GN - Hình ảnh một giám đốc người Nhật đi nhặt rác ở Công viên Hồ Gươm làm cho các bạn trẻ cảm thấy thật sự rất xấu hổ, muốn phải làm một cái gì đó. Từ đó, nhóm “Nhặt rác Sài thành” ra đời…
Vào sáng Chủ nhật hàng tuần, đúng 8g15 nhóm sẽ tập trung tại Công viên 30/4 (Q.1, TP.HCM), sau đó mọi người sẽ được phân một túi nilông, đồ gắp rác, mũ… bắt đầu đi nhặt rác. Vào những ngày đầu thành lập nhóm chỉ có 3 thành viên nhưng hiện tại đã lên đến 30 thành viên.
Các bạn trẻ sống tử tế với môi trường trong nhóm Nhặt rác Sài thành - Ảnh: Như Danh
Bạn Võ Văn Cường, Trưởng nhóm cho biết: “Sắp tới chúng mình không chỉ muốn nhặt rác ở khu vực Công viên 30/4 hay TP.HCM mà muốn nhặt rác cho tất cả mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Điều chúng mình muốn là truyền thông “ba không”: không cần xả rác, không dám xả rác, không muốn xả rác. Nhưng muốn thực hiện ba không đó thì không chỉ có nhóm Sài thành hay một mình mình, các bạn của mình mà là cả xã hội cùng bắt tay vào, cùng hành động”.
Để cho mọi người cùng nghe và cùng làm theo thì “nhóm chúng mình phải đi làm, nếu chúng mình không đi làm thì nói không ai nghe hết. Chúng mình muốn từ hành động của chúng mình, mọi người hãy cùng lắng nghe và cùng hành động với chúng mình, cùng hành động dựa trên ba không với điểm mẫu là làm sạch Công viên 30/4”, các thành viên của nhóm nhấn mạnh.
Với tâm niệm đó, trước khi làm, nhóm có liên hệ với Quản lý đô thị thành phố và Ban Quản lý Công viên và đã được hỗ trợ rất nhiều. “Đó là nguồn động lực rất lớn cho nhóm”, bạn trưởng nhóm bộc bạch.
Còn các thành viên tham gia nhóm, đều có chung chia sẻ: “Lúc đầu đi nhặt rác thấy ngại lắm tại ai cũng nhìn, nhưng sau đó mình thấy vui khi được làm công việc này”. Nhóm hiện đang có một trang online “Nhặt rác Sài thành”, sắp tới sẽ có các chuyên mục: Rác và tiền, 360o rác, câu chuyện cuộc sống và góc ảnh. Mục tiêu là chia sẻ về ba không (Không cần: để không cần xả rác, mình phải cung cấp đầy đủ phương tiện để người ta để rác; Không dám: mình phải có những quy định cụ thể để người có ý thức kém sẽ không dám làm; Không muốn: đi truyền thông làm cho hành động đó trở thành thói quen. Làm cho họ thấy xả rác là một hành động đáng phê phán nhất, từ những em bé đến những người lớn, dần dần trở thành ý thức sâu trong xã hội.
Nhặt rác Sài thành
“Xã hội rất nhiều rác, rác có mặt khắp nơi từ cái bọc, cái bánh, cái tàn thuốc, cái ống hút vứt bừa bãi ngoài đường chính là rác, cướp giật cũng là rác, vi phạm giao thông tràn lan cũng là rác, tham ô hối lộ chính là rác, nhận tiền bệnh nhân, thiếu y đức cũng là rác, dạy học chỉ vì tiền cũng là rác. Rác ở ngoài đường phố, rác trong công viêc, rác trong nền kinh tế, rác trong nền giáo dục, rác ở khắp mọi nơi trong xã hội, rác trong lòng chính mỗi người chúng ta.
Và sự vô cảm của chúng ta trước tất cả các loại rác đó cũng chính là rác. Và chuyện đầu tiên làm là đi nhặt rác và ý tưởng đầu tiên chỉ đơn giản là đi nhặt rác”