Nô lệ văn hóa

GN - Gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc tìm phương án khả dĩ để trùng tu chùa Một Cột (Liên Hoa đài). Vì là một di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nên những thay đổi của ngôi chùa này luôn thu hút sự chú ý của mọi người, từ việc chùa xuống cấp cho đến việc người ta đem những thứ văn hóa xa lạ xếp đặt vào đó.

Chúng tôi từng có lần đề cập đến thực trạng vay mượn, sao chép một cách tùy tiện những sản phẩm văn hóa ngoại nhập và mong muốn mọi người dũng cảm loại bỏ những sản phẩm văn hóa xa lạ với phong cách thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo (*). Bởi với bất cứ lý do gì, dù là một ngôi chùa mới xây, những yếu tố xa lạ với văn hóa, kiến trúc, điêu khắc Phật giáo Việt Nam mà được đưa vào công trình cũng sẽ gây phản cảm, huống chi điều đó xảy ra với một ngôi chùa cổ, là biểu tượng tâm linh cho dân tộc, trải nhiều thế kỷ thăng trầm mà vẫn khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt.

Thật ngạc nhiên, sự ngộ nhận văn hóa vẫn còn tiếp diễn, khi mới đây người viết đọc được bài phỏng vấn của một tờ báo mạng dành cho người mang tư cách trụ trì chùa Một Cột hiện nay. Bài phỏng vấn cho thấy kiến thức về văn hóa của một vị trụ trì là rất đáng báo động. Vị trụ trì này đã không ý thức được vị trí văn hóa lịch sử, tâm linh của di sản này trong lòng thủ đô Hà Nội, nên cách phát ngôn tùy tiện, coi thường độc giả (qua nội dung trả lời phỏng vấn đang phổ biến trên nhiều trang mạng). Đã đến lúc Giáo hội cần nhìn thẳng vào những vụ việc chung quanh và gần đây xảy ra trên các phương tiện truyền thông về tư cách của các vị trụ trì, để có những chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt ở những ngôi chùa có vị trí đặc biệt đối với tâm hồn, tình cảm của người Việt.

Chua Mot Cot keu cuu Giao duc Viet Nam (6).JPG

Chùm đèn "Tây" trong chùa Một Cột được dư luận quan tâm - Ảnh GDVN

Người viết xin dẫn lại hai điểm mà dư luận quan tâm đến chùa Một Cột đó là sự xuất hiện đèn chùm kiểu Tây và sư tử đá theo mẫu Trung Quốc. Khi được phóng viên hỏi về chiếc đèn chùm phương Tây, vị trụ trì đã thản nhiên trả lời như sau: “Tôi cho rằng việc có đèn chùm có mục đích làm đẹp hơn cho chùa chứ không có gì là phản khoa học hay văn hóa và Phật giáo. Giàn đèn chùm hiện nay đang được treo ở cửa Tam bảo, thờ Tổ và thờ Phật Quan Âm do một thí chủ người Hà Nội tặng cách đây 4 năm. Thực tế, trước đây, chùa cũng đã dùng đèn chùm của Liên Xô để treo. Sau đó, vào năm 2008 đã trang tố lại toàn bộ hoành phi câu đối. Khi chuẩn bị hoàn thành thì có vị thí chủ xin dâng tặng giàn đèn chùm như hiện nay làm bằng vàng tây trị giá khoảng 400 triệu, ở trong chùa có 5 giàn đèn tất cả”. 

Thông thường, chúng ta vui mừng khi một người nào đó phát tâm tiến cúng những sản phẩm văn hóa có giá trị vào chùa. Tuy nhiên, sản phẩm ấy cần phải thích hợp với không gian văn hóa và kiến trúc của ngôi chùa. Bởi một ngôi chùa có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt như chùa Một Cột, hàng năm thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan, thì những giá trị gốc, tiêu biểu, độc đáo mang phong cách của người Việt phải được phát huy tối đa. Không thể tùy tiện đặt bất cứ sản phẩm công nghiệp phương Tây nào vào, cho dù chúng có giá bạc tỷ. Ngôi chùa đó là ngôi chùa của toàn dân tộc, không phải ngôi chùa riêng của một cá nhân nào, để rồi họ thích làm gì thì làm. Khó chấp nhận một di sản văn hóa quan trọng, độc đáo vào bậc nhất cả nước lại được thêm thắt những sản phẩm văn hóa chắp vá, lai căng.

