Những bức ảnh chứa thông điệp mạnh mẽ

GN - "Cần lắm những bức ảnh chứa thông điệp mạnh mẽ như thế!" - Đó là cảm nhận của rất nhiều người khi đến xem triển lãm “Vượt qua bóng tối” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong, diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 2-5 tại Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu (184 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM).

T.CO 19.jpg
Bức ảnh giản dị nhưng thấm đẫm tình người, tình thầy và khát vọng của em - Ảnh: Trần Thế Phong


Dù không một ngôn từ giải thích nhưng khoảnh khắc những đôi bàn tay lướt trên những phím đàn cũng tự tin như lướt trên dòng chữ nổi Braille; những nụ cười của cô giáo, đọng nỗi rưng rưng khi các em học sinh khiếm thị mang tặng tấm thiệp đơn sơ tự tay làm; hình ảnh người anh lần mò cài nút áo cho em nhỏ cùng hoàn cảnh… đã chuyển tải tất cả những nỗi lo, sự khát khao được học tập của các em học sinh Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu và truyền thông điệp chia sẻ yêu thương một cách mạnh mẽ nhất đến với cộng đồng.

Lặng người với từng bức ảnh

Trước khi đến với triển lãm, nhiều người nghĩ Trần Thế Phong là nhiếp ảnh gia được biết đến qua nhiều triển lãm cá nhân trước đây nên lần này sẽ được trang trí tỉ mỉ, tinh tươm. Nhưng ngược lại, khâu trang trí rất giản dị, giản dị như chính con người anh. Vì chỉ một tay anh chăm chút cho triển lãm, chỉ một tay anh sắp xếp tất cả từ ảnh chọn lọc giới thiệu đến sách ảnh nên anh không có thời gian chuẩn bị thông cáo báo chí, lời phát biểu khai mạc. Nhưng đến với anh, mọi người không ai phiền lòng bất cứ điều gì, tất cả đã nhường chỗ cho mạch cảm xúc tuôn trào.

Anh thuyết phục mọi người một cách tuyệt đối vì anh đã thực hiện được một việc mà không phải người nào cũng làm được. Tất cả bức tranh triển lãm, anh đều khái quát lên cuộc đời bất hạnh, gói trọn cuộc sống đau thương của các em và thông qua hình ảnh, anh đã kể cho mọi người biết về những cơ cực, vượt khó, nghị lực thầy trò cũng như tình cảm ấm áp của các em khiếm thị dành cho nhau.

Như lời cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu nhận xét: “Từ góc nhìn của anh, bóng tối đã được rọi bừng lên, có khi chỉ là một tia sáng nhưng tia sáng ấy đã làm rung động và gây ấn tượng mạnh ngay cả những người đã từng gắn bó với các em trên 20 năm như tôi, thầy cô đang công tác tại trường”.

T.LAM 57.jpg


Bạn thân - Ảnh: Trần Thế Phong

Câu nói, trong cuộc sống, duyên, nợ cho con người ta gặp nhau sẽ tạo nên nhiều điều kỳ diệu có lẽ rất phù hợp trong hoàn cảnh này. Duyên, nợ gắn kết anh với các em nơi đây, chỉ sau một lần chạm mặt, anh đã quyết quay trở lại ngay để trao học bổng hỗ trợ tiền xe về quê vào dịp Tết cho học sinh khiếm thị nghèo ở tỉnh xa.

Kể từ ngày đó, giáo viên không còn lạ lẫm với người đàn ông vác chiếc máy ảnh kềnh càng luôn cùng tham gia mọi hoạt động của nhà trường. Các em nhỏ không còn lạ gì với tiếng nói của “chú Phong”, có khi chỉ cần nghe tiếng máy thôi, các em đã biết người nghệ sĩ nhiếp ảnh này đang ở gần đâu đây.

“Mỗi lần biết tôi chụp hình, các con đến bên cạnh, xin hình. Nghe tôi hỏi, con có thấy không mà xin vậy con, con xin để làm gì? Có đứa trả lời là để con làm kỷ niệm; có đứa trả lời chú cho con đi, con đem về cho ba, mẹ con coi. Chính các em đã tạo niềm cảm hứng cho tôi và muốn làm điều gì đó cho các em”. Anh cho biết, buổi triển lãm đã ra đời từ những cái duyên rất đỗi bình dị như thế.

BE HIEU 1.jpg
Không một ngôn từ giải thích, nhưng bức ảnh đã chuyển tải tất cả những nỗi lo, sự khát khao được học tập của các em học sinh Trưởng PTĐB Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Trần Thế Phong

“Con người của Phong sống giản dị, cách nói chuyện của Phong cũng giản dị, nhưng những bức ảnh này ra đời không giản dị chút nào. Để có những bức ảnh tràn đầy cảm xúc như thế này, Phong phải sống cùng nhân vật, thổn thức cùng nỗi đau của các em thì mới có thể chụp lại những khoảnh khắc chân thật, góc khuất của cuộc đời. Mỗi bức ảnh là câu chuyện thấm đẫm nước mắt tình người, là cuộc sống thật của các em vì Phong không thể nào dàn cảnh, không thể nào kêu các em biểu diễn để chụp. Thế nên, tất cả những bức ảnh tại buổi triển lãm ngày hôm nay vừa đạt giá trị nghệ thuật cao, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc”, ông Huyền, một người quan tâm đến xem triển lãm, tâm đắc.

