Nhớ hoài mùi mít nấu chay

Món mít nấu chay
Món mít nấu chay

GN - Tôi không phải là người ăn chay trường. Hồi nhỏ sống ở quê, cơ thể được nuôi dưỡng bằng nhiều chất bổ bao hàm đạm động vật và thực vật.

Ngày đó, tôi ăn nhiều loại động vật từ con cá đồng đến gà, vịt, chuột, lươn, rắn, ếch… Nói chung, con gì nhúc nhích ăn không chết là ăn, trừ những con vật chịu ảnh hưởng sắc thái tâm linh cha mẹ bắt kiêng cữ.

Tôi chứng kiến nhiều cảnh người ta sát hại loài vật mà ghê rợn. Có người cảm nhận hành động ấy là tội ác, nhưng vì miếng ăn phũ phàng đành phải đoạn lìa sự sống của chúng, mà lại lo sợ “Phật Trời quở phạt” nên vừa giết vừa vái lâm râm: “Xin các đấng bề trên phò hộ cho nó đầu thai lớp khác làm ăn, đừng đầu thai con vật ăn dơ ở dáy”!

Muốn ăn thịt con vật phải giết nó, ngoài mục đích giết để ăn còn kèm theo sự “thưởng ngoạn nghệ thuật giết”, tức phải giết chúng sao cho tàn nhẫn để ngắm nhìn thỏa thích! Cắt cổ con vịt xiêm ra hết máu, sao cho nó ngoắc ngoải không chết để phải bẻ cổ, tréo cánh, cột chân thảy vào nồi nước đang sôi trên trăm độ, trông nó giãy giụa vài phút để khoái trá! Gài bẫy bắt chim cu đang ấp trong tổ, lấy trứng uống tại chỗ, nhổ lông chim mẹ, đập đầu hoặc bóp tim cho đến khi nó ngừng thở! Cắt cổ lột da con cóc khi nó chắp hai chân trước như lạy lục xin tha!

Bắt con chó trung thành đang giữ nhà bỏ vào bao bố cột miệng quăng xuống ao cho chết ngợp rồi lôi lên làm thịt. Có con chó bị đập đầu mà không chết, vùng vẫy thoát thân chạy ra ruộng ẩn trốn trong lúa, vài hôm đầu óc bớt đau nhức, nó quay về vẫy đuôi tỏ “thái độ” xin tha để sống tiếp tục giữ nhà. Nhưng chủ nhìn nó một cách giận dữ bởi cái tội “sao tao đập đầu mầy không chết còn bỏ trốn!”. Chủ bèn đè nó xuống đập đầu lần nữa cho chết luôn, xong cạo lông, nướng vàng, ra thịt, ướp gia vị, nấu nhậu cười nói râm ran! Con trâu, con bò bị xiềng mũi lôi ra giết xẻ thịt, nó chảy nước mắt muốn van xin “đừng giết, để tôi tiếp tục kéo cày kéo cộ cho ông!”, nhưng rồi cũng bị hành quyết dã man!

Việc con người giết loài vật để ăn thịt trở thành phiên khúc buồn từ những mái hiên nhà miên man đến đại ngàn sâu thẳm. Nếu có vong linh, ắt vong linh chúng bám đầy kịt những chiếc lá phong sương ở khắp các khu rừng thiêng, kêu la, réo gọi, tru rống… xin loài người dừng tay lại!

Mặc dù không phủ nhận vai trò của thịt động vật trong dinh dưỡng, song ta cần phải nhân bản hơn: mong sao loài người bớt đi tính khí tàn bạo trong việc cần thiết phải giết con vật để làm “mồi” (giống như muốn giết tử tù, giờ người ta phải nghiên cứu sao cho họ bớt đau đớn), vì chúng cũng cảm nhận được giá trị sự sống và biết nhức nhối thịt xương như ta, chẳng qua chúng không nói được ngôn ngữ loài người nên chỉ thét gào chứ không biết chửi bới, van nài.

