Những niềm đau được hóa giải

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1166 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những nỗi đau chất chứa trong lòng, những giằng xé tâm can suốt một năm kể từ ngày người thân qua đời trong đại dịch Covid-19, với người ở lại, tưởng chừng như chẳng thể nào nguôi ngoai.

Thế nhưng, nhiều nút thắt đã được hóa giải tại Đại lễ tưởng niệm - kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, tại Việt Nam Quốc Tự.

“Thấy bia tưởng niệm, tôi đã an trong lòng”

Đó là điều cụ Hoa, 70 tuổi nghẹn ngào chia sẻ khi đứng trước bia tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19, đặt tại khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.

“Nước mắt tôi chảy nhưng trong lòng tôi đang rất hạnh phúc. Từ nay tôi an tâm vì nếu hương hồn con của tôi chưa siêu sanh sẽ có chỗ nương, không phải vất vưởng; được thờ phụng ở đây hàng ngày được hương khói, có người đến thăm, có quý thầy tụng kinh, cầu nguyện. Những điều này dù tôi có nhiều tiền cũng không thể làm cho con được”, cụ nói.

Cụ trải lòng thêm rằng đó là điều mà từ ngày con cụ mất đến nay, cụ cảm thấy được an ủi, ấm lòng nhất. “Con tôi mất, tôi lo cho con không biết con đi đâu về đâu, có đói khát không. Thương con mà không đêm nào tôi được an giấc, không ngày nào lòng tôi yên. Hôm nay nhìn thấy tấm bia này, tôi chỉ biết khóc và xin tạc dạ ghi ơn quý thầy thật nhiều, ơn này với tôi lớn lắm”.

Hướng về người thân, trọn lòng cầu nguyện
Hướng về người thân, trọn lòng cầu nguyện

Nhìn mẹ hạnh phúc, vui trong lòng, anh con trai đi cùng cụ Hoa cũng không khỏi xúc động: “Từ ngày anh, chị tôi mất, mặc dù mẹ tôi phát tâm cúng dường, phát quà từ thiện rất nhiều để hồi hướng, nhưng chưa bao giờ mẹ tôi có cảm giác an vui như hôm nay. Cách đây một tuần là giỗ đầu của anh, chị, mẹ còn khóc sưng cả mắt. Cảm ơn quý chư tôn đức thật nhiều đã hóa giải cho chúng tôi nỗi đau này”.

“Tôi chấp nhận sự thật và bước được qua nỗi đau”

Suốt ba ngày diễn ra đại lễ, cô Diệu Châu, 59 tuổi (quận 10, TP.HCM) đều tranh thủ, sắp xếp thời gian đến Việt Nam Quốc Tự để tụng kinh, nghe pháp, cầu nguyện.

“Tôi đến tụng kinh cho con gái mình và hồi hướng cho người cùng hoàn cảnh, để tất cả đều được siêu sanh về cõi lành. Đây là cháu Tiến, 2 tuổi, cháu ngoại tôi, tôi dẫn nó đến đây cũng là cầu nguyện cho mẹ của nó”, cô trải lòng.

Cô Diệu Châu và cháu ngoại 2 tuổi - mẹ mất vì Covid-19, tại lễ kỳ siêu tại Việt Nam Quốc Tự
Cô Diệu Châu và cháu ngoại 2 tuổi - mẹ mất vì Covid-19, tại lễ kỳ siêu tại Việt Nam Quốc Tự

Tháng Bảy này cũng là giỗ đầu của con cô. Cũng như bao gia đình khác mất người thân trong dịch Covid-19, suốt một thời gian dài, trong lòng cô Diệu Châu chất chứa nhiều nỗi đau, buồn thương không thể diễn tả bằng lời khi nghĩ về con gái của mình và những nạn nhân qua đời vì Covid.

Hôm nay, nỗi đau trong cô có dịp lắng xuống, trong 3 ngày tham dự Đại lễ kỳ siêu, thấm được lời quý thầy giảng trong pháp thoại. “Tôi tin pháp hội kỳ siêu sẽ giúp con tôi về nơi cõi lành. Tôi không nghĩ về quá khứ nữa, để con mình được siêu sanh. Tôi nghĩ ở hiện tại, hiện tại là cháu ngoại, là tôi yêu thương cháu thật nhiều”, cô Diệu Châu nói.

Từ lúc dịch đến giờ, với đồng lương hưu hàng tháng phải lo thêm cho cháu ngoại, lớp sữa, lớp đồ ăn, cuộc sống của cô phần nào chật vật, thiếu thốn. Cô tính đợi vài hôm nữa, khi cho cháu đi học, gửi nhà trẻ thì sẽ làm thêm, hoặc mở hàng nước bán trước cửa nhà để kiếm thêm đồng ra, đồng vô, mua sữa cho cháu ngoại.

Những nỗi đau phần nào xoa dịu

Hướng về Đại lễ tưởng niệm - kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, ngoài việc cầu nguyện cho hương linh, Sư cô Huệ Như (đang tu học tại chùa Giác Ngộ, phường An Phú Đông, quận 12) còn nghĩ về người anh trai của mình cũng mất vì Covid-19.

