Phật tử, chứ đâu đến nỗi…bó tay. Dạy hoài, sẽ được. Riêng bản thân mỗi người cần có một minh sư như thế để nương tựa, đừng giận hờn khi nghe rầy la. Nếu không có thầy hướng dẫn, thì nương vào giáo pháp của Phật mà thực hành. Thực hành hoài, sẽ được. Đừng biến bếp chùa hoặc bếp cơm từ thiện thành cái chợ với mớ thị phi hỗn độn…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.