Hương người đức hạnh ngược gió bay đi…
Theo đạo Phật, được làm người đã là hạnh phúc. Sinh ra với đầy đủ sáu căn, không khuyết tật lại càng hạnh phúc, may mắn. Tuy nhiên, trong cuộc sống có những người khi sinh ra đã phải chịu sự khiếm khuyết các căn. Hoặc cũng có thể vì tai nạn, bệnh tật, chiến tranh… mà phải mất đi một phần thân thể. Có những người khi rơi vào hoàn cảnh đó đã để mình ngụp lặn trong những nỗi khổ đau, buồn chán, tuyệt vọng, mất hết niềm tin. Song, chúng ta cũng gặp rất nhiều những con người biết vượt qua nỗi đau khiếm khuyết, không chỉ sống tự lập mà còn tỏa sáng trên những lĩnh vực nào đó, trở thành điểm tựa cho những người đồng cảnh ngộ. Câu chuyện về họ còn là một bài học giá trị mà cả những người lành lặn, đầy đủ sáu căn phải nghiêng mình thán phục.
Câu chuyện này muốn nói đến một con người - như thể là hoa của cuộc sống, đó là chị Hướng Dương, pháp danh Hạnh An (đệ tử của Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện), Chủ nhiệm Dự án Sách nói cho người mù (TP.HCM). Nhắc đến Hướng Dương là người ta nhắc đến một bông hoa đẹp, đã từng chịu nỗi khổ tai nạn, mất đôi chân do tai nạn tàu lửa vào năm 1996. Chị kể: "Những ngày đầu đối mặt với mất mát ấy đau khổ lắm, khóc miết thôi. Nhưng đó cũng là những tháng ngày cho mình cơ hội để chiêm nghiệm về Tứ diệu đế, đặc biệt là trải nghiệm… khổ đau. Đó cũng là những ngày mẹ đã dạy và cho mình tiếp cận với con đường sáng của giáo pháp Phật rõ ràng nhất thông qua sách vở, băng giảng của quý thầy, quý vị thiền sư".
Không ít người mỗi khi nhắc đến Hướng Dương đều trầm trồ: "Một người sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh đã là nỗi buồn nhưng cũng dễ chấp nhận hơn là khi mình đang lành lặn lại phải bị khuyết tật vì tai nạn nào đó. Nói như thế để thấy Hướng Dương là một người kiên cường, chị đã vượt qua được nỗi đau bị tai nạn, không thể đi trên hai chân mình". Từ khi bị tai nạn cho đến khi trở thành người chị cả của những người khuyết tật và nổi tiếng với dự án Sách nói cho người mù, chị đã miệt mài cống hiến vì một lẽ: Mình còn đôi mắt là một may mắn, có những người cả đời phải chìm trong bóng tối… Có lẽ điểm sáng trong chị chính là ở suy nghĩ ấy, những nhận thức được khơi gợi từ Phật pháp và qua trải nghiệm thực tập niệm Phật. Tâm đắc với con đường mình đã trải qua, đã chọn, Hướng Dương lạc quan: "Đến bây giờ tôi không hối về những mất mát mình phải chịu bởi từ mất mát ấy mình đã tìm thấy đường đi. Đôi chân không còn nhưng biết đường đi còn hơn là còn đôi chân mà chạy lăng quăng rồi chẳng biết đâm đầu vào bờ bụi nào". Và đó chính là cái cách của một người ngộ rõ cuộc đời để rồi chị nguyện sẽ đi theo con đường từ thiện cho đến cuối đời, chung tay giúp cho nhiều người còn khổ ngoài kia.
Chúng ta không thể không nhắc đến những hiệp sĩ công nghệ thông tin như anh Trần Bá Thiện, Nguyễn Công Hùng. Công Hùng là người bị khuyết tật vận động, còn anh Bá Thiện là người bị mù nhưng đã tiếp xúc với công nghệ thông tin, ứng dụng vào cuộc sống của mình, đồng thời chia sẻ với người khuyết tật. Câu chuyện của họ từng được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á thể hiện trong triển lãm ảnh "Họ đã sống như thế". Khi xem loạt ảnh về những con người vượt qua nghịch cảnh trong "Họ đã sống như thế", nhiều người đã xúc động về nghị lực trong các anh. "Xem những bức ảnh, những câu chuyện về những người khuyết tật không đầu hàng số phận đã nhắc tôi nhiều về giá trị cuộc sống, để tôi có định nghĩa khác về hạnh phúc. Nhắc rằng hạnh phúc là được sống…". - bạn Trần Lệ Uyên tâm sự.
