Những ấn tượng về một chuyến hành hương Myanmar

GN - Mùa xuân thường gợi mở những hy vọng mới, như một quy luật của tự nhiên và của cuộc đời. Nhưng cái mới cũng bắt đầu từ cái cũ. Bên chén trà gặp mặt đầu năm nay, chúng tôi ngồi ôn lại chuyến hành hương đến Myanmar trong năm qua cùng lễ dâng y Kathina và biết rằng đó chính là một bông hoa quý của đời mình…

Đoàn hành hương 29 người đến Yangon vào mùa lễ hội lớn nhất, như Tết cổ truyền Việt Nam. Nơi đây mọi người nô nức đến chùa lễ Phật, làm phước; buổi tối nhà nhà đốt đèn đón chư Thiên cùng dự hội mừng chư Tăng Ni hoàn thành việc tu tập sau ba tháng an cư...
antuong (3).jpg
Cúng dường 2.600 vị Tăng tại trung tâm Pháp Học, Mandalay

Ngày đầu tiên, chúng tôi đến thủ đô mới Naypyidaw, cách Yangon 480km về phía Bắc để đến dự lễ dâng cúng một Ni viện ở Sagaing. Ni viện ba tầng khang trang này được xây trên một vùng đất lầy lội trong một xóm nghèo heo hút do gia đình hai anh chị trong đoàn phát tâm cúng dường. Sagaing là thành phố có khoảng 600 ngôi tháp màu trắng, hơn 30.000 vị sư và trên 100 thiền viện, nằm bên sông Ayeyawady thơ mộng có cây cầu 16 nhịp bắc ngang. Bên kia sông là Mandalay, kinh đô cuối cùng của hoàng triều Myanmar, là thành phố lớn thứ hai sau Yangon, cách Yangon 716km về phía Bắc.

antuong (1).jpg


Một ngôi chùa tại vùng Mandalay

Ngày hôm sau, đoàn đến tu viện Masoyein (Mandalay) từ sáng sớm. Thật là xúc động khi nhìn hình ảnh 2.600 vị sư với y áo chỉnh tề xếp hàng yên lặng đi khất thực. Mỗi chúng tôi ai cũng được đặt vào bát  thức ăn, thực phẩm đến gần 1.300 vị khi đi ngang qua chúng tôi thành hai hàng. Hầu hết người trong đoàn đều cao tuổi nhưng ai nấy đều rất hoan hỷ nên không thấy mệt mỏi khi đứng gần hai giờ đồng hồ và sớt bát liên tục.

Sau đó, chúng tôi đi đến Phaung Daw Oo, nơi có trường học miễn phí cho gần 3.000 học sinh nghèo để tặng dụng cụ học tập đến 700 vị Sa-di đang học tập ở đây. Chúng tôi cũng được tham bái chùa tháp và cảnh quan địa phương, như chùa Mahammuni nổi tiếng với tượng Phật lớn bằng vàng ròng, thành cổ Ava được xây dựng từ thế kỷ XIV-XVIII, đi xe ngựa vòng quanh làng cổ, đi qua cây cầu U Bein bằng gỗ tếch xưa nhất và dài nhất thế giới...

antuong (7).jpg


Cúng dường đến chư Tăng và Tu nữ tại Bagan

Ngày hôm sau, chúng tôi đến phố núi Pyin Oo Lwin, nơi có khí hậu như Đà Lạt, thăm viếng chùa Maha Anhhtookanthar mới xây và thiền viện Pa Auk. Myanmar có nhiều thiền viện Pa Auk, có thiền viện rộng đến 400 hecta, tu sĩ và Phật tử Việt Nam đến hành thiền rất đông. Thiền viện trên vùng cao nguyên này chỉ dành cho người nước ngoài, trong đó có 10 hành giả Việt Nam. Nhìn hàng trăm thiền thất nhỏ nhấp nhô trên đồi núi trong cảnh quan hết sức yên bình, lòng tôi dấy lên niềm cảm phục và hân hoan khi nghĩ rằng, những hành giả Tây phương trong những thiền thất kia sẽ đem đạo Phật, đạo của tình thương và trí tuệ, gieo mầm lên đất nước họ...

Về lại Mandalay, chúng tôi đáp chuyến bay đến Bagan, nơi từng là kinh đô của vương triều Pagan từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Hàng ngàn chùa tháp ở đây được xây dựng từ thế kỷ XI-XIII. Chúng tôi đến chùa Ananda, cùng rất đông Phật tử Myanmar và du khách chiêm bái ngôi chùa rộng và nổi tiếng nhất vùng Bagan với những tượng Phật đứng khổng lồ...

