GN - Từ nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về Tết đến, ở một đoạn dài trên phố Hàng Lược cùng mấy đoạn phố lân cận xung quanh đó lại rộn ràng, nhộn nhịp với chợ hoa...
Đào Tết - Ảnh minh họa
Theo sử sách, đây là một khu chợ hoa quy mô được xem là truyền thống được duy trì không chỉ trong suốt cả thế kỷ gần đây, mà còn có xuất xứ từ hàng ngàn năm trước khi mà kinh thành Thăng Long mới khởi dựng. Nơi này là chỗ mà người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở những làng hoa như Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… mang các loại hoa, cây cảnh đến bán mỗi khi Tết đến xuân về.
Khác với bây giờ người ta có thể mua hoa, cây cảnh ở mọi chỗ, mọi nơi, thậm chí là có thể gọi điện là chủ vườn, chủ buôn có thể mang tới tận nhà, bởi thời kinh tế thị trường với nền kinh tế phát triển thì con người ta sống khá tiện lợi. Thế nhưng, chỉ cách đây khoảng hơn chục năm trở về trước thôi, cư dân sống trong các quận nội thành của Hà Nội thường chỉ coi Hàng Lược là chợ hoa chính để đến mua sắm, dạo chơi và ngắm cảnh mỗi khi Tết sắp về.
Thường là chợ khai trương vào sau ngày Ông Táo, thì trước đó một ngày ban tổ chức được thành lập để bàn kế hoạch tổ chức và quản lý chợ sao cho quy củ. Người ta dùng dây chão hoặc ba-ri-e chặn ở hai đầu phố, cũng như các ngõ phố thông vào chợ hoa để ngăn dòng xe cộ đi vào. Chỉ các xe chở hoa, cây cảnh mang vào chợ bán và người đi bộ mới được lưu thông qua chợ. Trên vỉa hè, cũng như dưới lòng đường người của ban tổ chức sẽ chia lô và vạch vôi để phân chia cho các nhà vườn đăng ký thuê bán hàng trong gần chục ngày giáp Tết. Mỗi lô chỉ dài độ từ 1 đến 2 mét tính theo chiều dài của vỉa hè, và các chủ vườn cũng có thể bày biện được chục cành hoa đào, dăm cây quất cảnh.
Từ hôm chợ hoa khai trương thì hầu như chẳng có lúc nào trong khuôn viên chợ lại vắng người, mà ngược lại nó đông như mắc cửi khi người mua, kẻ bán, khách đi chơi chợ ngắm hoa cứ chen chân nhau. Khách du lịch nước ngoài cũng vô cùng thích thú với khung cảnh đẹp đầy sắc màu của khu chợ hoa nên không ít tốp khách cũng chen chân hòa vào dòng người vốn đông như nêm cối trong chợ…
Gia đình tôi cũng như rất nhiều các hộ dân sống trong khu vực phố cổ từ nhiều năm nay vẫn giữ thói quen mua đào hoa, mua quất cảnh tại chợ hoa Tết Hàng Lược. Tôi nhớ, thói quen này đã được giữ từ thời ông bà nội tôi cho đến bây giờ. Chẳng vậy mà, ngày tôi còn nhỏ xíu, bố mẹ tôi nhất quyết không bao giờ mua hoa đào cũng như quất cảnh của mấy người bán dạo qua cửa nhà, mà bắt buộc phải đến chợ hoa mua.
Dù bận rộn nhiều công việc nhưng bố mẹ tôi đều thu xếp ổn thỏa để một ngày nào đó cả gia đình dắt nhau đi chợ hoa Hàng Lược để vừa mua sắm, vừa tiện thể chơi chợ, ngắm cảnh và chụp ảnh làm kỷ niệm. Khi chọn được cảnh đào, cây quất nào ưng ý theo sự “nhất quán” của tất cả các thành viên trong gia đình thì thuê mấy bác xích-lô trực sẵn ở phía đầu chợ chuyên chở về nhà. Có những năm, sau khi “chấm” được hoa, cây cảnh rồi cả gia đình tôi còn đi chơi chợ, ngắm hoa cả vài tiếng đồng hồ nữa mới về. Chính vì chẳng năm nào vắng mặt ở phiên chợ hoa Tết như thế nên “Phố Hàng Lược chợ hoa” đã gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ.
Nhiều bức ảnh đen trắng hồi tôi còn học cấp 2 được chụp bên gốc quất, cành đào ở chợ hoa mà giờ đây trong album ảnh tôi vẫn còn lưu giữ. Ôi, nét mộc mạc, ngây thơ và đáng yêu của thời ấu thơ tôi ngày ấy sẽ khó lòng tìm thấy ở những đứa trẻ cùng trang lứa của thời hiện đại ngày nay…
Thời gian cứ trôi đi, con người ai cũng thêm một tuổi mới qua mỗi mùa xuân về và càng già đi, duy chỉ có những kỷ niệm thì lúc nào cũng vẹn nguyên, tươi mới. Chợ hoa Hàng Lược với không khí ồn ào, náo nhiệt, đông vui và đầy sắc màu khi Tết đến là một mảng trong vô vàn những kỷ niệm tuổi ấu thơ của tôi. Chẳng vậy mà dù có bộn bề công việc, trăn trở nghĩ suy vì tiền bạc cho công cuộc mưu sinh, và dù có ở đâu thì tôi cũng không bao giờ từ bỏ thói quen đi chợ hoa Hàng Lược vào những ngày sắp Tết, dẫu chỉ với mục đích chơi chợ ngắm hoa mà thôi…