Niềm tin tôn giáo

GN - Vào khoảng trung tuần tháng Tám vừa qua, báo chí thế giới đồng loạt đăng tải hình ảnh đầy xúc động: một cậu bé người Syria ngồi trong xe cứu thương, đầu, tay chân và cả người bê bết máu và bùn đất.

Nhiếp ảnh gia chiến trường Mohammed Raslan Abu Sheikh, người chụp bức hình cho biết: “Cậu bé đang bị sốc, thậm chí không thể khóc, cậu bé làm tôi khóc trong khi bản thân em chỉ im lặng và nhìn chúng tôi” (ảnh). Chính vì vậy, điều này đã dễ dàng xâm chiếm trái tim của tất cả mọi người.

niemtin2.jpg

Cậu bé Omran Daqneesh đã được nhân viên cứu hộ kéo ra từ đống đổ nát của căn nhà em sinh sống ở phía Bắc thành phố Aleppo sau một cuộc không kích. Thật ra ở Aleppo và một số thành phố khác của Syria ngày nào mà không có chiến tranh, ngày nào không có những thảm cảnh của người dân ở vùng chiến sự này.

Hình ảnh bé Omran tuy không mang màu sắc chết chóc, ít ghê rợn nhưng nét mệt mỏi rất có hồn, đang nhìn về một nơi xa xăm nào đó đã làm lay động lòng người. Hình ảnh này làm người ta nhớ đến cậu bé Aylan Kurdi, cũng là người Syria, nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ gần một năm trước đây cũng làm thế giới rúng động.

Báo New York Times ngày 8-8 đã đăng một bức biếm họa có tên “Lựa chọn cho trẻ em Syria” vẽ hình ảnh bé Omran và chú thích “Nếu ở lại”, và ở bên kia là hình bé Aylan kèm chú thích “Nếu ra đi”.

Thật là đau khổ cho nhân dân Syria, bỏ nước ra đi hay ở lại đều có cùng nguy cơ chết chóc như nhau. Thảm cảnh này làm tan hoang đất nước.

Vì sao cuộc chiến tranh kéo dài mấy năm trời không có lối thoát? Câu trả lời dành cho những người trong cuộc đã gây nên cuộc chiến. Nhưng qua báo chí thì thấy có yếu tố tôn giáo và đúng hơn là một tôn giáo tự xưng. Người ta lợi dụng tôn giáo để làm những chuyện gây đau khổ cho loài người.

Thời đại Đức Phật cũng không tránh được những cảnh đau lòng ấy. Xã hội hồi đó cũng phân hóa vì có nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng, nhiều đạo sư. Do đó tín đồ dễ dẫn đến sai lầm về nhận thức, sa vào mê tín, dị đoan, phản khoa học. Phật giáo có lối đi riêng, chuyên sâu vào pháp hành tâm thức, không cầu khẩn thần linh, không lễ bái rườm rà, tin vào trí tuệ, tiến đến giải thoát.

Trong kinh điển, Đức Phật đã dạy: “Này các Kàlàmà! Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì nghe truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, chớ có tin vì bậc Sa-môn là Đạo sư của mình, v.v..

Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng, không nên tin theo”.

Những lời dạy trên đây của Phật là kim chỉ nam, là thước đo trước mọi giáo lý trên thế gian, là sự cảnh tỉnh cho chính mình.

Ước mong ánh sáng TỪ BI và TRÍ TUỆ soi rọi đến đất nước đang chìm đắm trong khổ đau này.

>> Xem thêm: Khi nào thế giới hòa bình? || Hòa bình mãi chỉ là mong ước? ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.