Các sư thầy chăm sóc cho các em bằng tình yêu của người mẹ.
Các em đều chung một nỗi đau là bị chính cha mẹ mình bỏ rơi, được các sư chùa Bồ Đề cưu mang, chăm sóc. Mỗi bé một hoàn cảnh, một tính cách nhưng đều yêu thương nhau như anh em một nhà. Chúng cứ thế mà lớn lên, sống trong tình yêu thương nơi cửa phật từ bi, đón nhận sự chăm sóc ân cần chu đáo của các sư, của những cụ già, những "người mẹ" chưa một lần làm mẹ ...
Nơi bình yên
Hơn một lần, tôi được nghe, đọc, xem ở đâu đó về chùa Bồ Đề, ngôi chùa chỉ cách trung tâm Thủ đô một con sông, trong vô vàn ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng chùa Bồ Đề rất đặc biệt và nổi tiếng. Bởi lẽ, ở đó không chỉ có tiếng tụng kinh gõ mõ, mà ở đó còn có tiếng khóc của hàng trăm trẻ thơ, và ở đó có những giáo lý nhà Phật rất hiển hiện mà ta có thể sờ, nắm, nhìn và ôm được vào lòng. Nhìn bề ngoài, nơi đây không khác gì những ngôi chùa khác, chỉ có điều là mỗi chiều về lại nghe tiếng trẻ con nô đùa, tiếng tụng kinh và tiếng những em bé sơ sinh khóc đòi sữa mẹ.
Vì thế người Hà Nội không mấy ai không biết đến tên chùa Bồ Đề, không chỉ bởi đó là một mái chùa đã có chiều dài lịch sử trên 600 năm mà còn bởi đó là nơi nhận nuôi dưỡng những em nhỏ bị bỏ rơi. Chùa Bồ Đề còn có tên gọi khác là Thiên sơn tự, thuộc quận Long Biên, Hà Nội, nằm cách bờ bắc cầu Chương Dương khoảng 500m về phía Nam. Mái chùa này từ khoảng hơn 20 năm nay đã trở thành mái ấm cho biết bao trẻ thơ bất hạnh từ mọi miền của đất nước... Chùa Bồ Đề hơn 20 năm trước nằm trên bờ sông vắng, bốn bề hoang sơ, tệ nạn rình rập bốn phía, một cô gái trẻ xin đến quy y. Cô sinh ra trong một gia đình mộ đạo với sáu trên bảy anh chị em đều xuất gia tu hành, cô gái ấy giờ đây là sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề. Không chỉ thế, bà còn nổi tiếng với cương vị là... mẹ của hàng trăm đứa con.
Một ngày cách đây gần 20 năm, người phụ nữ tu hành ấy bỗng dưng được những người xa lạ mang đến và "ấn" vào tay bà một đứa trẻ sơ sinh, rốn chưa rụng, mặt mũi sưng vù kiến đốt, tím tái vì bị bỏ rơi giữa đêm ngoài đường. Sư cùng nhà chùa đưa đứa trẻ đi cấp cứu, chắt chiu từng thìa sữa (khi đó chỉ là sữa đặc Ông Thọ) khe khẽ rót vào miệng đứa trẻ. “Sự nghiệp” cưu mang nuôi nấng trẻ bị bỏ rơi của sư bắt đầu như thế. Giờ đây, đứa trẻ ấy đã là người phụ nữ trưởng thành, "bé" đã xây dựng gia đình riêng và thi thoảng vẫn góp sức cùng người mẹ tu hành chăm sóc hàng trăm đứa em cùng cảnh ngộ.
Ngày lại ngày, những mảnh đời bơ vơ, những sinh linh bé bỏng lần lượt - bằng cách này hay cách khác - tìm đến núp dưới sự chở che của sư thầy. Hiện nay, "biên chế" chính thức của chùa có 98 em nhỏ, hơn 10 người già neo đơn cùng chia sẻ, neo đậu vào cuộc đời dưới mái nhà Đức Phật. "Suốt gần 20 năm, 150 đứa trẻ đã lần lượt đến nương tựa nơi này. Cách chúng đến với tôi dường như rất giống nhau, có những trường hợp khắc sâu vào lòng tôi những nỗi xót xa khó mà quên được" - Sự tâm sự. Và cũng ngần ấy năm, người phụ nữ xuất gia trở thành người mẹ đông con nhất Việt Nam vẫn bền bỉ trên con đường hạnh nguyện của mình để cữu rỗi cho nhiều cảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian.
