Những kiểu “ăn cướp” đất đền chùa - Kỳ II: Lén lút đưa “hòm công đức” vào rút trộm tiền

Được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định 1350/QĐ-UBND ngày 2/6/2006 chấp thuận thành lập Ban đại diện Phật giáo thị xã Hòa Bình. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1167/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 để thu hồi đất giao cho Ban đại diện Phật giáo làm trụ sở và xây dựng công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang.

Thấy sự uy linh và gặp nhiều may mắn khi đến cung tiến công đức xây dựng chùa Hòa Bình Phật Quang, một số kẻ cơ hội đã ngang nhiên mang 2 hòm công đức lén lút đặt xen kẽ vào các hòm công đức khác ở khu vực đền Mẫu để nhằm rút trộm tiền cung tiến, công đức của bà con, nhân dân phật tử gần xa…

Những kiểu “ăn cướp” đất đền chùa - Kỳ II: Lén lút đưa “hòm công đức” vào rút trộm tiền ảnh 1
Chánh điện Tam Bảo Chùa thượng Hòa Bình Phật Quang đang được xây dựng. Trong tương lai, quần thể Khu văn hóa tâm linh Hòa Bình sẽ là một trong những khu văn hóa lớn nhất vùng Tây Bắc.

Cháy nhà, ra mặt chuột

Sau khi được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận thành lập và giao đất, Ban đại diện Phật giáo Hòa Bình đã đi vào hoạt động. Thấy được sự nhân đức, ân tình và tôn trọng của đông đảo nhân dân trong vùng, trong đợt bầu chọn người lãnh đạo, Đại đức Thích Đức Nguyên đã được bỏ phiếu tín nhiệm cao nhất và giữ chức Chánh ban đại diện. Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký Quyết định số 044 ngày 13/6/2007 đồng ý thành lập và phê chuẩn nhân sự của Ban đại diện, Đại đức Thích Đức Nguyên giữ chức Chánh ban.

Trước lời kêu gọi của Ban đại diện Phật giáo, bà con nhân dân cả nước cùng chung tay góp sức xây dựng nên ngôi chùa Hòa Bình Phật Quang. Nhiều công trình bằng nguồn tiền của nhân dân đóng góp đã được xây dựng. Trong cả một khu rộng như thế, những người trông coi chủ yếu là làm công đức, không lương, làm vì cái tâm. Bên cạnh đó lại bắt đầu xuất hiện một số kẻ vụ lợi, cơ hội dựa vào đây hòng ăn cắp tiền của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Vân - Thư ký Ban đại diện cho biết, cả khu văn hóa tâm linh rất rộng, Ban đại diện đã giao cho ông Đoàn Văn Thạc có nhiệm vụ trông coi, hàng ngày mở cửa để nhân dân vào thắp hương ở Khu đền mẫu. Bẵng đi một thời gian, Ban đại diện bỗng phát hiện ra trong khu này có hai hòm công đức rất to được khênh vào đây từ lúc nào, cũng dán chữ “Hòm công đức” đặt trịnh trọng ngay trước Ban thờ Mẫu bên cạnh các hòm công đức khác có ở đây từ trước. Ngay lập tức, Ban đại diện đã họp để xác minh xem ai là người đặt trộm hai hòm công đức vào đây có dụng ý gì, có được sự đồng ý của ai không. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Thạc - người trực tiếp trông coi Khu đền mẫu đã chối bay chối biến rằng không biết ai mang hai hòm công đức đặt vào đó.

Sau đó, Ban đai diện phật giáo đã làm công văn gửi các cơ quan chức năng của địa phương thông báo rộng rãi về việc có những kẻ vụ lợi và đề nghị các cơ quan chức năng đến tịch thu hai hòm công đức trái phép. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua nhưng vẫn không có ai đến nhận. Lúc này, thông tin đã tới tai khá nhiều phật tử và rất nhiều người bất bình trước việc “mọc” ra hai hòm công đức vô lý đó. Bất bình, chiều 27/1/2010, Hội phật tử đã đồng loạt đến khênh hai hòm công đức ra khỏi Khu đền mẫu để đưa vào kho chứa làm tang vật. Thấy hai hòm công đức bị khênh ra khỏi Khu đền mẫu, lúc này một số kẻ cơ hội lợi dụng tín ngưỡng bắt đầu nhảy ra giữ hòm. Trong một cuốn băng ghi hình lại toàn bộ vụ việc mà chúng tôi có được, người đầu tiên là ông Đoàn Văn Thạc. Ông này khăng khăng không cho mọi người khênh hai hòm công đức ra khỏi đây vì hai hòm này được Xí nghiệp gạch Hòa Bình cung tiến, phải tôn trọng họ. Mọi người hỏi vặn lại “thế chìa khóa của 2 hòm đâu? Sao lúc trước ông không báo cáo? Họp nhiều lần mà ông vẫn bảo không biết, giờ ông lại nói ra, có phải ông cố tình giấu chìa khóa để tư lợi tiền túi không?”. Rất tiếc, ông Thạc không trả lời những câu hỏi này.

