Nhờ đâu mà Đức Phật biết hết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúng ta đều biết, Đức Phật thành tựu giác ngộ trên nền tảng trí tuệ Tam minh, túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. Tuệ giác của túc mạng minh và thiên nhãn minh nói dễ hiểu là năng lực biết rõ, thấu suốt quá khứ, vị lai. Những bậc Thánh A-la-hán trở lên cũng đầy đủ các năng lực này.

"Một thời Phật ở động Hoa lâm, vườn cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi khất thực, tụ họp ở Hoa lâm đường, cùng nhau bàn luận rằng:

- Các Hiền giả Tỳ-kheo, duy chỉ Đấng Vô Thượng Tôn, rất kỳ diệu, oai lực lớn lao, thần thông viễn đạt, mới biết rõ quá khứ vô số Đức Phật nhập Niết-bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận và cũng biết rõ kiếp số các Đức Phật ấy dài hay ngắn, cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mạng dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào; lại biết rõ các Đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có trí tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, an trụ như vậy. Thế nào, này chư Hiền? Đó là do Đức Như Lai thông rõ các pháp tính mà biết được hay do chư Thiên kể lại?

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn đang ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe rõ các Tỳ-kheo luận bàn như thế, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa lâm đường, ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn. Bấy giờ, Ðức Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi:

- Này chư Tỳ-kheo, các ngươi tụ tập nơi đây bàn luận chuyện gì?

Các Tỳ-kheo bèn đem hết mọi việc bạch lại với Phật. Rồi thì, Ðức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Lành thay, lành thay! Các ngươi đã với tâm chánh tín xuất gia học đạo, nên làm hai việc: một là nói năng theo pháp Hiền thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế. Như Lai thần thông oai lực lớn lao, biết khắp mọi việc từ vô số kiếp quá khứ, như thế là do thông rõ các pháp tính, đồng thời cũng do chư Thiên nói lại".

(Kinh Trường A-hàm, kinh Đại bản [trích])

Trong các pháp thoại, thỉnh thoảng Thế Tôn có kể về những nghiệp nhân quá khứ qua các câu chuyện tiền thân, đôi khi Ngài nói đến quả báo vị lai nhằm giúp thính chúng xác tín vào những gì đang xảy ra trong hiện tại. Dĩ nhiên, những vị đã chứng Thánh đều biết rõ về tuệ giác của Đức Phật. Còn chúng phàm, dù trọn tin nơi Đức Phật nhưng cũng phân vân, ngoài tuệ giác chứng ngộ biết rõ mọi việc, còn có ai trợ hóa cho Ngài?

Chúng ta đều biết, Đức Phật thành tựu giác ngộ trên nền tảng trí tuệ Tam minh, túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. Tuệ giác của túc mạng minh và thiên nhãn minh nói dễ hiểu là năng lực biết rõ, thấu suốt quá khứ, vị lai. Những bậc Thánh A-la-hán trở lên cũng đầy đủ các năng lực này. Dù biết hết nhưng muốn biết cụ thể một trường hợp nào thì các Ngài cần hướng tâm vào trường hợp đó. Ngoài ra, chư Thiên cũng có vai trò quan trọng trong việc trợ hóa cho Đức Phật. Việc chư Thiên tham gia phụ tá cho Đức Phật trong việc hoằng pháp còn mang ý nghĩa nhiếp phục ngoại đạo thờ trời quy hướng Tam bảo.

Một ý quan trọng nữa trong pháp thoại này là Đức Phật tán thán: “Các ngươi đã với tâm chánh tín xuất gia học đạo, nên làm hai việc: một là nói năng theo pháp Hiền thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế”. Luận bàn về những năng lực của Đức Phật như thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng… để tăng trưởng niềm tịnh tín nơi Thế Tôn là điều nên làm.

Nói năng và im lặng theo pháp Hiền thánh chính là phép tắc của người xuất gia. Hội tụ và tạp thoại vô bổ là điều mà Thế Tôn thường quở trách. Thế nhưng đây là chuyện thường ngày trong các hội chúng xuất gia từ xưa đến nay. Quan sát những chủ đề hay các câu chuyện của người xuất gia mỗi khi hội họp sẽ biết rõ thực tiễn của đạo pháp hưng suy, từ đó trở về học tập “Nói năng và im lặng theo pháp Hiền thánh”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.