Nỗi đau mất người thân là như nhau, khi biết tin người anh thứ ba của mình mất vì Covid-19, Sư cô cho biết, buồn lắm, nỗi đau rất lớn và hôm nay vẫn còn.

Sư cô nhớ mãi, thời điểm hai vợ chồng anh bị nhiễm bệnh, y tế chưa có thuốc đặc trị, khu cách ly cũng quá tải nên anh phải ở nhà tự theo dõi. Ban đầu gia đình ai cũng lo cho vợ anh, vì sức khỏe kém, còn anh khỏe bình thường. Vậy mà trong vòng 3 ngày, bệnh trở nặng, mặc dù đội ngũ y bác sĩ chữa trị tận tình nhưng anh không qua khỏi. Anh ra đi bỏ lại vợ trẻ, con thơ.

Nỗi đau mất người thân là thứ làm cho con người ta thổn thức mãi không thôi. Sư cô cũng không ngoại lệ: “Khi nhận tin báo từ bệnh viện, mặc dù có sự chuẩn bị tinh thần trước nhưng bản thân tôi như chết lặng trước sự chia ly này. Nỗi buồn đó càng thêm nặng trĩu khi ai cũng không dám bày tỏ vì còn mẹ già, tất cả chỉ biết im lặng và chờ đợi với sự day dứt”.

Một gia đình trẻ thành kính cầu nguyện trong đêm phóng liên đăng
Một gia đình trẻ thành kính cầu nguyện trong đêm phóng liên đăng

Vô thường là điều mà rồi ai cũng sẽ phải trải qua, bản thân là một tu sĩ, Sư cô đã giúp người thân bằng cách cầu siêu, tụng kinh để cho hương hồn anh ra đi thanh thản và an ủi phần nào cho vợ con anh - người ở lại. Với Sư cô, lời kinh tiếng kệ không chỉ nâng đỡ hương linh của anh, mà giáo lý - lời Phật dạy đã nhắc nhở gia đình thấy rõ bản chất cuộc đời, những bi thương mà mình đang chịu đựng để từ đó ý thức làm các việc thiện hồi hướng cho người mất. Nhờ vậy mà vợ con anh cũng vượt qua căn bệnh trầm cảm của mình.

Đó là lý do, khi Giáo hội Phật giáo thành phố tổ chức trai đàn chẩn tế cho các hương linh tử vong vì Covid-19, Sư cô và cả nhà đã rất hoan hỷ. “Những nghi lễ tâm linh thực sự làm ấm lòng gia đình tôi nói riêng và những người đã chịu nỗi đau mất người thân nói chung. Cử chỉ cao đẹp này của lãnh đạo Giáo hội đã xoa dịu đi phần nào những mất mát mà người dân TP.HCM phải chịu trong cơn đại dịch vừa qua”, Sư cô vui mừng nói.

Đừng có hẹn, mà làm được gì hãy làm ngay đi

Đó là thông điệp Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thạnh, gửi gắm tại khóa lễ trì tụng kinh cầu nguyện cùng chư tôn đức trong Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử nạn vì Covid-19.

Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thạnh

Thượng tọa Thích Tâm Chơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Bình Thạnh

Sở dĩ Thượng tọa chia sẻ như vậy là bởi theo thầy, có nhiều người khi thân nhân qua đời trong đợt giãn cách xã hội do đại dịch, họ chưa làm được gì hết: không thắp được một nén nhang, không gặp mặt lần cuối, không đọc được một bài kinh, không một lời từ biệt,… không gì hết. Có rất nhiều lời “giá như”, những lời hứa “hẹn gặp lại khi…” nhưng rồi tất cả chẳng còn ý nghĩa gì khi dịch bệnh đến.

Mất ba trong đại dịch Covid, là người trong cuộc nên Thượng tọa hiểu và thấm thía sâu sắc nỗi đau này. “Tháng 8-2021, ba tôi mất trong lúc TP.HCM đang giãn cách xã hội. Khi lo được giấy tờ ở TP.HCM để về với ba tôi lần cuối, tôi mừng lắm. Nhưng chuẩn bị vào địa phận Ninh Thuận, cách nhà khoảng 40km nữa là tới, thì người ta không cho đi nữa. Lúc đó tôi không thể nói gì hết, không thể nghĩ gì, lòng tôi xót xa. Tôi cảm thấy rất có lỗi với gia đình mình”, Thượng tọa Thích Tâm Chơn chia sẻ.

Trong thời gian Ban Trị sự Phật giáo quận Bình Thạnh hay TP.HCM tổ chức lễ kỳ siêu, Thượng tọa Thích Tâm Chơn đều tham gia. “Qua những buổi lễ này, Phật giáo đã bù đắp lại những gì thân nhân chưa làm được, để người thân mất đi được nhẹ nhàng siêu sanh tịnh độ, người sống cũng xoa dịu phần nào nỗi đau, cũng cảm thấy được an trong lòng”, Thượng tọa bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.