GN - Mùa này, con nước vốn đã bốn mặt bao vây vùng ốc đảo Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) giờ lại càng lên cao hơn. Sau cơn bão số 11, chúng tôi tìm về nơi đây sau chuyến đò máy tròng trành trong mưa và gió lớn. Cái khổ của người dân thôn Đông Bình này thì nhiều vô kể, nhưng khổ nhất có lẽ là sự học của con em mình...
Đón đò đi học...
Mùa nắng, cây cầu phao cũ kỹ, xiêu vẹo nhưng cũng có thể tạm thời di chuyển qua được, nhưng mùa mưa, học sinh thôn Đông Bình hoàn toàn phải dựa vào các chuyến đò ngang để đến lớp học. Nhất là từ mùa mưa năm nay, sau cơn bão dữ đổ bộ vào, chiếc cầu phao đã hư hỏng hoàn toàn và không có cơ hội được phục hồi. Vậy là từ nay trở đi, phương tiện giao thông duy nhất giúp các em đến trường là chiếc đò ngang.
Con đò cũ kỷ, thô sơ chở người dân và học sinh đi về...
Theo lời người dân ở đây, học sinh đi học buổi sáng phải lục đục dậy từ 4 giờ sáng. Sau khi chuẩn bị tất cả các thứ, khoảng gần 5 giờ sáng là phải ra bến đò ngồi chờ, dù biết rằng 7 giờ sáng mới là giờ vào lớp. Chuyến đò đầu tiên ì ạch cập bờ, những học sinh cấp 2, cấp 3, vai mang cặp sách ào xuống đò vì sợ trễ. Một chuyến qua bên kia, phải chờ cho đến khi có khách rồi đò mới quay trở lại. Mà đến khi ấy, đôi khi đã trễ giờ học.
Em Đỗ Viết Lực, một học sinh thôn Đông Bình cho biết: “Nhiều sáng đi học, chờ đò mãi không thấy sang mới hay đò bị hư hỏng. Vậy là tụi em lại xách cặp ra về. Công sức mấy tiếng đồng hồ đợi đò trong mưa, trong gió lạnh rồi cũng như không. Đành bỏ một buổi học, dù không muốn một chút nào. Mùa mưa năm nào cũng vậy, nhiều khi cả tuần đò không sang được vì mưa bão, lụt lội. May mà thầy cô cũng hiểu cho tình cảnh của tụi em. Nhưng rồi, sau những ngày đó, nếu không củng cố kiến thức bỏ lỡ, rất dễ học hành sa sút...”.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Võ Đức Cương, trưởng thôn Đông Bình cho biết, bản thân ông cũng như chính quyền thôn rất xót xa trước cảnh đi học cách trở đò giang của học sinh thôn này. Trời còn tối đất, đã phải đạp xe đến gần bến đò, gửi xe đạp rồi đi bộ ra, ngồi chờ đò. Vì số lượng người đi rất đông nên không thể bỏ xe đạp lên đò được. Qua bên kia, vì không có xe nên phải đi bộ gần 3km nữa mới tới trường học. Mùa mưa, ngày nào cũng phải vậy để duy trì sự học.
Mong chờ mỏi mòn sự hỗ trợ của Nhà nước...
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Bình bảo đã hàng trăm lần, các đời cán bộ thôn đã kiến nghị, thậm chí là cầu khẩn các cấp chính quyền cao hơn về việc tạo điều kiện cho học sinh thôn Đông Bình an toàn, yên tâm đi học. Quan trọng nhất đó là một cây cầu giúp các em vững bước đến trường. Biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, chính quyền xã, huyện, tỉnh, thậm chí là các đồng chí Trung ương về. Nhưng rồi, tất cả rơi vào im lặng, không một lời hồi âm.
Sau cơn bão số 11 vừa rồi, đò đã nghỉ 5 ngày không sang. Và ngay trong cơn bão, nước đã ngập lên đến mức lịch sử và chỉ cần cao thêm 1 mét nước nữa là nhiều người dân đã không bảo toàn được tính mạng của mình. Bởi chạy đi đâu khi bốn bề là nước. Không đường, không cầu và cũng không có đò nào dám sang. Lúc ấy, những người dân nhìn nhau, rồi nhìn những đứa con của mình, những sinh mạng nhỏ nhoi mang cả một tương lai mù mịt...
Và, họ đã bàn nhau tự xây một cây cầu vượt biển nước ra khỏi miền ốc đảo này, dù Nhà nước có ủng hộ hay không. Bấy lâu, họ đã khẩn cầu trong sợ hãi, trong nước mắt nhưng đã không được một lời giúp đỡ, phúc đáp. Giờ, đến lúc phải làm liều. Dự tính, chi phí cho cây cầu ấy không dưới 1,5 tỷ đồng. Với những người dân đa phần là nghèo và cận nghèo này thì số tiền ấy mãi mãi chỉ là mơ ước. Nhưng theo lời ông Phú, dù có vay mượn, có đi xin các nơi, họ vẫn sẽ cố gắng làm cho bằng được. Một hai năm không xong thì năm sáu năm cũng phải xong. Chứ sống trong ám ảnh và nỗi sợ, trong khi sự học, và cả sự sống của con cháu mình từng ngày bị đe dọa, không ai có thể chấp nhận được.