GN - Quốc tự Diệu Đế, hiện tọa lạc số 100B đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế, là một trong những di tích quan trọng ở cố đô, từng được biệt liệt vào một trong 20 danh lam thắng cảnh ở kinh đô Thuận Hóa.
Bích họa trên trần chánh điện quốc tự Diệu Đế
Ngôi quốc tự của nhà Nguyễn
Nơi đây nguyên là tiềm để của hoàng tử Miên Tông, con trưởng của vua Minh Mạng (1820-1841), sau này là vua Thiệu Trị. Chùa tọa lạc phía Đông kinh thành, xóm Ngự Viên xưa. Đối diện chùa là Hộ thành hà (dân gian gọi là sông Đông Ba hay Gia Hội).
Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, có lúc bị trưng dụng làm công sở (1885), nhiều hạng mục trong chùa bị phá hủy (1887). Năm 1889, Tổ sư Tâm Truyền, dưới sự ngoại hộ của vua Thành Thái (1889-1907), đã đứng ra trùng tu. Chùa cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn thiên tai năm Giáp Thìn (1904), đến năm 1953 - 1955, chùa được tái kiến lần nữa.
Diệu Đế ngoài là quốc tự của triều đình nhà Nguyễn, đối với Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, đây còn là chứng tích cho nhiều phong trào thời hiện đại, là điểm xuất phát cho lộ trình lễ rước Phật vào mùa Phật đản, một trong những địa danh gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp năm 1963, phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Nơi ngôi chùa này, ngoài các di vật quý giá liên quan tới nhà Nguyễn, lưu giữ nét kiến trúc đặc thù của chùa Huế, còn được biết tới bởi tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đó là bức bích họa chủ đề Long vân khế hội (còn gọi là Cửu long ẩn vân), vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần chánh điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện.
Tác phẩm này được thực hiện sau lần trùng tu vào năm 1953, được xác định thuộc phong cách bích họa cung đình, cùng nét vẽ trên trần lăng Khải Định. Tương truyền, tác phẩm do Phan Văn Tánh, nghệ nhân cung đình đã vẽ bích họa ở lăng Khải Định thực hiện, tuy vẫn chưa có cứ liệu lịch sử xác nhận điều này.
Với thời tiết ẩm và khắc nghiệt ở miền Trung, qua thời gian, ngôi chánh điện cũng như nhiều hạng mục khác trong ngôi quốc tự Diệu Đế đã bị xuống cấp, thấm dột. Bức bích họa cũng bị phai mờ nhiều chỗ, trong đó có những chỗ đã bung, sụt và phải được trám trát để gia cố, cầm cự với thời gian.
Việc quyết định đại trùng tu chùa Diệu Đế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới nghiên cứu, bảo tồn di tích ở cố đô. Nhiều cuộc họp bàn với tinh thần tự nguyện đã diễn ra ngay tại ngôi quốc tự này. Nhiều phương án đã được tính tới, với mục đích làm sao bảo tồn được đặc trưng nét kiến trúc của một ngôi quốc tự ở cố đô, đặc biệt là tác phẩm bích họa Long vân khế hội trên trần chánh điện. Điều này không phải vô cớ trong tình trạng chung của nạn trùng tu làm biến dạng di tích, như báo chí đã phản ánh quá nhiều gần đây.
Một phần bức bích họa
Cần một giải pháp cụ thể
Bức bích họa Long vân khế hội tại Đại hùng bảo điện chùa Diệu Đế sẽ được giữ nguyên, không hạ giải như dự định trùng tu ban đầu, đó là thông tin khiến nhiều người thở phào về một hướng đi “trung đạo” trước câu chuyện đại trùng tu ngôi chùa này.
Trao đổi với ĐĐ.Thích Hải Đức, giám tự chùa Diệu Đế, thầy cho biết: Chùa sẽ không hạ giải ngôi chánh điện như dự định ban đầu đã công bố vào lễ động thổ hồi tháng 6-2018, thay vào đó sẽ giữ nguyên hiện trạng, chờ các nhà nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn đưa ra phương pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo tồn bức bích họa Long vân khế hội.
Tuy nhiên, thầy cũng cho biết nhà chùa rất lo lắng tình trạng ngôi chánh điện đã xuống cấp, đặc biệt vào mùa mưa, trần bị thấm, nước mưa thấm vào càng làm bức bích họa mờ đi nét vẽ, một số chi tiết bức họa đã bị loang lổ. Cốt bê-tông được xây dựng trước đây có hiện tượng rã, nhiều mảng xi-măng rơi rớt, không an toàn cho nhu cầu sinh hoạt tu học, tín ngưỡng, các thời khóa lễ của Tăng Ni, Phật tử.
