Những kiệt tác của thời gian

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1273 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1273 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Theo sử liệu và những công bố khảo cổ học, Phật giáo du nhập vương quốc Chăm-pa rất sớm, có thể vào khoảng thế kỷ thứ I theo con đường truyền vào từ Ấn Độ và phát triển mạnh mẽ suốt nhiều thế kỷ.

Những ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo đối với mọi mặt của đời sống Chăm-pa thời bấy giờ, đặc biệt trên phương diện văn hóa - nghệ thuật có thể được nhận biết qua những di sản vật thể gắn liền với nền văn hóa này.

Đáng kể nhất là di tích Phật viện Đồng Dương, một trong những công trình nổi tiếng minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo tại Vương quốc Chăm-pa. Phật viện Đồng Dương được xây dựng tại kinh đô Indrapura (nay thuộc H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vào khoảng thế kỷ IX, bởi vị vua cũng đồng thời là một Phật tử: Indravarman II.

Cùng với thời gian và nhiều nguyên nhân khách quan khác, Phật viện Đồng Dương chịu sự tàn phá nặng nề. Hiện nay, một số lượng các hiện vật gắn với Đồng Dương đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa (Đà Nẵng), trong đó có tôn tượng Bồ-tát Laksmindra-Lokesvara, hay còn được định danh là Bồ-tát Tara, được phát hiện năm 1978 bởi người dân địa phương. Năm 2012, tôn tượng này được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh Đồng Dương, những hiện vật được phát hiện tại di tích khác trải dài từ Bắc đến Nam Trung Bộ cũng minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo tại Chăm-pa, cụ thể là Phật giáo Đại thừa. Trong số các tôn tượng Bồ-tát gắn với văn hóa Chăm-pa được công nhận là Bảo vật quốc gia, bên cạnh tôn tượng Bồ-tát Laksmindra-Lokesvara, còn có thể kể đến hai tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm khác hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, đó là tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được phát hiện tại Đại Hữu (Quảng Bình) và tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được phát hiện tại Hoài Nhơn (Bình Định).

Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Đại Hữu được Henry de Pirey tìm thấy trong chuyến đi tại vùng Đại Hữu (Quảng Bình) và được đưa vào Bảo tàng Louis Finot năm 1923, về sau được đưa vào Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Tượng bằng đồng nguyên khối nặng 35kg, cao 52cm, được xác định niên đại tạo tác vào khoảng thế kỷ X. Tượng thể hiện hình tướng Bồ-tát Quán Thế Âm trong tư thế đứng với 4 tay, dáng người thon nhỏ, ngực trần phủ đầy trang sức, tai, cổ, bắp tay, cổ tay, cổ chân cũng mang rất nhiều chuỗi vòng,... Khuôn mặt tượng tròn đầy, đầu đội chiếc vành trang sức trên trán ôm búi tóc cao có chạm tượng Phật ngồi phía trước. Tượng có 4 tay; 2 tay sau hơi cong vào, một tay cầm quyển sách, một tay cầm chuỗi hạt; 2 tay trước đưa ra cầm nụ sen và bình nước cam lồ. Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Đại Hữu được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Hoài Nhơn được phát hiện tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, được đánh giá có tính tiêu biểu cho sự cải tiến kỹ thuật tạo tượng đồng của các nghệ nhân Chăm-pa vào thế kỷ VIII - IX. Tổng thể khối tượng cao 64cm, nặng 40kg. Về hình thức thể hiện, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Hoài Nhơn tương tự như tượng Đại Hữu, tuy nhiên các chi tiết trên thân tượng như trang sức, nếp váy áo, búi tóc có phần giản lược hơn. Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Hoài Nhơn được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Bên cạnh hai tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Đại Hữu và Hoài Nhơn được công nhận Bảo vật quốc gia, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng lưu giữ một số tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác như các tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tìm thấy tại Thủy Cam (Huế) có niên đại thế kỷ VIII - IX; tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tìm thấy tại Mỹ Đức (Quảng Bình) có niên đại thế kỷ VIII - IX; tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tìm thấy tại Phan Thiết (Bình Thuận) có niên đại thế kỷ VII - VIII. Tất cả những kiệt tác vô giá tồn tại qua suốt hàng ngàn năm ấy là minh chứng sống động cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo và sự thăng hoa của nghệ thuật Vương quốc Chăm-pa xưa trong dòng chảy của lịch sử trên dải đất miền Trung Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.