Những đứa trẻ ở đây đều được sư thầy Thích Đàm Lan đặt cho những cái tên rất đẹp như: Kiều Vân Anh, Kiều Mỹ Anh... con trai thì thầy đặt các tên như: Cù Tuấn Anh, Cù Duy Anh... Sư thầy giải thích: “Họ Cù là họ của Đức Phật, còn họ Kiều lấy họ của bà Kiều Đàm Di, tên một nhân vật trong truyền thuyết của nhà Phật”. Thầy đặt tên cho các em là Anh với mong muốn mai này, dù đi đâu về đâu, các em vẫn nhận ra nhau, để biết nhau là “anh em một nhà”, yêu thương, đùm bọc, chở che cho nhau như lời Đức phật đã răn dạy, thấm nhuần trong dòng máu với triết lí “lấy khổ làm vui”. Năm tháng cứ dần trôi và sư thầy ngày một già đi, nhưng có lẽ có một điều mà sẽ không bao giờ thay đổi chính là tấm lòng mà sư thầy dành cho con trẻ. Có lẽ, việc chăm lo và chứng kiến những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày chính là niềm vui và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của thầy. Nhìn ánh mắt chan chứa tình yêu thương và niềm vui thể hiện trên khuôn mặt khi sư thầy kể về những đứa trẻ ở đây, tôi càng thấu hiểu được đạo của người tu hành mà sư thầy Thích Đàm Lan vẫn đang thực hiện hàng ngày, hàng giờ, không nề hà gian khổ. Bằng những việc làm thiết thực của mình, sư thầy chính là tấm gương trong việc thực hành giáo lý nhà Phật, gắn đạo với đời, vừa dốc lòng tu hành, vừa ra sức tham gia cứu nhân độ thế, vì một xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vẫn mong một vòng tay
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ rơi, đươc chùa Bồ Đề nuôi dưỡng vẫn bình yên không lo cơm ăn, áo mặc. Nhưng tôi vẫn có cảm giác, những đứa trẻ, những sinh linh bé bỏng nơi đây vẫn thèm lắm một vòng tay cha mẹ, một tình yêu ruột thịt. Mẹ Phú-một người chăm nuôi lâu năm ở chùa vừa cười vừa chỉ vào một cô bé xinh xắn đáng yêu đang ngồi chơi chiếc chong chóng nhỏ tên Trang Anh mà nói: “Em chỉ thèm được bế thôi. Cứ có anh chị sinh viên nào tới là em lại chạy tới, quấn lấy chân, khi được bế rồi mà bỏ xuống thì lại khóc ngặt nghẽo. Hỏi về với chị nhé thì cứ gật đầu lia lịa”.
Khi chơi đùa với các em, tôi mới chợt hiểu rằng những đứa trẻ này cần tình cảm gia đình đến mức nào, cần được ôm, cần được bế, được cưng nựng, được hát ru, được che chở và bao bọc bởi tình yêu thương nhưng điều đó lại quá xa xỉ. Có hai đứa trẻ nói chuyện với nhau, một bé trai vươn dài hai tay nhỏ xíu, gầy nhẳng giương ra đằng trước, nói to với người chị lớn hơn mình đúng một tuổi, mà bảo rằng: "Mẹ ơi, mẹ bế con!" và khi cô bé đó nhấc nhẹ cậu bé lên, rồi đặt xuống ngay, ôm lấy cổ cậu bé, xoa xoa cái đầu, cậu bé đã nói: "Con cám ơn mẹ".
Trường hợp khác, cô bé Quỳnh Anh 4 tuổi. Nhìn em bé xinh xắn dễ thương, ít ai tưởng tượng cô bé gặp cảnh ngộ không giống ai: Mẹ bé còn sống, chỉ cách bé con sông Hồng. Người đàn bà lỡ làng với người đàn ông của chị ta, kết quả là Quỳnh Anh ra đời trong sự bạc bẽo của cha. Mẹ bé bế con đến để ở cổng chùa, được nhà chùa mang về nuôi nấng. Một thời gian sau, người mẹ tội lỗi gọi điện cho sư thầy Thích Đàm Lan kể tả chi tiết về đứa trẻ, về những đồ vật chị ta để cùng và tha thiết xin nhà chùa cho phép đón con về nuôi dưỡng. Khi ở với người đàn ông thứ hai, sợ con gái làm ảnh hưởng hạnh phúc riêng, người đàn bà nhẫn tâm lại đem núm ruột của mình đến giao cho nhà chùa. Tệ hơn, chị ta dặn dò nhà chùa nếu chồng mới của chị hỏi, hãy nói đứa trẻ đã chết, đang được để bát hương ở chùa Bồ Đề. Quỳnh Anh nay đã 4 tuổi, được mẹ đến thăm một lần duy nhất.
Một kẻ "máu lạnh" khác cũng lỡ mang thai, được nhà chùa nuôi nấng chăm sóc khi sinh nở. Khi mẹ con cứng cáp, chị ta bế con về, nhưng sau đó bán đứa trẻ lấy 2 triệu đồng rồi dùng số tiền đó... ăn lẩu cùng mấy người bạn.
Những câu chuyện qua giọng kể trầm buồn của nhà tu hành khiến người nghe không khỏi xót xa. Ngay dưới mái chùa, dưới bàn tay Phật là những kẻ đánh rơi hết phần NGƯỜI. Trên đời có người sinh ra đã là vua, người khác sinh ra đã là tỷ phú, và cũng có những sinh linh vừa ra đời đã bị chính người sinh thành vứt bỏ. Thật đau xót biết bao!
Ước mơ của những đứa trẻ nơi cửa chùa thật nhỏ nhoi, không phải chuyện cơm ăn, áo mặc, không phải chuyện quần áo, đồ chơi, dù những cái đó, với các con cũng còn thật thiếu thốn. Ước mơ được gọi mẹ, gọi cha, giản dị và dễ dàng với biết bao đứa bé khác lại khó biết bao với những đứa trẻ đã bị những người ruột thịt bỏ rơi ngay lúc mới chào đời.
|