Môi trường thanh tịnh là trú xứ lý tưởng cho người đang tu. Nếu đã chứng đạo rồi, làm người vô sự thì núi rừng u nhã vẫn là nơi tịnh dưỡng, trao truyền đạo lý hay hướng dẫn tu tập cho những người hữu duyên tìm đến.
“Một thời Đức Phật ở tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian; một đêm nọ dừng chân lại trong rừng Sa-la. Bấy giờ, cách rừng Sa-la không xa có một Bà-la-môn làm nghề nông. Sáng sớm thức dậy vào trong rừng Sa-la, từ xa nhìn thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một bóng cây, tướng mạo oai nghi đoan chánh, các căn thanh tịnh, tâm người tịch định, thành tựu đầy đủ chỉ quán đệ nhất. Thân Ngài sắc vàng ánh sáng chiếu suốt. Thấy vậy, đến chỗ Ngài, bạch rằng:
- Bạch Cù-đàm, tôi làm nghề nông ở gần đây, nên thích rừng này. Bạch Cù-đàm, có nghề nghiệp gì ở đây không, mà thích ở trong rừng này? Rồi nói kệ:
Tỳ-kheo ở rừng này
Vì có nghề nghiệp gì
Nên một mình chỗ vắng
Thích ở trong rừng này?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Vô sự ở rừng này
Rễ rừng chặt từ lâu
Nơi rừng, lìa thoát rừng
Thiền tư, trừ bất lạc.
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật nói, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 44, kinh 1182. Nghề ruộng)
Một người nông dân hàng ngày làm việc trong vườn rừng của mình đã ngạc nhiên khi thấy Đức Phật cũng ở trong rừng. Hẳn ông ấy đang muốn biết Ngài ở trong rừng để làm việc gì. Đức Phật đã cho biết là Ngài ở đây để làm người vô sự; người không có việc và chẳng làm gì cả. Người có công việc hay quá nhiều việc là chuyện bình thường. Người không có việc mới khác thường.
Đức Phật từ khi chứng đạo đã công bố về vô sự, “Những việc nên làm đã làm. Gánh nặng đã đặt xuống”. Bấy giờ, Ngài ở đâu hay làm gì chỉ là tùy duyên, vì lợi ích cho chúng sinh. Tuy vậy, với Ngài thì rừng có vai trò đặc biệt. Rừng trong các pháp thoại đôi khi không phải là rừng mà chính là tâm; tâm hoang vu, tâm trói buộc. Ngài ở rừng thực tế rất xanh tươi, cây cối um tùm nhưng thấy rừng tâm thì chặt sạch rễ, dây leo chằng chịt chẳng còn, tự tại thênh thang.
Thân thì trú trong rừng, tâm thì thoát khỏi rừng phiền não, gốc rễ tham sân si, mọi kiết sử trói buộc đều cắt đứt. Đây chính là thực tại đời sống của Thế Tôn, nhân đó Ngài cũng trao gửi cho hậu thế thông điệp quý giá này. Người tu thì ở trong rừng, luôn quán chiếu về rừng tâm để chặt rễ, cắt dây phiền não. Tu thì vẫn sống trong cuộc đời nhưng dứt hẳn mọi sự trói buộc, thong dong nơi đời.
Mấy ai mà chẳng có việc gì và chẳng làm gì, vô sự. Nhưng người vô sự cũng có thể nhiều việc, đa sự mà vô sự mới hay. Làm mọi việc lợi ích cho chúng sinh mà không dính mắc, chẳng chấp thủ. Thường biết rõ ràng “không phải tôi, của tôi và tự ngã của tôi” trong mọi việc chính là vô sự. Vô minh, tham ái và chấp thủ là cội nguồn của hữu sự. Bậc Giác ngộ với tâm và tuệ giải thoát rạng ngời thì đến đi đều tự tại, thong dong.