GN - Thỉnh thoảng có vài người lạ lạc chân đến Sơn Cốc. Họ không giống như những vị khách du lịch quen đi theo tour, ăn những bữa cơm được đặt sẵn, đến nơi nào cũng cưỡi ngựa xem hoa chớp nhoáng rồi đi. Khách đến đây thường ít lăm lăm máy ảnh trên tay. La cà hết chỗ này đến chỗ khác mà có khi đêm nằm mới nhớ ra mình chưa chụp lại bức ảnh nào. Nhưng may quá, những khoảnh khắc ấy đều đã được lưu lại trong tim.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thằng nhỏ tên Cá mà Khách gặp trong quán ngô nướng nói: “Xứ này không có gì ngoài những câu chuyện vặt”. Khi Khách hỏi về ẩm thực, thằng Sóc bật cười bảo: “Đặc sản ở xứ này không phải là món ăn. Đặc sản ở xứ này là nỗi buồn”. Khách thấy hơi hoang mang khi những chặng đường mình đi qua chỉ gặp những đứa trẻ thoắt ẩn thoắt hiện. Khách ví bọn trẻ như những bông hoa dại. Nhẩn nha mọc đâu đó ven đường. Tựa như chúng ở đó chờ đợi Khách đến để rủ rỉ kể câu chuyện đời mình. Những câu chuyện chúng kể không có gì to tát giật gân. Tựa như chuyện cướp, giết, hiếp tràn trề trên các mặt báo chưa từng lọt vào Sơn Cốc. Có vài người không đủ kiên nhẫn nghe chúng kể đã đứng dậy vuỗi mông quần dính đầy cỏ may và đi không ngoảnh lại. Nhưng cũng có nhiều người như Khách sẵn sàng lấy tay kê đầu thong thả nhâm nhi thứ đặc sản buồn.
Căn lều của Cá nhỏ xíu mọc bên lề đường như sự cứu cánh của bất kỳ vị khách nào lang bạt tới đây. Bởi suốt chặng đường dài mấy chục cây số gần như Khách không nhìn thấy mái nhà, con người hay ánh lửa nào ấm áp. Chỉ có gió thổi hun hút xuyên qua cánh đồng khô hạn, xuyên qua Khách. Xứ này lạ lắm, một mình một kiểu thời tiết. Trước khi vào Sơn Cốc thời tiết nóng chảy mỡ, hầm hập như lò nướng. Vậy mà chỉ cách một cây cầu rêu cũ Khách bị lôi tuột vào xứ lạnh. Không đến mức rét cắt da cắt thịt nhưng do chuyển vùng thời tiết đột ngột nên cơ thể Khách bị sốc. Bệnh viêm họng hạt mãn tính phát cơn khiến Khách ho dọc đường đi. Gằn ra mà ho như chỉ muốn thò tay vào cổ họng cào cấu cho đỡ ngứa. Gió và gió. Khách thèm một chốn nghỉ chân tạm bợ có lửa ấm và một tách cà-phê thì tốt biết bao. Cá cười: “Ở xứ này kiếm đâu ra cà-phê. Nhưng lửa ấm thì luôn sẵn”. Khách hơ tay trên ngọn lửa dính dấp mật ngô. Không có cà-phê thì nhấm nháp ngô nướng cũng quá lý tưởng. Cá thu xếp cho Khách một chỗ ngồi ấm áp trong lều rồi lúi húi nướng ngô. Gáy thằng nhỏ có những mụn thịt thừa hình vảy cá mọc khít với nhau. Nếu nghiêng đầu Khách có thể nhìn thấy chiếc vảy cá ấy lấp lánh ánh bạc. Có thể là bẩm sinh, cũng có thể do ánh mặt trời chiếu xuống hoặc ánh lửa hắt lên. Khách hỏi, Cá cười bảo:
- Nếu anh vô tình gặp mẹ em ở đâu thì hãy hỏi mẹ em. Nó nằm sau gáy mà, em ngoảnh lại cũng không nhìn thấy nó. Nhưng mẹ em thì nhìn rất rõ.
- Có bao giờ mẹ tả cho em nghe về những mụn thịt thừa?
- Em còn chưa kịp hỏi thì mẹ bỏ đi, cũng có thể vì những mẩu thịt thừa quái đản. Dân làng nói: “Kể từ khi thằng Cá ra đời, nước sông cạn sạch”. Chú nhìn thấy không, chỗ trũng kia từng là một dòng sông nước xanh như ngọc bích. Khi ấy mảnh đất này trù phú lắm. Cây cối tốt tươi, cánh đồng quanh năm xanh mướt. Nhà cửa cũng không thưa thớt thế này. Sông cạn, cánh đồng không có nước tưới chết dần mòn. Những giếng nước trong làng cũng cạn khô tận đáy. Dưới sông những con cá phơi bụng chết. Nghe nói vảy của chúng cũng lấp lánh y như những mụn thịt thừa sau gáy em. Ấy là em nghe dân làng nói vậy.