Hơn 4 giờ 30 sáng hôm sau, chúng tôi đến chùa Thatbyinnyu cao nhất vùng, trèo lên tầng cao để đón bình minh. Quang cảnh hàng trăm ngôi tháp xuất hiện rõ dần dưới ánh triêu dương đem lại một niềm xúc động khó tả nên lời…

antuong (4).jpg


Phật tử Việt Nam dâng y Kathina đến chư Tăng tại Yangon

Về lại Yangon lúc chiều muộn, ngày hôm sau, đoàn đến Mãlamyaing, thủ phủ của tiểu bang Mon, cách Yangon 8 giờ xe hơi để đến chùa Winsein Tawya chiêm bái tượng Phật nằm lớn nhất. Dọc đường đi, chúng tôi được dịp hùn phước, qua các Phật tử Myanmar đứng tại các ngã ba, cúng dường lễ dâng y Kathina đến các chùa vùng sâu vùng xa. Hình ảnh nhiều ô-tô, xe máy vụt qua cũng kịp đưa xuống đường những tờ bạc Miến bay bay trong gió hay từ tờ mờ sáng, trước những ngôi nhà trong hẻm sâu, các Phật tử, người lớn cũng như trẻ em đã thành kính cúng dường chư Tăng khất thực... làm cho chúng tôi ai nấy  đều rưng rưng, cảm phục...

Trên đường về lại Yangon, đoàn đến đảnh lễ chùa Hòn Đá Thiêng Kyaithiyo nổi tiếng, sau khi vượt qua một đoạn đường hết sức hiểm trở, với hàng trăm chiếc xe lên xuống đèo nườm nượp. Chúng tôi tin, sự an toàn của lữ khách, ngoài tài lái xe giỏi còn có sự hộ trì của chư Thiên, như đã từng hộ trì Hòn Đá Thiêng hàng ngàn năm nay vẫn sừng sững... trên không!

Chiều muộn, chúng tôi trở về Yangon, đến chùa Shwedagon trên một quả đồi cao, nơi tôn thờ xá-lợi tóc Đức Phật, được thếp trên 60 tấn vàng, sáng rực rỡ cả đêm lẫn ngày. Hoàng hôn xuống, chúng tôi vừa kịp thắp sáng 3.300 ngọn đèn quanh tháp. Trong ánh  lung linh, chúng tôi nguyện cầu Phật giáo trường tồn; nguyện cầu nhân loại được sống trong sự an bình; nguyện cầu đồng bào các tỉnh miền Trung nơi quê nhà sớm vượt qua cơn khốn khó sau những trận lụt lớn vừa qua; nguyện cầu thân bằng quyến thuộc sớm giải thoát...

antuong (5).jpg


Vị sư hướng dẫn học sinh tại lớp học trong ngôi chùa làng ở Mandalay

Ngày thứ 9, trong trang phục màu trắng, đoàn đến tu viện Punnaloka Man Ong, vùng  Insein  (Yangon) để dự lễ dâng y Kathina. Đây là chương trình quan trọng nhất của đoàn. Ngoài nghi lễ dâng y Kathina và đặt bát đến 100 vị, đoàn còn  được nghe một vị Đại Trưởng lão thuyết pháp, sách tấn chúng tôi trên đường tu học. Tại đây, đoàn cũng hùn phước cho việc xây dựng tu viện. Buổi chiều, chúng tôi đến thăm Bệnh viện Tăng ở Rangon với ao ước Việt Nam thân yêu cũng có một bệnh viện dành cho Tăng Ni như thế!

Buổi sáng cuối cùng, chúng tôi dâng bữa điểm tâm đến 350 vị Tăng Ni ở vùng ngoại ô Yangon và cúng dường xây nhà bếp cho một chùa Ni…

*

antuong (8).jpg
Nhóm Phật tử Việt Nam hành hương tại Mandalay

Mười ngày hành hương trên một đất nước có gần 90% dân số là chư Tăng Ni, Phật tử hiền hòa xinh đẹp trôi qua thật nhanh. Trôi qua, nhưng những ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học nhớ đời... sẽ còn lưu dấu trong chúng tôi bền lâu và có thể là mãi mãi. Và không nói nhưng hầu như các thành viên trong đoàn đều rất biết ơn ban tổ chức đồng thời rất cảm phục đức tính khiêm tốn của các anh chị là thí chủ chính của các thiện pháp trên. Xin lặp lại một điều đã cũ mà luôn mới, lời nguyện cầu cho các phước báu thanh cao này hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.