Những năm “trốn quân dịch” dưới chế độ cũ miền Nam, tôi lang bạt lẩn trốn trong các đền thánh, chùa chiền từ miền Đông về miền Tây…, đối phó với cái đói bằng các thức ăn chay, do đó tôi làm quen được nhiều món và nó trở thành khẩu vị tiềm thức, khiến tôi thèm thuồng khi lâu ngày không ăn lại. Chẳng hạn trong điều kiện quẫn bách khó khăn, chỉ cần một bó rau muống và một nhánh lá me, ta có thể nấu được nồi canh chua đủ ấp ủ cuộc đời qua từng ngày rét buốt; một vài chiếc nấm rơm kho, một mớ lục bình non trôi giạt trên sông hồ có thể chấm chao ăn vẫn bổ…

Thức ăn chay mà tôi nhớ và thích nhất là các món làm từ trái mít. Những năm ở Tây Ninh, tôi được ăn nhiều loại thực phẩm này. Gần đây tôi hay lượm, hái các quả mít non về tặng sư cô trụ trì tịnh xá gần nhà, cô chế thành món ngon tặng lại một phần, tôi ăn nghe ngon làm sao.

Có nhiều người sử dụng sản phẩm mít chỉ là việc bóc tách các múi mít chín ra ăn, sấy khô vô bịch, lấy hột nấu bùi bùi, bỏ xơ mít cả những trái non. Trong khi từ trái mít non đến chín, đều có thể chế biến thành thức ăn chay tuyệt hảo. Như xơ mít cắt ra, đập cho nhừ, trộn với bột rồi chiên dầu, dẻo thơm ngọt như đạm động vật, có người khi ăn lầm tưởng là thịt bò chiên! Mít non thì xắt lát nấu canh chua rất ngon; mít già thì gọt vỏ, chặt thành cục, hầm cho nhừ hoặc kho tương lạt ăn nhớ đời…

mit-non.jpg

Mít non luộc - Ảnh minh họa

Thỉnh thoảng đến vườn mít, ta thấy nhiều trái non rụng, chủ vườn bỏ lăn lóc. Xin thưa, đó là một điều hoang phí, nên tận dụng làm thức ăn.

Tiếc rằng các món làm từ mít ít thấy ở các tiệm bán đồ chay. Có thể nó sẽ trở thành món “đặc sản” và xuất khẩu, nếu có ai mở rộng cơ sở chế biến, góp phần giúp nông dân, người miền núi - nơi trồng nhiều mít - có cơ hội phát triển kinh tế.

Có người cảm thấy không vui khi chứng kiến nhiều món chay người ta “vẽ duyên”, tạo hình thù con vật như một kiểu nhắc nhở nội tâm về sự thèm khát thức ăn động vật hoặc đánh lừa chính vị giác mình cho dịch tiêu hóa tiết ra để dễ nuốt vào bụng? Điều đó có làm người ta tiếc nuối mùi trần tục? Cả mỗi khi nhìn tấm da trâu phủ lên mặt trống treo trong các đình chùa, nhiều vị chân tu vẫn nghe xót xa vì nó cũng là hình tượng sát sanh: một con vật kéo cày đã đau thương khụy xuống cho người đời lóc da bịt trống!

Trong thời đại nhân loại văn minh và tiến bộ nhiều hơn xưa, việc sử dụng thịt động vật làm thức ăn cũng đã được nghiên cứu giảm bớt. Ngoài việc tôn trọng quyền sống của chúng, thì việc sử dụng các món ăn chay thay thế thịt động vật cũng là một thái độ nhân văn, nhân bản, đầy nghĩa cử đạo đức, không những ở các vị chân tu, tín đồ, đạo hữu... mà nên có trong tất cả mọi người.

Khoa học đã chứng minh đạm thực vật vẫn có giá trị dinh dưỡng ngang hàng với thịt động vật. Chúng ta mong muốn loài người nghiên cứu sâu hơn về chức năng dinh dưỡng của các loại thực vật, tập cho vị giác mình cảm nhận nhiều về các món chay, mỗi người cố giảm đi một chút “tham ăn” thịt động vật để cứu chúng khỏi rơi vào tình trạng diệt chủng, gây thất thoát tài sản quý giá của môi trường, kéo theo sự hủy diệt con người mà ta thường kêu sợ: “tận thế”!

Không Phật, Trời nào muốn trái đất “tận thế”, hậu quả chỉ là do ta không biết nâng niu vốn quý của tạo hóa, tận diệt loài vật và hủy hoại môi trường sống, làm đảo lộn sự sắp xếp của những bàn tay tài ba tuyệt tác vô hình. Gần bảy tỷ miệng ăn trên hoàn vũ, nếu sống không hiểu biết, không khéo cứ cắn xé phanh thây các loài động vật, nhất là động vật hoang dã, thì sự trả giá cho ngày ấy phải đền nợ, dù sớm hay muộn!

Tôi nhớ hoài mùi mít nấu chay ngon thơm tuyệt diệu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.