"Nước tương chùa" vang danh ở Sa Đéc

GNO - Hủ tiếu Sa Đéc từ lâu đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng ở miền Tây mà nhiều du khách không thể bỏ qua khi có dịp đến với tỉnh Đồng Tháp.

Nhưng ít ai biết rằng, để làm thêm hương vị đậm đà cho tô hủ tiếu này có một thành phần không thể thiếu đó là món “nước tương chùa”.

Sở dĩ được gọi là “nước tương chùa” là vì loại nước tương này được chế biến từ một ngôi chùa rất nổi tiếng, tồn tại cả trăm năm qua ở TP.Sa Đéc. Đó là chùa Phước Huệ.

1.bmp
Đậu phải được chà cho meo bung ra nước tương mới ngon

SC.Thích nữ Huệ Định, người có mấy chục năm gắn bó với việc làm nước tương ở đây cho biết, ban đầu việc làm nước tương chỉ là phục vụ nhu cầu ăn uống của các sư cô, Phật tử. Về sau, Phật tử thấy ngon nên đến viếng chùa rồi hỏi mua, số lượng sản xuất cũng ngày càng nhiều.

Quy trình chế biến ra loại nước tương này vô cùng công phu, không hề đơn giản. Tất cả các công đoạn chế biến đều được các sư cô ở đây làm thủ công theo quy trình truyền thống có từ hàng trăm năm qua. Nguyên liệu chính làm ra loại nước chấm này chính là đậu nành.

Đậu nấu tương phải là loại đậu tốt nhất, khi nấu phải canh cho đậu chín vừa, sau đó mang đi ủ meo trong nhà kín, 1 tuần sau khi đậu khô cứng thì mang đi chà cho meo bung ra.

Sau khi hạt đậu đươc chà xong thì đem ngâm nước muối, chờ 1 tháng sau rút nước, từ đây cho ra nước tương, phần cái sẽ làm tương hột và chao. Nước sau khi rút ra sẽ được thắng với đường để có nước có màu đen sậm rất đặc trưng với hương vị vừa miệng.

Cũng theo SC.Huệ Định, mỗi dạ đậu nành sản xuất được khoảng 40 lít nước tương. Mỗi đợt nấu, sau khi trải qua các công đoạn phải đợi tới hơn 6 tháng mới có thể bán cho khách.

2.bmp
Nước tương ở chùa Phước Huệ được sản xuất theo phương thức truyền thống

Tại đây, mỗi đợt, nhà chùa nấu khoảng 200 lít nước tương và chỉ trong vòng nửa tháng là đã bán hết. Do đó, chùa phải sản xuất liên tục mới có đủ số lượng cung cấp cho Phật tử và khách thập phương.

Ngoài khách hàng thân quen là các chủ quán hủ tiếu trên địa bàn thì khách thập phương từ các tỉnh thành khác khi đặt chân đến Sa Đéc đều đến tìm mua.

Ông Võ Phú Thành, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết, mặc dù nhà xa nhưng mỗi lần có dịp đi ngang qua Sa Đéc ông đều phải ghé vào mua để làm quà cho người thân và gia đình sử dụng vì gia đình rất “mê” hương vị nước tương này.

 Một trong những sự kết hợp độc đáo làm tăng thêm sức hấp dẫn cho nước tương chùa Phước Huệ đó là dùng làm nước chấm ăn kèm với hủ tiếu Sa Đéc. Không biết tự bao giờ mà nước tương chùa này đã trở thành linh hồn của món hủ tiếu Sa Đéc, vang danh khắp gần xa, hút hồn thực khách.

3.bmp

Nước tương sau khi sản xuất phải phơi vài tháng mới mang ra bán

Hiện tại nhà chùa có hẳn một khu bán hủ tiếu chay phục vụ Phật tử và khách thập phương, hủ tiếu được bán ở đây cũng là loại hủ tiếu ngon nhất TP.Sa Đéc và ăn kèm với nước chấm là nước tương chùa.

Vĩ thế, những ngày ít khách nhất cũng bán khoảng 200 tô hủ tiếu, riêng những ngày đắt khách cũng bán trên dưới 400 tô. Đặc biệt là những ngày rằm, ngày lễ thì số lượng tăng gấp đôi. Ngoài nước tương, thì tương hột và chao cũng là 2 món độc đáo của nhà chùa.

Hiện nay, thị trường với nhiều loại nước tương được sản xuất theo công nghệ nhưng các sư cô chùa Phước Huệ vẫn tiếp tục kiên trì với phương pháp sản xuất thủ công, truyền thống mà hàng chục năm qua nhà chùa vẫn làm.

Do đó, sản phẩm truyền thống độc đáo ở chùa làm ra đều là sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng. Điều này đã làm nên “thương hiệu nước tương chùa” ở TP.Sa Đéc ngày càng có tiếng vang.

Bài, ảnh: Thanh Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.