GN - Lễ hội cúng Trăng ra đời từ một câu chuyện nhắc về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni...
Từ đua ghe ngo
Thành phố Sóc Trăng đã có những ngày nhộn nhịp, ngập tràn không khí lễ hội đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ nhất, diễn ra và kết thúc hồi cuối tuần qua.
Đua ghe ngo trong lễ hội ở Sóc Trăng năm 2013
Trong bốn ngày (từ 14 tới 17-11-2013) đã có 500.000 lượt khách địa phương, 10.000 du khách trong nước và trên 1.000 lượt khách quốc tế lũ lượt đổ về Sóc Trăng để chứng kiến những chương trình lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer. Cao điểm nhất là trong hai ngày 16 và 17 tháng 11, khi chương trình đua ghe ngo chính thức bước vào những cuộc tranh tài quyết liệt giữa 62 đội (49 đội nam và 13 đội nữ) đến từ chín tỉnh miền Tây Nam Bộ, với khoảng 6.200 vận động viên.
Đội đoạt chức vô địch đua ghe ngo ở giải đồng đội nam thuộc về huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với phần thưởng 200 triệu đồng. Vô địch giải đồng đội nữ là huyện Ngan Dừa, tỉnh Bạc Liêu, cũng nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng.
Để được đăng cai Festival đua ghe ngo có tầm vóc lớn nhất khu vực ĐBSCL từ trước tới nay, từ năm 2009-2013, tỉnh Sóc Trăng đã được Trung ương đầu tư kinh phí 500 tỷ đồng để cải tạo dòng sông Nguyệt Giang làm đường đua ghe, giải tỏa nhà dân, xây bờ kè, khán đài, lắp đặt hệ thống chiếu sáng v.v...
Căn cứ các số liệu vừa nêu, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, cho rằng Sóc Trăng có cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng với các tỉnh tại ĐBSCL vì đã tạo được thương hiệu từ lễ hội lúa gạo trước đây, và bây giờ là lễ hội đua ghe ngo. Từ năm 2014, ngoài phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, tỉnh này cũng sẽ đẩy mạnh loại hình du lịch miệt vườn sông nước và du lịch tâm linh.
“Hiện Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer đông nhất trên cả nước với trên 400.000 dân, chiếm một phần ba dân số cả tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 90 ngôi chùa Khmer, bao gồm chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Chén Kiểu (Sà Lôn) và chùa Đất Sét vốn là những thắng tích rất nổi tiếng khắp khu vực miền Tây Nam Bộ. Đó là một trong những yếu tố để tỉnh hướng đến việc phát triển du lịch tâm linh”, ông Quang cho biết.
Tỉnh này dự định sẽ xin phép Trung ương đăng cai tổ chức đua ghe ngo cấp quốc tế, với sự tham gia của các đội ghe đua đến từ Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Riêng lễ hội cấp khu vực ĐBSCL, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức hai năm một lần.
Về nguồn gốc đua ghe ngo, theo truyền thuyết: Ngày xưa có công chúa Neng Chanh (nàng Chanh) có tài sắc vẹn toàn được nhà vua rất yêu chuộng. Từ lòng ganh ghét ti tiện nên một tên quan đại thần đã vu cho nàng tội bỏ chất cáu bẩn ở móng tay vào nồi canh của vua. Biết mình không còn cách nào minh oan, nàng Chanh vội vã xuống thuyền xuôi theo dòng Ba Sắc bỏ trốn. Nhà vua cho quân lính đuổi theo hạ sát nàng. Biết không thể nào thoát thân cho nên nàng Chanh đã vội vã ném chiếc ống nhổ (Kon thô) là kỷ vật được nhà vua ban tặng trước đó xuống vàm sông và nơi đó sau này người Khmer gọi là “Peam Kho thô” và kết cục nàng bị vua xử trảm một cách thương tâm. Từ truyền thuyết đó, trong dân gian đồng bào Khmer tương truyền, để tưởng nhớ nàng Chanh tài hoa bạc mệnh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe ngo để diễn lại cảnh nàng công chúa chạy trốn khỏi hoàng cung đến vùng đất Ba Sắc, ngày nay là tỉnh Sóc Trăng.