Mắt Khách đăm đăm nhìn về phía từng là một dòng sông. Mường tượng ra thằng Cá từng lặn ngụp dưới sông những buổi chiều mùa hạ. Chỗ tảng đá lớn nhô lên kia mẹ nó và những người đàn bà có lẽ đã nhiều lần ngồi giặt chiếu, cọ chân. Cha thằng nhỏ có lẽ bận giăng câu ở một khúc sông nào đó. Mới nghĩ đến đó thôi thì thằng nhỏ quả quyết:
- Em không có cha. Mẹ nói em sinh ra từ mỏm đá. Nếu thay vì mọc vảy cá mà trên người mọc lông thì chắc em đã nghĩ mình giống Tôn Ngộ Không. Không phải đứa trẻ nào cũng cần có cha. Em chưa từng có cha dù chỉ một ngày nên em không thấy cần thấy nhớ. Giống như những món chưa từng ăn thì anh sẽ không thấy thèm.
- Cứ cho là thế đi nhưng không có đứa trẻ nào được sinh ra mà không cần đến cha cả. Nhóc ạ.
- Chẳng có gì là không thể. Hôm nọ nghe radio nói có bà mẹ gào lên thảm thiết: “không có bà mẹ nào đang tâm vứt bỏ con mình”. Thằng bạn em cứ khóc thút thít vì nhớ người mẹ đã chết. Em thì chỉ thấy nực cười. Ai bảo mẹ không thể bỏ con? Mẹ em vẫn bỏ em đi theo người đàn ông buôn gỗ đấy thôi.
- Vậy còn những người làng giờ chuyển đi đâu?
- Họ chuyển sâu vào trong thung lũng. Ở đó mưa thuận gió hòa. Những mạch nước ngầm trong vắt và ngọt như sữa mẹ.
- Chú em nói dối, làm sao mà chú em nhớ được mùi vị của dòng sữa mẹ.
- Em bú mẹ đến tận khi sáu tuổi. Đêm trước hôm mẹ đi bụng em còn ấm ran sữa mẹ. Sáng ra còn tưởng môi mình ngậm bầu ti mẹ. Ai ngờ…
- Làm gì có bầu ngực người mẹ nào tiết sữa trong suốt sáu năm trời. Chú chỉ giỏi nói khoác thôi.
- Chẳng gì là không thể. Đến người mẹ ôm ấp nuôi nấng con suốt sáu năm trời bằng bầu sữa của mình mà vẫn còn có thể bỏ rơi con trong một buổi sớm mai.
Khách ngó mặt Cá không thấy vẻ trách móc oán hận gì dù nó cứ đay đi đay lại việc mẹ bỏ rơi mình. Khách mệt, nằm ngả lưng xuống đống nilon trong lều. Những chiếc vảy cá sau gáy thằng nhỏ cứ lấp lánh trong mắt Khách.
* * *
Tạm biệt Cá, Khách đi mang theo lời nhắn nhủ: “Nếu gặp mẹ em đâu đó thì nhớ nói thằng Cá vẫn sống tốt, đừng lo”. Khách không nhớ mình đã lên xuống bao nhiêu dốc núi. Bỏ lại phía sau cánh đồng khô hạn để chui tọt vào màu xanh kỳ vĩ của núi rừng. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc Khách thả đèo trôi xuống đáy Sơn Cốc. Đây chính là thung lũng được thằng Cá nhắc đến, một vùng đất lý tưởng mà nó đã khước từ. Cảm giác như mọi buồn phiền đã ở lại phía sau. Khách nghĩ mình đang trôi vào lòng một viên ngọc đẹp. Trong lành và bình yên quá đỗi. Những nụ cười hiền hậu, những bước đi thong thả cho thấy nơi đây con người ưa sống chậm. Khách chú tâm đến những người đàn bà, chắc bởi vì lời nhờ của Cá. Biết đâu Khách lại gặp người mẹ đã bỏ con mình ở xứ hạn để đến đây. Nếu gặp, Khách có vài điều tò mò muốn hỏi.