Gieo yêu thương từ đam mê nghệ thuật

Xem tác phẩm của anh, đồng nghiệp anh rất nhiều người ngỡ ngàng. “Đã ở tuổi 45, cái tuổi nghĩ nhiều hơn đến việc tích lũy tài sản nhưng Phong thì khác. Làm được bao nhiêu tiền, Phong tìm cách cho đi. Với quan niệm, “người cho luôn vui nhiều hơn người được nhận. Vì người nhận khi tỏa ra niềm vui cực kỳ mình còn sướng hơn nữa”, Phong không đầu tư gì cho cuộc sống của mình ngoài chiếc máy ảnh và chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Cái kỳ lạ của Phong là, Phong rất thích chụp hình các em như thế này chứ không mặn mà lắm khi có ai ngỏ lời chụp ảnh gia đình, trả tiền cao. Tiền Phong kiếm được từ chụp ảnh có thể mua được căn nhà tinh tươm nhưng Phong dành hết cho từ thiện, bản thân vẫn ở nhà trọ. Sống đơn giản như Phong không phải ai cũng dũng cảm làm được”, lời nhận xét của đồng nghiệp anh cho tôi hiểu thêm về cách sống của anh.

Hỏi rằng, do đâu anh làm được như vậy? Anh bộc bạch: “Cuộc đời của tôi nhiều sóng gió, 6 tuổi tôi đã bước chân vào đời sống mưu sinh nên tôi biết, sống trong đời sống mình cần điều gì. Tôi nhận diện rõ, khi chết đi, mình chẳng thể đem theo tài sản gì nên từ lúc biết bấm máy ảnh, biết chụp hình, tôi đã xác định rõ, phải giữ trái tim luôn nóng, phải có tình thương để cho ra tác phẩm nhân văn và cần chuyển tải những hình ảnh, thông điệp yêu thương đến với mọi người. Khi thấy nghị lực sống của các em ở Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, như bản tính tự nhiên, tôi muốn thực hiện bộ ảnh cho các em. Hy vọng lòng chân thành của tôi và hoàn cảnh của các em sẽ được cả cộng đồng dang rộng vòng tay, chia sẻ. Thực hiện bộ ảnh mất gần 2 năm và bỏ ra 4 tháng chuẩn bị cho triển lãm, tôi chỉ ước ao các em sẽ nhận được nhiều sẻ chia chứ không mong nhận nhiều lời khen đẹp về những bức ảnh mình chụp”.

T.LAM 2.jpg


Trần Thế Phong ước ao, các em sẽ nhận được nhiều sẻ chia chứ không mong nhận nhiều lời khen đẹp về những bức ảnh mình chụp - Ảnh: T.T.P

Được biết toàn bộ số tiền thu được từ bán tập sách ảnh “Vượt qua bóng tối” sẽ được dành gây quỹ học bổng cho các em, rất nhiều người đã mua ủng hộ và kêu gọi cùng chung tay chia sẻ. Việc làm đi từ trái tim đến trái tim sẽ làm nên biết bao điều kỳ diệu.

Tại buổi lễ khai mạc, anh đã trao tặng 250 phần quà, 20 phần học bổng cho các em khiếm thị của trường có hoàn cảnh khó khăn, cầm trên tay những món quà, gương mặt các em rạng rỡ vô cùng. Rồi đây, khi triển lãm kết thúc, các em học sinh nghèo ở một số thôn xóm miền Tây sẽ được đón nhận những phần quà, học bổng bất ngờ như thế này từ anh. Tập sách ảnh của anh, một lần nữa sẽ giúp các em vượt qua “bóng tối” của cuộc sống và thắp sáng thêm nhiều nụ cười trên môi. 

Hạnh Ý

nghe sy tran the phong_bw.jpg
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong

“Xem 108 bức ảnh nghệ sĩ Trần thế Phong chụp các em khiếm thị, tôi chực trào nước mắt. Không chỉ 108 bức ảnh này, mà tất cả những bức ảnh anh thực hiện trong triển lãm với tên gọi: Bão Chanchu, Những nẻo đường tuổi thơ, Nghệ sĩ đường phố, Gánh - đều để lại nhiều ấn tượng, khắc khoải trong tôi. Những góc khuất của cuộc sống, dưới ống kính của anh, người và người ngày càng đến gần nhau hơn. Nhiều mảnh đời cơ cực, khó khăn được gửi đến cộng đồng khiến cho người xem phải lặng người. Rồi, như sứ mệnh, tôi muốn làm gì đó giúp đỡ các nhân vật của anh.

Chiếc máy ảnh của anh đã làm thay đổi, dìu cuộc đời biết bao số phận bước sang trang mới, giúp họ có cuộc sống ấm áp hơn, hạnh phúc hơn và tự tin hơn. Các em học sinh khuyết tật Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu là điển hình cụ thể. Cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, mong sao ngày càng có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có tâm như anh. Nếu như có nhiều hơn nữa nghệ sĩ nhiếp ảnh như Trần Thế Phong, thì ngày càng có nhiều tia sáng chiếu đến những góc khuất nhất của cuộc đời và thông điệp yêu thương mạnh mẽ sẽ nhanh chóng truyền đến mọi ngóc ngách của cuộc sống”.

Trần Nam Phương, sinh viên Trường Đại học Y Dược bày tỏ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.