Như mặt đất dung nạp tất cả

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với tâm rộng lớn và bao dung như đất, cộng thêm thường niệm thân trên thân, rõ biết tất cả mọi hành vi cử chỉ của thân thì chắc chắn người ấy không thể có hành vi khinh mạn người khác.

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng Lâm vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn du hành trong nhân gian.

Đức Phật nói rằng:

- Này Xá-lê Tử, thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao lâu, có một vị phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi, vị ấy bạch Thế Tôn:

- Hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian.

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

- Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lê Tử, bảo với Xá-lê Tử rằng: Đức Thế Tôn gọi thầy.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang một bên. Đức Phật liền bảo rằng:

- Này Xá-lê Tử, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’. Này Xá-lê Tử, có thật sau khi khinh mạn một vị phạm hạnh rồi thầy đi du hành trong nhân gian chăng?

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Sư tử hống, số 24 [trích])

Ở trích đoạn này, Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất) thay vì biện minh hay giải thích cho việc mình có khinh mạn hay không, ngài chỉ nói lên một sự thật rằng tâm của mình như đất. Mặt đất vốn dung nạp tất cả, dù cho đó là vật sạch hay đồ dơ đều kham nhận, đều nhẫn chịu mà không gợn một mảy may thương ghét. Cũng vậy, tâm như đất thì không ghét, không oán, không sân, không hại lại rộng lớn đến vô biên nên dù cho có bất kỳ tác động tốt xấu hay thuận nghịch nào tâm ấy vẫn an nhiên.

Với tâm rộng lớn và bao dung như đất, cộng thêm thường niệm thân trên thân, rõ biết tất cả mọi hành vi cử chỉ của thân thì chắc chắn người ấy không thể có hành vi khinh mạn người khác. Cái hay ở đây là khi bị điều tiếng, Tôn giả Xá-lợi-phất chẳng nói gì về lỗi người mà chỉ nói về mình. Một người khi thân tâm thảy đều sáng sạch thì chắc chắn sẽ không rơi vào lỗi lầm, dù cho là nhỏ nhất.

Nên thay vì tìm cách thể hiện hay chứng minh mình là người tốt, hãy rèn tâm như đất: dung nạp, chấp nhận và bao dung với hết thảy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.