Những đặc tính của thức Mạt-na

GN - Một trong những lý do chính mà chúng ta né tránh nỗi khổ niềm đau của mình chính là vì chúng ta sợ hãi việc đương đầu với chúng.

Có điều này bởi vì trong tâm thức chúng ta, giữa tàng thức và ý thức có một thành phần được gọi là Mạt-na (Mạt-na thức, Manas) cái luôn thôi thúc chúng ta tìm kiếm những vui sướng và né tránh khổ đau. Mạt-na là nền tảng cho niềm tin hão huyền là chúng ta có một cái ta riêng biệt. Chúng ta đau khổ vì sự phân biệt và ảo tưởng của Mạt-na.

Khi con cá thấy một miếng mồi hấp dẫn, nó sẽ có xu hướng cắn miếng mồi, nó không biết rằng có lưỡi câu nằm bên trong miếng mồi; nếu cắn miếng mồi, nó sẽ bị giật lên mặt nước ngay lập tức. Với chánh niệm, chúng ta sẽ ý thức hơn về những mối nguy hiểm ẩn đằng sau việc tìm kiếm khoái lạc. Chúng ta có thể khám phá những hạt giống của trí tuệ bên trong tàng thức của mình để giúp Mạt-na chuyển hóa. Đây là công việc của ý thức.

DSC_0624.jpg

Sáu đặc tính của Mạt-na

Mạt-na có nhiều khuynh hướng. Đầu tiên nó luôn đi tìm khoái lạc. Thứ hai, nó cố gắng để tránh mọi khổ đau. Thứ ba, Mạt-na không nhận ra được những hiểm nguy của việc tìm kiếm khoái lạc. Chạy theo những dục lạc có thể phá hủy thân và tâm mình. Nếu chúng ta nhìn sâu vào đối tượng mà mình đang thèm khát, đang chạy theo kiếm tìm, chúng ta sẽ thấy được những hiểm nguy mà nó có thể gây ra cho chúng ta.

Đặc tính thứ tư của Mạt-na là không công nhận những thiết dụng (ích lợi) của khổ đau. Khổ đau có những mặt tốt của nó. Mỗi người trong chúng ta cũng phải khổ đau một chút để trưởng thành, để gieo trồng, để nuôi dưỡng cái hiểu, cái thương, an lạc, từ bi và hạnh phúc. An lạc và hạnh phúc chỉ có thể được nhận diện bằng chất liệu của khổ đau.

Nếu không bị tổn thương bởi chiến tranh, chúng ta sẽ không có khả năng trân quý hòa bình. Nếu chưa bao giờ bị đau khổ vì đói rét, chúng ta sẽ không thể hiểu được thức ăn mà ta đang có quý giá biết chừng nào, thật là tuyệt vời khi có cái gì đó để ăn. Chúng ta chỉ nhận ra niềm hạnh phúc tuyệt vời lúc có thức ăn khi hiểu được đói rét là như thế nào.

Có nhiều thời khắc nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta nghĩ về những khoảnh khắc này, chúng ta có thể trân quý và thực sự có mặt để an trú tận hưởng giây phút an toàn trong giờ phút hiện tại. Bởi vì chúng ta có khổ đau, nên chúng ta có cơ hội để học hỏi từ chúng, học nhận ra hiểu biết và thương yêu. Khi chúng ta tiếp xúc với khổ đau và hiểu được chúng, lòng từ bi sẽ phát khởi.

Tôi sẽ không bao giờ muốn gửi những người bạn, con cháu, hay đệ tử của mình đến một nơi mà nơi đó không có khổ đau, bởi vì như vậy họ sẽ không có cơ hội học hỏi để gieo trồng hiểu biết và thương yêu, cũng như an lạc, hạnh phúc và lòng từ bi. Bụt đã nói rằng nếu chúng ta không bị đau khổ, không có cách nào để chúng ta học hỏi cả. Bụt đạt được quả vị Toàn giác bởi vì Người đã trải qua nhiều phen đau khổ. Chúng ta phải đến với Bụt với tất cả khổ đau của mình, khổ đau là con đường, thông qua khổ đau chúng ta thấy được con đường của sự giác ngộ, của hiểu và thương, của lòng từ bi. Điều này có được bằng việc nhìn sâu vào bản chất của nỗi buồn, những tổn thương, những đau khổ đang có trong chúng ta và chúng ta sẽ khám phá ra con đường để thoát ra. Nếu chúng ta không hiểu được khổ đau là như thế nào, không có cách nào chúng ta thành Bụt cả, và tất cả chúng ta không có cơ hội để tiếp xúc với an lạc và yêu thương. Chính xác là như vậy, bởi vì chúng ta khổ đau nên chúng ta có cơ hội để nhận ra con đường giải thoát, hiểu biết và thương yêu.

