Trong số những bảo vật quốc gia được công nhận lần này có đến 15 di vật cổ của Phật giáo. Nếu như bảo vật Phật giáo được công nhận ở đợt 1(năm 2012) đều là các pho tượng Phật cổ, thì ở đợt công nhận thứ 2, ngoài 8 pho tượng Phật cổ, còn có 7 báu vật chứa văn bản cổ, gồm 4 bia đá và 3 chuông đồng.
Nội dung các văn bản cổ này là khối tư liệu hết sức quý giá không chỉ để nghiên cứu Phật giáo mà còn nghiên cứu lịch sử, chữ viết, địa chí, văn hóa dân tộc nước ta.
1. Bia “Xá-lợi tháp minh”
Bảo vật này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và vừa mới được xác định niên đại để xác lập kỷ lục văn bản cổ nhất Việt Nam. Đây là 2 tấm bia được ông Nguyễn Văn Đức - người dân thôn Xuân Quan (xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh) phát hiện từ năm 2004 khi đào đất làm gạch ở độ sâu chừng 2m tại khu phía sau chùa Đông Quan. Mặc dù chữ vẫn còn rất sắc nét, ông Đức đã nhờ một số người biết chữ Hán đọc chữ viết trên tấm bia nhưng không ai hiểu được văn tự trên viết gì. Bởi vậy, ông Đức đã đem bộ bia gửi ở chùa làng (chùa Huệ Trạch).
Bia "xá-lợi tháp minh"
Mãi đến tháng 8-2012, các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tình cờ đến chùa Huệ Trạch, đã phát hiện ra sự quý giá của tấm bia này. Tuy nhiên, những văn tự ghi trên bia thuộc loại “khó hiểu”, không giống hoàn toàn với chữ Nho mà ngày nay được biết, nên nội dung của văn bia là điều bí ẩn. Rất nhiều nhà khoa học cả nước đã cùng nghiên cứu, đến năm 2013 đã giải mã được tấm bia.
Theo ThS.Phạm Lê Huy, Giảng viên Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, văn tự ở đây rất giống với văn tự trên bia “Nhân thọ xá-lợi tháp” có niên đại 601 đã được phát hiện tại Trung Quốc.
Nội dung ghi trong bia “Xá-lợi tháp minh” gồm 133 chữ, chia làm 13 dòng, được giải mã như sau: “Xá-lợi tháp minh văn/ Duy Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt/Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu/Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn/Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá-lợi/ Kính tạo linh pháp nguyện/Thái Tổ Vũ Nguyên hoàng đế, Nguyên Minh hoàng hậu/Hoàng thái tử, chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại thần/Quan, viên cập dân thứ, lục đạo, tam đồ nhân, phi nhân đẳng/ Sinh linh thế thế trị Phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng/Thăng diệu quả/Sắc tứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy/ Khương Huy tống xá-lợi ư thử khởi pháp”.
Nghiên cứu văn tự, các nhà khoa học nước ta đã khẳng định, bia “Xá-lợi tháp minh” là di vật của chùa Thiền Chúng (hoặc Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa, niên đại năm 601. Như vậy, tấm bia này đã thay thế bia Trường Xuân (niên đại 618), trở thành tấm bia cổ nhất Việt Nam hiện còn lưu giữ được. Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu. Sự kiện này cũng được ghi trong nhiều tư liệu khác như “Quảng hoằng minh tập” và “Cảm ứng lục”.
Sách Thiền uyển tập anh cũng ghi lại thời đó, nhà sư ở Giao Châu đã tu tập thiền định quên hết cả vật lẫn bản thân mình. Vì thế, chim rừng bay tới vây quanh, dã thú đùa giỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng, đến học đạo đông không kể xiết. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ sai sứ đem xá-lị Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng giàng.
Đánh giá về giá trị và ý nghĩa lịch sử của tấm văn bia cổ “Xá-lợi tháp minh”, ThS.Phạm Lê Huy khẳng định: Đây là nguồn tư liệu kim thạch quý giá, đã giúp các nhà nghiên cứu rõ hơn về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Bắc thuộc. Liên quan đến lịch sử Phật giáo, nó còn giúp chúng ta nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá-lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời Tùy - Đường. Tấm bia cũng là một tài liệu bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Chiếu thư Tùy Văn Đế phát ra ngày 13-6, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá-lợi vào 15-10.
Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc thời gian cần thiết để sứ giả đi tới các địa phương. Theo đó, thời gian 124 ngày giữa hai mốc là thời gian tối đa để đi từ kinh đô nhà Tùy tới nước ta khi đó là An Nam đô hộ phủ. Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, tấm bia cổ Bắc Ninh cũng là nguồn tư liệu quý giá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng “Nhân thọ xá-lợi tháp” nói riêng cũng như chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung.
Ông Huy phân tích, qua so sánh, nhận thấy văn bia cổ ở Bắc Ninh vẫn có một số điểm khác biệt so với văn bia phát hiện ở Trung Quốc. Trong khi các minh văn ở Trung Quốc chỉ có phần chính văn thì ở văn bia cổ ở Bắc Ninh lại có ghi thêm phần chú thích “sắc sứ” là “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư”, cùng tên người tùy tòng “Vũ kỵ úy Khương Huy” . Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư" là một trong số các sa-môn được Tùy Văn Đế cử về Giao Châu, những người còn lại là các viên quan tháp tùng.
Kích thước bia và kiểu chữ trên bia tìm thấy ở Bắc Ninh cũng khác với các bia “Nhân thọ xá-lợi tháp” tìm thấy ở Trung Quốc, giúp tái khẳng định ý kiến của Kegazawa cho rằng nhà Tùy chỉ đóng vai trò biên soạn nội dung minh văn, còn việc khắc bia giao cho các địa phương. Tức là bia Xá-lợi tháp minh được khắc tại Việt Nam.
2. Bia Sùng thiện diên linh
Bia tọa lạc ở chùa Long Đọi, ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Kích thước bia cao 2,5m, rộng 1,65m, dày 0,3m. Bệ bia là một khối đá hình chữ nhật dài 2,4m, rộng 1,8m, cao 0,5m không tạc hình con rùa như các chân bia khác mà tạc hình hai con rồng uốn khúc xoắn thành 4 khúc khép kín, phía trên chạm khắc hình sóng nước 2 lớp trên cao và dưới thấp. Mỗi con rồng có 4 chân, đầu rồng có bờm nhưng nay chỉ có cổ đầu rồng đã bị phá vỡ.
Bia Sùng Thiện Diên Linh
Chạy vành ngoài mặt chính của bia là những con rồng được chạm nối tiếp nhau. Trán, diềm và cạnh bia đều lấy hình rồng làm đối tượng trang trí, ở trán bia có 2 con rồng chầu vào giữa tên bia Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng thiện diên linh tháp bi. Hai mặt cạnh bia mỗi bên có 9 ô quả trám, trong mỗi ô có chạm hình rồng. Nội dung văn bia được Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và viết xong ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121).
Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước và việc xây dựng tháp Sùng thiện diên linh. Theo đó, việc dựng tháp được thực hiện với sự quản lý trực tiếp của triều đình, tiến hành khẩn trương: “xác định phương hướng, mặt trông ra ngoài sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc, lưng quay vào núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm thêu. Bên hữu khống chế Bình Nguyên, trông tới lũy cũ Càn Hưng; bên tả men theo sông nhỏ, quanh Hán Thủy để ra khơi. Xuống chiếu cho thợ thuyền căng dây nảy mực, thi của cải làm sáng thêm công đức”.
Hình ảnh của ngôi bảo tháp được mô tả khá chi tiết: “Lấy đá Mân làm đấu, dùng đá Vũ dựng hiên. Xây 13 tầng chọc trời, mở 40 cửa hóng gió. Vách trạm ổ rồng; xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá-lỵ tỏa tường quang cho đời thịnh sau này, đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo. Tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Đa Bảo Như Lai; sức thề nguyền sâu rộng, đành hiến cả thân mình”.
Tháp xây dựng từ năm 1118 đến năm 1121 thì hoàn thành, đích thân vua Lý Nhân Tông đến khánh thành và đặt tên là Sùng thiện diên linh. Văn bia cũng ghi việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang.
