GN - Với người Việt, Ngài thị hiện trong khuôn diện của một Bạch y Đại sĩ, được mọi người gọi là Mẹ Quan Âm, hay thân thuộc là Phật Bà…
Tôi nhớ hình ảnh Ngài ở Viện Tim TP.HCM, đó là vào một chiều cuối tuần, tôi vào thăm một vị Ni trưởng mà mình kính mến. Ni trưởng bị bệnh, nhập viện, bác sĩ chỉ định “nong tim” - từ thông dụng của phương pháp đặt stent để máu được dẫn truyền tốt hơn.
Ở tuổi 80, những phẫu thuật như vậy đòi hỏi sức khỏe tốt. Khá mệt với bệnh nhưng Ni trưởng vẫn lạc quan. Vị Ni tiếp tôi bằng nụ cười hiền, thay vì nghe tôi hỏi thăm về bệnh thì người lại hỏi tôi đủ chuyện về đời sống, rồi khuyên tôi ráng làm việc, phụng đạo bằng trái tim trong sáng của người con Phật.
Ni trưởng nói sơ sơ về bệnh tình rồi kết luận: “Sư bà sống đến tuổi này rồi, giờ có bệnh, có chết cũng là bình thường, không sao”. Với người tu, việc nhìn thấy rõ sự thật của sinh, già, bệnh, chết và bình an đón nhận chính là một phong thái đáng kính, đáng để học hỏi, soi chiếu lại tự thân.
Góc thờ Đức Quán Thế Âm Bồ-tát ở Viện Tim TP.HCM - Ảnh: Chánh Quán
Cuộc sống vô thường. Ni trưởng nói và dặn tôi làm được gì làm liền, nhất là chuyện tu học, để đợi có khi không còn kịp nữa vào ngày mai. Tôi nhận về lời khuyên đó và cảm ơn Sư bà đã khuyến tấn, bằng lòng thương của một người thầy.
Tôi lại nhìn Ni trưởng với nụ cười từ hòa, và nhớ mãi những lần mình ghé chùa thăm. Vẫn nụ cười đó, quen thuộc cả khi bệnh đau hay khỏe mạnh đều như nhau. Đó là tinh thần vô úy, không sợ hãi dẫu có đang thọ nhận bất cứ điều gì.
Có lẽ vì vậy mà quý cô môn đồ đệ tử vẫn hay lấy làm an lòng khi nói thầy còn đó, như bóng tùng chở che. Thực ra, bao người học Phật vẫn lấy lòng thương, đức vô úy cũng như tinh thần lắng nghe, cứu khổ của Bồ-tát làm hạnh nguyện trùm khắp, để thấy an ủi mỗi khi gặp tai ương, chướng nạn trên đường đời.
Không phải tự nhiên mà hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện ở mỗi sân chùa, nơi bệnh viện, góc đường quanh co đầy hiểm nguy của một lộ trình dài… Ngài thị hiện ở đó để nhắc nhở về việc chánh niệm, lắng nghe chính mình, không sợ hãi trước mọi biểu hiện, để vững chãi đi qua những khúc quanh của đời cũng như khúc quanh của đường.
Chiều hôm đó, góc bệnh viện khi tôi rời đi, nơi tôn tượng Đức Quan Âm vẫn được những bệnh nhân và người nhà thắp đèn cùng hương thơm dâng cúng, gửi gắm những ước nguyện về việc vượt qua khổ, nạn. Bồ-tát đã nghe! Và bài pháp về sự không sợ hãi, đón nhận mọi biểu hiện, cũng như gieo tạo duyên lành đã được trao bằng cách này cách khác. Ngay khi ấy cũng cũng chính là lúc trở lại với chính mình, lắng nghe những biểu hiện hôm nay để biết mình có biệt nghiệp, cộng nghiệp nào. Từ đó chuyển hóa nỗi khổ đau thành thanh lương, dịu mát ở trong lòng.
Bệnh đau, chết chóc, xả báo thân tứ đại là điều không ai mong nhưng là sự thật mà ai làm người cũng trải qua. Người bệnh hiểu rằng, nếu có ra đi thì cũng giống như thay chiếc áo cũ mục trong lộ trình tử sinh thì tự nhiên đầy ắp vững chãi.
Vào bệnh viện rồi mới thấy, sức khỏe là quan trọng nhất, bệnh tật chẳng chừa ai. Nhưng cũng chính nơi đó, sẽ có người vượt lên trên cái đau, cái sợ thông thường như ở căn phòng có vị Ni 80 tuổi, vẫn mỉm cười chờ nong tim, còn biết nói đạo lý vô thường, quan tâm tới cuộc sống người khác một cách ân cần. Nhiều người khác cũng đã biết chấp nhận để đi qua một đoạn đường khó, còn sống thì còn vui, còn làm yên lòng những người thân-thương của mình.
Bồ-tát Quan Âm khi đó đã thị hiện vào đất tâm của người nghĩ về Ngài, hướng về và niệm danh. Bồ-tát thực ra không xa xôi, Ngài vẫn hiện diện mà có khi ta không tiếp xúc được nên không thấy, không nghe.
Đức Bồ-tát có hạnh nguyện lắng nghe, đã nghe, nhưng ta cũng cần lắng nghe Ngài nữa, để nghe và thấy cái nghe của Ngài thì mới tương ứng, mới thành thí vô úy giả - thành tay, mắt của Bồ-tát, hiến tặng sự không sợ hãi cho mọi người, mọi loài…
Chánh Quán