GNO - Bảo tàng nghệ thuật Zhiguan ở Bắc Kinh hiện đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Himalaya quan trọng nhất thế giới. Bộ sưu tập bao gồm tranh thangka, tranh vẽ tay và các tác phẩm điêu khắc có xuất xứ từ Gandhara, bắc Ấn Độ, quận Swat (Pakistan), Kashmir, Nepal, Tây Tạng và Trung Quốc. Bảo tàng mong muốn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Himalaya, bảo tàng nỗ lực liên kết với các cộng đồng bảo tàng, nhà sưu tập cá nhân, học viện trên khắp Trung Quốc và quốc tế.
Bảo tàng nghệ thuật Zhiguan
Bảo tàng Zhiguan bắt đầu buổi triển lãm lớn đầu tiên vào tháng 10-2018 với chủ đề “Ánh sáng Phật giáo” hợp tác với bảo tàng Palace Museum ở Bắc Kinh. Buổi triển lãm là một phản ánh toàn diện về nghệ thuật Himalaya tại Trung Quốc, bao gồm 112 tác phẩm điêu khắc tinh xảo đến từ thư viện hoàng gia tại Palace Museum, bảo tàng nghệ thuật Zhiguan và những nhà sưu tập trên khắp Trung Quốc. Có niên đại từ thế kỉ thứ 4 đến 15, những tác phẩm điêu khắc trên là quá trình phát triển và du nhập nghệ thuật Tây Tạng nói riêng và nghệ thuật Himalaya nói chung.
Phật Thích Ca Mâu Ni, Gandhara, thế kỉ thứ 4 - 5, trong triển lãm “Ánh sáng Phật pháp” tại bảo tàng Palace
“Nghệ thuật Himalaya” vẫn là một khái niệm mới đối với công chúng tại Trung Quốc. Luo Wenhua, chủ nhiệm triển lãm và là giám đốc trung tâm nghiên cứu di sản Phật giáo Tây Tạng cho biết, nghệ thuật Himalaya không được biết đến trong giới nghiên cứu Trung Quốc cho đến cuối những năm 1980, đầu thập niên 1990. Dần dần, phạm vi nghiên cứu mở rộng ra đến vùng Nagari, phía tây Tây Tạng bao gồm tu viện Tholing, di tích kinh đô Guge, các tu viện trong hang đá, và nghệ thuật Trung Quốc - Tây Tạng ở Đôn Hoàng, hành lang Cam Túc, Bắc Kinh và tiếp tục mở rộng ra các khu vực khác của Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên và Giang Tô.
Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu vẫn còn giới hạn và ông mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô đến những vùng đất mới như bắc Pakistan, Nepal, Ladakh, Himachal Pradesh và những nơi chưa được biết đến tại Ấn Độ và bắc Myanmar.
Tượng Phật đứng, Bihar, Ấn Độ, niên đại từ thế kỉ thứ 6
“Ánh sáng Phật pháp” là sự phát triển và du nhập của nghệ thuật Tây Tạng đến từ hai con đường từ vùng tây bắc Ấn Độ đến tây Tây Tạng, và đông bắc Ấn Độ, Nepal đến trung tâm Tây Tạng. Buổi triển lãm là bức tranh toàn diện về nghệ thuật Himalaya trên nhiều phương diện xuất xứ, du nhập và phát triển và thẩm mỹ. Triển lãm gây tiếng vang trong nước và cộng đồng quốc tế, quy tụ các chuyên gia nổi tiếng thế giới, học giả, nhà sưu tập, họa sĩ và những người yêu thích nghệ thuật Himalaya tại Bắc Kinh.Trong những năm gần đây, các học giả trẻ có nền tảng học vấn tốt và nhiều kinh nghiệm có hứng thú với nghệ thuật Himalaya. Cheng Ping-yang, nghiên cứu sinh tại bảo tàng nghệ thuật Zhiguan, cho biết: “Nghệ thuật Himalaya sinh ra từ một vùng đất có thể coi là khắc nghiệt nhất hành tinh. Người dân ở đây thể hiện lòng biết ơn đối với thế giới vô tận và ước mong một thế giới hoàn hảo và tràn đầy hạnh phúc. Ai cũng có ước muốn như vậy nên nghệ thuật Himalaya có thể chạm đến trái tim của những người đến từ những nền văn hóa khác nhau”.