Tuy nhiên tháp và chùa bị phá hủy từ cách đây gần 600 năm, chỉ còn sót lại tấm bia này. Mặt sau bia Sùng thiện diên linh còn lưu bút tích của vua Lê Thánh Tông và bài thơ đề năm Quang Thuận thứ 8 (1467), nội dung cho biết chùa bị hoang phế bởi sự phá hoại của giặc Minh, chùa và tháp đều bị đổ nát.
3. Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc
Bia được dựng vào thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tọa lạc trên lưng chừng một gò đồi thấp có tên gọi gò Khuôn Khoai thuộc thôn Tạc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc - Ảnh: Lý Thịnh
Vào giữa thế kỷ XX, chùa đổ nát, hầu như toàn bộ nền chùa đã bị cây cối che lấp, đồi Khuôn Khoai hoang vắng nên không còn ai biết nơi đó có chùa. Tình cờ nhân dân địa phương phát hiện một tấm bia đá cổ ở khu vực phía Nam đồi Khuôn Khoai. Bia được đặt trên lưng một rùa đá được tạc từ một phiến đá xanh nguyên khối, nét chạm rất tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Rùa có chiều dài 1,50m, rộng 0,9m và cao 0,32m. Đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Giữa lưng rùa đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép khớp với chân bia đá, nhờ mộng ghép này đã giữ cho bia đá có thể đứng ngay ngắn trên lưng rùa trong suốt hơn 900 năm.
Bia đá hình chữ nhật được tạc bằng đá xanh nguyên khối, chiều cao 1,39m, rộng 0,8m và dày 0,18m. Phần trán bia, phía trên trang trí hình cúc dây và các đường xoắn ốc hình dấu hỏi, chính giữa trán bia khắc 6 chữ đại tự “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”, có đôi rồng chầu từ hai bên. Văn bia khắc kín phần thân bia, gồm 25 dòng với 1.130 chữ.
Nội dung văn bia cho biết, người soạn theo lệnh Thái phó Hà Hưng Tông là Lý Thừa Ẩn. Theo nội dung, thì chùa được khởi dựng vào cuối mùa xuân của năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thời Lý Nhân Tông (năm 1107). Chùa được phát tâm xây dựng bởi thổ tù Hà Hưng Tông Tri châu Vi Long, tức huyện Chiêm Hóa, giữ chức Phò ký lang Đô tri tả vũ vệ đại tướng quân, Kim tứ quang lộc đại phu, Kiểm hiệu Thái phó Đồng trung thư, Môn hạ bình chương sự, kiêm Quản nội khuyến nông sự, Thượng trụ quốc, được phong thực ấp 3.900 hộ.
Bên cạnh phần đạo lý Phật giáo, nội dung bia nói về gia thế và công trạng của dòng họ Hà tại đây. Họ này định cư từ cao tổ Hà Đắc Trọng đến đời Hà Hưng Tông đã có 15 đời làm Châu mục châu Vị Long (tức huyện Chiêm Hóa ngày nay). Trong đó, cha của Hà Hưng Tông có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Bấy giờ, nhà Tống tập trung binh mã tại các trấn thành phía Nam, chuẩn bị xâm lược nước ta. Tháng 10-1075, Lý Thường Kiệt thống lĩnh 10 vạn quân chia làm 2 đạo thủy bộ tập kích thẳng vào đất Tống. Thân phụ của Hà Hưng Tông với binh mã châu Vị Long đã đóng vai trò quan trọng trong đạo quân đường bộ này, ông đã huy động được quân dân người dân tộc thiều số của 49 động, 15 huyện tham gia. Sau 42 ngày đêm công phá quân ta đã chiếm được thành trì của châu Ung, châu Khâm, châu Liêm.
Văn bia có đoạn: "Thân phụ Thái Phó chỉnh đốn vương sư đánh sang ải Bắc, vây thành Ung cho bõ giận, bắt tướng võ, dâng tù binh, do đó được nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện xứ”. Nhờ công lao của cha nên Hà Hưng Tông năm 9 tuổi được kết làm em vua nhà Lý, năm 10 tuổi (1078) được phong chức Tả đại liêu ban và kết duyên với công chúa Khâm Thánh. Đến năm 1086 được nối tước Thái phó kiêm Tri châu Vị Long.