Người đầu tiên níu Khách lại là một thằng nhỏ chừng bảy, tám tuổi. Nó tên Sóc, ngồi ở hồ sen bán những nụ trà sen. Mỗi một ấm trà được ủ trong một bông sen. Khách ngồi xuống xem Sóc nhẹ nhàng dốc trà từ nụ sen vào ấm. Trà được nâng niu qua từng động tác nhẹ nhàng khéo léo. Khách vừa ngả lưng xuống chõng đã thiu thiu ngủ giữa ngan ngát hương sen. Cho đến khi Sóc lay nhẹ bảo: “Trà đã được”. Thằng nhỏ cười ái ngại phân bua: “Uống trà không thể tùy tiện được. Vội vàng thì không cảm nhận được hương vị của trà. Mà dề dà quá thì trà nguội, phải đổ đi. Cứ đủng đỉnh nhâm nhi, trà vì môi người mà đượm”.
Khách nhắm mắt nhấp một ngụm trà, như thấy sen nở trên môi mình tỏa hương dìu dịu. Nuốt trà vào bụng ấm ran, cồn cào như là đang nhung nhớ. Cảm giác này đã lâu lắm Khách không có được, kể từ khi mẹ mất. Ký ức là thứ Khách không muốn nhớ vì nó chỉ càng làm cho người ta nghĩ đến sự mất mát không gì bù đắp được. Nên cứ mỗi khi biết mình sắp chìm trong nhung nhớ là Khách phải tự khuấy động cảm xúc của mình để không bị chìm nghỉm trong mớ ký ức hỗn độn. Khách quay ra hỏi Sóc:
- Những nụ sen ướp trà này em hái lúc còn tờ mờ sáng đúng không?
- Dạ! Đêm hôm trước em chèo xuồng thả từng nắm trà vào nụ sen. Sáng hôm sau lại chèo xuồng đi hái sớm. Có như vậy thì trà mới thơm mùi nhụy sen, vị bùn non, của những giọt sương núi tinh khôi ngọt mát.
- Có phải em đã ngủ dưới đầm sen không mà đến cả tóc em cũng ngát hương sen vậy?
- Thì em được sinh ra từ sen, là con của sen mà. Ủa, anh không tin sao? Sư thầy nói một sớm dậy xuống hồ múc nước thấy em ngủ giữa những cánh sen. Em được mang về nuôi lớn trong chùa. Khi nào rảnh mời anh lên chùa ngồi uống trà đàm đạo với sư thầy.
- Chùa có xa không em?
- Phía bên kia hồ có một con đường men theo sườn núi. Anh cứ đi rồi sẽ tới chùa.
- Ngày nào em cũng đi bán thế này à? Tối rồi sao còn chưa về chùa?
- Em vừa ngồi bán trà vừa đợi một người để trả đồ. Sư thầy nói lúc bế em từ chiếc xuồng chất đầy cánh sen thấy có một sợi dây chuyền mặt ngọc. Em nghĩ chắc sẽ có người tới nhận lại. Cầm tay nặng tay, đeo cổ nặng cổ, cất trong túi thì nặng túi, giữ lại chỉ nặng lòng. Nhưng đã chắc gì người ta quay lại đúng không anh?
Thằng nhỏ cúi đầu, hai bàn tay chụm lại ấp một nụ sen. Nó nói nhiều năm nay thích ngủ dưới đầm sen trên một chiếc xuồng nhỏ. Đến mùa sen thì hái những bông sen sắp tàn chất đầy trong xuồng. Lòng xuồng như lòng mẹ. Những cánh sen vỗ về Sóc từ cái ngày nó bị bỏ rơi dưới đầm sen. Khách nghĩ giá mà nó cứ tin mình được sinh ra trong một nụ sen có lẽ sẽ tốt hơn. Trên suốt quãng đời phiêu bạt của mình, Khách gặp không biết bao nhiêu đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có một câu chuyện để kể về chính thân phận mình. Thấp thoáng trong những câu chuyện đó luôn là hình ảnh người mẹ. Có người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi con khôn lớn. Có người mẹ cắt một bên thận cứu con. Có người mẹ bán máu lấy tiền cho con đóng học. Và cũng có những người như mẹ của Cá, của Sóc đã bỏ lại con mình. Họ có quay lại tìm con hay không nào ai biết. Nhưng hình ảnh họ chắc chắn sẽ theo những đứa trẻ suốt đời.
Có một điều mà Khách không biết rằng. Có rất nhiều đứa trẻ hàng ngày ngoài mong ngóng mẹ thì còn chợ đợi Khách. Bởi chúng tin rằng Khách sẽ gặp mẹ chúng, sẽ gửi lời nhắn nhủ và sẽ quay trở lại nói với chúng một vài điều gì đó. Có khi chỉ là lời thô ráp như lá duối: “không có người đàn bà nào tôi từng gặp chịu nhận mình có đứa con lấp lánh đầy vảy cá”. Cũng có khi là lời sương khói: “có vài người đàn bà từng mơ thấy mình bỏ lại đứa con giữa những cánh sen”…