Những người trẻ giàu nghị lực - Kỳ 1: Những cây bút bi trong Bệnh viện Chợ Rẫy

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong khó khăn của bệnh tật, hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình và vô vàn thử thách cuộc sống, có người buông xuôi, có người chọn dựa dẫm và trông chờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ.

Nhưng có những người ở tuổi đời còn rất trẻ, trong tình huống đau tột cùng vẫn nghĩ cho gia đình, giữ cho mình ý chí vươn lên, lòng tự trọng và sẻ chia.

Chuyên trang Bạn trẻ từ số này đăng tải tuyến bài, giới thiệu đến độc giả những tấm gương người trẻ giàu lòng hiếu thảo, nghị lực trong cuộc sống. Dù hoàn cảnh nào, họ cũng lấy gia đình làm điểm tựa, lấy tình thương làm “lửa” để sưởi ấm, dìu nhau bước qua chông gai. Ẩn đằng sau đó còn là khát vọng sống vô cùng mãnh liệt của những phận người đã và đang đi qua những tháng ngày “giông bão” của cuộc đời.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Những cây bút bi của Mạnh

Mắc chứng suy thận nặng, gần 10 năm nay, cứ vào thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần, Huỳnh Tấn Mạnh 26 tuổi (số nhà 148 ấp 1A, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phải bắt xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để chạy thận. Bệnh ngày một nặng hơn, tiền chạy thận được em đóng theo tháng, không còn tính theo lượt nữa. Một tháng, chưa kể tiền thuốc, chỉ riêng tiền chạy thận đã tốn gần 2,5 triệu đồng. Cơn đau cũng ngày càng nhiều hơn nhưng càng đau, Mạnh lại càng nhắc mình phải lạc quan.

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nhắc đến tên Mạnh, những người quen biết ai cũng đều thương mến. Ở Mạnh, không chỉ có sức chịu đựng đau đớn mà còn là sự chăm chỉ, ý thức và nỗ lực kiếm tiền để lo cho mình. Trong thời gian chờ đến lượt chạy thận ở bệnh viện, em lấy đồ nghề ra tranh thủ làm từng cây bút mỹ nghệ bán để kiếm tiền. Dù làm trong khi cơn đau buốt từ xương tủy hành hạ, hơi thở nặng trịch, nhưng chưa bao giờ Mạnh có suy nghĩ sẽ dừng lại cuộc chiến giành giật sự sống cho mình. Hay nói đúng hơn, Mạnh chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, buông xuôi. Đằng sau nghị lực đó, là cả câu chuyện dài về tình yêu thương và động lực tiếp sức.

Mạnh mạnh mẽ như chính cái tên mà ba, mẹ đã đặt cho em. Quãng đường từ dưới quê lên thành phố chạy thận, Mạnh đều cố gắng đi một mình, để mẹ đi làm thuê, kiếm tiền lo cho gia đình. Có khi em đi xe buýt, có khi mệt quá em cũng được các nơi làm từ thiện cho đi xe cấp cứu 0 đồng. Chuyến xe 0 đồng ấy là do mẹ của Mạnh “liều mình” hỏi đại người ta, trình bày hoàn cảnh rồi năn nỉ nên các chú chạy xe từ thiện thương tình đã giúp đỡ. Nhờ có lúc đi xe cấp cứu 0 đồng mà Mạnh đỡ được phần nào trong những ngày bệnh nặng.

“Năm em học lớp 12, gần đến ngày thi rồi nhưng em buộc phải dừng lại việc học dù đã rất cố gắng. Hơn 9 năm bệnh tật, nhắc đến các Bệnh viện Nhiệt Đới, Nhân Dân, Chợ Rẫy, em đều thuộc nằm lòng đường đi. Thời gian ngồi xe trên đường đi chạy thận và đợi đến lượt, em tranh thủ làm bút bi bán để em vừa có tiền chạy thận và đỡ gánh nặng cho mẹ”, Mạnh kể.

9 năm chạy thận, trên người không lành lặn, cánh tay trái bị biến dạng, tay phải bị gãy cũng không cứng cáp nhưng em luôn cố gắng làm ra đồng tiền. Ở bệnh viện, nhìn cách em cố gắng, chăm chỉ, các chị điều dưỡng thấy thương tình đã kêu gọi bán bút phụ em.