Xu hướng trốn chạy khổ đau có trong mỗi người chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng bằng việc kiếm tìm khoái lạc chúng ta sẽ tránh được khổ đau. Nhưng có phải như vậy không? Làm sao có chuyện đó được! Điều đó chỉ cản trở chúng ta trưởng thành, cản trở việc chúng ta đạt được hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc không thể nào có được nếu như không có hiểu biết, lòng từ bi và thương yêu. Và lòng yêu thương không thể có được khi chúng ta chưa thực sự hiểu được những đau khổ của mình và của người khác. Tiếp xúc với khổ đau sẽ giúp cho chúng ta gieo trồng lòng từ bi, sự thương yêu. Không có hiểu và thương, chúng ta không thể có được hạnh phúc cũng như không thể làm người khác hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của lòng từ bi, khoan dung, không sợ hãi. Nếu chúng ta cứ tiếp tục né tránh khổ đau, không có cách nào để những hạt giống này phát triển cả.

Tôi sống ở Xóm Thượng Làng Mai, ở đó có một ao sen. Chúng ta biết rằng không thể trồng được sen mà không có bùn. Chúng ta cần có bùn để có được hoa sen. Chúng ta không thể trồng hoa sen trên đá cẩm thạch. Bùn đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại hoa sen. Khổ đau đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại sự hiểu biết và lòng từ bi.

Chúng ta phải ôm ấp và nhìn sâu vào khổ đau của mình, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ những khổ đau mà mình đang có. Khi hạt giống của khổ đau nằm sâu trong tâm thức mình bắt đầu tiến lên bình diện ý thức, việc thực tập khi ấy là mời hạt giống của chánh niệm biểu hiện lên cùng với hạt giống sợ hãi. Chánh niệm giúp chúng ta thực sự có mặt để nhận diện ôm ấp khổ đau và không trốn chạy hay né tránh nó. Ban đầu chánh niệm của chúng ta không đủ mạnh để ôm ấp những tổn thương hay đau khổ. Nhưng nếu thực tập, đặc biệt khi chúng ta có được một đoàn thể hỗ trợ chúng ta thực tập, chánh niệm sẽ đủ lớn mạnh để chúng ta có thể ôm ấp khổ đau, buồn bã và sợ hãi của mình.

Mỗi người có hàng tá khổ đau đủ để gieo trồng hiểu biết và thương yêu. Chúng ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa. Không chỉ đủ mà chúng ta có nhiều khổ đau hơn thế, bên trong ta, xung quanh ta. Ý thức có khả năng học tập thông qua quan sát khổ đau và chuyển tiếp sự hiểu biết đó đến tàng thức.

Đặc tính thứ năm của Mạt-na là chối bỏ luật tiêu thụ có chừng mực (the law of moderation). Ý thức phải nhắc nhở Mạt-na về trí tuệ của sự điều độ. Với hơi thở chánh niệm, chúng ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu để nhận diện được Mạt-na với những ảo tưởng của nó, và để nhận diện các hạt giống trí tuệ đang ngủ yên trong tàng thức. Khi ý thức thực tập định, đối tượng của định là sự tương tức, là tương liên (interconnectedness), là không phân biệt. Nếu ý thức được tập trung nơi các đối tượng này, trí tuệ sẽ phát sinh tức thì.

Đặc tính thứ sáu của Mạt-na là luôn luôn cố gắng để chiếm đoạt, sở hữu bất cứ thứ gì mà nó muốn. Ham muốn là sự thôi thúc mạnh nhất của chúng ta. Bởi vì nó, chúng ta bị lấp đầy bởi những đố kỵ, ghen ghét và chúng ta cố gắng chiếm đoạt, sở hữu những người và những thứ mà chúng ta muốn. Nhưng với ý thức về sự tương tức, ta thấy rằng chẳng có gì để sở hữu cả.

Chuyển hóa Mạt-na

Với chánh niệm, chúng ta có thể chuyển hóa Mạt-na. Với hơi thở chánh niệm, chúng ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu để nhận biết được Mạt-na và những ảo tưởng của nó và biết rằng có những hạt giống trí tuệ trong tàng thức của mình. Khi Mạt-na được chuyển hóa, nó trở thành trí tuệ không phân biệt (vô phân biệt trí, the wisdom of nondiscrimination - nirvikalpajñana).

