Niềm an lạc ở một trường hạ vùng ngoại ô

Mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2568, trường hạ chùa Pháp Thành có 83 hành giả
Mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2568, trường hạ chùa Pháp Thành có 83 hành giả
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Buổi tối, trong không gian thanh vắng của trường hạ Pháp Thành (X.Tân Thông Hội, H.Củ Chi), tiếng tụng kinh trầm hùng của chư hành giả vang lên, hòa vào những thanh âm nơi làng quê, khiến cho cảnh sắc trở nên bình yên, an lạc.

Nấu ăn cũng là pháp tu

Ở trường hạ Pháp Thành mỗi ngày bắt đầu lúc 3g30 khuya và kết thúc lúc 21g30 tối, với các thời khóa công phu khuya, chấp tác, điểm tâm, lên lớp học, cúng Phật, quá đường, kinh hành, tụng kinh, công phu chiều, tụng kinh tối, tọa thiền … và kết thúc với việc chỉ tịnh.

Là bếp trưởng phụ trách công quả nấu ăn ở trường hạ, Đại đức Thích Thiện Nhẫn (sinh năm 1994) chia sẻ, trong suốt 3 mùa an cư gần đây ở trường hạ, thầy đều nhận công quả nấu ăn, bởi với thầy đây là duyên lành là phước báu được cúng dường đến chư hành giả an cư. Do đó khi nấu ăn thầy luôn giữ cho mình sự hoan hỷ để dâng cúng thức ăn một cách thanh tịnh đến chư Tăng.

Báo chúng theo thời khóa thiền môn
Báo chúng theo thời khóa thiền môn

Có những thời khóa mà trong khi quý thầy y hậu trang nghiêm lên chánh điện tụng kinh, thì cùng lúc đó, ở dưới bếp để lo việc nấu ăn, Đại đức Thích Thiện Nhẫn cũng niệm Phật theo. Thầy cho biết đó là cách tu ở mọi lúc mọi nơi mà thầy học từ gương những chư tôn đức Hòa thượng đi trước, chư Tổ. Như Lục tổ Huệ Năng xưa, khi giã gạo ở trong bếp vẫn hành trì. Noi gương tổ, thầy tập tùy duyên mà tu trong mọi hoàn cảnh, vì theo quan niệm của thầy, việc tu đầu tiên là tu cho mình, mình có an lạc mới giúp người được.

Đại đức Thích Thiện Nhẫn chia sẻ, từ khi thầy xuất gia tới giờ là 14 năm. Năm nào trường hạ mở, thầy cũng đều đi an cư. Ngoài bổn phận trách nhiệm của người tu, thì khi ở với chúng trong mùa hạ, thầy học được rất nhiều điều từ cách đi, cách đứng, cách ngồi, đến cách gõ mõ, tụng kinh và điều quan trọng nhất là học cách khiêm cung tự thân và sự hòa hợp nơi Tăng đoàn.

Chư hành giả vân tập chánh điện để chuẩn bị khóa lễ tụng kinh
Chư hành giả vân tập chánh điện để chuẩn bị khóa lễ tụng kinh

Mùa an cư Phật lịch 2568, trường hạ Pháp Thành có ít đoàn đến hơn mọi năm. Đại đức Thích Thiện Nhẫn cho biết vừa qua, khi Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM xuống thăm và có lời sách tấn, thầy thấy rất hoan hỷ và lấy làm tâm niệm trong mùa an cư: “Giờ phút này thay vì chúng ta hướng ra bên ngoài thì điều quan trọng nhất của hiện tại là chúng ta nên hướng vào bên trong, ngồi lại tĩnh tu, điều hòa thân khẩu ý, thực hành theo lời Phật dạy, nghiêm trì giới luật, các thời khóa để an lạc tự thân. Bên ngoài dù có bão giông nhưng nếu nội tâm bình yên thì sóng gió như thế nào thì mọi thứ cũng sẽ bình yên”.

