Ở nơi thầy, trò cùng bám lớp gieo chữ

GNO - Vượt nhiều khó khăn, chúng tôi có mặt tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) trong cơn mưa dày nặng hạt. Điểm đến của chúng tôi là xã An Lương, một trong những địa phương được xếp vào diện khó khăn nhất huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).

taman1.png
Những ngôi nhà vắt vẻo bên sườn núi và số phận của những đứa trẻ vùng cao - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

Vượt qua gần 30 km từ điểm trường chính về thị xã đón chúng tôi, thầy Đỗ Việt Hùng là giáo viên phụ trách Đoàn đội của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS An Lương cho biết đường vào trung tâm xã rất khó, còn khó thế nào đoàn đi sẽ hiểu chứ thầy nói khó, nói khổ thì lại không khách quan.

Nhà tranh nứa lá, các điểm trường cách trung tâm xã 7 - 10 km đường rừng núi gập ghềnh cheo leo, để đi tìm con chữ các học sinh vùng cao An Lương phải băng rừng, qua suối... Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về sự khó khăn mà thầy và trò các trường mầm non, tiểu học, THCS An Lương đang phải đối mặt hiện nay.

Biết trước là khó, là khổ nhưng không như hình dung khi nghe thầy Việt Hùng chia sẻ, những khó khăn mà đoàn chúng tôi trải nghiệm có thể nói là “kinh hoàng” trong suy nghĩ. Đường mòn nhiều khúc cua góc nhỏ, một bên núi, một bên vực sâu, có cảm giác như chỉ sơ sẩy một chút là có thể lao mình xuống dưới.

CTV Giác Ngộ vào xã đúng đợt những ngày mưa gió lạnh, đường như biến thành ruộng, lún sâu 20 - 30cm rất khó đi. Đến tận bây giờ, xe ô tô vẫn không thể vào được tận trung tâm xã, ngoài các loại xe tải gầm cao có thể vào để thông thương với bà con địa phương còn lại các loại xe khác đều… chịu.

Bắt đầu hành trình 8 km đi bộ và tăng bo bằng xe máy là những cảm xúc lẫn lộn. Vì chuyến đi tranh thủ dịp cuối tuần nên thầy trò đều về nhà nghỉ hết. Sau 2 km đi bộ thì đoàn cũng gặp được nhà dân bản để nhờ xe máy vào trung tâm xã. Trên suốt chặng đường đi anh Lý Seo Tun kể về câu chuyện thầy cô vất vả thế nào để vận động được anh cho con anh đi học cách đây mấy năm, Lý Seo Tun kể về những khó khăn, nguy hiểm của những đứa trẻ vùng cao nơi anh ở khi đến trường. Giờ đây, tuy khó khăn là vậy nhưng bọn trẻ ở đây đều không bỏ học, các em chăm chỉ học hành, cuối tuần được nghỉ mới về với gia đình.

Có đi mới hiểu, có nhìn lại mới thấy thương. Chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và khát khao của thầy Việt Hùng và những người làm nghề giáo trên này trong việc làm điều gì đó có thể để giúp đỡ đến các trò của mình. Sự tận tụy đó chúng tôi gọi vui thầy là “người dẫn đường” trong chặng đường vượt qua con đường lầy lội để vào bản.

taman3.png


Sau ngày đi học là Sùng A Pao trông em và phụ giúp bố mẹ làm rẫy - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

Trong câu chuyện với nhau, thầy chia sẻ: “Tổng số lượng học sinh mầm non, tiểu học, THCS trong xã An Lương có 1.015 em, riêng trường thầy có 320 học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Mông, trong đó có hai điểm trường cách xa trung tâm là Suối Giầm và Sài Lương. Riêng điểm trường Sài Lương chưa có phòng học, phải học nhờ trường mầm non. Để tiếp cận được con chữ, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây phải vượt qua 7 - 10 km đường rừng vô cùng nguy hiểm”.

Mấy năm qua, thầy trò trường An Lương cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Nhìn các em đến trường với chỉ vài bộ quần áo, đông cũng như hè khiến người thầy ở bên không khỏi chạnh lòng. Nhà trường phải thường xuyên đến từng thôn, bản vận động học sinh đi học và hỗ trợ bằng cách cho các em mượn sách. Tuy nhiên, phần lớn sách đều được cấp hoặc nhận từ các tổ chức thiện nguyện từ mấy năm trước nên đã cũ, hỏng.

Thiếu sách vở học. thầy cô phải vận động người dân mua sách cho con. Nhưng nhiều gia đình còn không lo nổi ăn, mặc, gửi con đến trường đã là nỗ lực lớn, lấy đâu ra tiền mua sách vở.

Nhiều giáo viên thương học trò, tìm cách giúp đỡ nhưng chỉ như muối bỏ biển vì nhiều em có hoàn cảnh khó khăn quá. Thầy Đinh Văn Lập, Hiệu trưởng trường THCS An Lương kể hàng tuần các em phải đi bộ khoảng 7 km - 10 km, thậm chí 15 km, vượt qua những đoạn đường đèo cheo leo, lầy lội. Vào mùa nước lên, con suối Ngòi Thia rộng tầm 100 m trở thành ác mộng của học sinh Trường THCS An Lương.

“Ngày mưa gió, các em đi học bằng mảng, men theo sợi dây không mấy chắc chắn để sang bờ bên kia. Nói dại, những đứa trẻ đối mặt nguy cơ bị dòng nước xiết cuốn trôi nếu chẳng may dây đứt. Mùa mưa, Học sinh vắng học nhiều, nhà trường cũng không dám vận động các em đến trường vì tính mạng phải được đặt lên hàng đầu” - thầy Lập chia sẻ.

Học sinh bán trú đỡ vất vả hơn nhưng các em cũng phải sống trong căn nhà dựng tạm. Thầy cho biết thêm, trường được xây từ năm 2005, có 6 phòng học kiên cố nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập và giảng dạy. Giáo viên phải dựng lớp học tạm, mượn bàn ghế từ ủy ban nhân dân xã và các hộ dân xung quanh.

taman4.png
Sự hồn nhiên bẽn lẽn của Lý Sán Dùy và các em khi được chúng tôi tặng quà - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

taman5.png
 Hàng trăm học sinh vùng cao An Lương sống ở bên kia suối vẫn ngày ngày 2 chuyến
lênh đênh trên những chiếc bè tạm tự chế để đến trường trong nguy hiểm - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

taman7.png
Nơi ở nội trú của các học sinh vùng cao THCS An Lương - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

taman8.png
Dù khó khăn nhưng học trò vùng cao này vẫn hồn nhiên. Trong ảnh: Những đồ chơi tự chế giản đơn nhưng mang lại cảm giác thích thú đối với Piềng Mi Ha, ở trên này không có đồ chơi nhiều - Ảnh: Đinh Hải Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.