GN - Cả hội trường Báo Giác Ngộ đã lặng người khi nghe ĐĐ.Thích Tâm Hải, Thư ký tòa soạn kể câu chuyện về ba nhân vật phát hành báo thầm lặng nhiều năm qua. Nhất là khi bác Phương mù (Nguyễn Văn Phương ở Q.4, TP.HCM) và chị Nga (Lê Thị Thanh Nga, quê Lâm Đồng) cùng dắt nhau lên sân khấu để nhận tấm lòng tri ân của Báo - với món quà tinh thần được chính tay Hòa thượng Tổng Biên tập trao tặng…
Cùng làm Phật sự với Giác Ngộ
Hình ảnh xúc động kể trên diễn ra tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 38 năm Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2014) tại tòa soạn Báo vào sáng 28-12-2013 (xem tin đầy đủ và nhiều hình ảnh, bài viết trên Giác Ngộ online, ở các link bài trong phần đọc thêm ở dưới).
HT.Thích Trí Quảng trao phần quà tới bác Phương và chị Nga tại buổi họp mặt - Ảnh: Yên Hà
“Ba nhân vật phát hành Báo Giác Ngộ vừa được nhắc tới không phải chỉ làm để nhận hoa hồng như làm phát hành cho những tờ báo bình thường mà họ làm việc trên tinh thần phụng sự, làm cầu nối truyền trao Chánh pháp Đức Phật đến với dân gian, các loài hữu tình. Điều đó đã thôi thúc họ làm việc thầm lặng trải qua nhiều năm... Trong tinh thần Đại thừa, tất cả chúng ta đã và đang cùng làm Phật sự với tâm nguyện mong đất nước, cuộc đời, trong đó có chúng ta, ngày một trở nên tốt đẹp, hoàn thiện hơn” HT.THÍCH TRÍ QUẢNG, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ |
Thực ra, từ những việc làm thầm lặng của ba trong số rất nhiều cộng tác viên phát hành mà Giác Ngộ đã trân trọng dành 3 trang trên số báo 725, ra ngày 28-12-2013 để kể về họ đã là câu chuyện làm lay động lòng người, tạo nên giá trị và đánh thức, cảm hóa để những sự sẻ chia được tiếp nối.
Bác Mây Hồng (Trần Văn Hồng, ở Tiền Giang), bác Phương, chị Nga hay nhiều người khác nữa đã tới với Giác Ngộ bằng cái tâm của một người làm việc đạo, hiểu rõ ý nghĩa của việc trao truyền tờ báo Phật giáo chính là giúp cho người khác nhận ra chân lý - lời Phật dạy để thấy khổ, chuyển hóa mà bớt khổ. Tấm lòng ấy đối với Phật giáo cũng chính là hành động “bố thí” (pháp thí) rất đỗi nhiệm mầu, như HT.Thích Trí Quảng đã nhận xét: “Những việc làm thầm lặng của họ, mang báo tới vùng sâu, vùng xa, nơi mà chư tôn đức Tăng Ni chưa đặt chân tới thì nơi ấy cũng xem như đã có Phật pháp”.
Hơn thế, Hòa thượng Tổng Biên tập còn nói, việc phát hành báo Giác Ngộ với những giáo lý chuyển tải đôi khi còn quan trọng hơn… vai trò của giảng sư, khi tờ báo ấy mang lại lợi lạc về sự tu tập cho nhiều người.