Sự lệ thuộc trong đời sống văn minh đã là một điều đáng xấu hổ. Sự lệ thuộc trong văn hóa còn di hại nhiều hơn, vì đó là sự lệ thuộc lộ ra sự kém cỏi nhất của một dân tộc. Dân tộc ấy sẽ chẳng còn gì nếu không có văn hóa của riêng mình. Nô lệ văn hóa là vong bản, mà vong bản thì sẽ dẫn đến mất nước.

Còn nữa, khi phóng viên hỏi về đôi sư tử đá Trung Quốc, thì vị trụ trì lại có một nhận thức hết sức sai lệch và còn thản nhiên ngụy biện: “Ở Việt Nam bình thường dùng hai con chó đá giữ nhà, nếu cho rằng dùng sư tử mang văn hóa Trung Hoa thì phải hiểu là Phật giáo của Việt Nam là Phật giáo Đại thừa du nhập từ Trung Quốc”. Vị này còn liên hệ đến ngôi chùa Trấn Quốc (kéo cả sự ủng hộ của thầy trụ trì chùa Trấn Quốc về việc đặt sư tử vào câu chuyện), rồi huyên thuyên về những cái gọi là “long mạch” và “tốt cho đất nước”… Những ai từng được học lịch sử Phật giáo Việt Nam đều biết Phật giáo (cả Nam lẫn Bắc truyền) được du nhập vào Việt Nam theo ngả nào. Và Phật giáo thời Lý - Trần dù có sự ảnh hưởng nhất định bởi Thiền tông Trung Hoa, nhưng những phong cách kiến trúc, thẩm mỹ, điêu khắc chưa từng “là một” với Trung Hoa bao giờ. Chính sự hiện diện của chùa Một Cột cho đến hôm nay và vô số những di chỉ khảo cổ trên khắp mọi miền đất nước đã chứng minh điều đó.

Điêu khắc sư tử đá có trong kiến trúc cổ Ấn Độ và là mô-típ quen thuộc trong kiến trúc Phật giáo ở nhiều quốc gia. Nhưng điêu khắc sư tử Việt, Chăm, Hoa, Khơ-me đều có những phong cách riêng. Các mẫu sư tử có từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê trung hưng mà chúng tôi từng tìm hiểu đều có phong cách riêng, không lẫn với bất cứ quốc gia nào. Sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu những sư tử mang phong cách của người Việt xuất hiện một cách hài hòa trong các công trình kiến trúc Phật giáo. Hài hòa thì phải tương thích với không gian, từ màu sắc, kích cỡ cho đến dụng ý sắp đặt.

Chùa Một Cột khá nhỏ, nhưng gần đây nhìn vào mặt tiền bỗng thấy ngay đôi sư tử màu trắng to vật vã án ngữ, gây choán không gian và làm cho lệch tông trong kiến trúc. Hơn nữa lại là mẫu sư tử Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong các nhà dân hay công sở… Chính cái lối bắt chước vô ý thức của nhiều người Việt sẽ khiến cho người đời sau ngộ nhận về điêu khắc Việt Nam. Khoảng 100 hoặc 200 năm sau, người Trung Quốc sang đây, chắc chắn họ sẽ không ngần ngại khẳng định rằng, kiến trúc điêu khắc Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.

