GNO - Hôm nay, 9-9-2020, 100 gia đình được chia theo nhóm 10 người, theo giờ, thông báo từ hôm trước qua điện thoại, đã lần lượt đến chùa Kỳ Quang 2 để nhận dạng các hũ tro cốt thân nhân gửi tại đây.
Mọi người theo dõi thông tin phân bố thời gian và nhóm vào nhận dạng tại chùa
Thông tin cập nhật cuối ngày 9-9-2020 từ chùa Kỳ Quang cho biết do có một gia đình từ nơi xa, có những vị cao niên và lý do sức khỏe, nên trong ngày đầu tiên sắp xếp để các gia đình nhận dạng các hũ đựng tro cốt thân nhân phải giải quyết lên tới 107 gia đình. Thống kê sơ bộ đã có 101 gia đình đã nhận dạng được, với tổng số 190 hũ cốt. 36 hũ cốt chưa xác định được và 03 hũ cốt nhận dạng nhưng gia đình chưa chắc chắn.
Ghi nhận của phóng viên Báo Giác Ngộ, mọi người đã bình tĩnh, hợp tác và động viên nhau mong muốn sớm ổn định sự việc.
Trao đổi với phóng viên sau khi trở ra từ nơi thờ tro cốt, ông Giang Văn Hùng, 54 tuổi, lặn lội từ tỉnh Kiên Giang lên, không giấu nỗi xúc động cho biết gia đình ông thật may mắn, chỉ xuống ít phút là tìm thấy hũ cốt của thân phụ ông, nhờ đối chiếu với tấm ảnh mà gia đình ông đã chụp khi đến thăm viếng trước đó.
Ông Giang Văn Hùng và chị gái lặn lội từ Kiên Giang đến chùa lúc 5 giờ sáng vui mừng vì nhận dạng được hũ đựng tro cốt của người cha mình
Ông Hùng cho biết, gia đình ông đã gửi tro cốt người cha ông sau khi hỏa thiêu tại chùa Kỳ Quang 2 từ năm 2008. “Chúng tôi rất mừng, mong tất cả các gia đình đều tìm được tro cốt của thân nhân”, ông xúc động nói.
Ông Hùng cho biết sau khi được quý thầy tại chùa gọi điện thoại thông báo thời gian vào thăm và nhận dạng ông đã cùng người chị gái bắt xe từ Kiên Giang lên, có mặt tại chùa lúc 5 giờ sáng. Về thông tin nguyện vọng giải pháp tro cốt sẽ gửi tại chùa hay lựa chọn cách khác, ông cho biết sẽ bàn bạc với gia đình rồi quyết định.
Cụ bà Trần Thị Sâm vui mừng đã nhận dạng được 2 hũ tro cốt của cha và mẹ chồng
Cụ bà Trần Thị Sâm (82 tuổi, ngụ ở phường Thạnh Lộc, Q.12) do tuổi cao nên đã cử đại diện là người em dâu, bà Đỗ Thị Huệ vào nhận dạng và đã xác nhận được 2 hũ cốt của cha và mẹ chồng một cách không mấy khó khăn. “Cả gia đình mấy hôm nay ngày nào cũng qua chùa, mất ăn mất ngủ, bây giờ tìm được rồi thì yên tâm về lại nhà để chờ thông báo giải quyết tiếp theo của chùa”, cụ bà chia sẻ.
Được biết, có một số hũ tro cốt bị rơi cả hình ảnh và linh vị nhưng trong sáng nay, 9-9-2020, được các gia đình nhận dạng nhanh là nhờ vào việc trước đó đã có làm dấu theo cách riêng bên dưới đáy các hũ cốt, hoặc chụp ảnh đặc điểm các hũ cốt khi đến thăm.
Cụ Sâm cho biết gia đình cụ đã gửi tro cốt cha chồng vào chùa từ năm 1997, tro cốt mẹ chồng thì gửi vào sau khi cải táng và hỏa thiêu vào năm 2014. Hỏi về nguyện vọng, cụ bà cho biết việc sẽ họp con cháu nội ngoại rồi mới có thể quyết định. “Nhận dạng được là phấn khởi lắm rồi, cầu mong cho các gia đình khác cũng được như gia đình tui”, cụ bà nói.
