Niềm tin về sức sống mới

GN - Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui đoàn viên, độc lập và thống nhất đất nước. Đó là ý nghĩa lớn lao của ngày 30-4-1975 tại VN.

41 năm qua, đất nước chúng ta trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ thời kinh tế bao cấp, đến đổi mới tư duy, kinh tế thị trường, mở rộng bang giao trong mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế.

saigon.jpg


Sài Gòn của hôm nay, sau 41 năm thống nhất nước nhà - Ảnh: Internet

Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta có thể nhận thấy rằng VN là một trong những đất nước có hoàn cảnh phát triển không được thuận lợi. Các thế hệ tiền nhân của chúng ta đã phải liên tục dồn sức lực cho những cuộc kháng chiến vệ quốc, bảo vệ nền độc lập tự chủ, đồng thời mở rộng cương thổ về phía Nam trong hòa bình.

Có những hoàn cảnh lịch sử tưởng chừng như ngàn cân treo trên sợi tóc, nhưng với sự đồng tâm của toàn dân, chúng ta đã vượt qua một cách ngoạn mục, tranh thủ mọi thời cơ để xây dựng các mối quan hệ hòa hiếu, huy động sức dân cho công cuộc ổn định và phát triển xã hội.

Chúng ta còn nhớ, sau các chiến thắng vệ quốc trước phương Bắc thời nhà Trần, chính vua Trần Nhân Tông  (1258-1308) đã chủ động nhường ngôi cho người kế vị khi mới ngoài năm mươi tuổi, để xuất gia tu hành, tích cực đi vào trong các thôn xóm, làng mạc khuyên dân chúng phá bỏ các dâm từ, thực hành năm giới, mười thiện.

Cùng với sự phát triển kinh tế, yếu tố quan trọng nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững là xây dựng các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, hiền thiện.

Kinh tế phát triển trong lúc đạo đức bị suy thoái, văn hóa mất sự cân bằng thiếu sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, sẽ không đem đến sự bền vững trong phát triển của xã hội.

Những cảnh báo về nạn thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, chạy án, xây dựng gian dối, đổ thừa trách nhiệm, bạo lực trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, v.v… mà báo chí phản ánh trong thời gian qua và cảnh báo ở mức độ nghiêm trọng gần đây, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân là những dấu hiệu cho sự mất cân bằng trong phát triển.

Chỉ riêng tại TP.Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục lớn nhất của cả nước, vị lãnh đạo đứng đầu thành phố cũng đã từng đặt câu hỏi nguyên nhân nào khiến cho thành phố này tụt hạng, mất đi vị trí số 1 từng được tôn vinh trong khu vực. Chúng ta không thể có sự an ổn, hạnh phúc khi môi trường xã hội ô nhiễm, thiếu sự an toàn, tin tưởng, dù cho giàu có hơn về tài sản.

Lãnh đạo đã nhận thức thực trạng đó, vấn đề còn lại là ở các giải pháp mang tính căn cơ, có lộ trình thực hiện một cách quyết liệt, và tất nhiên phải huy động sự đồng thuận của toàn xã hội. Như vậy, chúng ta mới mong sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Với người có tín ngưỡng đạo Phật, có niềm tin nơi Phật pháp, tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo VN, chúng ta tin tưởng rằng sẽ có những chuyển biến tốt đẹp đến với thành phố và với đất nước sau 41 năm hòa bình, thống nhất.

Trong niềm tin đó, người Phật tử hãy thể hiện tinh thần dấn thân tích cực xây dựng xã hội, hưởng ứng các hoạt động công ích, xây dựng thành phố, xây dựng quê hương đất nước ngày mỗi hiền đẹp, thịnh vượng, xây dựng Tịnh độ hiện tiền theo tinh thần Cư trần lạc đạo của Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.