“Những việc Dương làm đã giúp em về cõi Phật rồi...”

Cậu con trai độc nhất ra đi khi mới tròn 20 tuổi. Người cha già thẫn thờ không một giọt nước mắt lặng nhìn con rồi quyết định làm điều phi thường.

Chàng trai 20 ra đi mãi mãi

Gần 1 tháng từ ngày em họ Nguyễn Hồng Dương rời xa cõi tạm, anh Nguyễn Văn Tuân vẫn không thể cầm được nước mắt khi nhớ lại những ngày cuối cùng ở cạnh em.

Mím chặt môi nhiều lần, anh Tuân vẫn tự hỏi không biết mình đã hành động đúng hay sai khi cùng bác sĩ thuyết phục bố Dương đăng ký hiến mô, tạng của con trai sau khi chết não vào ngày 12/8 vừa qua.

Dương đã hiến tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học, cứu sống ít nhất 7 người xa lạ.

Trong đó, lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội, bị giãn phế quản từ lúc 3 tuổi, hỏng hết 2 phổi. Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Một quả thận của Dương được ghép cho một bác sĩ giỏi của BV Việt Đức. 

cuoc-tu-biet-khong-nuoc-mat-cua-nguoi-cha-khon-kho-voi-cau-con-doc-nhat-3_jpg.jpg
Những ngày Dương nằm ở phòng hồi sức tích cực,
gia đình nín lặng chờ đợi từng giờ, nhưng phép màu đã không đến

Nhắc đến Dương, đến bố mẹ Dương, anh Tuân lặp lại nhiều lần cụm từ “rất thương”, mọi thứ cùng cực nhất như đều ập đến gia đình này. Nói đến đây, dù cố nén nhưng nước mắt anh lại lăn dài.

Anh Tuân cho biết, ông Nguyễn Văn Sang là chú ruột anh, ngoài 40 tuổi mới kết hôn, sau đó may mắn sinh được Dương là con trai độc nhất.

Do 2 vợ chồng thường xuyên đau yếu, mẹ Dương từng đi viện điều trị nhiều ngày nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Căn nhà dựng tạm ven sông cũng do anh em nội ngoại cùng đóng góp và đến nay vẫn chưa có sổ đỏ.

“Trong nhà chú không có bất kỳ thứ gì đáng giá, đến bàn uống nước cũng không có. Hàng tháng, anh em họ hàng cùng biếu gạo hỗ trợ nhà Dương”, anh Tuân kể.

Hoàn cảnh éo le nên niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng ông Sang là cậu con trai tuấn tú, trắng trẻo, cao trên 1,72m mới tròn 20 tuổi, dự định cuối năm nay sẽ đi bộ đội ở Trường Sa.

cuoc-tu-biet-khong-nuoc-mat-cua-nguoi-cha-khon-kho-voi-cau-con-doc-nhat-4_jpg.jpg
Chàng trai trẻ với gương mặt tuấn tú, là niềm hy vọng của cả gia đình

Không may tối 10-8, trên đường đi chơi về, Dương bị tai nạn giao thông, được chuyển vào BV đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu với kết luận gãy xương chỏm sau rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu.

Các bác sĩ đã khuyên gia đình nên đưa Dương về nhưng không chấp nhận được nỗi đau quá lớn, gia đình tiếp tục chuyển Dương lên BV Việt Đức ngay trưa hôm sau, điều trị tại phòng sức đặc biệt.

Biết hoàn cảnh nhà Dương khó khăn, rất đông bạn bè đã cùng kêu gọi hỗ trợ để bố mẹ Dương có tiền điều trị cho con.

“Chú làm như thế có đúng không?”

Chiều 11-8, bác sĩ BV Việt Đức thông báo kết quả hội chẩn lần 1 rằng Dương đã chết não, không còn khả năng cứu chữa. Tin này như sét đánh ngang tai khiến ông Sang ngồi sụp xuống, nước mắt cứ thế chảy ra.

Nhiều người thân khuyến bố Dương đưa con về nhưng thấy con vẫn thở, mặt vẫn hồng hào, người không vết trầy xước nên ông không đành. Ông nắm chặt tay con vỗ về như tin vào phép màu nhiệm, nhất là từ thời điểm 23g đêm ngày 11-8, ông thấy con trai ấm lên, tim đập nhiều hơn. Lúc đó anh Tuân ở cạnh bên cũng động viên em: “Dương ơi, em phải cố lên!”.

“Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh đợi chờ lâu đến thế. Mọi người đứng, ngồi, đi lại, nín thở đếm từng khoảnh khắc trôi qua hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Nhưng không, kết quả hội chẩn lần 2 lúc 2g ngày 12-8 của hội đồng khoa học vẫn kết luận Dương đã chết não và 6 tiếng sau có kết luận lần 3, giống y 2 lần đầu”, anh Tuân nhớ lại.