Các thiện nguyện viên sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình
Anh Lê Trọng Đạt (sinh năm 1971, ngụ tại phường 17, Q.Gò Vấp, TP.HCM), là gia đình đã gửi tới 6 hũ cốt thân nhân nói với phóng viên, nhờ hỗ trợ của chư Tăng và các anh chị thiện nguyện viên tận tình giúp đỡ nên đã tìm thấy, nhận dạng được tất cả 6 hũ cốt của gia đình gửi tại đây, tìm thấy rất nhanh.
Cô Phạm Thị Quỳnh Hoa (sinh năm 1971, ngụ tại phường 4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng mất rất ít thời gian tới đợt vào nơi để cốt, dễ dàng nhận dạng hũ tro cốt thân mẫu của cô, cũng nhờ qua hình ảnh đã lưu và dấu hiệu riêng, dù trường hợp hũ cốt của mẹ cô bị rơi hình.
Cô Phạm Quỳnh Hoa nói sáng này "như trúng số độc đắc" vì đã nhanh chóng nhận dạng được hũ tro cốt người mẹ của mình và bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục gửi thờ phụng tại đây
“Mỗi năm gia đình đến chùa 4 đến 5 lần, dẫn con cháu theo và chụp hình lưu niệm để các con biết mình có nguồn gốc. Với những gia đình chưa tìm được hũ cốt người thân thì tôi mong mọi người hãy bình tĩnh, cầu nguyện, niệm Phật trong lòng, thành tâm, thì người nhà sẽ "nhắc" cho mình tìm ra, chứ xuống tìm mà ồn ào thì khó tìm lắm. Tôi khuyên mọi người cái gì cũng nên hoan hỷ. Thầy sai có Giáo hội, các cơ quan xử lý. Còn mình từ từ, đừng có buông lời thô tục, khi nghe những clip chửi bới đó tôi đau lòng lắm. Tôi cũng là nạn nhân, người trong hoàn cảnh đó. Không phải tôi tìm được cốt má của tôi thì tôi nói vậy”, cô Hoa bày tỏ.
Nhiều người tiếp tục đến bày tỏ nguyện vọng đăng ký thông tin
Cô cho biết thêm, ban đầu khi thấy thông tin và hình ảnh cốt một đường hình ảnh một nẻo cô đã khóc rất nhiều, bản thân cô cũng đã có quay clip đăng lên trang cá nhân và buột miệng “trời ơi, sao mà ác quá!”, rồi thấy mình cũng mang “khẩu nghiệp” nên từ từ lấy lại bình tĩnh. “Tôi rất cảm thông với các gia đình khác, nhưng mong mọi người cũng hãy bình tâm để nhanh chóng nhận dạng được tro cốt người thân gửi tại đây”, cô chia sẻ.
Cô cho biết gia đình có nguyện vọng tiếp tục gửi tro cốt thờ phụng tại đây. Cô thông tin thêm, gia đình cô biết tới quý thầy và chùa Kỳ Quang 2 từ những năm 1980, mẹ cô qua đời và chôn cất tại nghĩa trang chùa năm 1996, cho đến năm 2006 nghĩa trang bị giải tỏa, phải bốc mộ, hỏa thiêu và thờ ở chùa từ đó đến nay.
“Thầy không nhận tiền để cốt tại chùa. Gia đình chỉ có tốn tiền gia đình thuê người hốt tro cốt ở mộ. Để cốt ở đây không tốn một chi phí nào hết. Ở đây cúng cơm là chùa cúng, còn gia đình muốn cúng dường thì gia đình tự phát tâm”, cô Hoa nói.
Bảng dán các thông tin về bố trí thời gian sau khi liên lạc được sự xác nhận của các gia đình
Chùa vẫn tiếp tục hướng dẫn người đăng ký nhận dạng, điền thông tin nguyện vọng và thời gian cho các gia đình đến nhận dạng các hũ tro cốt thân nhân gửi tại đây trong các ngày tiếp theo.
Những gia đình chưa nhận dạng các hũ cốt, hoặc đã tìm thấy nhưng chưa chắc chắn sẽ được chùa sắp xếp thời gian nhận dạng trở lại sau đợt đăng ký đầu tiên hoàn tất.
Như Danh - Nhã An/Báo Giác Ngộ