Phật Thích Ca Mâu Ni, Nepal, thế kỉ thứ 10 - 11
Trong triển lãm “Ánh sáng Phật giáo”, bảo tàng Zhiguan đã trưng bày rất nhiều kiệt tác trong lĩnh vực điêu khắc, tượng đồng Phật Thích Ca Mâu Ni với thủ ấn vô úy (không sợ hãi), đến từ Gandhara có niên đại từ thế kỉ thứ 4 - 5. Một tượng Phật bằng đồng khác có niên đại từ thời Gupta (thế kỉ thứ 4 đến giữa thế kỉ thứ 6). Hai tượng Phật sau đó được giới thiệu tại chương trình “Trao đổi văn hóa tại con đường tơ lụa: Những kiệt tác của triều đại Tubo (thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 9)” tại Đôn Hoàng trong bộ sưu tập Pritzker. Một trong những bức tượng đặc sắc nhất có thể kể đến là tượng Phật ngồi có niên đại từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ thứ 11. Sự tinh xảo trong điêu khắc nói lên đây là một trong những bức tượng có ảnh hưởng lớn nhất trong phạm vi thung lũng Kathmandu. Ngoài ra còn có một tượng Bồ-tát Văn Thù bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 1 mét trong tư thế đứng rất trang nghiêm.
Bồ-tát Văn Thù, Nepal, thế kỉ thứ 12
Là một bảo tàng văn hóa quan trọng cấp quốc gia, bảo tàng Palace hiếm khi hợp tác với các bảo tàng tư nhân. Luo Wenhua cho biết: “Trong buổi triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật Himalaya đến từ bộ sưu tập của Zhiguan là bổ sung cho bảo tàng Palace. Hơn nữa, về khía cạnh này Zhiguan rất nghiêm túc và chuyên nghiệp”. Theo Jeff Watt, giám đốc bảo tàng nghệ thuật Zhiguan, người chuẩn bị bản thảo đầu tiên mang tên của bảo tàng: “Zhiguan chủ động tiếp cận rất nhiều cá nhân, học giả, chuyên gia của các bảo tàng, giáo sư và sinh viên trong ngành để tham khảo ý kiến và quan điểm về các tác phẩm nghệ thuật cũng như vai trò của bảo tàng nghệ thuật Zhiguan trong tương lai”.
Tara, Tây Tạng, được thực thực hiện bởi Lạt-ma Choying Dorje (1604–74)
Ngoài ra, bảo tàng nghệ thuật Rubin cũng mở một buổi triển lãm đặc biệt “Những bảo vật của bảo tàng Zhiguan” vào ngày 9-3-2019, trong Tuần lễ Châu Á tại New York, kéo dài đến ngày 23-3-2019. Theo Karl Debreczeny, chủ nhiệm buổi triển lãm: “Đây là 7 tác phẩm chọn lọc và tiêu biểu cho chất lượng và vị thế của các tác phẩm trong bảo tàng Zhiguan. Với những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đến từ đông bắc Ấn Độ, Kashmiri, Tây Tạng, và Trung Quốc trong khoảng từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ thứ 18”. Một bức điêu khắc với tiêu đề “Thực hiện dưới đôi tay của Choying Dorje đáng kính” bằng tiếng Tây Tạng đã thu hút rất nhiều chuyên gia trong ngành. Karl Debreczeny cho biết tác phẩm này đã có niên đại hơn 1000 năm trước trong thời đại Đế quốc Tây Tạng (thế kỉ thứ 7 - thế kỉ thứ 9) hoặc được thực hiện bởi vị Lạt-ma thứ 10, Choying Dorje (1604 - 74).
Chakrasamvara, Trung Quốc, triều đại Càn Long (1736-95)
Ngoài bộ sưu tập nghệ thuật Himalaya, bảo tàng Zhiguan có liên hệ sâu sắc với Phật giáo. Tọa lạc tại số 12 Jinyu Hutong, Bắc Kinh, tòa nhà chính của Zhiguan từng là khu vực phía đông của tu viện Xianliang, nơi thực hiện Đại tạng kinh Càn Long. Trong lịch sử, đây là nơi dừng chân của những học giả nổi tiếng như Zeng Guofan, Zhang Zhidong, Zuo Zongtang, Li Hongzhang, Yuan Shikai, Kang Youwei, và các đoàn sứ giả từ các nước đến nhà Thanh. Trong tiếng Trung Quốc, “Zhiguan” có nghĩa là “Chỉ” và “Quán” một thuật ngữ về Thiền trong Phật giáo.Ông Li, nhà sáng lập bảo tàng Zhiguan cho biết, bảo tàng luôn mong muốn tổ chức nhiều triển lãm và hội thảo về nghệ thuật Himalaya. Bảo tàng sẽ tiếp tục phát triển các tác phẩm sưu tập và trao đổi học vấn, nâng cao tiềm năng và chất lượng của các bộ sưu tập ở đây trong tương lai.
Vĩnh Hưng
(Buddhistdoor)