Tiếp đến, gương mặt thứ 2 là ông Đỗ Mạnh Tường, tổ trưởng tổ 21, P.Tân Thịnh, TP Hòa Bình. Mặc dù chẳng có liên quan gì ở đây, song ông Tường thản nhiên quát tháo, không cho mọi người khênh hai cái hòm đi, cứ oang oang: “Tôi là người chịu trách nhiệm ở đây, chưa thấy chính quyền gì báo cáo cho tôi biết thì không ai được mang hai cái hòm này đi, cứ để đây rồi hạ hồi phân xử”. Rồi ông Tường cũng xông vào đùn đẩy, đôi co với mọi người. Sau một hồi đối chất trực tiếp về tính gian dối, lợi dụng cái chung để tư lợi cái riêng, nhóm ông Thạc ông Tường đã bị mọi người vạch mặt về tính cơ hội để ăn trộm tiền. Đuối lý, nhóm người này đành để mọi người khênh 2 cái hòm công đức vào nhà kho niêm phong. Cũng kể từ đây, ông Đoàn Văn Thạc bắt đầu đi kiện cáo khắp nơi để bôi xấu thanh danh của Đại đức Thích Đức Nguyên và mọi người. Hàng trăm lá đơn vu khống cướp két sắt được gửi khắp nơi. Và người ký là một nhóm gồm: Đoàn Văn Thạc, Đỗ Mạnh Tường, Nguyễn Thị Tám, Xa Lệ Thủy…

Những kiểu “ăn cướp” đất đền chùa - Kỳ II: Lén lút đưa “hòm công đức” vào rút trộm tiền ảnh 2
Trưởng xóm 21 Đỗ Mạnh Tường đối chất với phóng viên Báo Xây dựng đã khẳng định mình không sai khi xuất hiện ở Khu đền mẫu và đòi giữ lại 2 hòm công đức.

Những kiểu “ăn cướp” đất đền chùa - Kỳ II: Lén lút đưa “hòm công đức” vào rút trộm tiền ảnh 3
Hai hòm công đức được lén lút đưa vào nhà thờ mẫu để kiếm chác đã bị nhân dân phát hiện và lập biên bản.

Động cơ đã rõ

Điều tra, chúng tôi được biết, khu đồi Ba Vành trước đây được Tổng đội thanh niên xung phong (thuộc TCty Sông Đà) trồng cây, phủ xanh núi đồi. Lúc đó, một số đội có thuê ông Đoàn Văn Thạc mới chân ướt chân ráo từ xã Dân Chủ sang đào hố, trồng cây thuê cả khu đồi. Vào khoảng năm 1996, một số người trồng rừng thấy được sự may mắn nào đó khi thờ cúng ở đây nên mạnh ai người đó lập miếu. Bà Nguyễn Thị Điền, một hộ dân ở dưới chân đồi lập 1 đền, bà Ngô Thị Sen cũng lập 1 đền. Thấy 2 đền này có khá đông người đến lễ, ông Thạc đang trồng rừng ở trên đỉnh đồi cũng vận động tự xây dựng một gian để thờ cúng. Sau đó, các vị “chủ đền” này có sự mâu thuẫn. Việc này đã khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc, gian thờ do ông Thạc làm chủ đã bị yêu cầu dỡ bỏ. Ông Thạc xuống xin bà Sen cùng làm chung, gian thờ của bà Điền tự giải tán.

Vượt quyền UBND thị xã Hòa Bình, ông Nguyễn Đình Tâm - Trưởng phòng VH&TT ngang nhiên ký Quyết định số 39/QĐ-VH ngày 2/7/2002 giao trách nhiệm bảo quản khu di tích Đền Mẫu cho ông Thạc và bà Sen, để sau này ông Thạc lấy đó làm “tấm bùa” cho mình là người “có công” với Khu di tích.     

Chị Nguyễn Thị Phượng, một người có mặt trong buổi cưỡng chế, khênh 2 hòm công đức trái phép đó ra khỏi khu đền mẫu cho biết: “Đền Mẫu nằm trong quần thể khu văn hóa tâm linh, chịu sự quản lý của Ban đại diện Phật giáo, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và ra quyết định. Từ trước đến giờ, Ban đại diện chỉ cho đặt 2 hòm, ông Thạc lén lút câu kết với người khác mang thêm 2 hòm vào đặt trong này. Chìa khóa 2 hòm công đức Ban đại diện không có, không biết người cung tiến... Như vậy tiền của nhân dân cung tiến xây dựng sẽ bị lọt vào tay những kẻ xấu, nên Hội phật tử chúng tôi quyết định khênh 2 hòm này ra khỏi Đền Mẫu”.

Qua điều tra chúng tôi thấy: Tuy là một tổ chức xã hội nhưng việc thu chi của Ban đại diện Phật giáo Hòa Bình là khá minh bạch và khoa học. Mọi khoản tiền công đức của phật tử của cả nước cung tiến, đóng góp xây chùa đều được ghi công khai. Ban đại diện đã làm được nhiều công trình đi vào tầm thế kỷ như Khu Tam Bảo trên đỉnh chùa chính, đúc quả Đại hồng chung lớn gần nhất Việt Nam và Đông Nam Á; nhiều công trình khác cũng đang được gấp rút xây dựng…

(Còn nữa)


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.