Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM với chư tôn giáo phẩm tại trụ sở số 55 Mạc Đĩnh Chi nhằm trao đổi nguyện vọng của giới Phật giáo chuẩn bị thành lập THPG TP trước ngày lễ Phật đản PL.2526 - DL.1982 - Ảnh tư liệu GN
Từ mùa xuân năm Canh Thân (1980) và sự ra đời GHPGVN…
Trong thời điểm cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra, chư vị Hòa thượng từ trong chiến khu trở về, như: HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Thiện Hào…, quý Hòa thượng này và một số vị giáo phẩm khác ở TP.HCM đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong bối cảnh thời bấy giờ, chư vị giáo phẩm của các tổ chức, Giáo hội, hệ phái đã nhất trí thành lập Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước - thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.
HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM nhớ lại: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) lúc bấy giờ không đứng vào Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước nhưng vẫn hoạt động độc lập, tồn tại và lãnh đạo ở tất cả các tỉnh, thành phía Nam. Lúc bấy giờ, thành viên GHPGVNTN, một số vị di tản ra nước ngoài. Cho nên, GHPGVNTN cũng tiến hành Đại hội Phật giáo năm 1976 để kiện toàn trở lại Giáo hội. Khi kiện toàn GHPGVNTN, tôi được bổ sung làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, và GHPGVNTN đã sinh hoạt trở lại một cách bình thường”.
HT.Thích Trí Quảng cho biết thêm: “Chính trong lúc đó, chính quyền thành phố cũng công nhận sinh hoạt của GHPGVNTN, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang (kéo dài đến 1979). Lúc bấy giờ, cụ Nguyễn Văn Linh, Bí Thư Thành ủy TP.HCM gặp gỡ các vị lãnh đạo TP và nhận xét GHPGVNTN có công lớn đối với dân tộc qua phong trào đấu tranh Phật giáo 1963, xét kỹ đa số cũng là thành phần yêu nước nên cụ mới gợi ý thống nhất Phật giáo trở lại một lần nữa. Lần thống nhất này bao gồm chư tôn đức trong Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước và GHPGVNTN và Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam miền Bắc. Ba thành phần chính này họp lại thành Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (Ban Vận động) vào mùa xuân năm Canh Thân -1980.
Ban Vận động lúc bấy giờ do HT.Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo tại Ấn Quang được tất cả các Hòa thượng đồng suy cử lên làm Trưởng ban Vận động; các vị giáo phẩm như HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Mật Hiển, HT.Thích Bửu Ý, HT.Thích Giới Nghiêm đảm nhiệm Phó Trưởng ban Vận động; HT.Thích Thiện Hào, Ủy viên Thường trực Ban Vận động; TT.Thích Minh Châu, TT.Thích Từ Hạnh lần lượt Chánh, Phó Thư ký và các vị khác. Như vậy, bộ phận đi vận động thống nhất Phật giáo chủ yếu là chư tôn giáo phẩm GHPGVNTN”.
HT.Thích Trí Tịnh, Trưởng BTS THPG TP.HCM nhiệm kỳ đầu tiên (ảnh chụp năm 1982) - Ảnh: TL |
Đúng như tên gọi và danh xưng “Ban Vận động Thống nhất Phật giáo”, trong bối cảnh đất nước độc lập, thống nhất toàn vẹn, với kinh nghiệm quý báu của quá khứ và sự quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử quyết tâm sẽ thành lập một ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam rộng lớn với quy mô cả nước đúng với danh nghĩa của nó.
Sự thống nhất này dựa trên nguyên tắc “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành vẫn được duy trì”, với mục đích như Nghị quyết lần đầu tiên của Ban Vận động đã nêu: “Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy hơn nữa truyền thống gắn bó, hài hòa giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của Tăng Ni, đồng bào Phật tử đúng theo lời Phật dạy”.
Ban Vận động đã xác định ngay từ đầu, đây là tổ chức Phật giáo duy nhất có đầy đủ tư cách đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ với Nhà nước Trung ương, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong nước, cũng như ngoài nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, luật pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Sau gần hai năm làm việc tích cực, khẩn trương, vận động khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, các cuộc thăm viếng, hội họp tại các trụ sở của các tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo…, ngày 9-10-1981, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ban Vận động Thống nhất Phật giáo TP.HCM đã họp tại Văn phòng II - chùa Xá Lợi (quận 3, TP.HCM) với hơn 1.000 Tăng Ni, Phật tử các tầng lớp nhân dân chuẩn bị cho Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo sẽ tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981.
“Tôi có mặt trong đoàn đại biểu của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM tham dự Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo, Hội nghị gồm 165 đại biểu đến từ 9 tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981.” - HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư cho biết.