Lời nhận xét chân thành, đầy cảm kích của HT.Thích Trí Quảng được chính những bạn đọc, đại lý phát hành lâu năm của Giác Ngộ chứng minh cụ thể. Như Phật tử Bích Đông - Hoa Minh (Hà Nội) nói rằng, từ báo Giác Ngộ, bà và nhiều người đã biết đạo, học được những điều hay, rồi cùng nhau tu tập, làm lợi đạo, ích đời.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì chia sẻ, những trang Phật học của báo giúp ông học hỏi thêm giáo lý, những trang từ thiện, đăng tải những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó cho ông một nhịp cầu để mở rộng tấm lòng, sẻ chia chân thành tới tha nhân. Và, ngay tại buổi gặp mặt, sau khi nghe câu chuyện của ba nhân vật tiêu biểu làm công tác phát hành Báo Giác Ngộ, ông Sơn đã quyết định trả món nợ 5 triệu đồng vay nóng với lãi suất mỗi ngày 50.000 đồng, đè nặng lên gia đình mấy thế hệ của bác Phương.
Ai cũng ngân ngấn, xúc động vì kết thúc có hậu này. Bên cạnh đó, nhiều sự sẻ chia cũng được góp nhặt từ nhiều người gửi tới ba nhân vật đặc biệt trong ngày hôm đó, như lời Hòa thượng Tổng Biên tập nhận xét: “Do những việc làm thầm lặng của bác đã làm anh Sơn cảm động, tôi biết, ở đây cũng có rất nhiều người muốn làm việc đó, nhưng công đức này đã thuộc về anh Sơn…”.
Từ nay bớt nhọc nhằn
Đến tòa soạn trong buổi sáng hôm ấy để tham dự lễ kỷ niệm thành lập báo, những cộng tác viên phát hành cứ nghĩ rằng đến để “nghe quý Hòa thượng giảng pháp” và “đến dự cho vui”. Thế nên, khi được chương trình chia sẻ hoàn cảnh, công việc thầm lặng mà họ đã gắn bó với Báo Giác Ngộ, rồi vinh dự nhận quà đặc biệt, ai cũng xúc động, rưng rưng…
ĐĐ.Thích Tâm Hải thay mặt trao tặng món quà
tới bác Mây Hồng sau khi chương trình đã kết thúc - Ảnh: Vũ Giang
Chị Nga nhường một phần tiền thưởng (1 triệu đồng) tới bác Phương - Ảnh: B.Toàn
Thư mời họp mặt lúc 8 giờ sáng nhưng vì giờ đó bác Mây Hồng phải đến bệnh viện chích thuốc, điều trị bệnh nên bác không thể đến đúng giờ. Biết rằng trễ nhưng bác vẫn quyết tâm lên tòa soạn cho bằng được. Mặc cho gió luồn lạnh buốt, tay run run, bác vẫn giục con “chạy rút” cho kịp giờ. Từ Tiền Giang, con của bác chạy chỉ mất hơn một giờ là đã có mặt tại Sài Gòn. Bác tới tòa soạn cũng là lúc buổi họp mặt vừa kết thúc. Bác vẫn được trao quà, vẫn nhận đầy đủ tịnh tài mà mạnh thường quân giúp đỡ nhưng bác vẫn tiếc. Khi phóng viên kể lại: “Hòa thượng Tổng Biên tập rất cảm động khi biết bác phát tâm phát hành báo Giác Ngộ đến hơi thở cuối cùng”, bác hỏi “thiệt hả” rồi bác cười rạng rỡ.
Tại buổi họp mặt, lắng nghe hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bác Phương, tấm lòng nhiệt tình của bác Mây Hồng rồi đến tâm tư, tình cảm chị Nga đặt trọn vào Báo Giác Ngộ, mọi người không ai không xúc động, nhất là xót xa với nỗi lo vay nóng 5 triệu, mỗi ngày phải trả 50.000 đồng tiền lãi mà bác Phương mù lòa đang đối diện hàng ngày...
“Mừng lắm cô ơi”, đó là câu nói đầu tiên mà bác Phương nói với tôi khi vừa cầm trên tay những phần quà nghĩa tình mà tòa soạn, nhà hảo tâm trao tặng. Bác không ngờ tại buổi lễ, có người thương cho hoàn cảnh mà đứng ra trả giúp số nợ. Rồi bác mừng, vì từ nay sẽ không còn nỗi lo người ta đến chửi vợ, con mình.