11.jpg

Những bày biện thế này được cho là để... yểm long mạch - Ảnh GDVN

Trong bài phỏng vấn, vị trụ trì còn nói: “Nhà chùa sẵn sàng nghe ý kiến đóng góp và không chủ quan, nếu có hội thảo khoa học cho rằng sư tử để đây được thì nhà chùa sẽ để. Còn nếu không được thì nhà chùa sẽ tặng chùa khác vì đây là do tiền của cá nhân tôi bỏ ra mua chứ không phải của Phật tử đóng góp”. Thực tế, việc đặt sư tử đá kiểu mẫu Trung Quốc tại Một Cột và nhiều di tích khác đã bị giới nghiên cứu văn hóa phê bình từ lâu. Cụ thể ở đền Đô (Bắc Ninh), người ta đã lắng nghe sự góp ý của giới nghiên cứu văn hóa và đem đôi sư tử đá Trung Quốc ấy bỏ đi, trả lại không gian trong sạch vốn có cho ngôi đền. Do đó, không cần phải hội thảo khoa học gì cả, chỉ cần vị trụ trì có một chút ít hiểu biết văn hóa tối thiểu thì sẽ đưa ngay những thứ rác văn hóa ấy ra khỏi ngôi chùa Một Cột kèm theo một lời xin lỗi mọi người, đó mới là “nhà chùa sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp”.

Một đời vị trụ trì qua đi sẽ chẳng có nghĩa gì, nhưng những di hại về sự ngộ nhận văn hóa sẽ để lại đến muôn đời sau. Tổ tiên người Việt trong khi tiếp nhận tinh hoa văn hóa bên ngoài nhưng đều ý thức giữ lại hồn cốt của người Việt. Vì thế từ trong điêu khắc, kiến trúc, thẩm mỹ đều có bàn tay sáng tạo với nhận thức rất rõ về văn hóa, dân tộc của mình.

Có thể nói, những yếu tố văn hóa lạ xuất hiện ồ ạt trong các ngôi chùa Việt trong những năm gần đây một lần nữa cảnh báo đối với chúng ta. Đặc biệt, các loại đồ thờ cúng, tượng Phật Đài Loan, Trung Quốc sản xuất công nghiệp xuất hiện tràn lan trong các chùa và tư gia Phật tử. Vì vậy, thiết nghĩ, các ban, ngành chuyên môn của Giáo hội cần phải có những chiến lược văn hóa, cụ thể cho từng giai đoạn, nếu không khi các vị trụ trì, và các thí chủ đi nước ngoài về sẽ mang theo đủ các loại “phong cách Tây - Tàu” hỗn độn du nhập vào. Tại sao không thể sản xuất những mẫu tượng và đồ thờ cúng mang phong cách truyền thống Việt Nam?

Sự lệ thuộc trong đời sống văn minh đã là một điều đáng xấu hổ. Sự lệ thuộc trong văn hóa còn di hại nhiều hơn, vì đó là sự lệ thuộc lộ ra sự kém cỏi nhất của một dân tộc. Dân tộc ấy sẽ chẳng còn gì nếu không có văn hóa của riêng mình. Nô lệ văn hóa là vong bản, mà vong bản thì sẽ dẫn đến mất nước. Và người ta sẽ còn nhắc nhiều đến những con người “vong bản” khi họ cứ nhắm mắt, cụp tai để mặc cho tiếng gọi của đồng tiền sai sử. Sự dễ dãi, chiều lòng theo những xu hướng phô trương, khoe mẽ, được núp dưới những mỹ từ “công đức” luôn đánh lừa mọi người, khiến cho họ lệ thuộc đến mức đánh mất cả chính mình, đánh mất văn hóa của dân tộc mình. Đáng tiếc thay, đất nước không có chiến tranh, không có áp đặt văn hóa, thế mà từ những việc làm vô ý thức, tự nô lệ mình như vậy, nhưng một số người vẫn vào hùa với nhau để nói rằng đó là “làm tốt cho đất nước”.  

>> Xem bài liên quan: Trùng tu chùa Một Cột: Đừng lặp lại vết xe cũ "kinh phí to, trùng tu méo mó"!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.