Nương thầy, tôi chuyển hóa

GNO - Mỗi mùa thu đến, nhìn những chiếc lá vàng rơi chạnh lòng tôi thấy nhớ thật nhiều về mẹ, hình bóng đầy yêu thương và kính trọng mà có lẽ trong suốt cuộc đời này không thể nào xoá nhoà được trong tâm khảm tôi.

“Mẹ ơi”, tiếng gọi từ thuở nhỏ vẫn thổn thức trong tôi mà mẹ thì đã đi xa rồi. Tôi còn nhớ mãi trong một đêm mưa thật to như trút nước, mẹ đã bỏ anh em chúng tôi ra đi vĩnh viễn, không có nỗi buồn hay niềm đau nào bằng nỗi đau khổ mất mẹ. Tôi thật sự hụt hẫng khi bị mất đi nơi tương tựa cả về thân và tâm, những cử chỉ yêu thương, chăm sóc, lo lắng… của mẹ trong sinh hoạt hằng ngày lúc ẩn, lúc hiện càng làm  thêm lớn nỗi buồn nhớ trong lòng tôi.

Giờ đây hồi tưởng lại ký ức ấy tôi vẫn thấy nghẹn ngào dù thời gian đã  gần hai mươi năm trôi qua, đêm từng đêm trong giấc ngủ tôi vẫn luôn muốn gặp lại mẹ, nhưng có lẽ tôi và mẹ đã hết duyên gặp gỡ rồi nên ngay cả trong giấc mơ cũng không được gặp. Từ ngày mẹ mất đến nay, chiêm bao tôi nhìn thấy mẹ được một, hai lần mẹ nhìn tôi cười rồi vụt mất, tôi chỉ kịp gọi “Mẹ” rồi giật mình tỉnh giấc trong tiếc nuối; tôi lại càng thấy nhớ  nhiều hơn khi nghe những lời trong bài hát:

LÒNG MẸ  (Y Vân)

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,

Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu.

 Bao năm qua, nỗi buồn nhớ mẹ vẫn mãi trong tôi, dòng lệ như luôn chực sẵn nơi khoé mắt, chỉ chờ có cơ hội là tuôn chảy. Dẫu rất bận rộn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng đôi lúc làm một việc  gì đó tôi cũng nhớ đến mẹ: từ lời chỉ dạy của mẹ, loại trái cây mẹ thích, đến Tết thì nhớ món mứt mà mẹ ưa ăn… Tôi nghĩ chắc do tôi nợ lòng thương yêu của mẹ quá nhiều, nên mẹ mất từ lâu rồi mà nỗi buồn cứ mãi sống trong tôi.   

Một hôm, tình cờ đi ngang qua cổng chùa Liên Hoa - quận 8 (TP.HCM), nhìn cảnh thanh tịnh nơi chùa và Thánh tượng trang nghiêm của Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, như một cơ duyên đưa tôi đến với Ngài. Tôi dừng lại dắt xe vào cổng chắp tay xá,  vừa lúc mọi người tụng kinh xong đi ra, tôi đến hỏi thăm một vị Thầy và được sự giải thích, hướng dẫn về nội quy, giờ giấc tu tập của chùa. Tôi về tìm mua áo Giới (áo tràng) và tối hôm sau đến hoà vào cùng mọi người tụng kinh. Thấy nhiều người đọc mà không nhìn kinh tôi thầm khen “sao họ giỏi quá”.

me.jpg


Phật tử và quý giáo thọ sư lớp Phật học ứng dụng chùa Giác Linh (Q.8, TP.HCM)

Sau đó tôi lần hồi hỏi thăm và mượn về ghi chép lại những bài sám, bài chú học cho thuộc để đọc được như mọi người, nhưng đọc thì đọc suông vậy thôi chứ thật sự tôi chưa hiểu được ý nghĩa của kinh, sám, mà chỉ do tác động tự nhiên về tâm linh. Tuy vậy, mỗi chiều tôi đều cố gắng thu xếp công việc để có thời gian đến chùa tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, khi nghe Thầy khấn nguyện tên cho các vong linh tôi cũng học theo và thầm nguyện cầu cho Cha Mẹ sớm về nơi cõi Tịnh.