Bức bích họa Long vân khế hội (Cửu long ẩn vân) là tác phẩm được vẽ trên trần Đại hùng bảo điện chùa Diệu Đế. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng 11m, vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần chánh điện và 4 con rồng quấn quanh 4 trụ cột lớn. Là ngôi quốc tự liên quan tới nhà Nguyễn, nhưng hiện chùa Diệu Đế vẫn chưa được công nhận là di tích. |
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc hạ giải hay giữ lại ngôi chánh điện để bảo tồn bức tranh Long vân khế hội.
Trong quá trình tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, chùa quyết định giữ lại ngôi chánh điện, đồng nghĩa với việc giữ lại tác phẩm bích họa trên trần, tuy vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này vẫn còn rất mơ hồ.
Chùa cũng đang tìm phương án lợp lại mái ngói để chống thấm, thay mới những đòn tay đã bị mối ăn. Nhưng sẽ giữ được bao lâu, biện pháp bảo tồn như thế nào, ai làm, làm như thế nào…, đó là những điều được ĐĐ.Thích Hải Đức đặt ra, đầy băn khoăn.
Cũng theo quý thầy hiện trực tiếp quản lý chùa Diệu Đế, việc giữ lại bức tranh Long vân khế hội chỉ là ý kiến chủ quan của một số nhà nghiên cứu. Không phải muốn bảo tồn là thực hiện được, mà cần có phương án, kinh phí phù hợp. Nếu chỉ nêu ý kiến nhưng không cụ thể hóa bằng hành động thì cũng như không.
Toàn bộ bức bích họa "Long Vân Khế Hội"
Phóng viên gặp gỡ ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, khi trao đổi về hiện trạng của ngôi quốc tự này, ông bày tỏ ý kiến rất lo ngại về mặt kết cấu của trần bê-tông. Ông cho biết đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng bê-tông, khả năng bền vững của ngôi chánh điện và sẽ công bố khi có kết quả.
Theo ông Hải, tuổi thọ của bê-tông chỉ cho phép trong vòng 60 năm, nhưng ngôi chánh điện đã tồn tại trên 60 năm, vượt quá thời gian quy định.
Bên cạnh đó, ông Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho rằng: “Điều quan trọng là phải xác định giá trị của bức bích họa Long vân khế hội. Tác phẩm này có phải là của cụ Phan Văn Tánh, người đã vẽ bức tranh trên trần lăng vua Khải Định hay không. Và bức tranh có còn nguyên bản như ban đầu hay đã bị tác động, chặm, vá. Vì vậy, nên thẩm định giá trị của bức họa dựa trên nghiên cứu khoa học. Và khi giữ lại thì điều đầu tiên là phải bảo đảm sự an toàn sinh hoạt trong chùa. Cần phải có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa quốc gia miền Trung tại Huế nhận định:“Về mặt giá trị văn hóa, bích họa Long vân khế hội là bức họa lớn mang tầm quốc gia, là một dạng trang trí vượt qua mỹ thuật dân gian. Bức họa mang tính hàn lâm, tính điêu luyện, việc sử dụng màu sắc, xây dựng bố cục được thể hiện trong đường nét đã được thừa nhận rộng rãi. Khi một tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, thì nhiệm vụ bảo tồn là cần thiết”.
Theo ông Thông, việc trùng tu, phục chế hoàn toàn không khó với các chuyên gia hiện nay. Vấn đề là có khát vọng bảo tồn hay không!
Qua vụ việc chùa Diệu Đế, có ý kiến cho rằng nên chăng Giáo hội cần thành lập Hội đồng chuyên gia xét duyệt quy hoạch cảnh quan, kiến trúc, thiết kế, từ đó tư vấn cho các chùa mỗi khi trùng tu hay xây dựng nhằm bảo tồn văn hóa, tránh tình trạng xây dựng, trùng tu theo ý muốn chủ quan cá nhân của các vị trụ trì hoặc các mạnh thường quân với vai trò như một chủ đầu tư, quyết định mọi việc.
Tự viện là cơ sở của Giáo hội, do đó, về trách nhiệm bảo tồn, chắc chắn Giáo hội với các ban viện chuyên môn trực thuộc, không thể đứng ngoài, hoặc bàng quan, giao khoán cho các vị trụ trì, đặc biệt là đối với các ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử, là di sản của Phật giáo và Dân tộc.
Quảng Điền