Chúng ta cũng không thể không nói đến người Phật tử Nghiêm Kính (Tạ Thị Kim Nga) ở Q.4, TP.HCM, chị bị mù bẩm sinh, vượt qua tất cả trở ngại, chị đã cùng với quý Thầy, quý Sư cô chung tay thực hiện nhiều bản kinh bằng chữ Braille (chữ nổi) dành cho người mù. Phật pháp đã soi sáng trong chị một con đường thênh thang và sự an lạc thân tâm. Việc làm của chị xuất phát từ tâm niệm chia sẻ, mong ánh sáng ấy soi vào những u uẩn, chuyển hóa những tâm niệm tiêu cực trong tâm người đồng cảnh ngộ, mà hơn ai hết, chị là người đã thấu hiểu. Sự nỗ lực ấy đã thành hoa trái, đó là những bản kinh đầu tiên về chữ Braille được ra đời (hồi tháng 12-2008) mà Giác Ngộ đã có lần đưa tin.
Câu chuyện sẽ còn rất dài, có thể họ là những vận động viên, những nhóm bạn khuyết tật quy tụ dưới một mái nhà có tên Đời Rất Đẹp ở Q.10 (TP.HCM), để cùng nâng đỡ, khích lệ nhau mỗi khi nản chí, ở đó, tài năng của họ được thăng hoa, được xã hội tôn trọng. Đó cũng là nơi một cô bé khuyết tật trở thành ca sĩ Thủy Tiên, người chuyên hát ca lời yêu thương vô điều kiện trong nhạc Trịnh…
Thắp lên và giữ gìn ngọn lửa
Lửa mà tôi muốn nói đây chính là lửa niềm tin vào các giá trị sống tốt đẹp, tin rồi sống, nỗ lực sống tốt và cống hiến cho đời. Những gương mặt được kể ở trên không phải là tất cả, nhưng có thể là đại diện cho những người không may, nhưng họ đã thắp được lửa niềm tin trong tâm thức của mình và qua hành động cụ thể, họ đã truyền ngọn lửa đó cho nhiều người. Và đây là cách của họ nâng đỡ nhau trong cuộc sống: "Em thường tham gia những buổi giao lưu với những anh chị khuyết tật thành đạt, và cả nghe đọc báo nữa. Tụi em biết những anh chị như anh Bá Thiện, Công Hùng, chị Hướng Dương…, các anh chị ấy là niềm tin để em không gục ngã!" - N.T.T.V, một bạn trẻ khuyết tật ở Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu bộc bạch.
Khuyết tật bẩm sinh hay do hoàn cảnh đều là điều không ai mong muốn xảy ra với chính mình, với người thân của mình. Dù bị khuyết tật, họ vẫn là con người, họ cần sự chia sẻ của cộng đồng chứ không cần sự thương hại. Họ cần được thắp sáng niềm tin, họ cần một ánh sáng để có thể tự nhìn ra những u uẩn trong lòng mình - những u uẩn đôi khi do thành kiến xã hội tạo ra cho họ, tự nhận ra để thấy được rằng hạnh phúc là điều thật giản dị, là điều mình có thể chủ động, ai cũng có thể có hạnh phúc nếu biết tự thân chuyển hóa các tâm lý tiêu cực thành tâm lý tốt, có tình thương và muốn được hiến tặng tình thương cho cuộc đời. Như ánh sáng chiếu đến đâu thì bóng tối tan theo đến đó. Niềm tin đến đâu thì yêu thương và trí tuệ có mặt đến đó. Cuộc đời có mặt yêu thương và trí tuệ, cũng như con chim có đôi cánh mạnh mẽ, có thể tung bay lên trời cao.
Khuyết tật một phần về cơ thể là điều không ai muốn, nhưng đó chưa phải là đoạn cuối của một con đường không lối ra, bằng chứng như trên, và nhiều hơn nữa nếu nhìn ra thế giới. Điều bất hạnh không phải là bị khuyết tật, mà là thiếu niềm tin vào cuộc sống, vào các giá trị sống tốt đẹp. Có người bị khuyết tật về cơ thể, nhưng là những bông hoa của đời sống. Còn có người sinh ra với cơ thể bình thường nhưng lại khuyết tật về tinh thần, sống ích kỷ, không tin vào đạo lý nhân quả. Sự khuyết tật về đời sống tinh thần mới là đáng ngại và đáng sợ.
"Thật vui vì trong cuộc sống có những ‘bông hoa’ đẹp như những nhân vật khuyết tật trong triển lãm "Họ đã sống như thế". Càng thán phục họ bao nhiêu thì tôi càng buồn vì có những người lành lặn, trong đó có người có quyền lực, địa vị… nhưng đã dùng những xảo thuật để thành công, để có thêm những lợi ích, để cướp đoạt của người nghèo...", Đào Thanh Tùng (Nhóm thiện nguyện Đèn Đom Đóm). |