Có những ngày khách đặt hàng nhiều, đặt lấy liền, Mạnh nhận lời làm, thức đêm để làm cho kịp thời gian. “Buồn ngủ cũng không dám ngủ, có khi em thức đến 2 giờ sáng, lưng đau, nhưng đối với em, lưng đau còn đỡ hơn là không có tiền”. Mỗi cây bút được Mạnh bán với giá 15 ngàn, trừ tiền mua nguyên vật liệu, em chủ yếu lấy công làm lời.

Đằng sau những đêm thức trắng

Có khi Mạnh thức vì những cơn đau không ngủ được, dù đã uống thuốc, có lúc lại phải thức để làm bút giao cho khách hàng. Nhưng việc làm bút, với Mạnh, không chỉ dừng ở chỗ kiếm tiền chạy thận, thuốc thang cho mình, mà đó còn là “nguồn lực” để em tiếp sức cho em gái đến giảng đường. “Em gái Huỳnh Thị Kim Chi, đang là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Em ráng làm phụ mẹ lo cho em, để sau này em còn có cái nghề nuôi bản thân, vì em cũng ốm yếu”, Mạnh chia sẻ.

Mạnh khoe trong niềm tự hào và hạnh phúc: “Em làm bút cũng tiết kiệm được mười mấy triệu, em để dành khi bản thân hữu sự gì mẹ có cái để lo. Nhưng mùa dịch lúc em học ở nhà không có máy, em xót quá em lấy tiền đó ra cho em gái. Cũng có lúc em nghĩ, lỡ em có gì cũng khó cho mẹ lắm nhưng nhìn em gái học trên máy tính, em lại thấy vui, vì nhiều ước muốn cả nhà gửi gắm trong việc học của em gái lắm”.

Mẹ của Mạnh ngày ngày đi làm thuê, ba của em đi phụ hồ cả ngày đau nhức lưng nhưng tối đến, cả nhà lại quây quần bên nhau phụ Mạnh làm bút bán. Em gái khi không làm bài thì cũng phụ một tay. “Em không phải chỉ học cho mình, cho ba mẹ an tâm mà học cho anh Hai, học phần mà anh Hai đã dở dang giữa chừng…”, em gái Mạnh kể.

Mạnh nghĩ cho người thân mình từ những điều nhỏ nhặt nhất, ngay cả cái chết: “Em không sợ bệnh đau, nhưng em rất sợ chết. Vì chết sẽ bỏ lại mẹ, bỏ ba, bỏ lại em gái. Người nằm xuống thì coi như xong rồi nhưng người ở lại thì chịu rất nhiều nỗi buồn đau”.

Có người anh như vậy, Kim Chi quyết tâm học, cố gắng không để phải thi lại môn nào, để gánh nặng phải đè thêm trên vai anh và ba, mẹ. “Em sợ nhất là học chưa ra trường thì anh Hai có bề gì, em không kịp báo hiếu cho anh Hai. Ước mơ duy nhất của em là làm sao có nhiều tiền để chăm sóc lại cho anh Hai khi anh bệnh nặng, cũng muốn mua cho anh Hai cái gì đó thật ngon khi mọi thứ vẫn không là quá muộn”, Chi nói.

Thấy và nghe hai đứa con của mình thương yêu nhau, người mẹ chỉ biết nín lặng, khóe mắt đỏ hoe. Hình ảnh đó tin chắc rằng bất cứ ai khi đối diện cũng sẽ cảm nhận được tình thương con khôn nguôi của người mẹ nghèo lam lũ, ẩn chứa trong từng ánh mắt, hơi thở. Mẹ của Mạnh bảo: “Có khi khóc vì thấy thương hai đứa con, hai anh em nó thương nhau mình mừng. Có khi khóc vì bất lực, thấy con đau mà ruột gan rối bời nhưng lại không làm được gì, giá như mình đau được thay con…”.

Mạnh an ủi mẹ bằng những nụ cười hiền, những lời động viên đầy ắp tình thương. “Ai đến với cuộc đời này rồi thì cũng chết. Em biết điều đó nên mỗi ngày em đều dặn mình sống phải trọn vẹn, sống hết mình, thương hết sức người thân, để sau này không có gì hối tiếc. Bữa cơm nhà em dù ăn với gì, hay có lúc em chỉ uống sữa nhưng mọi người cũng ăn cùng nhau”, Mạnh chia sẻ trong niềm lạc quan, hạnh phúc.

Kỳ 2: Người chị 17 tuổi “gánh” ước mơ của năm đứa em thơ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.