Trong tàng thức của mình, chúng ta có một hạt giống có thể chuyển hóa được Mạt-na, hạt giống của vô phân biệt trí. Sự phân biệt giữa cái này và cái kia, hay cái này chống lại cái kia là gốc rễ của muôn vàn khổ đau. Điều quan trọng là ta phải thực tập để giúp cho ý thức nhận diện ra hạt giống của vô phân biệt trí đang nằm sâu trong tâm thức mình và giúp cho nó biểu hiện. Bằng việc thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu, ta sẽ giúp vô phân biệt trí được biểu hiện.

Có một câu chuyện mô tả về sự không phân biệt rất tốt. Đó là câu chuyện của một hạt muối, nó muốn biết được nước biển mặt ra sao. “Tôi là một hạt muối, tôi rất mặn, tôi tự hỏi không biết nước biển có mặn như tôi không”. Một vị thầy đến và bảo với hạt muối: “Này hạt muối, chỉ có một cách để con có thể biết được độ mặn của nước biển là con hãy nhảy xuống biển đi”. Hạt muối nhảy xuống biển và trở thành một trong những giọt nước biển, và sự hiểu biết của nó đã hoàn hảo.

Chúng ta không thể hiểu được một ai đó hoặc một thứ gì đó khi ta chưa hòa làm một với họ. Tiếng Pháp “comprendre” có nghĩa là hiểu. Nó có nghĩa đen là đem một thứ gì đó lên và trở thành một với nó. Nếu chúng ta còn thấy mình tách biệt riêng rẽ với ai đó, hay vật gì, đừng mong ta có thể hiểu được họ.

Thiền tập là nhìn sâu vào thực tại theo cách mà ranh giới giữa chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức không còn nữa. Chúng ta phải lấy đi rào cản giữa người thẩm tra và đối tượng của sự thẩm tra. Nếu muốn hiểu một ai đó, chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người đó. Để bạn bè, gia đình thực sự hiểu nhau, ta phải cần đặt mình vào vị trí của nhau. Chỉ có một cách hiểu đầy đủ nhất là trở thành một với đối tượng mà ta muốn hiểu. Sự hiểu đúng đắn sẽ xuất hiện khi ta tháo dỡ những rào cản chủ thể nhận biết và đối tượng được nhận biết.

Hãy tưởng tượng ta cho ai đó một thứ gì. Với vô phân biệt trí, chúng ta thấy rằng không có người nhận và người cho. Nếu chúng ta vẫn còn nghĩ rằng mình là người cho, còn người kia là người nhận, thì đó không phải là một sự cho, một sự cống hiến hoàn hảo. Chúng ta cho vì người kia cần những gì ta cho và hành động cho diễn ra một cách rất tự nhiên. Nếu thực tập lòng tốt một cách thực sự, chúng ta sẽ không nói “người kia không có biết ơn gì cả” và chúng ta cũng không có những ý nghĩ tương tự như vậy.

Nếu thực tập chánh niệm, chúng ta có thể bắt đầu nhận diện được sự có mặt của Mạt-na bên trong mình. Nếu có ý thức về những khuynh hướng của Mạt-na, chúng ta có thể sử dụng niệm, định và tuệ để chuyển hóa những xu hướng này và nuôi dưỡng Mạt-na trở thành vô phân biệt trí. Khi không trốn chạy khổ đau, chúng ta nhận diện ôm ấp và nhìn sâu vào nó, khổ đau sẽ bắt đầu được chuyển hóa, và giải thoát, giác ngộ sẽ đi liền theo đó.

Trong cuộc sống, chúng ta cần có khả năng biết được rằng mình cần điều gì để có được hạnh phúc chân thực. Chúng ta cũng cần hỗ trợ nhu cầu của gia đình, cộng đồng và xã hội. Khi biết bản thân thực sự cần gì, chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì. Chúng ta có mục đích và bây giờ chúng ta hành động theo những cách có thể giúp mang đến thực phẩm và tự do cho mọi người. Khi có được mục đích của mình, chúng ta sẽ xác định được hành động, hành động giúp cho xã hội phát triển theo những chiều hướng tích cực. Để xác định xem hành động của mình là tốt hay xấu, chúng ta phải nhìn xem liệu hành động đó sẽ dẫn đến một cái nhìn tốt nhất.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đông Phong dịch

(từ Reconciliation: Healing the Inner Child)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.