GNO - Tôi không ưng cách thể hiện vồn vã, hào nhoáng mấy ngày lễ tết, nhưng vẫn thủ thỉ với ba đứa nhỏ rồi dắt tụi nó đi chọn quà, lựa thiệp tặng mẹ, tại cũng biết, được nghe chữ “thương” thốt ra tròn môi thành tiếng, ai mà chẳng vui. Có cứng rắn, can trường mấy thì rốt lại cũng là tâm tính của một người phụ nữ
Lớp học tình thương của trẻ em nghèo - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Gần hai chục năm về trước (và cả bây giờ cũng vậy), Sài Gòn trong hình dung của người tỉnh lẻ luôn là một giấc mơ nhiều phần hào nhoáng. Ngày đó, mới học xong lớp 1, ba mẹ rứt tôi khỏi những buổi dang nắng tắm sông, gửi lên ở với bác để được học “trường thành phố”. Vẫn còn nhớ, bữa đó, ở bến xe, tôi không nấc được tiếng nào mà nước mắt cứ rớt lã chã.
Tôi sống với bác từ ngày đó. Bác ở một mình, mở một lớp học tình thương nho nhỏ. Lúc đầu chỉ là một lớp dạy kèm nửa buổi cho mấy đứa nhỏ xơ xác quanh xóm. Dần dần, người chỗ khác nghe đến, cũng lặn lội từ xa đến gửi con. Lớp đông dần lên, từ mẫu giáo đến lớp… 12, tuổi nào cũng có. Có đứa học ở trường nửa buổi, nửa buổi còn lại qua nhà bác học. Có đứa thì ở đó suốt ngày, tối mới về. Cũng có nhiều đứa, ba mẹ phải đi mần ăn xa, nên ở với bác cả tuần, cả tháng. Lúc đầu thì lớp học không thu học phí, nhưng về sau đông quá, bác thu một chút tiền tượng trưng, đủ để mua đồ ăn cho bọn nhỏ. Tiền học ít xịt, nhưng nhiều đứa cũng hông đóng được, bác cũng chẳng để tâm.
Có lần, có thằng nhỏ cù bơ cù bất không biết từ đâu lạc tới xóm, nằm ngủ bơ vơ biên hiên nhà đối diện. Thấy nó ở đó cả ngày không ăn gì, bác mang ra cho nó tô cơm. Hỏi nó tên gì, nhiêu tuổi, ở đâu lại, đi đâu… nó cũng không biết, chỉ nhe răng cười. Cho nó ăn cơm được ngày một, ngày hai, thấy nó lành lành không quậy phá gì, đến ngày thứ ba, bác ngoắc nó vô nhà ở chung với mấy đứa nhỏ. Hỏi gì nó cũng trả lời “không biết” rồi cười nhe hết răng lợi, cả nhà gọi luôn nó là thằng Cười.
Thường mấy đứa ở luôn với bác, thỉnh thoảng mới về đều là những đứa gia đình méo mó. Thằng Tỷ thì ba nó quên nó từ hồi nó còn trong bụng mẹ; thằng Mén thì ở với mẹ mà hai mẹ con hổng dám thương nhau vì còn ông ba dượng; con Dung thì mồ côi, ở với dì; thằng Cười thì không biết lạc từ đâu tới; con Hải, thằng Bân, thằng Hến thì nhà nghèo đến độ trái mồng tơi cũng hông có mà rớt… Đó là vài cái tên mà tôi còn được nhớ.
Bác dạy dỗ cái “đám hỗn loạn” tụi tôi theo kỷ luật thép. Mỗi ngày, cả đám thức dậy theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Đứa lớn vệ sinh xong thì lo cho đứa nhỏ, rồi cả bọn ăn sáng, đi học. Cơm trưa và cơm tối được dọn ra mâm, ăn chung với nhau. Mấy đứa lớn thì chia ngày ra để làm việc nhà. Buổi tối tập trung ngồi học, bác sẽ kiểm tra bài vở từng đứa. Trong tuần sẽ có một buổi để từng đứa “tự kiểm điểm” các việc tốt cũng như các lỗi đã phạm trong tuần. Đứa nào học bài xong thì được coi hoạt hình. 10 giờ tối thì tất cả đi ngủ… Tôi là cháu ruột nhưng cũng không được ưu ái gì, cũng phải sinh hoạt theo nề nếp như tất cả các bạn khác.
Bác nóng tính và cương trực như đàn ông. Hay làm, ít nói, cái nhìn đầu tiên bao giờ cũng khiến người đối diện bị áp đảo, có phần e dè. Sống với bác gần 20 năm trời, tôi chưa một lần thấy bác rơi nước mắt. Chuyện trong nhà từ việc “của mẹ” như nấu nướng, may vá, chăm lo cho bọn nhỏ khi đau bệnh đến việc “của cha” như sửa điện, ống nước, sơn nhà, dạy dỗ tụi tôi bác đều một mình làm hết.
Ngày đó, tụi tôi sợ và ghét bác phần nhiều. Bác khô khan và ít bộc lộ tình cảm. Có khi thương dữ lắm mà không nói ra, giữ sâu hun hút trong lòng, chắc là do không biết cách. Mẹ kể, bởi chiến tranh loạn lạc, bác cũng sống xa ông bà nội từ nhỏ, cũng phải tự bươn chải, lui cui mà lớn. Khi nhỏ mà ít nhận được tình cảm thường lớn lên cũng ít biết cách thể hiện. Những chuyện đó, mãi sau này tôi mới được biết.
Giống như tôi, bọn nhỏ của hai mươi năm về trước bây giờ đã lớn. Có đứa thành đạt, có đứa cũng còn nhiều vất vả, nhưng đứa nào cũng nên người. Vài đứa trong tụi nó đã gầy dựng được một gia đình nho nhỏ, thỉnh thoảng lại ghé về thăm bác. Đứa nào ghé lại, bác cũng thốt lên: “Quỷ thần ơi, sao tụi bay lớn nhanh dữ!”. Cả thằng Cười nằm bơ vơ bên hiên nhà năm đó, sang năm cũng lấy vợ. Hai vợ chồng làm công nhân may, nó vẫn cười hoài như hồi xưa.
Bác giờ lớn tuổi, lớp học cũ cũng không còn. Nhà giờ vắng đi nhiều, chỉ còn tôi và ba đứa nhỏ bác nhận làm con nuôi từ hồi bé xíu. Tôi ở lâu với bác, chắc cũng nhiễm cái tính thương nhưng cứ im im để sâu trong dạ, lâu ngày thành quen, nói ra thấy ngài ngại. Cũng không ưng cách thể hiện vồn vã, hào nhoáng mấy ngày lễ tết, nhưng vẫn thủ thỉ với ba đứa nhỏ rồi dắt tụi nó đi chọn quà, lựa thiệp tặng mẹ, tại cũng biết, được nghe chữ “thương” thốt ra tròn môi thành tiếng, ai mà chẳng vui. Có cứng rắn, can trường mấy thì rốt lại cũng là tâm tính của một người phụ nữ.
Bác không phải là kiểu người dễ thương, chỉ cử động nhè nhẹ, nói một câu, cười một cái là gợi liền ngay nơi người khác cái cảm tình quý mến. Những chuyện của bác làm, những suy nghĩ, tình cảm của bác, phải sống cùng đủ lâu, nghĩ đủ sâu, nhiều khi phải nếm qua chút cay đắng mới hiểu được.
Giống như tôi đây, gần hai mươi năm trời, mới hiểu ra…
Tịch Vũ
-----------
Bài vở cộng tác trang PG-TT vui lòng e-mail về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.