Nơi đong đầy tình thương

GN - Từ cụ già tới em nhỏ nương náu nơi mái ấm này, ai cũng nói “thầy thương người lắm, ngày nào thầy cũng nhắc nhở ăn uống, tu học hết”. Có người mới về, người thì về đây từ ngày mái ấm thành lập (năm 2007), thầy thương họ bằng trái tim bao dung của người đệ tử Phật và họ thương thầy với lòng biết ơn người đã cưu mang mình…

Mái ấm Kim Phước

Tọa lạc ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, mái ấm tên Kim Phước, trùng với tên chùa do ĐĐ.Thích Nhuận Tâm, trụ trì và là Chủ nhiệm Mái ấm. Khoảng 75 cụ già nghèo, neo đơn và 15 em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc không ai nương tựa… đã quy tụ về đây trong tình thương của thầy.

XH (2).jpg
ĐĐ.Thích Nhuận Tâm chăm sóc người già tại mái ấm

ĐĐ.Thích Nhuận Tâm cho biết, trước đây thầy không nghĩ là sẽ lập mái ấm gì hết, chỉ biết kinh kệ, tu học; nhưng đi đám chỗ này chỗ kia, thấy nhiều ông cụ, bà cụ già mà còn lụm cụm xin ăn, khổ quá nên thầy phát tâm xây Mái ấm Kim Phước để phụng dưỡng người già neo đơn, nghèo khó, giúp họ nghe kinh kệ, tu tập, rau cháo qua ngày.

Thầy bảo ở chùa không bỏ ai hết, hễ ai tới xin, có giấy tờ phù hợp hoặc được người quen giới thiệu, thậm chí không có người giới thiệu, không giấy tờ mà tình cảnh bi đát quá cũng được cưu mang. Bằng cách, thầy sẽ lập biên bản, mời công an địa phương tới xác thực hoàn cảnh, rồi làm giấy tờ, đặt tên - mang họ Huỳnh (họ của thầy trụ trì), thế là có thể “nhập tự”. “Ở đây, chùa nuôi cơm nước, hướng dẫn tu học, lo cho tới cuối đời, bệnh đau rồi tang lễ đều được lo chu đáo hết, nên các cụ ở đây an lòng dữ lắm”, thầy nói.

Cổ tích mang tên “Huỳnh Thị Tiền”

Thầy kể câu chuyện về một bà lão “điên điên khùng khùng” (theo cách nhiều người gọi bà, vì bà không nhà không cửa, đi lang thang xin ăn từng bữa, lại thường la toáng lên mỗi khi có người đụng vào bà - PV) bỗng có duyên với chùa, mới nghe cứ như là… cổ tích. Một hôm, có người đưa bà tới chùa, nói là bà không có ai thân thích, vô gia cư, xin ăn ở chợ, tội lắm, hỏi thầy có nhận không. Vẫn là ý niệm cũ “nhận chứ, họ có duyên tới chùa, mà khổ quá, đúng đối tượng cần nuôi dưỡng rồi, sao không nhận”. Nhận bà về, rồi trong hôm đó, dọn nơi cho bà cụ ở, tắm rửa cho bà, khi thay gần chục lớp áo mà bà đã mặc kỹ lưỡng, gần mục, thì trong lớp áo cuối cùng, có rất nhiều xấp tiền 500.000 đồng được gói ghém cẩn thận bằng dây thun cột chặt.

Lúc đó, thầy trụ trì gọi cả chùa chứng kiến, mời cán bộ địa phương tới lập biên bản, đếm số tiền lên tới 175 triệu đồng. Trong lần đó, phía nhà chùa và địa phương thống nhất sẽ để chùa sử dụng số tiền đó vào việc thiện, với điều kiện sẽ chăm sóc bà cụ đến hết đời. Đó là thời khắc của hơn 3 năm trước, thầy đã nhìn nhân duyên này đặt tên bà là Huỳnh Thị Tiền, vì bà đã mang tiền tới cho chùa phát triển cơ sở, mở rộng mái ấm. Theo đó, số tiền 175 triệu đồng ấy, Đại đức trụ trì đã dùng vào việc xây phòng ốc dành cho các cụ bà neo đơn…

Sau khi nhận các cụ già, thì nhân duyên trẻ mồ côi tới chùa nương náu cũng đến, nhất là khi thầy Thích Bổn Chánh, phó trụ trì chùa phát tâm cưu mang. Một nhà trẻ đúng nghĩa ra đời và hiện hơn 10 em đang nương náu với nhiều hoàn cảnh: nghèo, bị thiểu năng, bị bệnh down, bị cha mẹ bỏ rơi.

Thêm vào đó, những người trẻ như bạn Trương Cẩm Loan, Lê Hải… là những công nhân viên, trí thức trẻ tại huyện đã chung tay chăm lo cùng quý thầy: dạy chữ, sinh hoạt với các em. Bạn Trương Cẩm Loan bộc bạch: “Thấy thầy có lòng từ bi, dành nhiều tâm huyết cho công tác xã hội nên tụi mình cũng góp một chút sức lực”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.