Qua tư liệu này chúng ta được biết thêm rằng cuộc phản công của Lý Thường Kiệt vào đất Tống giành được thắng lợi vang dội, trong đó có nguyên nhân là đã đoàn kết được các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và được sự ủng hộ của các thổ tù. Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng có ghi việc gả công chúa Khâm Thánh cho Châu mục châu Vị Long nhưng không phải là Hà Di Khánh mà lại chính là Hà Hưng Tông, ở đây có sự khác nhau giữa Đại Việt sử ký toàn thư và văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Phải chăng Hà Hưng Tông còn có tên nữa là Hà Di Khánh?
Trước đó ông của Hà Hưng Tông cũng được vua Lý Thái Tổ gả công chúa thứ ba, điều này chỉ thấy ghi chép trong văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một trong những tài liệu quan trọng để nghiên cứu chính sách đoàn kết dân tộc của Triều Lý, thu phục các thổ tù miền núi, ràng buộc họ bằng quan hệ với hoàng tộc để cùng triều đình giữ gìn và bảo vệ vùng biên viễn xa xôi, nơi mà triều đình chưa thể trực tiếp với tay cai trị được.
4. Bia chùa Sùng Khánh
Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chùa tuy khá nhỏ, chỉ với 26m² nhưng có một vị thế khá đẹp với lưng tựa vào dãy núi thấp, mặt quay về hướng Đông có cánh đồng rộng và dòng suối Thích Bích chảy qua làm yếu tố minh đường, hai phía trái, phải có hai ngọn núi theo thế rồng chầu, hổ phục.
Bia chùa Sùng Khánh - Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hà Giang
Hàng năm, vào rằm tháng Giêng, nhân dân thôn Làng Nùng lại long trọng tổ chức "Lễ hội Lồng Tồng”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người mạnh khỏe, muôn vật sinh sôi nẩy nở, cầu cho mọi nhà hạnh phúc, nhân khang vật thịnh.
Tại đây hiện còn lưu giữ được tấm bia được dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông niên hiệu Đại Trị năm thứ 10, tháng 3 năm Đinh Mùi (1367). Bia tọa trên lưng rùa. Rùa có bề ngang rộng 55cm, chiều dài từ đầu đến đuôi là 95cm. Bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối hình dẹt, được bào nhẵn hai mặt, dày 10,5cm, thân cao 90cm và bề ngang là 47cm. Phần chân bia dài 29,5cm, rộng 9cm cắm vào lưng rùa. Trán bia là hình bán nguyệt mà ở giữa trung tâm được chạm hình Phật ngự trên tòa sen, một bên có một đệ tử đứng chắp tay trước ngực. Hai góc trên trán bia là hai hình rồng chầu, đầu rồng vươn cao hướng tới tòa sen. Xung quanh thân bia trang trí đường diềm hoa dây, phía dưới chân bia là hình sóng. Tên bia được khắc theo cột dọc ở đầu văn bản với 7 chữ là “Sùng Khánh tự bi minh tính tự”.
Văn bản chữ Hán khắc ở mặt trước bia gồm bài tựa và bài minh, cuối cùng là dòng lạc được dịch như sau: tháng Ba năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại Trị thứ 10 triều vua Việt, Thư sử - Trực thủ Tạ Thúc Ngao (hiệu Sở khanh) vi hành qua chốn này đã được mời soạn ra văn bia khắc vào bia đá nói về nguồn gốc ngôi chùa.
Nội dung văn bia cho biết, chùa Sùng Khánh ở hương Hoằng Nông, giang Thông, trường Phí Linh là do người chú của vị Phụ đạo (tù trưởng) họ Nguyễn tên là Nguyễn Danh Ẩn, tự là Văn Giác sáng lập ... Ông không thích chăm lo sản nghiệp riêng mà lại ham cứu giúp người khác lúc khó khăn, lòng thì hâm mộ đạo Phật, không ăn thịt, không uống rượu, mỗi tháng ăn chay 10 ngày và đọc kinh, lấy đó làm lệ thường. Hương này vốn không có chùa, lại ở nơi hẻo lánh, núi non sầm uất, có suối trong tuôn chảy, ông thấy mến cảnh, bèn dựng chùa làm nơi hương khói sớm hôm.
