Nhật Bản: Phát hiện vết tích của ngôi chùa từ thế kỷ thứ 9

GNO - Theo tin từ The Buddhist Door, các nền đá của một giảng đường và ngôi chùa cao 5 tầng có từ thế kỷ thứ 9 đã được phát hiện trong khuôn viên chùa Phật giáo bị lãng quên rất lâu ở thành phố Kyoto - các quan chức thành phố này cho hay cuối tuần rồi (ảnh).

di tich chua co Kyoto 1.png

Các cấu trúc này có thể từng thuộc về chùa cổ Sai-ji (Tây Tự), được xây dựng vào năm 796 cùng tồn tại với ngôi chùa anh em To-ji (Đông Tự) hiện được UNESCO công nhận di sản thế giới, một phần của những Tượng đài Lịch sử của Kyoto cổ xưa.

Việc xây dựng các ngôi chùa đi theo sự dịch chuyển thủ đô Nhật Bản đến Heian-kyo (một trong nhiều cái tên trước đây của Kyoto) vào năm 794 từ cố đô Nagaoka-kyo - đánh dấu sự bắt đầu của triều đại Heian (794 - 1185).

“Đây là những phát hiện vô cùng quý báu để tìm hiểu kỹ hơn về Tây Tự, một ngôi chùa lớn cùng tồn tại song hành trong lịch sử với Đông Tự - những công trình mang dấu ấn của Heian-kyo”, theo The Mainichi.

Cơ quan Bảo tồn Di tích Văn hóa của thành phố Kyoto cho biết đây là những phát hiện đầu tiên về tàn tích của Tây Tự. Các ghi nhận cho thấy đa phần Tây Tự đều đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn năm 990 và phần còn sót lại của ngôi chùa 5 tầng này cũng đã cháy rụi hoàn toàn vào năm 1233, trong suốt triều đại Kamakura (1185 -1333).

Tôi rất ngạc nhiên vì các thành tố cấu trúc của Tây Tự vẫn còn sót lại trong điều kiện tốt như thế này. Đây là sự khám phá có ý nghĩa lớn lao giúp tìm hiểu về các công trình xây dựng từ triều đại Heian - chia sẻ của giáo sư khảo cổ Nobuya Ami, Đại học Kindai.

Tây Tự và Đông Tự là hai trong số tổng số ba ngôi chùa được phép tọa lạc trong thủ đô vào thời ấy; còn lại là chùa Shingon-in nằm trong hoàng cung.

Dựa vào vị trí, kích thước, dự đoán về niên đại xây dựng, các nhà nghiên cứu cho rằng phần còn sót lại được tìm thấy là nền móng của ngôi chùa 5 tầng nằm trong Tây Tự. Theo các cứ liệu lịch sử, Tây Tự gồm một ngôi chùa 5 tầng tương tự như mô hình 5 tầng bằng gỗ vẫn còn được đặt ở Đông Tự.

Theo sử liệu Nihon Sandai Jitsuroku, các ghi nhận từ khai quật cùng các nguồn khác, Tây Tự và Đông Tự được xây dựng đối xứng về hai phía của cổng thành phố Heian-kyo, có tên là Rajomon.

Ngôi chùa trong khuôn viên Tây Tự được cho là có vị trí đối diện với ngôi chùa 5 tầng nằm trong Đông Tự, vì vậy phần còn sót lại mới được phát hiện có khả năng cao là công trình này - theo The Asahi Shimbun.

di tich chua co Kyoto.png


Diện mạo chùa cổ Sai-ji qua bản vẽ

Các hiện vật bằng đất nung khai quật được tại di tích giúp khẳng định thêm rằng Tây Tự được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ thứ 9, tương thích với các số liệu lịch sử, ghi rằng công trình được xây vào năm 882. Bố trí và khoảng cách giữa các nền cột trụ là 3-3,5 m, hầu như đồng nhất với Đông Tự.

Phật giáo và Thần đạo (Shinto) là hai truyền thống tôn giáo phổ biến nhất ở Nhật Bản hiện nay với 79,2% dân số đang thực hành Thần đạo và 66,8% xác nhận là Phật tử. Thống kê này cho thấy mức trùng lắp cao giữa hai truyền thống, tuy nhiêm một số đông người Nhật tự nhận mình là người vô thần vì nhiều lý do văn hóa. Công giáo chiếm 1,5% dân số, các tôn giáo khác chiếm 7,1% - theo thống kê năm 2017.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.