Hiện trường vụ tai nạn xảy ra lúc 8g54 sáng qua, 7-5-2015, trên cầu Ba Si
ở xã Phương Thạnh, Càng Long, Trà Vinh làm 4 người chết - Ảnh: TTO
Số người chết và bị thương trong hầu hết TNGT là ở lứa tuổi 30, 40 (chiếm phân nửa số người bị nạn) - lứa tuổi có thể cống hiến và làm việc sung sức nhất. Riêng đối với những người bị thương đã kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình như chi phí điều trị, xã hội lại gánh thêm gánh nặng cho những người tàn tật vì TNGT.
Tùy theo diễn biến của từng vụ TNGT mà người ta đã lọc ra và quy kết lại các điểm chính là nguyên nhân như: Tai nạn chủ yếu liên quan đến xe mô-tô do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông như chạy quá tốc độ cho phép, lấn đường lấn tuyến, không đội mũ bảo hiểm, chở 3 đến 4 người. Một số phương tiện ô-tô cơ giới về vấn đề đăng kiểm an toàn chưa thực sự nghiêm, tài xế lái xe còn ngủ gật!
Làm gì để giảm thiểu TNGT? Đã có nhiều cuộc hội thảo về an toàn giao thông được tổ chức và đã đưa ra những giải pháp khả thi để áp dụng, kể cả những “điểm đen” TNGT trên toàn quốc được cảnh báo và lưu ý; song hiệu quả chưa được như mong muốn. Đối với giới Phật giáo cũng đã tham gia dưới hình thức tổ chức Đại lễ cầu siêu đối với nạn nhân TNGT. Phật giáo xem như đây cũng là một phần trách nhiệm đối với vấn nạn của cộng đồng.
Về phía các ngành chức năng, dù là giải pháp gì đi nữa thì sự hữu hiệu nhất vẫn là ý thức con người và việc xây dựng một nền văn hóa giao thông ngay trong từng mỗi con người từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Vì, khi mỗi con người có xu hướng tôn trọng văn hóa giao thông thì khi đó, việc chấp hành pháp luật trong giao thông là điều trở nên đơn giản như là kỹ năng sống, giúp chúng ta tự điều chỉnh lại hành vi khi tham gia giao thông trên đường phố.
Chợt nhớ lại, Ấn Độ là một nước đông dân, để giảm thiểu TNGT, ngoài các sự hiện diện của cảnh sát, các biển báo..., ở những ngã tư, các giao lộ, người ta dựng những tấm pa-nô lớn với hàng chữ “Không có gì vội vã, hãy từ từ các bạn”, như một lời cảnh tĩnh người tham gia giao thông ý thức kiểm soát cảm xúc, đừng để xảy ra những điều đáng tiếc do phóng nhanh vượt ẩu.
Hiện nay thế giới đang hướng về Nepal với trận động đất kinh hoàng, theo thống kê tạm thời, hơn 7.000 người đã thiệt mạng và bây giờ, người ta vẫn còn đang tìm kiếm những nạn nhân trong đống đổ nát hoang tàn. Một chiếc Airbus A320 gặp nạn đã làm thiệt mạng hơn 200 hành khách chỉ trong tích tắc. Nhưng nếu làm một sự so sánh về số lượng thì số người chết trong trận động đất ở Nepal bằng hơn phân nửa số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam trong một năm!
Tương tự như tai nạn của Airbus A320, con số hơn 200 hành khách chết thấp hơn số người chết vì TNGT ở Việt Nam trong vòng một tuần! Quả là thương vong của Việt Nam là quá lớn, như một cuộc chiến tranh giữa thời bình. Cần phải có những biện pháp nhằm giảm thiểu con số TNGT này một cách thiết thực và hiệu quả hơn những gì mà chúng ta đã làm.