Mỗi đêm tôi đều lặng lẽ đến lễ Phật rồi về, không nói lời nào với ai, khoảng hai tháng sau thì một đạo hữu gần nhà hướng dẫn tôi đến lớp Phật học ứng dụng nơi chùa Giác Linh - quận 8. Thế là vào thứ Bảy mỗi tối cuối tuần tôi lại được học thêm giáo pháp của Đức Phật. Bước đầu khi đến với lớp giáo lý tôi thật rụt rè như đứa trẻ mới vào lớp Một, tôi luôn chăm chú lắng nghe Thầy giảng nhưng thấy sao khó quá. Chưa hiểu được gì nhiều nên tôi rất sợ bị Thầy gọi,  sợ đến lạnh cả hai bàn tay - mặc dù tôi đã lớn tuổi và đã thành đạt. Dần dà tôi cũng thẩm thấu và  hiểu được bài, cộng thêm sự sách tấn của Thầy, Thầy thường nhắc nhở chúng tôi học Phật phải cần chú tâm, có phát biểu mới dễ nhớ, dễ hiểu và trong bài giảng Thầy thường lồng ghép những mẩu chuyện ngoài đời thật thấm thía và đầy ý nghĩa.

Đến nay,  tôi học giáo lý Phật-đà được hơn ba năm và nhận thấy tâm mình như được chuyển hóa dần, từ sự đau khổ sang niềm an lạc. Và khi tôi hiểu được  phần nào về giáo lý Đạo Phật và lời dạy của Đức Phật, từ đó tôi đặt niềm tin sâu sắc vào Đức Phật, cũng như sự lợi ích của Quy y Tam bảo đối với mình và cho mọi người. Giáo pháp cao siêu của Đức Phật thật bao la, rộng lớn mang đến cho chúng sanh biết bao lợi lạc.

Giờ thì tôi đã nhận ra được nên nỗi buồn và sự nuối tiếc luyến thương ngày nào không còn vây quanh trong lòng  tôi nữa, mà còn làm lớn thêm tâm nguyện - khi tôi hiểu được vô thường ví như hơi thở của mình vậy, có rồi mất đi đều là giả tạm, nó luôn mang đến cho bản thân sự phiền não. Vì vậy tôi tự nhủ mình cần phải luôn huân tâm trong chánh niệm, sống tỉnh thức, siêng năng tu tập, học và hành theo hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả của chư Phật, chư Bồ-tát, biết quay về với chính mình để thấy được chơn tâm và biết sống vì mọi người, tránh nghĩ, tránh làm những điều bất thiện, bớt tạo nghiệp để có thể góp phần mang lại lợi ích cho mọi  người, cho xã hội.

Sự nhận chân ra được chân tướng khổ đau của Bến bờ nhân gian này, đều nhờ vào công lao to lớn của Thầy tôi, đó chính là Thượng toạ giảng sư Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Liên Hoa - quận 8. Thầy đã dồn hết tâm huyết để giảng dạy,  truyền đạt lại lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cho chúng tôi trong những giờ lên lớp.

Để đền đáp phần nào thâm ơn sanh thành dưỡng dục, tôi thành tâm nguyện cầu ơn trên Tam bảo gia hộ cho hương linh cha mẹ, ông bà được Tịnh Lạc. Tôi nguyện sẽ cố gắng học Đạo, tinh tấn tu tập, luôn nghĩ nhớ và làm theo lời chư Phật dạy, cũng để tri ân công đức sâu dày của Thầy đã dành bao công sức mà giảng dạy. Đó cũng là cách để xứng đáng trở thành người Phật tử của Đức Thế Tôn, vì tôi tin tưởng chỉ có bờ Giác ngộ mới chính là nơi nương tựa vững chãi nhất trong cuộc đời sanh tử đổi dời này.

* Tin, video liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.