Niềm tin giữa người với người
Có lần tôi gặp một bà cụ khệ nệ quảy giỏ đồ nặng đi trên đường giữa trưa nắng gắt. Tôi hỏi bà đi về đâu và có nhã ý xách hộ bà. Bà cụ tỏ ra ngần ngại trước người không quen là tôi và nói lời từ chối. Có lẽ bà sợ tôi quảy giỏ đồ của bà đi luôn.
Một lần khác tôi gặp một người đàn ông từ miền Trung vào Sài Gòn tìm con cháu. Chưa tìm được nhà người thân, ông ấy vào nghỉ mát dưới mái hiên chùa. Chuyện trò một lúc với ông, tôi lấy nước trong túi ra mời ông ấy uống nhưng ông cũng thận trọng chối từ. Làm sao ông biết được tôi có bỏ thuốc vào nước uống hay không, từ chối là cách tốt nhất để bảo vệ mình. Những vụ gây mê để trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, báo chí đã nói quá nhiều, cho nên ông phải đề cao cảnh giác.
Bây giờ nếu chúng ta đi lỡ đường, muốn tìm chỗ ngủ qua đêm cũng khó. Không nhà nào dám cho chúng ta ngủ nhờ qua đêm, bởi ai biết chúng ta là người tốt hay kẻ xấu. Trong thời buổi sự giả dối dẫy đầy thì sự tin tưởng bị đánh cắp, lòng tốt cũng bị nghi ngờ. Có rất nhiều người tốt bị hại khi giúp đỡ nhầm những kẻ bất lương, những kẻ trộm cướp, chẳng hạn như cho ở nhờ trong nhà, cho mượn xe, cho mượn tiền bạc. Có nhiều trường hợp ngay cả bà con thân thuộc hoặc con cháu trong nhà lại đưa kẻ gian vào nhà cướp của, làm hại người thân của mình.
Trong xã hội hiện đại dường như con người không còn niềm tin lẫn nhau vì sự dối trá phô bày khắp nơi. Vì danh vọng, địa vị, tiền bạc, lợi lộc, tình ái… người ta sẵn sàng bán rẻ uy tín, danh dự, bán rẻ lương tâm đạo đức của mình, đánh mất lòng tin nơi người khác. Người ta lừa dối nhau trong kinh doanh mua bán, trong lao động sản xuất, trong quan hệ giao tế, thậm chí trong văn hóa, y tế, giáo dục, trong mọi hoạt động của đời sống.
Những người thân trong gia đình quyến thuộc, bạn bè cố cựu lâu năm, đồng nghiệp, đồng hương cũng có thể phản bội nhau chỉ vì quyền lợi.
Xem nghe các bản tin trên báo đài, người ta không khỏi hoang mang khi ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức giả mạo, cá nhân giả mạo làm nhân sự đại diện cho các cơ quan, đoàn thể, hoặc đại diện của các doanh nghiệp; xuất hiện nhiều bằng cấp, giấy tờ giả, công ty giả v.v… Mục đích của việc giả mạo là lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác hoặc chiếm đoạt của công, là qua mặt cơ quan nhà nước, chạy trốn pháp luật…
Con người thật sự bất an khi mất lòng tin lẫn nhau, khi phải sống trong hoài nghi, lo lắng.
Không có lòng tin thì làm sao sống với nhau? Không ai có thể sống một mình mà không có các mối quan hệ. Nhưng phải biết tin ai? Tin vào điều gì? Phải chăng chỉ còn biết tin ở chính mình, tin ở khả năng phán đoán, nhận biết, đánh giá về con người, về sự việc của mình?
Niềm tin trong cuộc sống
Biết tin ai, tin vào điều gì? Đây thật sự là một câu hỏi không dễ trả lời bởi cuộc đời này có quá nhiều sự giả dối. Nhưng không có lòng tin thì không thể thiết lập các mối quan hệ xã hội, không có lòng tin thì luôn sống trong hoài nghi lo lắng. Tin vào khả năng phán đoán, nhận xét của chính mình. Liệu mình có nhận biết được mọi hình thức của sự dối trá. Liệu mình có đánh giá đúng bản chất của con người khi đằng sau mỗi bộ mặt là muôn điều bí ẩn. Vậy thì chúng ta phải làm gì?
Thắp sáng niềm tin
Tin vào luật nhân quả là niềm tin cần thiết cho mỗi con người. Niềm tin ấy sẽ là chỗ dựa cho chúng ta, giúp chúng ta mạnh dạn bước đi trên đường đời muôn lối. Bằng niềm tin nhân quả chúng ta thấy được rằng sự giả dối là sản phẩm của một xã hội suy thoái về đạo đức, yếu kém về văn hoá, giáo dục, là hậu quả của lối sống ích kỷ theo chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân đang phổ biến.
Qua lăng kính nhân quả, chúng ta biết mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên.
Tin vào luật nhân quả, chúng ta hiểu rằng tất cả mọi sự mọi việc đều có nguyên nhân của nó, những nguyên nhân ấy có thể là gần hay xa trong hiện đời hoặc lâu xa trong quá khứ. Từ đó ta có được thái độ hiểu biết và chấp nhận một cách dễ dàng trước những điều không hay xảy đến.
Chắc chắn là cũng có lúc chúng ta đặt niềm tin không đúng chỗ và chúng ta bị lừa dối, phản bội nhưng chúng ta biết điều đó không tự nhiên xảy đến, tất cả đều có nguyên nhân của nó, đó là luật nhân-duyên-quả.
Có thể trong hiện đời, trước đây chúng ta đã từng lừa dối, đã từng phản bội, nhưng cũng có thể trong những đời quá khứ lâu xa chúng ta đã từng gieo nhân đó, thêm vào đó là sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của chúng ta trong hiện tại. Hiểu như thế chúng ta bớt khổ não, không còn thở than oán trách, không còn ôm hận trong lòng.
Tin nhân quả chúng ta không còn hoang mang lo lắng. Chúng ta thấy nhân quả là chỗ dựa cho niềm tin vững chắc, là mục đích lý tưởng sống của mình. Bởi nhân quả chỉ ra rằng hễ ở hiền thì gặp lành, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Hành động của thân khẩu ý chơn chánh, thiện lành thì chắc chắn hiện tại và tương lai sẽ tốt đẹp. Tin hiểu và thực hành theo đạo lý nhân quả sẽ hướng đời sống chúng ta đến an lành, hạnh phúc hơn.