“Tất cả các tổ chức, Giáo hội, hệ phái đều cử một phái đoàn đại diện cho tổ chức của mình tham dự Hội nghị, tuy nhiên số đại biểu không đông, chỉ GHPGVNTN là đông nhất, thực chất GHPGVNTN có đại biểu ở tất cả các tỉnh, thành phía Nam. Ra Hà Nội, tôi làm Thư ký cho đoàn đại biểu GHPGVNTN tham gia Đoàn Thư ký của Hội nghị đại biểu năm 1981”- HT.Thích Trí Quảng nhớ lại.
Hội nghị đã đi đến thành lập GHPGVN, suy cử Hội đồng Chứng minh, HT.Thích Đức Nhuận được toàn thể đại biểu đồng thuận suy tôn ngôi vị Pháp chủ; suy cử Hội đồng Trị sự GHPGVN do HT.Thích Trí Thủ đảm nhiệm Chủ tịch. Đại biểu Hội nghị thông qua Hiến chương GHPGVN gồm 11 chương, 46 điều (Hiến chương do HT.Thích Trí Tịnh chịu trách nhiệm Trưởng Tiểu ban Biên soạn). GHPGVN nhiệm kỳ I (1981-1986) hoạt động với tất cả 6 ban: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ và Hướng dẫn nam nữ cư sĩ.
GHPGVN ra đời đánh dấu một giai đoạn vô cùng quan trọng, vừa tiếp nối truyền thống vẻ vang 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam truyền bá giáo lý của Đức Phật vừa viết nên trang sử mới cho Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX trong bối cảnh đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất. GHPGVN ra đời đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của tất cả Tăng Ni, Phật tử, tập hợp thành một khối duy nhất, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, tài năng và trí tuệ, phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
… đến Đại hội đại biểu thành lập Thành hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM
Bảy tháng sau ngày thành lập GHPGVN, từ ngày 2 đến ngày 4-6-1982, tại chùa Xá Lợi (quận 3, TP.HCM)đã diễn ra Đại hội đại biểu thành lập Thành hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM (THPG TP) với 355 đại biểu là Tăng Ni, Phật tử của 17 quận, huyện nội - ngoại thành TP.HCM. Trong diễn văn khai mạc của HT.Thích Thiện Hào, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đã nhấn mạnh: “Lần đầu tiên, cả trước và sau ngày giải phóng, giới Phật giáo thành phố chúng ta có một Đại hội đại biểu Phật giáo đông đủ, phong phú, đa dạng về hình thức, đồng nhất về tinh thần đoàn kết”.
Tại Đại hội, toàn thể Tăng Ni, Phật tử nhất trí suy cử 25 thành viên THPG TP nhiệm kỳ I (1982-1985) do HT.Thích Trí Tịnh đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự, HT.Thích Thiện Hào đảm nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực, TT.Thích Thiện Tâm làm Chánh Thư ký. Chương trình hoạt động bằng cách triển khai các hoạt động của 6 ban: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Hướng dẫn Nam nữ cư sĩ.
Phiên họp đầu tiên của BTS THPG TP.HCM sau khi thành lập - Ảnh tư liệu GN
Mục tiêu của chư tôn đức lãnh đạo THPG TP.HCM lúc bấy giờ là vận động toàn thể Tăng Ni, Phật tử TP thực hiện tinh thần hòa hợp chúng, tăng trưởng tình đồng đạo, thắt chặt tình đoàn kết nội bộ Phật giáo và góp phần tăng cường khối đoàn kết cùng đồng bào các giới trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tăng Ni, Phật tử thực hiện nhiệm vụ hoằng dương Chánh pháp, đẩy lùi mê tín dị đoan, chọn lọc và kế thừa có sáng tạo tư tưởng giáo lý trong sáng phù hợp với nguyên tắc phương tiện tùy duyên của đạo Phật kết hợp với tư tưởng tiến bộ của thời đại.
Bên cạnh đó, THPG TP thực hiện chương trình tu học cho Tăng Ni, Phật tử, đào tạo Tăng Ni có đủ tài và đức, nêu cao tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc, phát huy truyền thống “bất tác bất thực” (không làm không ăn), tiến hành xây dựng chương trình kinh tế nhà chùa, từng bước ổn định đời sống tu học…
Với sự đoàn kết, ổn định của tập thể Tăng Ni, Phật tử TP.HCM trong giai đoạn này và sự tích cực đóng góp tài lực, trí lực, sức lực của Tăng Ni, Phật tử đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo TP.HCM trong giai đoạn mới…
H.Diệu
___________________
Kỳ cuối: Phật giáo TP.HCM phát triển giữa lòng thành phố