Chùa được dựng từ tháng Giêng đến tháng Tư năm Bính Thân (1356) niên hiệu Thiệu Phong thì hoàn thành, đặt tượng Phật vào. Ông lại đặt tên chùa là Sùng Khánh, lại cúng vào chùa một viên (mẫu) ruộng để cấp cho người trụ trì... Những thông tin trên cho biết ngôi chùa này do một vị Phụ đạo, viên quan nhà Trần cai quản vùng biên cương này xây dựng. Chế độ Phụ đạo ở đây được cha truyền con nối và những người họ Nguyễn giữ chức Phụ đạo này hẳn là những người gốc họ Lý được sai phái lên cai quản vùng biên ải phía Bắc, đã phải đổi sang họ Nguyễn vào thời Trần.
5. Chuông chùa Bình Lâm
Chùa Bình Lâm thuộc địa phận thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hiện là một ngôi nhà nhỏ, rất sơ sài. Nơi đây người dân đã phát hiện được một số gốm nung thời Trần như đầu rồng, mô hình tháp... và một quả chuông đồng lớn được đúc vào năm Ất Mùi - Hưng Long 4 (1295), đời vua Trần Anh Tông.
Chuông chùa Bình Lâm
Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84 cm) nặng 193kg. Quai chuông là hai hình rồng đấu lưng vào nhau, 2 chân quắp, đầu vương nhe răng dữ tợn, miệng há rộng ngậm một hòn ngọc. Trên đỉnh quai chuông đúc hình nậm rượu. Miệng chuông hơi loe được trang trí bởi những cánh sen nối tiếp nhau, đường viền xung quanh có 12 cánh sen nhỏ, hoa văn trang trí có hình cánh sen là một đặc trưng của phong cách trang trí thời Lý - Trần, vành miệng chuông cũng được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn cánh sen nhỏ. Thân chuông có 6 núm gõ được, bố trí thành 2 tầng. Tầng thứ nhất có 2 núm cách đều 35cm, tầng thứ 2 có 4 núm mỗi núm cách đều nhau 13cm. Thân chuông có 3 chữ Hán lớn “Phụng Tam Bảo”. Trên 4 ô lớn ở thân chuông có khắc văn bản chữ Hán gồm 1 bài ký và bài minh.
Bài ký trên thân chuông bằng chữ Hán gồm 309 chữ, nội dung được dịch như sau: “Nước Đại Việt, Châu Thương, Bà Động ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh. Vua thứ 5 nhà Trần kể theo các bậc hoàng đế anh minh cao quý, lập họ Nguyễn ở Cổ Nhất từng có công làm đức sáng hơn người. Vậy bảo rõ cho được vâng nhận các mỹ tự: thọ kiên kiên trinh trinh phúc. Nay để báo đáp, kẻ nối sau là thủ lĩnh Nguyễn Anh Vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng các ông già bà cả, thiện nam tín nữ chứng minh đại xá, môn sư chịu gánh việc khó, phát tâm đúc một quả chuông lớn vào giờ ngọ này năm Ất Mùi ở mái hiên Tiểu thượng niên, viện Đại bi trong thành: Để lưu giữ mãi mãi ở chùa Bình Lâm, tiện cho việc cúng dường Tam bảo.
Theo văn tự, quả chuông này được đúc ở nơi khác vào năm 1295, rồi mới đưa đến chùa Bình Lâm, và văn bản trên chuông được khắc sau 1 năm. Đến ngày mùng 1 tháng Ba năm 1296, vị Thiền tăng Mật Vân ở Lịch Sơn đã soạn bài minh được khắc ở quả chuông. Bài minh được dịch nghĩa: Xét ra trời cao đất rộng, bao la hỗn độn mà làm chúa tể, dung nạp hết thảy những cơ chưa ló; muôn vàn hiện tượng lặng lẽ theo nhau, không ngừng kết ở một chỗ nào, biểu hiện chỗ dùng mà thâu tóm vạn vật, viên thông cả pháp giới, chiếu sáng khắp mười phương vô tư làm thông tỏ những trở ngại lặng lẽ mà khế hợp, đập đá thổi lửa, do tìm bông lam trong lò; lớn, gióng chuông mà thức nhà nông, những kẻ được khai mở cõi lòng, cùng nhau bàn luận căn cốt của nguồn dòng; mở rộng ra là ở bốn ơn, nguyện cứu chúng sinh như biển sâu: bỗng chốc đốn ngộ thông tỏ, để đãi nấu mà lưu lại dấu viết để làm sáng sức vang hưởng của gốc thiêng; động khắp cả chín cõi xa xôi, một bánh xe chuyển vận cũng thấu; thoắt ẩn thoát hiện khuấy động cái tính hư không, trăng lặn trời tà, đáng tiếc quang âm thấm thoát; nghiệm ra thể tính, bỗng nhiên bừng tỉnh, gặp cảnh nổi chìm, khí não phiền quét sạch, hung chuyển từ bi. Cốt sao làm rõ vết dấu dài lâu, họ tộc vốn là gót lân nhà Chu, đã được phong lãnh địa ở địa giới phía Bắc, theo đó mà cháu con thừa hưởng đến muôn đời không dứt, để nối tiếp mãi với trời đất, vậy nên mới làm bài văn này ghi lại.
