Những di chỉ cổ ở chùa Đà Sơn cần được bảo vệ

GN - Làng Đà Sơn thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố về phía Tây nam chừng 8km.

Nơi đây có ngôi chùa Đà Sơn gắn liền với truyền thuyết “bà lão mò ốc được chuông thiêng”, nhưng ít ai biết rằng vùng đất thiêng liêng này còn đang lưu giữ 5 di chỉ khảo cổ có giá trị lớn lao trong đời sống văn hóa của một làng quê đúng nghĩa của bản sắc truyền thống văn hóa làng Việt Nam, vẫn còn cây đa, giếng nước, mái đình…

Lần theo di chỉ 5 báu vật trong làng

“Theo những văn tự khắc trên đại hồng chung tại chùa Đà Sơn: Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Lễ Dương huyện, Thăng Hoa phủ, Đà Sơn xã, Tây Linh tự..., cho thấy quả chuông được đúc vào đời vua Cảnh Hưng thứ XVI - tháng Chạp năm 1755”,  cụ Nguyễn Văn Tài, người đã hơn 100 tuổi hiện đang còn sống trong làng kể lại.

Thanh nam8.JPG

Quang cảnh chùa Đà Sơn với cây sanh cổ sắp bị giải tỏa - Ảnh: T.Nam

Theo bài văn tế được đọc thường niên trong lễ tế đình làng thì chùa có thờ tượng một cụ bà bên hông có mang chiếc giỏ mò cua, bắt ốc. Tích chuyện kể rằng nhân một buổi nọ bà xuống đồng làng bắt ốc, mò được một vật rất to và nặng nên báo dân làng Đà Sơn và dân làng bên cùng góp sức xuống ruộng Vũng Điền đưa lên, thì ra đó là quả đại hồng chung. Dân hai làng kiện quan  vì tranh chấp, làng nào cũng muốn sở hữu quả chuông, vị quan bèn phán: “Bên nào khênh được quả chuông thì mang về lập chùa thờ cúng”.

Làng bên rất đông dân binh, nhưng khi hợp sức khiêng chuông năm lần bảy lượt đều bị đứt dây, không nhấc nổi quả chuông. Đến phiên thanh niên làng Đà Sơn cử đại diện hương nhang khấn nguyện rằng: “Cho làng chúng tôi khiêng chuông, nếu trên đường đi, dây đứt ở đâu, làng tôi lập chùa thờ chuông ở đó”, thì quả nhiên, quả chuông được nhóm thanh niên trai làng Đà Sơn di chuyển nhẹ nhàng.

Khi khiêng chuông đi qua một gò đất cao ráo, chuông bị đứt dây, dân làng Đà Sơn liền lập chùa thờ phụng trang nghiêm quả chuông thiêng liêng này. Sau đó ít lâu, bà lão bắt ốc cũng biến mất, nên dân làng đúc tượng thờ bà trong ngôi chùa này.

Thanh nam5.JPG

Cây cốc đại thụ được dân làng thờ cúng

Hiện nay chùa Đà Sơn đang còn gìn giữ quả chuông có chiều cao thân khoảng 1,2 m, đường kính 0,67m, nặng 450kg, có nhiều chi tiết hoa văn rất lạ, vô cùng tinh xảo với hình lưỡng long tranh châu, quanh thân có hiện năm dòng kẻ dọc, với nhiều nét hoa văn cổ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là đặc trưng nghệ thuật giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm.

Chuông đã được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cấp Chứng nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh số 319/VHTT ngày 1-12-1994, cùng lăng mộ Công chúa Trần Ngọc Lãng và lăng mộ Phò mã Phan Công Thiên được chôn cất trên địa phận của làng.

Cùng với các di chỉ cổ nêu trên, theo nhiều cụ lão niên, trong làng có 2 cây đại thụ mà từ nhiều đời người dân ai ai cũng đều quý kính, đó là cây sanh hơn 200 năm tuổi trong khuôn viên chùa và cây cốc cổ thụ chưa xác định được năm tuổi nằm cách chùa Đà Sơn chừng 70 mét.

Lịch sử thăng trầm ngôi chùa Đà Sơn

Trở lại lịch sử hình thành ngôi chùa theo truyền thuyết liên hệ đến bà lão mò cua bắt ốc và quả đại hồng chung đã nói, chùa được dân làng chung sức cất lên trên một nền đất rộng với 5 gian, 3 dãy, rộng chừng 2.000m2 bằng nhiều gỗ quý, thi công trong ba năm mới hoàn thành.

Vào những năm giặc Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, chúng đã dồn hết rơm rạ hai làng chất quanh ngôi chùa uy nghi châm lửa đốt, chùa cháy hơn ba ngày đêm cùng nhiều pho tượng gỗ quý đã biến thành tro bụi. 

Thanh nam1.JPG

Chuông cổ đúc vào đời Cảnh Hưng thứ XVI

Năm 1970, dân làng lập lại trên đất chùa ngôi Tam bảo bằng tranh tre, mái tôn để làm nơi tu tập, thế rồi trận bão lịch sử năm 1989 cũng đã làm sập ngôi chùa làng Đà Sơn lần nữa. Đến năm 1993, chùa được xây dựng lại khang trang và lấy tên là chùa Long Sơn. Năm 2011, Ban hộ tự đề nghị lấy lại tên chùa theo tên làng là chùa Đà Sơn cho đến ngày nay.

Gian nan dặm trường tái thiết ngôi chùa

Theo Công văn số 129/SXD-QLKT của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày 10-1-2013 trả lời việc xây dựng nhà Tăng, tháp chuông của chùa Đà Sơn, Sở Xây dựng không có cơ sở để cấp phép xây dựng, vì lý do chùa nằm trong quy hoạch mở rộng đường 20,5m thuộc dự án tái định cư phục vụ giải tỏa khu kho tàng, cơ sở sản xuất sau ga đường sắt mới của TP. Đà Nẵng.

Đại đức Thích Pháp Đạo, trụ trì chùa Đà Sơn cho biết: “Theo sơ đồ phương án mở đường, khuôn viên chùa phải thâu vào chiều sâu 7,24m, dài 40m, trong đó có cây sanh cổ quý giá sẽ bị loại bỏ. Được tin đó, nhân dân trong làng rất lo lắng, buồn phiền vì đó là một trong những đại thụ thiêng liêng của làng, mỗi khi có việc đưa rước ngang qua đây, mọi người đều kiêng nể đi vòng đường khác, vật quý kính của làng lâu nay nằm trong khuôn viên chùa ai nấy đều yên tâm, thế mà nay…” - Đại đức bùi ngùi.

Thanh nam6.JPG

Giếng nước cổ bên hông chùa Đà Sơn - Ảnh: Thanh Nam

Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên xem xét nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân, đề xuất lãnh đạo thành phố có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm bảo tồn cây sanh cổ quý hiếm, tạo điều kiện cho dân làng cùng chùa Đà Sơn bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, góp phần vào việc làm điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu lịch sử, bởi trên mảnh đất này lưu giữ nhiều di chỉ văn hóa mà không phải làng quê nào cũng bảo lưu được, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt, trên tinh thần đạo pháp song hành cùng văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.