Gia đình chị Nga cũng khó khăn nhưng trước hoàn cảnh của bác Phương và bác Mây Hồng, chị đã nhường lại số tiền mà tòa soạn, Ban Từ thiện Báo Giác Ngộ trao tặng cho bác Phương 1 triệu đồng, bác Mây Hồng 500.000 đồng và gửi làm từ thiện 500.000 đồng.
Khi được hỏi, chị không chừa lại gì cho mình sao, chị bảo: “Chị nghèo thiệt nhưng chị còn sức khỏe, chị còn làm được. Chị không chê tiền nhưng tiền chị làm kiếm đỡ vất vả hơn hai bác nhiều, góp một chút cho hai bác như là một cách chị chia sẻ yêu thương”.
Thật đáng quý biết bao khi con người ta cùng khổ như nhau nhưng lại thương nhau, chia sẻ với nhau bằng cả tấm lòng như thế!
Bước chân ra về sau khi buổi họp mặt kết thúc, tôi thấy niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của những cộng tác viên phát hành thân thương. Bác Mây Hồng thì nói cười vui vẻ với đứa con của mình, bác nói mãi: “Tiếc quá, nãy lên sớm tí nữa là được gặp Hòa thượng rồi”. Còn chị Nga thì quay nhanh, trở về sạp để bán báo (ngay trước tòa soạn Báo Giác Ngộ).
Riêng bác Phương thì vừa đi, vừa vịn chặt cái túi trong niềm xúc cảm khó quên của cả một đời lận đận. Tôi nhìn thấy rõ, bước chân của bác không còn nặng trĩu như mấy ngày qua và chắc rằng, ngày hôm nay, đôi bàn chân ấy sẽ được một ngày thảnh thơi - điều mà chưa từng đến với bác kể từ cái ngày bác trốn viện do không có tiền điều trị.
Chúc Thiệu - Hạnh Ý
Sáng 31-12, SC.Thích nữ Huệ Trí, Trị sự Báo Giác Ngộ đã đại diện nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, cộng tác viên và độc giả thân thiết của báo, đến tận nơi trọ tại khu vực Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM), trao 5 triệu đồng (ảnh) do ông Sơn phát tâm để gia đình bác Nguyễn Văn Phương (một trong ba nhân vật trong bài viết “Mỗi con người, một câu chuyện” trên báo Giác Ngộ số 725), trả dứt số tiền vay nóng chữa bệnh. Trong niềm vui khôn tả, vợ bác Phương cho biết: “Bữa đi dự lễ về nghe ổng nói có người phát tâm trả giúp 5 triệu, hai bữa nay hai vợ chồng tui trông đợi dữ lắm. Có tiền là đi trả liền chứ đóng một ngày 50 ngàn tiền lời, không đóng nổi”. Hạnh Ý - B.Toàn
Trao 5 triệu đồng tới bác Phương
_____________
* Đọc thêm:
>> "Chúc báo Giác Ngộ tiếp tục phát triển vững vàng..."
>> Tôi đi thực tập ở Giác Ngộ
>> Chia sẻ của nhị vị nguyên Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ
>> Giác Ngộ online giao diện hiện đại, truy cập nhanh...
>> Hòa thượng Tổng Biên tập gửi thư tới bạn đọc
>> "Nghề" công quả xếp báo của cô Bảy Quới
>> Tôi sớm có duyên với Báo Giác Ngộ
>> Tuổi 38, Giác Ngộ nhìn lại và hướng tới...
>> Rơi nước mắt trong buổi họp mặt kỷ niệm 38 năm Báo Giác Ngộ
>> Với tôi, Giác Ngộ là bạn, là thầy...
>> "Phần đông độc giả hài lòng về báo Giác Ngộ"
>> Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề
>> Tôi yêu mến Giác Ngộ dù không là Phật tử
>> Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38