Cùng học, cùng tu, cùng an lạc

Mười hai năm an cư liên tục ở trường hạ do Phật giáo H.Củ Chi tổ chức, Đại đức Thích Minh Chơn (sinh năm 1966) cho biết được về trường hạ an cư là điều hạnh phúc nhất đối với người tu, vì đó là thời gian ở chung với chúng nhờ năng lực Đại Tăng, giúp bản thân tinh tấn hơn trong tu học.

Đại đức Thích Minh Chơn cho biết ở trường hạ, khi được tham gia nghe giảng sư chia sẻ về nhiều môn học mà ở chùa chưa học tới, thầy luôn ghi chép cẩn thận và lấy đó làm phương pháp thực hành trong cuộc sống tu tập. Thầy cho biết có những điều mà khi ở chùa vẫn có học nhưng chỉ học được ở khả năng của mình, còn khi tới hạ trường an cư, thầy học được nhiều hơn từ chư huynh đệ, từ các vị lớn đi trước và từ các vị nhỏ hơn nhưng có những kiến thức Phật học mà mình chưa biết tới. Riêng với các vị nhỏ hơn, mang trách nhiệm là người đi trước, Đại đức Thích Minh Chơn cũng hướng dẫn khéo léo nhẹ nhàng, từ từ, lớp này dẫn lớp sau, rồi thầy học lại các vị lớn. “Đó là mình cùng học cùng tu với nhau”, thầy chia sẻ.

Thời kinh buổi tối
Thời kinh buổi tối

Một ngày trong trường hạ rất nhiều thời khóa. Đại đức Thích Minh Chơn cho biết tất cả các thời khóa ở trường hạ đều làm cho thầy cảm thấy an lạc, niềm vui tự nhiên trong tu tập. Như trong giờ tụng kinh tối, khi ngồi trong chánh điện cùng đại chúng, nghe nhịp mõ tiếng tụng kinh vang lên trong khung cảnh thanh tịnh, thầy cảm nhận được năng lượng an lạc cực kỳ lớn lao.

“Ở trường hạ dù cuộc sống tuy đơn sơ nhưng tôi thấy rất an lạc. Vì ba tháng an cư không suy nghĩ gì nhiều bên ngoài, lo tu học để có cái phước trả nợ cho đàn-na tín thí, tri ân những bậc tôn túc lớn, dùng hết khả năng phương tiện để tạo nền tảng cơ sở để mình an tâm tu tập. Ngoài thời khóa chính thì những giờ nghỉ ngơi tôi cũng luôn chánh niệm tỉnh giác tự tu tập trong lòng mình”, Đại đức Thích Minh Chơn chia sẻ.

Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Củ Chi, Hóa chủ trường hạ Pháp Thành cho biết An cư kiết hạ Phật lịch 2568 là khóa hạ lần thứ 38 được Phật giáo H.Củ Chi liên tục tổ chức cho chư Tăng trên địa bàn huyện về an cư. Ở trường hạ năm nay có 83 hành giả, vị lớn tuổi nhất 61 tuổi nhỏ nhất 22 tuổi, các vị đa số ở tuổi trung niên.

Năm nay do thời duyên, tình hình kinh tế khó khăn, ít đoàn về thăm trường hạ, nhưng vì tiền đồ Phật pháp, Ban Tổ chức, Ban Chức sự trường hạ cũng đã cố gắng chăm lo chu đáo về sức khỏe chư Tăng, có bộ phận trai soạn lo những bữa ăn bổ dưỡng cho hành giả yên tâm tu học. Với ước nguyện trường hạ Pháp Thành H.Củ Chi sẽ trở thành mảnh đất phù sa màu mỡ cho hạt giống Bồ-đề sinh sôi nảy nở trong vườn hoa đạo lý, tạo môi trường học Phật rèn luyện oai nghi phạm hạnh của người xuất gia, từng bước nâng cao kiến thức nội hàm ngoại điển cho chư Tăng tu học, góp phần trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, giữ gìn quy củ tòng lâm, truyền trì mạng mạch Phật pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.