GN - Lá buông ghi kinh Phật thật sự là một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Khmer Nam Bộ, do đó cần có kế hoạch khôi phục, lưu giữ và bảo tồn.
Hiện nay, trong các ngôi chùa hoặc bảo tàng văn hóa Khmer ở ĐBSCL đều lưu giữ và trưng bày sách lá buông để lưu truyền cho con cháu về bề dày văn hóa dân tộc mình. Với mong muốn đó, Hòa thượng Chau Ty đã được chính quyền và Sở Văn hóa tạo điều kiện mở lớp dạy viết kinh trên lá buông cho chư Tăng trên địa bàn tỉnh An Giang.
HT.Chau Ty: "Để chọn được đệ tử kế tục là rất khó"
Mỏi mắt tìm truyền nhân
Nhìn những trang sách lá đã ngả màu vì thời gian ngót trăm năm nhưng nét chữ như không thay đổi, vẫn thanh gọn, mềm mại và cực kỳ sắc nét, tôi không khỏi tò mò. Theo lời giải thích của Hòa thượng Chau Ty, đây là loại kinh của Phật giáo Nam tông Khmer, được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và rất đỗi tài hoa viết bằng chữ Khmer trên lá cây buông qua nhiều thế hệ rồi được truyền giữ nên giá trị tinh thần văn hóa là vô giá.
Mặt khác, tương truyền rằng, từ khi vị Tổ sư khai sinh ra kinh lá đến nay, mỗi đời như thế các sãi cả cũng chỉ truyền dạy loại nghệ thuật này cho một đệ tử tâm phúc có đủ đức độ. Tuy nhiên, để chọn được “đệ tử” kế tục rất khó do tốn quá nhiều công sức, thời gian để tạo ra một quyển kinh lá nên ít người muốn theo học. Hòa thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ chín và cũng là người cuối cùng ở vùng Bảy Núi biết viết kinh trên lá buông bằng tiếng Khmer.
Hòa thượng Chau Ty tâm sự: “Đã hơn 40 năm viết kinh lá và hơn chục năm nay, khi tuổi đã cao, tôi tìm một đệ tử để truyền nghề nhưng vẫn không tìm được. Buồn quá nên đã lâu lắm rồi tôi không còn viết kinh lá nữa. Bọn trẻ bây giờ không muốn học, cho nên nguy cơ nghề làm kinh lá sẽ thất truyền là khó tránh khỏi”.
Kinh lá đã có những… truyền nhân
Hiểu được nỗi trăn trở đó, đồng thời cũng thuận theo duyên lành, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã tạo mọi điều kiện cho Hòa thượng Chau Ty mở lớp học để truyền dạy tinh túy của bí quyết làm kinh lá cho 16 vị sư trẻ ở các chùa Khmer trong tỉnh.
Nhìn những nụ cười trên gương mặt đã có nhiều nếp nhăn do tuổi tác của Hòa thượng khi đang hướng dẫn cho các sư trẻ cách viết kinh, cũng như nắn nót từng chữ sao cho đẹp mới hiểu được những lo lắng về nguy cơ thất truyền nghề viết kinh trên lá của Hòa thượng bấy lây nay đã được đền đáp.
Viết kinh lá đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, là cả một công phu tu tập
Trình thầy bản kinh đầu tay
HT.Chau Ty vui mừng vì đã có những đệ tử kế tục đời thứ 10
Hòa thượng Chau Ty cho biết, thật ra, không phải ai khéo tay cũng có thể viết được kinh lá. Nhiều người cho rằng đó là “cái duyên”. Bởi quan niệm của tín đồ Phật giáo, việc chép kinh cũng phải là một việc làm cao quý, đòi hỏi người có đức độ, thấm nhuần kinh mới viết ra được cái “hồn” của kinh. Chính vì điều này mà viết kinh lá không phải ai làm cũng được.
Sư Chao Mênh, hiện đang tu học tại chùa Làng Chai, huyện Tân Biên, chia sẻ về những ngày đầu theo học lớp viết kinh được Hòa thượng hướng dẫn từng li từng tí, ngay từ cách cầm bút như: “Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, không đơn giản như chữ viết trên giấy”.
Ngoài ra, không chỉ phải học khắc chữ trên lá, các sư còn được Hòa thượng hướng dẫn các công đoạn tiếp theo để làm sao cho có một bản kinh đẹp, bền qua các công đoạn là tẩm mực lên lá để mực thấm vào nét khắc chữ, sau đó chờ cho khô mực, lau sạch lá để kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách. Bởi vậy, nghệ thuật viết kinh trên lá không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người thực hiện phải có tấm lòng kiên trì… thể hiện câu từ hết sức súc tích, cô đọng trong khuôn khổ mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, mỗi dòng được khoảng 20 từ.
Các sư còn được hướng dẫn sau khi hoàn thiện, phải kết các tấm lá kinh thành quyển, tuân thủ quy tắc riêng để khi mở kinh ra đọc, nội dung không bị xáo trộn. Theo Hòa thượng Chau Ty, nội dung trong kinh lá là những điều luật, giáo lý dạy con người biết tu tâm, dưỡng tánh, dạy về lòng thương người, về cách sống tốt.
Nhìn những tấm lá buông mỏng mảnh như miếng gỗ ép với chi chít những con chữ trên tay do những học trò đầu tiên trao cho thầy, lòng chúng tôi cảm thấy vui mừng. Bởi lẽ, hơn 40 năm qua, vị Hòa thượng già luôn tâm huyết gìn giữ báu vật của dân tộc mình, mong một ngày sẽ có những người trẻ kế tục sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
Giờ đây có thể nói, Hòa thượng Chau Ty đã không phụ lòng ủy thác của các bậc tiền nhân trong việc tìm được người tài đức kế tục đời thứ 10 của việc viết kinh lá. Những năm tháng cuối đời của Hòa thượng đã có những hy vọng về những người trẻ sẽ gìn giữ những điều được các vị sư tổ đời trước truyền lại để răn dạy cháu con, đệ tử và những người của dân tộc Khmer sống sao cho tốt đẹp, làm điều hay lẽ phải và biết ơn các đấng sinh thành.
Bài, ảnh Vũ Giang
>> Mời bạn đọc xem kỳ 1 của phóng sự Kinh Phật trên lá buông