Nỗ lực bảo vệ di sản Phật giáo 2.000 năm tuổi

GN - Các nhà hoạt động xã hội và tổ chức Phật giáo tại Andhra Pradesh (bang duyên hải thuộc Đông Nam Ấn Độ) vừa cùng nhau lên tiếng phản đối dự án lưu trú của chính quyền sở tại, được quy hoạch xây dựng gần khu phức hợp Phật giáo cổ Thotlakonda.

2qt.jpg

Công trình Đại tháp thuộc di sản bị đổ sụp do những trận mưa to năm 2019

Theo đó, làn sóng bất đồng xuất phát từ quan ngại rằng công trình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến Thotlakonda - di sản văn hóa Phật giáo có niên đại 2.000 năm, cùng đa dạng các giá trị khảo cổ thuộc kỷ nguyên Phật giáo trên còn chưa được khám phá.

Khu phức hợp Phật giáo Thotlakonda trải rộng trên diện tích đồi 48ha, hướng ra biển và cách thành phố Visakhapatnam 15km - là nơi chứa đựng nhiều bằng chứng khảo cổ quan trọng về sự phát triển đỉnh cao của Phật giáo trong khoảng thời gian thế kỷ II trước và sau Tây lịch.

Sử liệu và báo cáo từ nghiên cứu cho thấy, Thotlakonda xuất hiện cùng thời điểm với các khu phức hợp khác như Bavikonda, Pavurallakonda. Nơi đây được xem là “phương tiện truyền tỏa Phật giáo đến Sri Lanka, các quốc gia vùng Đông Nam Á và từng quy tụ tu sĩ Phật giáo khắp châu Á đến cầu học, thực hành Phật pháp”.

Trước phản ứng của giới chuyên gia và dư luận, Bộ trưởng Du lịch Andhra Pradesh - Muttamsetti Srinivasa Rao cho biết, dự án nhà khách vừa được phê duyệt có diện tích 12ha, thuộc dãy đồi Greyhounds (phía Bắc Visakhapatnam) không gây ra bất kỳ sự đe dọa nào đối với khu di tích Phật giáo Thotlakonda cũng như địa chỉ khảo cổ học Bavikonda ở gần đó. Cụ thể, công trình cách Thotlakonda 1km và không nằm trong khu vực di sản; trong khi đó, tu viện Bavikonda tọa lạc trên một ngọn đồi riêng biệt.

1qt.jpg

Khu di sản Phật giáo Thotlakonda nhìn từ trên cao

“Chính quyền bang cam kết bảo vệ các di sản nằm trong danh sách bảo tồn. Chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai các chương trình thực hành thiền Vipassana và nhiều hoạt động Phật giáo khác gần khu di tích nhằm thu hút tín đồ Phật giáo cũng như du khách trong khu vực và thế giới”, ông Srinivasa Rao khẳng định, theo The Hindu.

Khu phức hợp Phật giáo Thotlakonda được phát hiện vào năm 1976 và được đưa vào danh sách di sản bảo tồn cấp quốc gia. Tại đây, nhiều cuộc khai quật quy mô lớn, phục vụ công tác nghiên cứu thực địa, khảo cổ đã được tiến hành.

Tuy nhiên, những trận mưa to trong năm 2019 đã khiến một phần Đại tháp nơi đây đổ sụp. Ngoài ra, các thành tố khác của di sản cũng bị ảnh hưởng như các tháp thờ cử hành nghi thức tạ ơn, cột đá trong khu vực thờ tự chính, hội trường cầu nguyện, các tinh xá, khu nhà bếp và nhà ăn.

Mặc dù các quan chức sở tại bác bỏ mọi khả năng gây tổn hại của công trình mới đối với di tích quan trọng này, nhiều tổ chức Phật giáo và nhà hoạt động xã hội trong cả nước đã bày tỏ thái độ “không đồng tình đối với việc phát triển dự án mới xung quanh khu di tích”. Đồng thời, các bằng chứng khảo cổ cũng được trưng ra, cho thấy “nhiều giá trị văn hóa, lịch sử thuộc kỷ nguyên Phật giáo sơ khai này có thể vẫn còn nằm vùi sâu trong lòng đất”.

Trong đó, cựu quan chức bang kiêm nhà hoạt động xã hội E.A.S. Sarma, nhấn mạnh: “Toàn bộ diện tích thuộc khu vực bảo tồn đã được ghi rõ trong Đạo luật về Di sản, Di tích khảo cổ học & Tượng đài lịch sử cổ do Chính phủ ban hành vào năm 1960. Ngoài ra, khu vực bảo tồn này có thể ẩn tàng nhiều bằng chứng khảo cổ học và hiện vật văn hóa quan trọng thuộc thế kỷ thứ III trước Tây lịch mà phần lớn vẫn chưa được khám phá”, theo The Hindu.

Thêm vào đó, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ khu di tích này còn được ghi nhận trong các kết luận khảo sát của nhà nhân học người Mỹ Lars Fogelin tại khu di tích Thotlakonda. Trong quyển sách Khảo cổ học thời kỳ đầu của Phật giáo (xuất bản năm 2006), tác giả này đã xác định được 328 bằng chứng khảo cổ học gồm các tường vách, nền bậc, hồ chứa nước và tháp thờ (trong các năm 2000 - 2002) sau khi khảo sát thực địa diện tích 7,3km2 thuộc khu di tích - theo The News Minute.

Ngoài ra, các hiện vật biểu thị sự kết nối giữa tu sĩ Phật giáo và tín đồ, người dân địa phương cũng được phát hiện tại đây; bên cạnh những đồng xu bạc - bằng chứng về sự giao thương quốc tế trong thời kỳ này. 

Mặt khác, Kothapalli Venkataramana, người đại diện Ủy ban Bảo vệ Di sản Phật giáo Ấn Độ cũng chia sẻ, bản đồ và các ghi nhận địa chính khu vực xung quanh di sản Phật giáo Thotlakonda có diện tích bảo tồn nguyên trạng ban đầu là 1.200ha, đã bị thay đổi theo thời gian. Cụ thể, diện tích bảo tồn liên quan trực tiếp đến khu phức hợp Phật giáo Thotlakonda và công trình vừa được Chính phủ phê duyệt hiện nay chỉ khoảng 240ha.


“Trên thực tế, các kết cấu Phật giáo được tìm thấy đa phần thuộc giới hạn diện tích 240ha nói trên. Và nhóm phụ trách dự án chỉ xem xét một số ít kết cấu, trong khi những cấu trúc nằm rải rác ở các nơi xa hơn vẫn chưa được khảo sát và lưu tâm một cách đúng mức”, Venkataramana nói thêm.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

(theo The News Minute, The Hindu)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.