Là người ở bên động viên gia đình suốt 2 ngày ở viện, chị Phạm Thị Đào, tư vấn viên của Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức đã khuyên gia đình cân nhắc việc hiến mô, tạng của Dương. Em ra đi còn quá trẻ, trong khi nhiều người đang rất cần ghép tạng, trong đó có một bác sĩ rất giỏi của bệnh viện đang suy thận nặng. 

cuoc-tu-biet-khong-nuoc-mat-cua-nguoi-cha-khon-kho-voi-cau-con-doc-nhat-2_jpg.jpg
Ông Nguyễn Văn Sang, bố Dương quyết định ký vào đơn đăng ký hiến mô, tạng cho con

“Ngày thường, đọc tin trên báo thấy nhiều gia đình quyết định hiến mô tạng của người thân  rất xúc động nhưng đến lượt mình, mình không biết phải quyết định thế nào. Người ngoài nói rất đơn giản nhưng người trong cuộc rất khó”, anh Tuân chia sẻ.

Ban đầu, các bác nội ngoại hai bên đều phản đối nhưng sau khi đọc xong tờ hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến mô, tạng, ông Sang thẫn thờ quay sang hỏi anh Tuân: “Ý cháu thế nào?”.

Đang hồi suy nghĩ, bị hỏi đột ngột, 2 chân anh Tuân không đứng vững nhưng sau khi bình tĩnh suy nghĩ, anh nói với bố Dương: “Thôi chú ạ, đó là việc phúc. Quan trọng là em nó vẫn sẽ được sống tiếp trên thế gian này, làm được nhiều việc phúc. Đau thì đau thật nhưng cháu nghĩ là chú nên”.

Rồi ông Sang chạy ra ngoài, lặng ngồi một góc, nghĩ đến việc sẽ rút ống thở cho cậu con trai vẫn đang tươi hồng trong kia khiến lòng ông thắt lại, khóc không thành tiếng.

Gần 2 tiếng trôi qua, ông Sang quay lại phòng chị Đào, quyết định đặt bút ký vào đơn. Mọi người trong phòng đều rơi nước mắt. Vừa ký dứt, ông bố khắc khổ quay sang hỏi anh Tuân lần nữa: “Chú làm như thế có đúng không?”. Đau đớn xen lẫn tự hào, anh Tuân vừa khóc vừa gật đầu, nắm chặt vai chú.

12g trưa ngày 12-8, trước khi rút ống thở, bác sĩ thông báo gia đình có 10 phút để tạm biệt Dương. Ngoài bố Dương, anh Tuân, còn có thêm 4 người họ hàng khác, ai cũng muốn níu thêm thời gian để ngắm nhìn Dương lâu hơn nữa.

Trong 10 phút ngắn ngủi, anh Tuân nhờ một nhà sư tụng niệm qua điện thoại rồi mở trực tiếp cho Dương nghe. Anh nhắn với em: “Dương ơi, em nghe kinh nhé!”. Cứ thế mọi người vừa nằm chặt tay Dương, vừa khóc. Duy có ông Sang, chỉ nhìn con lặng lẽ.

“Hiến tạng thế có được nhiều tiền không?”

16g cùng ngày, Dương được rút ổng thở cũng là lúc 300 y, bác sĩ BV Việt Đức chạy đua liên tục quanh 6 bàn mổ, cùng lúc thực hiện lấy và ghép tạng cho 5 bệnh nhân suốt 15 tiếng liên tục.

10g15 ngày 13-8, gia đình đón nhận thi thể Dương để đưa về quê. Ông Sang đau đớn không dám nhìn con.

Khi đưa Dương về nhà, mẹ Dương thẫn thờ, liên tục hỏi: “Thằng Dương đâu, gọi nó về ăn cơm”. Mãi đến khi chiếc xe tang lăn bánh rời cổng, bà mới chạy lại vồ lấy quan tài của con, gào khóc lên một câu rồi ngất lịm.

Nỗi đau mất con, mất em chưa nguôi thì gia đình Dương lại phải đối mặt với nỗi đau khác dữ dội không kém khi nhiều người vào ra hỏi: “Hiến tạng thế có được nhiều tiền không?”, họ bảo đọc báo thấy bán thận được mấy trăm triệu.

Anh Tuân chia sẻ, ở quê anh, quan niệm chết phải toàn thân còn rất nặng nề, gia đình nào chỉ đưa người thân đi thiêu thôi đã bị làng trên, xóm dưới nói rất khó nghe. Giờ Dương là trường hợp đầu tiên của huyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não nên với người dân quê “đó là cái gì kinh khủng lắm” nhưng gia đình không biết phải giải thích ra sao.

Anh Tuân kể, khi anh ngỏ lời nhờ thầy Thích Đạo Thịnh làm lễ hồi hướng cho Dương, thầy có nói một câu: “Những việc Dương làm đã giúp em về cõi Phật rồi, không cần phải hồi hướng nữa”, khiến cả gia đình càng thêm tin vào việc tử tế mình đã làm.

Sau đám tang, cũng đã có nhiều người đến chia sẻ và ủng hộ vợ chồng ông Sang. Nén đau thương, ông nói: “Giờ gia đình tôi chỉ mong sao tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều khoẻ mạnh vì đó chính là một phần cơ thể của con tôi, để biết con tôi được tiếp tục sống. Tôi không mong họ phải cảm ơn hay nhớ đến mình”.

Với anh Tuân, anh mong những bệnh nhân được hồi sinh sẽ sống tiếp một cuộc đời thực sự có ích, có tâm vì ngoài kia vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh.

Anh cũng mong xã hội sẽ cởi mở hơn để có thêm nhiều bệnh nhân kém may mắn được hồi sinh, dù đó là người bình thường hay có địa vị vì cho đi là còn mãi.

* Bài liên quan:


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.