Trong các cuộc thi thể thao dân gian, hiếm có loại hình nào như đua ghe ngo thu hút đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn lượt người dân reo hò cổ vũ suốt từ trưa đến chiều tối mà không hề rời khỏi vị trí của mình. Sở dĩ mỗi cuộc đua ghe ngo thường diễn ra vào 12 giờ trưa mỗi ngày, đó là vì thời điểm đó con nước đang dâng lên rất thuận tiện cho việc di chuyển ghe ngo.
Đến lễ hội cúng Trăng
Lễ hội Ok-om-bok (Oóc Om Bóc) là một lễ hội của người Khmer, Ok-om-bok (lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi) theo tiếng Khmer. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào ngày Rằm Cađấc theo Phật lịch, dịp rằm tháng 10 âm lịch. Thường được tổ chức tại của mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa, hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nơi đông bà con dân tộc người Khmer.
|
Nếu như đua ghe ngo là điểm nhấn xuyên suốt của Festival năm nay, thì lễ cúng Trăng (Oóc Om Bóc) lại là văn hóa cổ truyền từ nhiều thế kỷ qua của đồng bào Khmer miền Tây Nam Bộ.
Dựa vào các mẩu chuyện trong kinh điển Phật giáo và cổ tích Khmer, người ta lý giải rằng, lễ hội cúng Trăng ra đời từ một câu chuyện nhắc về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là vào một đêm trăng tròn, có chú thỏ phát nguyện hiến xác mình cho bất kỳ ai cần dùng đến. Lời nguyện đó ngay lập tức được vị thần Pres-anh nghe được. Ngài liền biến thành một cụ già, lom khom đến gần con thỏ xin được ăn thịt. Thỏ liền đồng ý, bảo thần Pres-anh hãy đi lấy củi và nhóm lửa lên, trong khi chờ thỏ tắm sạch sẽ.
Khi ngọn lửa cháy to, thỏ liền nhảy vào đống lửa tự thiêu mình, biến thành thức ăn cho cụ già (thần Pres-anh). Tuy nhiên, khi đó ngọn lửa không những thiêu chết thỏ mà còn phải tắt đi. Xúc động trước sự việc đó, thần Pres-anh bồng lấy thỏ, bay một mạch lên cung trăng và dùng phép màu vẽ hình thỏ in vào mặt trăng mãi mãi về sau này để con người thấy mà soi gương. Kể từ đó lễ hội cúng Trăng ra đời.
Trải qua nhiều thế hệ, việc cúng trăng luôn diễn ra vào đúng ngày rằm tháng Mười âm lịch. Lễ cúng Trăng vào đêm rằm “Ka-đak” cũng là ngày cuối cùng của mùa hạ và là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó lúa nếp là sớm nhất. Và để nhớ ơn mặt trăng, người ta lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp với năm loại hoa màu khác để cúng trăng vào đêm rằm tháng “Ka-đak”.
Trong đêm rằm tháng Mười, từng gia đình người Khmer tề tựu trước sân nhà hoặc tập trung tại khuôn viên chùa, hay nhiều gia đình cùng mang lễ vật đến một nơi rộng rãi trong phum sóc, không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng trăng.
Trong đêm hội cúng trăng năm nay tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, Bảo tàng Khmer là địa điểm được chọn để bày mâm lễ vật, hoa quả dâng lên cúng trăng tạ ơn. Khoảng 7 giờ tối, khi mặt trăng nhô lên cao, lễ hội chính thức bắt đầu bằng những nghi lễ theo truyền thống văn hóa Khmer và Phật giáo. Chư Tăng cũng được mời đến dự lễ cúng trăng và làm lễ sái tịnh cho tất cả mọi người tham gia đêm cúng trăng.
Sau nghi lễ, vị A Char - vị bô lão có đức độ sẽ xin phép lấy cốm dẹp ban phát cho tất cả mọi người. Người nhận lộc cốm dẹp sẽ xưng lời ước nguyện cho tất cả mọi người cùng nghe rồi với lấy một nắm cốm bỏ vào miệng nhai cho bằng hết.
Phổ Tâm
* Đọc thêm:
>> Lễ hội Ok-om-bok tại chùa Cadaransi
>> TT.Danh Lung giảng về Ok-om-bok