Văn tự trên chuông chùa Bình Lâm cho thấy vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Chuông chùa Bình Lâm là quả chuông thời Trần hiếm hoi, duy nhất có ghi niên đại còn lại ở nước ta.
6. Chuông chùa Vân Bản
Đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ta được chiêm ngưỡng một hiện vật vô cùng quý giá, đó là chuông Vân Bản. Chuông có kích thước to lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm. Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen vảy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.
Chuông chùa Vân Bản ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn. Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen. Bài minh văn trên chuông tuy bị mờ mòn nhiều, nhưng vẫn còn có thể đọc được phần lớn số chữ.
Chuông được vớt từ dưới đáy biển Đồ Sơn (Hải Phòng) vào năm 1958, nhưng không thấy khắc ghi niên đại. Đồ Sơn không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng, mà từ xa xưa nơi đây từng hiện hữu bảo tháp Tường Long, nằm cạnh tháp là chùa Vân Bản đều là những thắng tích lừng danh trong lịch sử được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Tuy nhiên trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay bảo tháp và ngôi chùa xưa đã trở thành phế tích.
Dân gian Đồ Sơn từ bao đời nay còn truyền tụng câu ca dao cổ hoài niệm về chùa Tháp Tường Long xưa: “Lý gia truyền được mấy đời/ Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu”. Các nhà khảo cổ nghiên cứu văn bản trên chuông đã xác định chuông được đúc vào thời Trần. Người viết đã có một bài đăng trên báo Giác Ngộ cách đây 4 năm với tựa đề “Kỳ lạ chuông Vân Bản” đề cập khá chi tiết, nên ở bài viết này xin không nhắc lại.
7. Đại hồng chung chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601, tọa lạc bên bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Đến năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại hồng chung để cúng cho ngôi quốc tự. Đại hồng chung cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m được đặt trong khuôn viên chùa Thiên Mụ. Trên chuông có khắc ghi rõ Đại hồng chung có trọng lượng 3.285 cân (1 cân xưa bằng 604,5gr ngày nay).
Hoa văn, họa tiết được trang trí trên Đại hồng chung rất phong phú, tinh xảo với trình độ mỹ thuật cao. Những nhóm chấm trình bày mỹ thuật, cành lá uốn tiếp theo những đợt sóng lượn. Các mô-típ long phụng rất linh động xen kẽ nhau, gồm bốn con rồng quẫy mình, bốn con phượng bay đuôi rất dài. Mỗi hình rồng phượng đúc nổi có chiều dài đến 0,3 m.
Trên thân chuông có tám chữ Thọ được khắc theo các lối khác nhau và nhiều chữ Hán cổ. Thân chuông chia làm bốn ô lớn, mỗi ô có khắc bốn đại tự, hai bên bốn đại tự có những hàng chữ nhỏ chân phương rất dễ đọc.
Đáng chú ý là ô có khắc 4 chữ “Phật nhật tăng huy”; bên phải và bên trái bốn chữ này có khắc câu: “Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động thượng chánh tông tam thập đại; pháp danh Hưng Long chú tạo hồng chung; trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam bảo”; tiếp theo ô bên trái khắc bốn chữ “Pháp luân thường chuyển”, bên phải bốn chữ này khắc: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an; pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí”; bên trái khắc lạc khoản tạo chuông: “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”. Bên dưới các ô này có bốn nụ chuông với hoa văn ngọn lửa xòe ra hai bên, rồi đến bát quái, bát bửu.