GN - Thầy Moses Wuggenig - một giáo viên trung học bán thời gian - nhớ lại cái nhìn trống rỗng hoang mang của người bạn sau khi nghe ông thông báo về việc mình quyết định trở thành Phật tử.
Người bạn đã hỏi liệu thầy có chắc về việc dấn thân vào một con đường hoàn toàn mới, một điều mà ở cái tuổi 50 của họ còn là một quyết định khó khăn hơn nữa.
Các giáo viên tại thiền viện Toronto trong một thời khóa tụng niệm
Giờ đã 55 tuổi, Wuggenig kể lại thầy đã khẳng định một cách tự tin, rằng thầy cảm thấy cuộc đời mình đã thay đổi theo đúng hướng.
Vào tháng 7-2014, thầy đã bán căn hộ của mình và cho đi 90% tài sản sở hữu, bao gồm một TV màn hình phẳng, 1 dàn âm thanh hiện đại, hàng trăm cuốn sách, hơn 800 đĩa thu âm, và chiếc máy pha cà-phê ưa thích của thầy.
“Tôi biết mình quá gắn bó với chiếc máy pha cà-phê này. Chỉ cần nó bị hư, lập tức tôi sẽ sửa nó. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình nghiêng về cách pha cà-phê thủ công với miếng lọc truyền thống hơn, nhờ đó việc pha một tách cà-phê mang lại sự đơn giản và yên tĩnh, trong khi cái máy lại quá ồn ào”.
Thầy Wuggenig đã trao đổi những tiện nghi đó để lấy một căn phòng nằm trong một căn nhà gần thiền viện Toronto, trên đường Vaughan (Canada).
Thói quen hàng ngày của thầy là thức dậy vào lúc 5g20, đi bộ đến thiền viện gần nhà cầu nguyện, tụng kinh và tĩnh tâm trong hơn 1 tiếng, trước khi bắt xe bus đến Trường Nghệ thuật Wexford Collegiate để dạy tiếng Anh.
“Các lễ nghi buổi sáng sớm dạy người ta sống trong hiện tại”, thầy Wuggenig nói.
“Việc thực hành thiền định cho phép tôi giải tỏa cảm xúc, điều đó giúp tâm trí tôi yên bình và tĩnh lặng”.
Cuộc sống thì đầy những cám dỗ khiến ta xao lãng, và nhờ vào việc tụng kinh mà tôi được “yên tịnh tâm trí”, thầy nói.
Wuggenig đã được rửa tội theo đạo Công giáo, nhưng thầy chưa bao giờ theo đuổi tôn giáo đó. Thầy đã đến với thiền viện Toronto vào năm 2008 và chính thức thực tập tại đây vào năm 2011.
Sau lễ quy y - nhằm xác nhận về đức tin giống như Công giáo - giờ đây thầy hướng mình về các đạo đức Phật giáo, thể hiện qua các hành động cụ thể (bằng các công việc tay chân) tại ngôi chùa, và học kinh Phật, dưới cái tên mới, pháp danh Nanugu.
Và hoan hỷ trong buổi thiền trà
“Trong quá khứ, tôi đã đánh đổi nhiều điều để lấy những chuyến đi dài vô tận, nhưng không bao giờ thực sự sống ở những khoảnh khắc đó. Khi tôi ở San Francisco, tôi thấy mình đáng ra nên ở Rio, hoặc những nơi khác. Tôi không hề có sự kiên nhẫn và cảm thấy rằng cuộc vui không bao giờ ở bên mình”, Wuggenig nói.
Giữa một trong những thành phố rộng lớn nhất thế giới như Toronto, Wuggenig đã tìm thấy con đường đến với Phật pháp.
Là một thành viên của thiền viện, thầy đã tìm ra “món quà của cộng đồng” - đi theo lời chỉ dạy của Đức Phật, và thực hành việc sống trọn vẹn từng giây phút.
Gia Trúc - Liên Phương (theo Toronto Sun)